Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Kompong Cham êm ái những đường tre


SGTT.VN - Con đường tre không chỉ là đường chạy trong bóng tre xanh. Đường tre được làm bằng những tấm phên tre, lót trên những đường cát lún, để nâng những vòng xe của em nhẹ đến lớp, đỡ bước chân mẹ bớt nhọc nhằn…
Những di tích thời Angkor
Đường phênh tre mở trên cát lún để cho vòng xe em nhẹ đến trường, đỡ bước chân cha run... Ảnh: Trần Thái Hoãn
Tôi đi Kompong Cham, lần thứ ba. Ấn tượng lần ghé đầu, Kompong Cham mát mẻ xanh mượt bên dòng Mekong trưa phả gió vào phố. Đêm tạt ngang lần hai, phố khuya vắng vẻ, lung linh chiếc cầu với những ngọn đèn vàng soi bóng Mekong. Lần này, ghé thăm chính thức, những cảm nhận vội vã ban đầu vẫn được giữ nguyên – điều hiếm thấy trong hành trình lang bạt của tôi. Hơn thế nữa, ở lại đây lâu hơn, tôi đã gặp Kompong Cham khác, với nét duyên lạ. Khác hẳn một Campuchia mờ mịt bụi đỏ, trong ký ức của tôi – và chắc cũng của nhiều người.
Như nhiều miền đất khác trên đất Campuchia, Kompong Cham có nhiều di tích từ thời Angkor. Không hoành tráng như Angkor Wat, Koh Ker hay Prasat, Preah Vihear… nhưng chúng có những nét riêng. Những người giàu trí tưởng tượng hay ví von cụm đền chùa Wat Nokor như búp bê Nga Matrioska, vì ngôi chùa Phật giáo Tiểu thừa, xây dựng vào thế kỷ 19, lại nằm trong khuôn viên ngôi chùa Đại thừa từ thế kỷ 11 cổ xưa, đẹp rạng ngời. Rồi cụm Núi Ông, Núi Bà (Phnom Pros, Phnom Srei) với chùa xưa, đền mới nằm trên hai ngọn đồi cao, cách phố khoảng 7km…
Lang thang mê mải nơi đền xưa tháp cũ… tôi về lại phố lúc nắng trưa. Trời trong vắt, làm dòng Mekong dậy lên màu xanh mênh mang. Những ngày tháng 3 sông êm ru, loang loáng nắng như tấm gương cho lũ mây non thập thò. Triền sông xanh, dưới sông điểm mấy con đò lười nhác trôi. Tôi dự định sẽ chia tay Kompong Cham, ra đi chiều nay. Nhưng khi dong xe ngược xuôi hang cùng ngõ hẻm, như để chào phố trước khi đi, tôi sững sờ trước một chiếc cầu tre chông chênh nơi dòng Mekong xa xa… Dừng xe, tôi xuống bến sông và quyết định ở lại Kompong Cham. Tôi sẽ chờ ngày đi đêm tới, chờ đêm vắng nắng lên, bên chiếc cầu này...
Cầu, đường tre của dân xóm cồn
Chỉ cách Phnom Penh 120km, chừng ba giờ đi xe, khoảng 40.000 đồng tiền vé, Kompong Cham ít được khách du lịch ghé thăm. Quốc lộ 7 chạy từ Phnom Penh lên, dừng chân nơi cuối phố, trước khi leo lên cầu ngang qua Mekong, lên hướng bắc đi tiếp Kratie, hay rẽ tây về Siem Reap. Nằm bên dòng Mekong cuồn cuộn xuôi nam, là thành phố lớn của Campuchia nhưng Kompong Cham tạo cho du khách cảm giác nhỏ gọn, ấm cúng.
Tôi đã không ít lần xuôi Nam Mae Khong, qua Tonle Mekong, dọc Cửu Long Giang… nhưng chưa bao giờ gặp một chiếc cầu tre bắt qua dòng Mekong. Ở miền Nam Việt Nam nhiều cầu tre lắm cầu dừa… nhưng cho đến chiều nay, ở Kompong Cham, tôi thấy mình rất may mắn, vì chiếc cầu tre này chỉ có trong mùa khô. Khi những con lũ mang nặng phù sa về, cầu sẽ trôi theo dòng sông.
Những chiếc cầu dây văng bắc qua sông Cửu Long thật ấn tượng. Kompong Cham cũng có một cây cầu bêtông vững chắc ngang qua. nhưng tôi lại yêu chiếc cầu tre này. Cầu nên thơ. Cầu nhỏ nhoi như những phận nghèo, của những người khó. Cầu mong manh, nhưng để em đạp những vòng xe đến trường; để mẹ kĩu kịt những gánh khẳm hàng họp chợ đông; để những bầy trẻ thơ vui dùng làm cầu nhảy, lao xuống dòng Mekong xanh ngày mùa lũ còn xa; để những chiếc thổ mộ leng keng bước nhỏ, lúc hùng dũng băng nhanh…
Nhưng, ngang cầu sang sông, tôi mới yêu làm sao con đường tre. Tiếp nối cầu, con đường tre từ ven sông chạy mải miết trên con đường cát mịn, ngang nương rẫy đầy phù sa sâu vào thôn xóm… để đỡ nhẹ những bước chân. Ai từng run chân lê bước trên cát lún một trưa nắng rã rời mới hiểu giá trị của đường tre. Những con đường tre mới nhân bản làm sao, hồn hậu hiểu thấu lòng người xiết bao. Nên tôi yêu Kompong Cham, tôi yêu con đường tre, cho vòng xe em nhẹ, đỡ chân cha run, dìu bước mẹ bớt nhọc nhằn... Sao quê mình, sao nhiều nơi vẫn chưa có những con đường tre? Hay chỉ vì tôi chưa thấy?
Chiều. Tôi nhét vào balô mấy chai Angkor, lững thững ra sông, thong dong ngắm chiều xuống, hoàng hôn lặng lẽ, yên bình. Cầu tre, đường tre vắng tênh, người dân xóm cồn chăm chỉ đã yên ấm bên bếp chiều khói lên.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét