Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tục đóng đinh ở Cutud - Kỳ cuối: Hai cộng đồng, một đức tin


TT - Tục lệ đóng đinh ở Cutud bắt nguồn từ sự khoan dung và lòng nhân ái. Nó được khởi xướng bằng sự hi sinh vô điều kiện vì đức tin, và vì những người khốn khó quanh mình. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, tục lệ này cũng được biến tấu theo những cách riêng của người dân địa phương. Chịu đau đớn trên cây thánh giá vẫn là người nghèo, còn người giàu thì thể hiện đức tin bằng cách khác.
Ngay sau ngày thứ sáu tốt lành, Rolly Turla trở lại với nghề lượm ve chai để mưu sinh - Ảnh: Thế Anh

Phép mầu của người nghèo
Ngay sau ngày thứ sáu tốt lành 10-4-2009 ở làng Cutud, mặc cho những vết thương trên tay còn rỉ máu, ông Rolly Turla phải trở lại với nghề lượm ve chai để mưu sinh. Với khoản thu nhập chỉ hơn 2 USD/ngày cho tám miệng ăn trong gia đình, cuộc sống của ông Rolly Turla thuộc diện nghèo nhất Cutud. Ông nói: “Với khoản thu nhập ít ỏi từ nghề lượm rác, chúng tôi chẳng có lấy một xu dư ra để phòng thân khi ốm đau, vì thế mỗi khi đổ bệnh chúng tôi chỉ biết nhắm mắt cầu mong một phép mầu. Cách nay 12 năm, cha mẹ tôi đột ngột bị bệnh nặng. Để có tiền đưa mẹ cha đến bệnh viện, tôi phải đi vay mượn nhiều người trong làng, bệnh tình của họ không thuyên giảm mà nợ nần lại chồng chất. Năm đó tôi tự nguyện hiến thân cho lễ hội với chỉ một ước mong là mẹ cha được mạnh khỏe”.
Cũng may là cha mẹ ông Rolly Turla qua được cơn hiểm nghèo, nhưng không vì thế mà ông thôi hiến thân trong lễ hội Maleldo. Đã hơn mười năm nay dù có đi đâu, cứ vào mùa lễ hội ông đều có mặt để thực hiện nghĩa vụ của một người con theo lệ làng: hiến thân để cầu mong sự bình an cho cả gia đình. “Gia tài của tôi chẳng có gì ngoài đức tin”, ông trầm ngâm.
Nói về tập tục đóng đinh ở làng Cutud, giáo sư Dennis Y.Batong ở Viện Nghiên cứu xã hội học châu Á tại Manila (Philippines) nhận xét: “Mặc dù không được giáo hội Philippines chấp nhận, nhưng lễ hội vẫn sẽ tồn tại bởi lẽ liên quan đến truyền thống văn hóa và niềm tin tôn giáo một cách đại chúng. Người ta tin rằng khi tham gia lễ hội này sẽ giúp họ làm sạch bản thân, được tha thứ mọi tội lỗi, thậm chí có thể chữa được bệnh... Và một điều quan trọng là nếu vẫn còn người nghèo và bất công thì lễ hội sẽ còn tồn tại ở làng này”.
Một điều gần như hiển nhiên ở Cutud là những người hiến thân treo mình trên cây thập giá trong lễ hội Maleldo đều nghèo khó. Ngoài truyền thống văn hóa và đức tin, việc tình nguyện đóng đinh còn như một liều thuốc tinh thần giúp họ vượt qua nỗi bất hạnh của hiện tại. Nhiều người tin rằng việc đưa tay cho người ta đóng đinh trong tuần thánh sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Niềm tin của Amerito Baking là một ví dụ điển hình hay được người dân Cutud nhắc tới. Người đàn ông ốm yếu, râu tóc bờm xờm này đã 16 lần tự nguyện đóng đinh trong ngày thứ sáu tốt lành.
Lý do để ông hiến thân cho tập tục kỳ lạ này cũng giống như nhiều người khác ở đây: “Tôi sống bằng nghề thợ gạch ở làng. Ngày trước công việc làm ăn cũng tạm ổn, nhưng bây giờ nghề làm gạch thủ công không cạnh tranh nổi với máy móc, vì thế cuộc sống ngày càng tệ đi. Cách nay 16 năm, lúc tôi mới 37 tuổi, sau một lần bệnh nặng tôi đã quyết định hiến thân cho lễ hội Maleldo để được tiếp thêm sức mạnh. Có lẽ nhờ ơn Chúa nên từ đó đến nay tôi bớt bệnh hơn”. Cuộc sống chẳng khấm khá hơn, nhưng bớt đi những khoản chi trong bệnh viện thì đối với Amerito Baking đã là một niềm hạnh phúc lớn.
Trong ngày thứ sáu tốt lành ở Cutud, có một trường hợp hành xác đặc biệt rất được nhiều người chú ý: một cậu thanh niên bị tật với tấm lưng bê bết máu lê gối trên đường. Người làng Cutud chẳng biết cậu ta tên gì, ở đâu tới, chỉ biết đã nhiều năm nay cậu ta đều đến đây để tham gia nghi lễ có một không hai này. Có người nói rằng nhà cậu ở làng kế bên, gia đình nghèo khó, lại bị tật bẩm sinh nên mới tìm đến làng Cutud trong mùa Maleldo nhằm cầu mong một phép mầu. 
Lễ hội của nhà giàu
Suốt bốn năm qua, vai đức mẹ Maria luôn được giao cho Precidus Candy Canlas - một cô gái có nhan sắc thuộc gia đình quyền thế ở Cutud  - Ảnh: Thế Anh
Trong khi phần khởi đầu và màn trình diễn chính đầy máu trong lễ hội Maleldo ở Cutud do người nghèo đảm nhiệm thì đoạn kết của lễ hội lại do giới thượng lưu vào vai. Vào ngày lễ Phục sinh, một nghi lễ đánh dấu kết thúc mùa chay của những người theo đạo Thiên Chúa là những màn rình rang của giới nhà giàu địa phương. Ngay tại nhà thờ trung tâm của làng Cutud, người ta thường đọc một mạch dài dằng dặc bản danh sách những người đã tặng quà và tiền cho người nghèo. Những người vừa hiến thân cho lễ hội đóng đinh vào hôm trước cũng có mặt ở đây. Nhưng hôm nay họ đóng một vai trò khác cho đoạn kết của tuần thánh, đó là những người được ban ơn.
“Họ không thể đóng đinh như chúng tôi nhưng họ có tiền. Chi tiền ra giúp người nghèo trong mùa lễ hội Maleldo cũng là một cách thể hiện đức tin của giới nhà giàu trong làng. Mỗi người có cách thể hiện đức tin khác nhau” - Jesus Garcia, một người tham gia đóng đinh trong lễ hội, nói. Trong khi những người nghèo tham gia lễ hội tin rằng máu và đau đớn sẽ giúp họ xóa đi những lỗi lầm, thì giới thượng lưu lại cho rằng chi ra càng nhiều tiền giúp đỡ người nghèo trong dịp này cũng là cách gột rửa bụi trần.
Trong việc phân vai màn trình diễn chính của lễ hội Maleldo, những vai như Đức mẹ Maria luôn là vị trí dành cho những cô gái xinh đẹp con nhà giàu có. Suốt bốn năm qua ở Cutud, vai này luôn được giao cho Precidus Candy Canlas - một cô gái thuộc gia đình quyền thế trong làng. Đối với gia đình Precidus Candy Canlas, việc cô được chọn đóng vai Đức mẹ Maria trong nghi lễ chính thức của làng là một hồng ân. Dù không nói ra nhưng cha cô cũng hiểu vì sao cô được chọn, cũng có phần nào vì những đóng góp về vật chất của ông cho làng qua những mùa lễ hội và vì thanh thế gia đình ông thuộc tầng lớp trên ở đây. Ông cho biết: “Precidus Candy Canlas là niềm tự hào của cả gia đình chúng tôi. Có con được chọn vào vai Đức mẹ Maria trong mùa Maleldo là một niềm vinh hạnh của người dân Cutud mà không phải ai cũng có được”.
Vào ngày thứ sáu tốt lành, trong khi những người nghèo khó đang thể hiện đức tin bằng việc hành xác thì ngay tại nhà của Candy Canlas, người ta mở một đại tiệc thết đãi họ hàng từ xa đến. Ăn uống, chia vui và cầu nguyện. Những lời cầu nguyện của giới thượng lưu trong mùa Maleldo dường như cũng cao sang hơn. Họ luôn mong con cái mình rồi đây sẽ tìm được một cơ hội mới nơi những miền đất xa xôi ở châu Mỹ chẳng hạn, bởi mảnh đất nghèo khó với nghề chính là làm bánh kakanin này dường như quá chật hẹp với giấc mơ của họ. Với người giàu và người nghèo ở Cutud, dường như có hai hình ảnh khác nhau của thiên đàng…
THẾ ANH
______________________

Không có nhận xét nào: