Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

PERU - NHỮNG KỲ QUAN HUYỀN BÍ - KỲ 2



undefined

Tác giả: Nguyễn Tập
Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Trong hàng ngàn con đường được xây dựng thời kỳ tiền Columbo tại châu Mỹ, cung đường Inca đáng được chú ý nhất. Tuy nhiên, nổi tiếng và được giới balô chuyên nghiệp ao ước có cơ hội được đi nhất là đoạn đường từ Ollantaytambo (ở km 82) đến Machu Picchu - một trong bảy kỳ quan thế giới mới. Tuy chỉ dài 45 km nhưng đoạn đường này đi qua rất nhiều công trình kiến trúc có một không hai còn sót lại của nền văn minh Inca.
Kho lương thực trên đường
Kho lương thực Llactapata nằm trên ruộng bậc thang bằng đá Ảnh: N.Tập
Đoàn chúng tôi xuất phát từ km 82 ở độ cao 2.600m, ngày đầu tiên chỉ như bước khởi động nhẹ nhàng: 12km đường núi để tập kết ở độ cao 3.000m, gấp đôi Đà Lạt. Chúng tôi vượt qua sông Urubamba bằng chiếc cầu treo để chính thức bước vào con đường Inca. Chỉ vào hai trụ bêtông to đùng và mấy sợi dây thép to bằng ngón chân cái của chiếc cầu treo, Henry - người dẫn đường người Quechua - giải thích: “Chiếc cầu treo này đã được phục chế để đảm bảo an toàn cho 500 lượt người mỗi ngày. Cầu treo nguyên bản của người Inca được làm từ các sợi dây thừng (bện từ cuống hoa khô của loại cỏ q’oya) đường kính đến 20cm, rồi căng ra các trụ đá hai bên sông. Ở phía tây Cuzco, kinh đô cũ của người Inca, có chiếc cầu treo bắc qua sông Apurimac dài đến 60m. Tiếc là đến nay không còn nữa”.
Đường mòn Inca như con rắn khổng lồ len lỏi qua những khe núi Ảnh: N.Tập
Con đường Inca như con rắn khổng lồ len lỏi qua những khe núi bên cạnh dòng sông Urubamba đang cuồn cuộn chảy xiết qua các ghềnh đá, để trườn lên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng trước mặt. Đi chừng vài giờ, từ xa đã thấy hiện ra sừng sững những ruộng bậc thang với hàng chục bậc, những khu nhà lớn “cắn” thẳng vào một góc núi (tất cả được xây bằng đá): Llactapata. Đây chính là một trong 2.000 kho lương thực, trạm nghỉ do nhà nước Inca tổ chức dọc hệ thống đường Inca 23.000km. Nhìn vào sự đồ sộ của Llactapata, tôi mới thật sự tin những gì đã đọc trong sách: “Dọc tuyến đường Inca có những kho lương thực có thể đáp ứng cho 25.000 người cùng một lúc. Vì thế, quân của đế chế Inca có thể tiến lên, xâm chiếm các bộ tộc khác mọi lúc, mọi nơi”.
Leo đỉnh “Người đàn bà chết”
Người thồ hàng trên đường Inca - Ảnh: N.Tập
4g30 sáng, chúng tôi được đánh thức bằng một ly trà coca nóng (nấu từ lá coca, loại dùng để sản xuất cocain). Henry cười động viên: “Uống đi! Nước tăng lực của người Inca đấy! Uống để có sức vượt đèo”. Đúng như lời Henry cảnh báo, đây chính là ngày kinh khủng của hành trình: vượt qua đèo “Người đàn bà chết” cao 4.215m so với mực nước biển (do hình dáng ngọn núi bên cạnh đèo nhìn xa giống như một người đàn bà xõa tóc nằm chắp tay trước ngực nên người ta gọi như vậy). Hàng ngàn bậc thang bằng đá cứ thế nối tiếp nhau lẫn vào mây lên cao, lên cao mãi…
Henry dừng lại giữa đèo, đưa cho những người thồ hàng trong đoàn một vốc lá coca. Họ vui ra mặt. Người thồ hàng trịnh trọng mặt ngửa lên trời, thổi nhẹ vào mấy chiếc lá coca cầm trong tay để thể hiện sự kính trọng, cảm ơn đối với núi, trời rồi bỏ vào miệng nhai. “Nhai lá coca sẽ giúp họ không cảm thấy đói khát, mệt mỏi”, Henry giải thích rồi đưa tôi thử. Chẳng có mùi vị gì đặc biệt, nhưng tôi cảm thấy phấn chấn hơn, leo dốc đỡ mệt hơn (sau này tôi mới biết lá coca giúp tạo sự thăng bằng cho cơ thể  khi thiếu ôxy ở độ cao hơn 4.000m).
Cách nay hơn 500 năm, người Inca không biết đến ngựa, họ cũng chẳng biết đến bánh xe, vì thế mọi phương tiện giao thông, liên lạc đều bằng đôi chân. Họ truyền tin bằng cách chạy tiếp sức. Khi nhận được thông tin, người truyền tin sẽ chạy hết tốc lực đến trạm kế tiếp cách đó khoảng 1-2 km. Tại đây một người khác sẽ nhận thông tin và tiếp tục chạy đến trạm tiếp theo. Bằng cách này, mọi thông tin được truyền đi đến mọi miền đất nước với tốc độ đáng kinh ngạc: 400 km/ngày. Ngày nay, trên con đường này, chúng tôi cũng “lết” lên được đến đỉnh “Người đàn bà chết” cao 4.215m lúc gần 1g trưa. Sáu giờ đồng hồ cho 9km!
Trước khi rời khỏi đèo, Henry và những người thồ hàng yêu cầu chúng tôi nắm tay nhau, kết lại thành vòng tròn: “Đây là vòng tròn tình thương. Chúng ta hãy cùng gửi sự tôn kính đến  thần núi Veronica, ngọn núi cao 5.800m phủ tuyết trắng xóa trước mặt. Chính ngài sẽ tiếp thêm sức mạnh, phù hộ cho chuyến đi chúng ta được bình an”.  Rồi không ai bảo ai, Henry và những người thồ hàng cùng cất lên những lời cầu nguyện bằng tiếng Quechua với vẻ rất thành kính. Chính trong khoảnh khắc này, tôi mới chợt nhận ra Tây Ban Nha đã thất bại trong nỗ lực đồng hóa Peru, thuộc địa của mình. Sau hơn 500 năm,  dù tiếng Tây Ban Nha đã trở thành quốc ngữ tại Peru, dù những công trình kiến trúc ở Peru đều ít nhiều mang phong cách Tây Ban Nha nhưng bản sắc văn hóa, những lễ nghi, niềm tin vào thần linh trong thiên nhiên của người xưa vẫn luôn trường tồn. Peru mãi là Peru!
Những người hùng thầm lặng
Chẳng có điều gì nghi ngờ, người hùng trên con đường Inca chính là những người thồ hàng cho các đoàn du khách. Chính họ phải cõng trên vai lều, bạt, thức ăn cho cả đoàn. Cùng đi, nhưng họ phải đến trước để nấu ăn, căng lều cho khách. Khi khách đi ngủ, chính họ phải lụi cụi xuống suối rửa chén bát, sửa soạn đồ ăn cho bữa tiếp theo…
Leo dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn.  Đường đèo hẹp tí, dốc dựng đứng. Vừa qua cơn mưa, hàng ngàn bậc đá phủ rêu trơn như bôi mỡ, sơ hở một tí là có thể trượt chân lăn xuống vực bên cạnh. Vậy mà những người thồ hàng với túi đồ khổng lồ nặng vài chục ký trên lưng chạy xuống dốc như đang làm xiếc với tốc độ kinh hồn. Henry cho biết: “Trong một cuộc thi chạy gần đây từ km 82 đến Machu Picchu do chính quyền Peru tổ chức, một người thồ hàng người Quechua chỉ mất 5 giờ 45 phút để hoàn thành con đường mà chúng ta mất gần 4 ngày!”.
Peru đang vào đông, trời lạnh ngắt, mấy người trong đoàn ai nấy đều đứng run lập cập, miệng xuýt xoa dù áo ấm sù sụ, giày đến 3-4 lớp vớ. Trong khi đó, những người thồ hàng chỉ mặc hai chiếc áo thun cũ mèm, đôi chân trần nứt nẻ, đen đúa, móng chân hãy còn vết phèn, chỉ mang độc một chiếc dép lốp. Trong nắng chiều, tôi thấy có người thồ hàng già khuân trên lưng đống đồ to đùng, cặm cụi bò lên dốc. Ông nói không nhớ hết bao nhiêu lần đã đi trên con đường này... _____________________
140 công trình tại Machu Picchu gồm nhà ở, đền đài, công viên, nơi thờ cúng trên diện tích 5km2 đều được xây dựng bằng đá. Machu Picchu được dựng lên từ những tảng đá nặng hàng tấn sắp lên nhau mà không dùng bất cứ loại hồ vữa kết dính nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét