Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tục đóng đinh ở Cutud - Kỳ 2: Mùa lễ hội Maleldo


TT - Từ rất lâu Cutud đã nổi tiếng với tục đóng đinh diễn ra hằng năm trong ngày thứ sáu tuần thánh. Tục lệ này xuất hiện ở làng Cutud từ năm 1955. Ông Allan Navarro, trưởng ban tổ chức lễ hội, cho hay: “Người khởi xướng cho việc dựng lại cảnh Chúa bị hành hình trên cây thánh giá ở làng Cutud là ông Ricardo Navarro.

Vào mùa lễ hội Maleldo, nhà cửa và cổng làng ở Cutud được người dân trang hoàng lại đẹp đẽ hơn - Ảnh: Thế Anh
Đó là những năm tháng Cutud còn nhiều khó khăn, ngoài việc để tỏ lòng thành kính trước Chúa thì người ta còn muốn gửi gắm vào đó những lời cầu nguyện tốt đẹp cho tương lai. Tuy nhiên, khi đó người ta chỉ dùng dây buộc mình trên cây thánh giá chứ không đóng đinh thật như bây giờ”.
Làng Cutud chỉ vỏn vẹn với hơn 1.000 dân nhưng có đến bốn nhà thờ và nhiều nhà nguyện khác. Mọi sinh hoạt cộng đồng của dân làng gần như gắn liền với nhà thờ, nhưng lễ hội đóng đinh lại diễn ra hoàn toàn độc lập. Những ngày diễn ra lễ hội chẳng có một vị cha xứ nào có mặt. Hỏi ra mới biết giáo hội Philippines không ủng hộ tục lệ đóng đinh ở Cutud.
Tìm đến cha xứ ở nhà thờ trung tâm của làng, cha Sta Lucia Panish bình luận một cách dè dặt: “Tôi không thể nói là ủng hộ hay phản bác tục lệ này vì đó là truyền thống của họ. Tôi hiểu họ muốn cải thiện cuộc sống thông qua tập tục đóng đinh, nhưng theo tôi đây không phải là cách duy nhất để làm việc đó. Hằng ngày khi giảng đạo tôi vẫn khuyên họ không nên đóng đinh, không nên tự đánh mình chảy máu một cách ghê rợn như vậy”.
Tập tục kỳ lạ
Tục lệ này sau đó bị gián đoạn mất sáu năm do không kiếm được người đóng vai Chúa Jesus, đến năm 1962 thì được ông Artemio Anosa khôi phục. Ông Allan Navarro kể tiếp: “Đến nay người ta không thể lý giải được vì sao Artemio Anosa chọn làng Cutud làm nơi đóng đinh lên cây thánh giá trong ngày thứ sáu tốt lành, chỉ biết rằng ông là người đầu tiên tự nguyện đóng đinh thật vào tay chân mình treo lên cây thánh giá, đưa tập tục này qua một bước ngoặt mới của sự thể hiện đức tin”.
Người ta nói lúc đó Artemio Anosa làm thế là vì ông có một nguyện ước muốn gửi đến Chúa. Một người dân trong làng của ông bị bệnh nặng, nhà lại nghèo nên không thể chạy chữa. Thương người hàng xóm bệnh tật, nghèo khổ, ông lặng lẽ đến nhà thờ cầu nguyện: “Con sẽ đóng đinh treo mình lên cây thánh giá, nếu Chúa thấu hiểu thì hãy cứu lấy con người tội nghiệp ấy”. Ngày thứ sáu tuần thánh năm 1962, người ta thấy Artemio Anosa vác cây thánh giá từ làng bên đến Cutud rồi chọn một bãi đất trống ở cuối làng để đóng đinh treo mình lên cây thập giá. Cùng đi với ông là những thanh niên trai tráng trong làng, họ xếp thành một hàng dài rồi dùng roi tự đánh vào thân thể mình.
Chính những người dân Cutud cũng không biết là sau khi Artemio Anosa tự treo mình lên cây thánh giá thì người hàng xóm của ông có hết bệnh hay không, nhưng người ta bắt đầu bàn tán về lòng tốt của Artemio Anosa như một tấm gương để giáo dục giới trẻ. Họ tin rằng Artemio đã chấp nhận đau đớn để giúp người hàng xóm một cách vô điều kiện, mà chính người hàng xóm cũng không hề hay biết. Khi giúp người khác “tay trái làm thì đừng để tay phải biết”, với số đông người theo đạo Thiên chúa ở Cutud, hành động này của Artemio Anosa nhanh chóng được tôn thờ như cách thể hiện trung thành nhất với lời răn của Chúa.
Từ đó, tục lệ này được các bậc cao niên lẫn thanh niên trong làng gìn giữ và tổ chức đều đặn hằng năm như một lễ hội đặc biệt quan trọng của làng. Được chọn vào vai Chúa Jesus trong ngày thứ sáu tốt lành là một đặc ân và vinh dự của công dân làng Cutud. “Tôi tin là tục lệ này giúp chúng tôi sống tốt hơn”, Allan Navarro tâm sự.
Tục đóng đinh ở Cutud được xem như là niềm đam mê thể hiện đức tin của người dân nơi đây - Ảnh: Thế Anh
Mùa hạnh phúc
Người dân Cutud gọi tuần thánh là Maleldo - theo tiếng Tagalog, dần dần được hiểu rộng hơn, đó là mùa lễ hội. Nửa tháng trước tuần thánh, không khí lễ hội rộn ràng làm cho ngôi làng nhỏ bé này trở thành tâm điểm của giới truyền thông trên toàn thế giới. Sự yên bình vốn có của Cutud bị xáo trộn bởi hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Người dân Cutud dường như cũng vui vẻ hơn thường lệ, họ đang tất bật chào đón những ngày hạnh phúc nhất trong năm: lấy máu và đau đớn để chuộc tội, đóng đinh để thể hiện đức tin!
Đối với Cutud, tuần thánh được bắt đầu khi cuốn sổ ghi danh những người tự nguyện đóng đinh để ở nhà ông trưởng làng được khai bút, vì nếu không có người đăng ký tự nguyện hiến thân thì xem như lễ hội Maleldo không thể thực hiện được. Nhưng từ năm 1962 đến nay lễ hội chưa bao giờ bị ngắt quãng vì lý do đó. Để được đóng đinh treo mình lên cây thánh giá trong lễ hội Maleldo chỉ cần người tình nguyện can đảm và có đức tin là được.
Trưởng làng Remegio Delacruz cho hay: “Chúng tôi không giới hạn số lượng người tham gia, không giới hạn giới tính, cũng như không giới hạn quốc tịch người tự nguyện đóng đinh. Lịch sử lễ hội Maleldo ở Cutud đã chứng kiến rất nhiều người từ Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đến đây để được đóng đinh treo mình lên cây thánh giá, trong đó có cả phụ nữ. Bạn không phải là tín đồ của Thiên Chúa giáo cũng chẳng sao, ở đây chúng tôi đều chấp nhận tất cả, miễn là bạn dám làm!”.
Với nhiều du khách, lễ hội Maleldo có một chút gì đó ghê rợn, nhưng với những người dân Cutud đó là mùa hạnh phúc. Từ trẻ em đến người già trong làng ai cũng náo nức chờ đón ngày lễ trọng đại này. Điều dễ nhận biết nhất khi Cutud vào mùa lễ hội Maleldo là những âm thanh “lách tách” phát ra từ chùm que đánh tội trên các ngóc ngách của làng. Trên các ngả đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp từng nhóm người vác cây thập giá tái hiện 14 chặng đường thánh giá của Chúa Jesus. Cũng có người vì lời hứa với Chúa, một mình vác cây thánh giá nặng khoảng 50kg đi qua mọi ngả đường của làng đến tận đêm khuya.
Trước đây lễ hội Maleldo được diễn ra một cách tự phát, nhưng ngày nay nó được tổ chức một cách quy củ hơn. Trước tuần thánh một tuần, ban tổ chức bắt đầu tập hợp những người chính thức vào vai quan lính, Chúa, đức mẹ Maria... để tập luyện theo một kịch bản có sẵn, đó là câu chuyện từ lúc Chúa bị xét xử cho đến lúc bị dẫn đi hành hình. Dù phải vào vai những ông quan, người lính độc ác hay những nhân vật được dân chúng quý mến như Chúa Jesus, Đức mẹ Maria... thì tất thảy đều vui vẻ. Dân làng cũng kéo đến thật đông để xem, chụp ảnh lưu niệm, vì đây sẽ là những nhân vật chính trong màn trình diễn có một không hai ở Cutud trong ngày thứ sáu tốt lành. Có người còn mang cả đồ uống, thức ăn đến. Họ cùng chia sẻ với nhau niềm vui trong mùa lễ hội Maleldo, bởi với họ đây là những giây phút hạnh phúc nhất trong năm.
THẾ ANH
___________________
Ở Cutud, cái tên Ruben Enaje đồng nghĩa với người hùng. “Đau, đau lắm. Đã 23 lần làm việc đó, nhiều lần tôi đã bật khóc trên cây thánh giá. Nhưng khi thực hiện xong bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét