Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tục đóng đinh ở Cutud - Kỳ 3: 23 lần hiến thân đóng đinh


TT - Ở Cutud, cái tên Rubel Enaje gần như đồng nghĩa với một người hùng, là một “thương hiệu” mạnh của lễ hội Maleldo. Nhờ nắm giữ kỷ lục 23 lần treo mình trên cây thánh giá mà Rubel Enaje luôn được dân làng kính trọng và xem như linh hồn của lễ hội.
 Xem Vide clip


Ông cũng là tâm điểm săn lùng của cánh báo chí trên toàn thế giới đến Cutud vào mỗi mùa Maleldo, họ gọi ông là người đàn ông “nghiện” đóng đinh.

Rubel Enaje vác cây thánh giá đi từ đầu đến cuối làng trong ngày thứ sáu tốt lành 10-4-2009 để tái hiện cuộc khổ hạnh của Chúa Jesus - Ảnh: Thế Anh
“Đức tin có thể chữa lành mọi vết sẹo”
Khi bạn cống hiến một cách vô tư cho niềm hạnh phúc của cộng đồng thì bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng
Nhà của Rubel Anaje nằm khuất trong một góc làng, cũng tuềnh toàng như bao ngôi nhà khác ở Cutud. Như thường lệ, cứ gần đến lễ hội Maleldo là ông tạm dừng mọi công việc thường nhật để chuẩn bị cho ngày thứ sáu tốt lành, sửa sang lại những cây thánh giá đã cũ, mài sáng những cây đinh đã hơn 20 lần xuyên qua da thịt ông.
Rubel Anaje kể lại câu chuyện của chính mình: “Ngày trước nhà tôi đông anh em nên nghèo lắm, lại chẳng được học hành gì cả. Để có thể nuôi sống bản thân và gia đình, tôi phải lên thành phố làm thợ hồ. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không có vụ tai nạn xảy ra. Đó là lúc tôi cùng các đồng nghiệp đang làm việc ở lầu ba tại một công trường cao ốc thì bỗng dưng giàn giáo bị gãy, tôi rơi thẳng xuống đất. Lúc ấy tôi chỉ có vài giây để kêu tên Chúa rồi sẵn sàng chờ đợi cái chết như một định mệnh”.
Nhưng điều kỳ diệu đã đến với Rubel Anaje như một phép mầu. Ở độ cao hơn 20m, ông “tiếp đất” mà không để lại một vết thương nào đáng kể. Sau vụ tai nạn đó, Rubel Anaje tin rằng Chúa đã cứu mình.
Ông nói: “Tôi nợ Chúa một lần cứu mạng, vì thế tôi tự nguyện đóng đinh hằng năm như là cách để gửi đến ngài lời cảm tạ! Tôi hứa sẽ làm việc này cho đến khi chết mới thôi”. Lúc ấy Rubel mới 25 tuổi, và suốt 23 năm qua chưa một lần ông thoái thác lời hứa đó dù chỉ là trong ý nghĩ. Có những năm bệnh nặng tưởng chừng không tham gia được lễ hội, nhưng cứ gần đến ngày thứ sáu tốt lành thì ông lại sẵn sàng chìa tay cho người ta đóng đinh treo mình lên cây thánh giá.
Để chuẩn bị hiến thân trong ngày thứ sáu tốt lành, Rubel Anaje phải tập luyện. Ông ăn nghỉ điều độ hơn để có sức vác cây thánh giá nặng 52kg đi khắp làng, tái hiện cuộc khổ hạnh của Chúa. Trước ngày đóng đinh, theo tục lệ, Rubel Anaje phải nhịn ăn một ngày, đầu óc chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp như là cách làm sạch thân thể trước khi hiến thân cho đức tin. Một điều kỳ lạ ở làng Cutud mà đến nay người ta vẫn chưa lý giải được đó là dù đã 23 lần đóng đinh nhưng trên bàn tay của Rubel Anaje không hề có một vết sẹo nào. “Đức tin có thể chữa lành mọi vết sẹo”, đó là cách lý giải của Rubel.
Được hỏi về việc đóng đinh, Rubel Anaje nói: “Niềm tin có lý lẽ riêng của nó, xin đừng hỏi tại sao”. Ông thật thà kể: “Đau, đau lắm chứ! Đau nhất là khi người ta đóng và lúc rút đinh ra. Dù đã 23 lần làm việc đó nhưng mỗi khi nghĩ về nó tôi vẫn có cảm giác đau đớn, nhiều lần tôi đã bật khóc trên cây thánh giá.
Nhưng khi thực hiện xong thì cảm thấy hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc vì đã làm trọn lời hứa, hạnh phúc vì được thể hiện đức tin! Thông qua hành động của mình, tôi không chỉ muốn gửi đến Chúa lời cảm ơn mà còn cầu mong cho gia đình tôi, những người dân Cutud được sống hạnh phúc hơn, thế giới được an bình hơn. Tôi rất vinh dự khi được làm điều đó, và tự hào là người đóng đinh nhiều lần nhất ở làng này!”.
Hiến thân đóng đinh trên cây thánh giá, Rubel Enaje nói đó là niềm hạnh phúc - Ảnh: Thế Anh
Thương hiệu của làng
Sau ngày bị tai nạn, Rubel Anaje bỏ hẳn nghề thợ hồ, chuyển qua làm thợ vẽ biển quảng cáo để mưu sinh. Nhờ vào tên tuổi của mình mà ngày càng có nhiều cửa tiệm tìm đến ông để đặt hàng. Họ tin rằng người đàn ông này có một năng lực siêu nhiên nào đó, vì vậy những biển quảng cáo do ông vẽ sẽ giúp họ mua may bán đắt. Dù đó chỉ là những niềm tin mơ hồ, nhưng điều thực tế nhất với Rubel là cuộc sống của ông trở nên khấm khá hơn.
Mỗi tháng ông có thể kiếm được hơn 1.000 USD từ nghề của mình, đó là cả một giấc mơ của nhiều người dân ở một làng quê nghèo khó như Cutud. Rubel tâm sự: “Chưa bao giờ tôi dám mơ về một cuộc sống tươi đẹp như vậy, nhưng nay nó đã thành hiện thực. Tôi chỉ có thể nói rằng khi bạn cống hiến một cách vô tư cho niềm hạnh phúc của cộng đồng thì bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng”.
Trong mùa lễ hội Maleldo, người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh của Rubel Anaje được in trên các chiếc áo thun bán cho du khách, trên tờ rơi quảng cáo của các hãng du lịch Philippines. Các kênh truyền hình ở địa phương, trung ương và nước ngoài đều phát những phóng sự ngắn về người đàn ông đặc biệt này. Ở Cutud, Rubel không chỉ là niềm kiêu hãnh của lòng can đảm mà còn là một thương hiệu thật sự. Có người còn nói nhờ Rubel Anaje mà lễ hội Maleldo ở Cutud trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều khách du lịch như hiện nay.
Ở Cutud người ta luôn nhắc đến Rubel Anaje với một sự kính trọng đặc biệt. Bởi với họ, ông như là một chuẩn mực cần phải học hỏi từ lòng can đảm đến đức tin. Dường như ông cũng ý thức rất rõ điều đó nên trong cuộc sống hằng ngày, từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ ông đều phải tuân theo một nguyên tắc của làng: là người đóng vai Chúa thì không được nói tục chửi thề, không được làm điều xấu, và nhất là phải biết giúp đỡ, chia sẻ với những người dân khốn khó quanh mình.
Một người dân ở làng tâm sự: “Hành động của Rubel không chỉ là thể hiện đức tin, sự can đảm mà còn là một bài học về sự hi sinh cho niềm hạnh phúc của dân làng”. Tuy nhiên, Rubel nói rằng sự nổi tiếng nhiều khi cũng mang đến cho ông những phiền toái nho nhỏ.
Ông kể: “Nhiều lúc trên đường ra phố thì gặp phải một vài người hiếu kỳ nhận ra, thế là họ sà tới ôm lấy tôi. Người thì sờ đầu, sờ chân, có người còn bắt tôi chìa bàn tay ra để xem có sẹo hay không. Thậm chí có người còn bắt tôi về nhà chỉ để xoa lên đầu đứa trẻ vừa mới chào đời như một hành động ban phước lành ở nhà thờ vậy”.
Cuộc sống hằng ngày của Rubel Anaje cũng bình thường như những người dân Cutud khác. Để có được cái ăn cho cả gia đình, ông cũng phải lấm lem với đủ các màu sơn giữa cái nắng như thiêu của miền biển đảo. Trong những ngày lễ hội, gia đình ông còn tranh thủ nhận làm gia công những cái áo có in hình mình để kiếm thêm thu nhập.
Một khuôn mặt hiền lành, đen sạm và mái tóc dài hao hao giống Chúa Jesus khi nhìn nghiêng. Có lẽ một ngày không xa, Rubel Anaje sẽ trở thành huyền thoại bất tử ở làng Cutud, bởi ông là đứa con ưu tú của làng theo cách hiểu và văn hóa của họ.
THẾ ANH
-----------------------------------------------------
Phần khởi đầu và màn trình diễn chính đầy máu trong lễ hội Maleldo ở Cutud do người nghèo đảm nhiệm, còn đoạn kết của lễ hội do người giàu vào vai. Mỗi người thể hiện đức tin theo cách khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét