Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Juliet thân yêu, tôi có một chuyện tình…


SGTT.VN - Đặt vé máy bay đến Ý, tôi không đi tìm cho mình Roma kiều diễm hay Milan sành điệu. Trong cuốn sổ tay du lịch, tôi ghi lại địa chỉ “23 via Capello, Verona”. Người tôi sắp gặp mang tên Juliet Capulet và tôi nợ nàng một chuyện tình…
Cô ấy bất tử như tình yêu
Tượng nàng Juliet ở phía dưới bancông nhà nàng. Dân du lịch đến đây thích chạm tay vào ngực phải của nàng để lấy may. Ảnh: Trương Anh Ngọc
Đến Verona, bạn sẽ dễ dàng nhận ra: nàng Juliet ở khắp mọi ngõ ngách trong thành phố và mọi nẻo đường đều dẫn tới nhà nàng dù đấu trường Arena, khu giáo đường và trung tâm mua sắm cũng hấp dẫn không kém. Người Verona thường nói rằng: Juliet đã chết nhưng tình yêu thì bất tử.
Căn nhà nằm khiêm nhường trong một phố nhỏ nhưng lại là nơi tập trung nhiều khách du lịch nhất trong thành phố. Hai chỗ nổi bật và thu hút được nhiều sự quan tâm nhất là bancông tình yêu, nơi đôi tình nhân lén gặp nhau và bức tượng của nàng Juliet làm bằng đồng mà người ta tin rằng, nếu chạm được vào ngực của bức tượng, bạn sẽ gặp may mắn trong tình yêu. Bạn chắc chắn phải xếp hàng dài để được đến gần hai vị trí đó.
Riêng tôi, không nôn nóng, tôi lang thang đi vào từng ngách nhỏ quanh nhà và nàng Juliet đã tặng tôi những bí mật thú vị. Tôi tìm thấy ở phía đối diện bancông tình yêu, một khoảng sân nhỏ với hàng trăm những viên đá nhỏ lát sân có những dòng chữ yểu điệu được khắc vô cùng nhỏ và tỉ mẩn. Mỗi viên đá lát chỉ rộng 5 x 5cm nhưng trên đó, những đôi tình nhân khắc tên mình và điều ước rất đẹp cho tình yêu của họ. Hoá ra, ở góc khuất trên sân thượng nhà Juliet, có một xưởng khắc đá tình yêu. Xưởng không có đông khách vì khách du lịch đang mải mê thăm thú phía bên kia ngôi nhà. Một phần sân đáng kể đã phủ đầy chữ, một phần còn lại vẫn đợi những đôi tình nhân đặt ước nguyện của mình ngay ở thánh địa của tình yêu.
Thư tình gửi Juliet
Những bức thư gửi Juliet.
Là một cô nàng mê phim, và đắm đuối với bộ phim Thư gửi Juliet, tôi hơn một lần tự hỏi câu lạc bộ Juliet có thật hay chỉ là sáng tạo của nhà đạo diễn tài tình. Đang lang thang đi quanh nhà Juliet, tôi vô tình nhìn thấy tấm biển khiêm tốn màu đỏ: “Club di Giulietta” (Câu lạc bộ của nàng Juliet). Chợt nhớ về bộ phim yêu thích, tôi tò mò đi theo hướng dẫn của tấm biển.
Căn phòng be bé nằm trên tầng hai của tiệm bán đồ thêu ren, khuất sau gian hàng bán đồ thể thao, hoá ra đúng là phòng làm việc của “những cô thư ký của nàng Juliet” như trong bộ phim miêu tả.
Câu lạc bộ Juliet là một nhóm những tình nguyện viên được thành lập hơn 70 năm trước. Đó là khoảng năm 1930 khi một bức thư được gửi đến với dòng địa chỉ đơn giản: “Juliet, Verona”. Không hiểu bằng cách nào mà dòng địa chỉ sơ sài ấy lại mang được bức thư đến nhà nguyện được tin là mộ của nàng Juliet. Một người cựu chiến binh, chỉ học một chút xíu tiếng Anh trong quân ngũ, vô tình tìm được lá thư. Ông đã “mạn phép” nàng Juliet, mở ra đọc. Ông quyết định xưng danh là nàng Juliet và hồi âm lại với những lời khuyên và an ủi. Sau đó, con trai ông đã bắt đầu thực hiện ý tưởng về câu lạc bộ.
Bancông tình yêu. Ảnh: Trương Anh Ngọc.
Câu lạc bộ của nàng Juliet nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì cách họ, đại diện cho nàng Juliet, tư vấn tình yêu và giúp đỡ các cô gái đang bế tắc trong tình yêu. Trong căn phòng đó, bạn sẽ đọc được những bức thư lưu giữ cẩn thận. Đó có thể là bức thư của cô bé Ba Lan viết trên tờ giấy vở học sinh kể về anh chàng người Ý cô gặp trong một trại hè nhưng lại biệt tích khi hai người về nước, bức thư của cô gái người Pháp chờ mong vào đám cưới với người bạn thủa nhỏ đang học ở xa. Giữa những bức thư buồn còn nhoè đi vì nước mắt, bạn sẽ thấy cả những note nhỏ cảm ơn vì nhờ những lời khuyên của nàng Juliet, những cô gái đã tìm được tình yêu cả đời của mình. Năm 2010, người ta ước tính câu lạc bộ nhận được khoảng 5.000 lá thư và hai phần ba trong số đó gửi từ những người phụ nữ.
Căn phòng bài trí bằng chính những bức thư, đủ mọi thứ tiếng. Trong căn phòng, bạn sẽ thấy một thùng thư màu đỏ là mô hình ngôi nhà và bancông tình yêu, những tấm thiệp và giấy viết thư để sẵn và những cuốn sổ cứ dày thêm những dòng tâm sự của những cô gái đã qua đây. Đến tối, các cô thư ký hiện giờ của nàng Juliet sẽ tới và thu lại những bức thư của ngày hôm đó, đọc và hồi âm cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi thư qua mạng, trên các máy tính đặt trong… nhà nàng Juliet hay qua trang web www.julietclub.com từ nhà bạn. Hiện giờ, câu lạc bộ có tám tình nguyện viên, và chủ tịch câu lạc bộ là người đàn ông mang tên Giulio Tamassia.
Câu lạc bộ còn tổ chức các cuộc thi viết thư hàng năm mang tên “Dear Juliet” hay “Cara Giulietta” trong tiếng Ý. Những bức thư hay nhất, xúc động nhất sẽ được trao giải trong ngày Valentine năm đó.
Câu chuyện về những nàng thư ký của Juliet vẫn mãi là một bí mật thú vị cho đến năm 2006, khi hai tác giả Lise Friedman và Ceil Friedman cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên Thư gửi Juliet. Ngoài việc kể câu chuyện tình hư cấu thú vị trong lá thư chôn giấu hàng thập kỷ tại nhà Juliet, cuốn tiểu thuyết được coi là đã vén bức màn ngọt ngào về những người phụ nữ thích đọc thư và nghe những chuyện tình ở Verona, hay những người giúp Juliet trở nên bất tử. Năm 2010, cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim.
Ngồi hàng giờ đọc các lá thư gửi Juliet, tôi thấy không biết bao từ “Dear Juliet” viết bằng đủ các thứ tiếng – Chère Juliet, Querida Juliet, Dear Juliet, Cara Juliet, và đến lượt mình, tôi viết “Juliet thân yêu” bằng tiếng Việt. Khi tôi gửi thư đi, hai bà cụ đứng cạnh tôi, không biết đã quan sát tôi từ lúc nào, đi qua và vỗ lên vai tôi rất âu yếm: “Sweetie, I am sure that you will find your true love” (Cháu yêu, ta tin cháu sẽ tìm được tình yêu thực sự).
Hòm thư gửi nàng Juliet.Những ổ khoá tình yêu trên cửa nhà Juliet của các đôi tình nhân mong muốn được trọn đời bên nhau.
TRAVELLING KAT
ẢNH: KIM NGÂN, HỒNG NHUNG
Romeo và Juliet, bao nhiêu % sự thật?
Tận một thế kỷ trước khi Shakespeare viết vở kịch để đời của ông, ở nước Ý, câu chuyện về cặp tình nhân yêu nhau say đắm nhưng không đến được với nhau do mâu thuẫn giữa hai gia đình và quyết tìm đến nhau bằng cái chết, đã nổi tiếng qua truyền khẩu.
Luigi da Porto là tác giả đầu tiên kể lại câu chuyện này trên giấy, đặt câu chuyện trong bối cảnh Verona thế kỷ 14 và đặt tên cho hai nhân vật là Romeo và Giulietta. Nhiều tác giả khác cũng kể lại chuyện tình này bằng những vần thơ, tác phẩm văn xuôi nhưng chỉ đến khi Shakespeare đưa câu chuyện lên sân khấu kịch trong thời gian xã hội Anh đang bị chia rẽ và rối ren nghiêm trọng thì “Romeo và Juliet” mới tạo được tiếng vang lớn và có được tên tuổi như ngày nay.
Ngôi nhà số 23 đường Capello bây giờ vốn là biệt thự của dòng họ Capello, mà nhiều người liên hệ tới họ Capulet của nàng Juliet. Còn ngôi nhà khiêm nhường hơn ở gần đó của gia đình Montecchi đã làm những nhà lịch sử liên hệ tới họ Montague của Romeo.
Hành trình tìm đến Juliet
- Từ Roma, Venice, Florence hay Milan bạn đều có thể bắt tàu đến Verona. Bí quyết để mua vé tàu rẻ là bạn mua vé từng chặng ngắn. Giá vừa rẻ hơn mà bạn có thể tham quan các thành phố khác khi đổi tàu. Ở Ý, đừng quên đưa vé vào máy dập (validate) trước khi lên tàu nếu không, dù bạn có vé trong tay, bạn vẫn bị buộc tội đi lậu vé đấy.
- Đừng vội mua bản đồ du lịch. Verona bé hơn bạn nghĩ. Hãy chú ý những tấm biển trên tường ở Verona. Phần lớn các tấm biển đều chỉ đến nhà Juliet, một số khác là những câu trích dẫn rất hay của Shakespeare.
- Bạn có thể dùng thẻ sinh viên để mua vé vào tham quan nhà nàng Juliet với giá ưu đãi, 6 euro (tháng 5.2011).- Nhưng cũng đừng chăm chăm tìm đến nhà nàng mà quên mất phần còn lại của thành phố xinh đẹp này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét