Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Đến cảng Busan ăn cá sống


SGTT.VN - Tôi đến Busan vào những ngày hè rực nắng, khi bãi biển Haeundae đông kín những chiếc dù và du khách phơi nắng. Thành phố cảng lớn bậc nhất Hàn Quốc này không chỉ làm đắm lòng người bởi cảnh đẹp mà các món ăn truyền thống nơi đây còn làm người ta khoái, nhất là đối với kẻ lữ hành vốn mê ẩm thực như tôi!
Tín hiệu của quán cá tươi sống
Ngoài 2 – 3 chén nước chấm còn có các loại rau củ ăn kèm với món cá sống như: ớt xanh, tỏi, lá bạc hà... Ảnh: Hoài Nam
Trong tiếng Hán Hàn, houe có nghĩa là cá sống, chip có nghĩa là nhà. Các quán ăn ở Hàn Quốc thường được trưng với biển có chữ houe hoặc houe chip. Nhìn vào đó cộng thêm một bể cá đặt ngay trước cửa tiệm thì chắc chắn bạn đã đến đúng nơi cần đến.
Đặt chân đến cảng Busan, đón tôi là anh bạn thân Yong Min quen nhau từ hồi đại học. Trời tháng 8 nắng nóng oi bức, gió từ biển thổi vào mang theo hơi muối mặn khiến cho mọi người cảm thấy rất khó chịu. Yong Min hỏi tôi, có muốn tìm cảm giác mát lạnh trong dạ dày không. Không chần chờ tôi gật đầu ngay.
Trực chỉ hướng chợ Sujeong-Dong, cả nhóm tìm đến quán houe mà Yong Min thân thiết từ nhiều năm nay. Ông chủ quán đúng phong cách người Busan xởi lởi vui vẻ, giọng sang sảng: “Bạn người nước ngoài à, vào đây. Muốn xem làm houe phải không, thoải mái đi!”. Đã quá quen với cách chào đón thân thiện đúng kiểu người miền biển, tôi cảm giác như đang trở về nhà với vai trò của một đứa cháu nghe ông chú biểu diễn nấu ăn.
Ông chủ Kang, thân hình bệ vệ, quấn tạp dề, đội mũ, đi ủng nhanh tay vớt trong bể ra một chú cá, tay thoăn thoắt bỏ đầu cạo vảy. Lưỡi dao mỏng nhẹ lướt dọc theo thớ thịt đến sát xương lấy ra từng miếng cá trắng hồng đặt lên dĩa. Có rất nhiều loại cá được sử dụng cho món houe như kwango (cá bơn), chamchi (cá ngừ) jono (cá chim), jingo (cá chình). Một số nơi còn bán cả ojingo (cá mực) hay yono (cá hồi).
Thưởng thức houe với nhiều gia vị
Có nhìn một bàn ăn của người Hàn mới thấy được sự phong phú trong ẩm thực của họ, đặc biệt là các loại nước chấm và tương. Để dùng kèm với houe, người ta bày lên bàn tương ớt đỏ, tương ớt dầm. Tương ớt dầm là hỗn hợp tỏi xay, mè và ớt có vị giống sa tế ăn bún bò ở Việt Nam và tất nhiên là rất cay. Thêm nước tương và mù tạc, mỗi người chúng tôi có đến 2 – 3 chén nước chấm trước mặt. Người Hàn thường trộn tất cả các loại nước chấm với nhau và quấy đều, tuỳ khẩu vị của mỗi người mà họ pha phối.
Sau nước chấm, các loại rau củ ăn kèm không thể thiếu koju (ớt xanh), mahun (tỏi), ken-ip (lá bạc hà), sangchu (rau cải xanh). Vì quá mê món houe hay sao mà tôi thuộc làu tên từng loại ngay lần đầu tiên được nếm thử. Young Min giải thích, người Hàn ăn cá sống vừa tươi vừa không bị ngán. Chất đạm trong thịt cá tốt cho sức khoẻ, sau khi ăn và ngủ đủ bữa da dẻ láng mịn và tươi trẻ.
Đi ăn houe ở chợ có cái hay, bởi họ phục vụ khách đại trà nên chủ quán thường bán kèm rất nhiều loại cá khác nhau trong một phần. Dĩa houe tổng hợp lúc nào cũng có ba loại thịt, nạc nhất là phần mình cá, kế đến là thịt lườn được cắt sợi, còn lại là thịt đuôi được cắt ngang xương sống. Thịt nạc ăn vừa miệng, không quá dai vẫn có cảm giác sần sật; thịt lườn và gần vây “gân” hơn, cắn vào hơi cứng; còn phần thịt đuôi thi thoảng có xương nhỏ nhưng lại rất ngọt.
Giá một dĩa houe khoảng 30.000 – 40.000 won (30 – 40 USD) cho 3 – 5 người ăn. Người Hàn ít uống nước lạnh khi ăn houe vì không đúng “tông” và dễ bị đau bụng. Ở Busan, khu chợ Sujeong-Dong nằm ngay bên cạnh cửa ra số 5 của ga tàu điện ngầm tên Busan-jin. Bạn có thể đón tàu điện hoặc xe buýt từ bất cứ nơi nào của thành phố.
Cá nhúng vào hỗn hợp nước chấm, sau đó gói trong một lớp lá cải xanh, một lá ken-ip, ít tương ớt dầm, một miếng tỏi và cắn một miếng ớt xanh. Yong Min phùng mang nhét trọn miếng houe to vào miệng và nhắm mắt hít hà. Anh bảo đừng ngại, ăn thế này mới đúng kiểu Hàn, mới cảm nhận được vị ngon của món này. Tôi hăm hở làm theo và quả thật vị ngọt của cá lẫn với vị cay nồng của nước chấm, của tỏi khiến cho miếng houe ngon chi lạ. Chúng tôi cùng nhấm rượu soju ướp lạnh và tiếp tục câu chuyện về houe. Cá sống có tính lạnh, ớt có tính nóng, ăn vào hoà hợp âm dương. Soju vừa cay vừa có tác dụng diệt khuẩn, kích thích vị giác.
Sujeong-Dong là khu chợ cá ra đời hàng thế kỷ trước, khi những con tàu hiện đại chưa được đóng, đoàn thuyền sau khi đánh bắt cập cảng Busan, chuyển những sản vật của biển về thẳng chợ này. Chỉ khoảng 30 năm gần đây, khi người Hàn bắt đầu có nhu cầu ăn uống nâng cao, những houe chip mới mọc lên ngay chợ để thực khách cảm nhận được sự tươi ngon trong món ăn.
Chú Kang hồ hởi bưng lên một tô súp đầu cá tươi cười: “đây là service” – ý là món này khuyến mãi. Yong Min giải thích, vốn người Busan là thế, rất thích chào đón khách lạ, đặc biệt là người nước ngoài chứ bình thường món này phải trả khoảng 5.000 – 6.000Won (5 – 6 usd). Các quán houe thường nấu súp đầu cá bằng gia vị đặc trưng, nước súp ngọt, cay và thanh, không có mỡ. Người Hàn thường húp đến cạn tô súp mới thôi, vì họ cho rằng nước mới chính là cái ngon nhất.
Tôi đến với xứ sở kim chi lần này và sớm bị chinh phục bởi nét đẹp trong ẩm thực. Món houe với nhiều màu sắc và âm dương hoà quyện, gói miếng houe với lá ken-ip, chấm tương ớt kojuchang và chiêu một ngụm soju C1 (loại soju chỉ có ở Busan). Cảm giác ấy thật đã đời!
BÀI VÀ ẢNH: HOÀI NAM

Không có nhận xét nào: