Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

PERU - NHỮNG KỲ QUAN HUYỀN BÍ - KỲ 3


undefined
Tác giả: Nguyễn Tập
Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Chúng tôi đến cổng Mặt trời Intipunku khi sương mù còn dày đặc. Té ra chúng tôi chẳng phải là người đầu tiên, cả trăm khách bộ hành trên đường Inca đủ mọi màu da gần như tề tựu đông đủ tại đây để ngắm Mặt trời mọc. Khi ánh bình minh đầu tiên vừa ló dạng, mọi người bỗng im bặt, nín thở dõi theo từng bước đi của ánh mặt trời. Kỳ quan thế giới Machu Picchu dưới thung lũng từ từ hiện ra giữa lớp mây mù, như đang vươn vai bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài.
Bóng của rặng núi phía sau Machu Picchu là hình bộ mặt người Inca nhìn lên bầu trời,
và đỉnh lớn nhất Huayna Picchu (có nghĩa đỉnh Trẻ) là cái mũi của nó - Ảnh: N.Tập
Khi ánh mặt trời thật sự chan hòa xuống thành phố đá Machu Picchu, mọi người chẳng ai bảo ai cùng vỗ tay, nhún nhảy la hét như trẻ con được quà, rồi bất kể quen lạ, họ lao vào ôm hôn nhau... Henry - người dẫn đường - chỉ vào hai tảng đá khổng lồ ở cổng Mặt trời Intipunku: “Vào ngày đông chí và hạ chí, Intipunku được Mặt trời chiếu sáng bởi những chùm sáng như tia laser nhìn cực kỳ hấp dẫn”. Chúng tôi đến đây vào đầu tháng bảy, đã qua hạ chí (21-6) nên chẳng thấy được “chùm sáng mặt trời như tia laser” hấp dẫn thế nào, nhưng đón ánh bình minh đầu tiên tại kỳ quan thế giới cũng đủ là một kỷ niệm khó quên.
Thánh địa Machu Picchu
Đống đá thiêng tại đỉnh Machu Picchu - Ảnh: N.Tập
Không vĩ đại như Vạn lý trường thành của Trung Quốc, cũng chẳng có tuổi thọ hơn 4.000 năm như công trình đá Stonehenge (Anh), nhưng Machu Picchu - thành phố nhỏ nằm lẩn khuất trong rừng già trên dãy núi Andes - đã lần lượt vượt qua những “đối thủ sừng sỏ” như quần thể Angkor (Campuchia), Stonehenge (Anh), những pho tượng trên đảo Phục Sinh (Chile)… để trở thành một trong bảy kỳ quan thế giới mới.
Machu Picchu là một khu di tích Inca, nằm trên thung lũng Urubamba tại Peru ở độ cao 2.430m.  Được xây dựng từ thế kỷ 15 nhưng hơn 400 năm sau, mãi đến năm 1911, nhà  khảo cổ học Hiram Bingham mới tái khám phá và viết một cuốn sách về Machu Picchu làm thế giới sửng sốt. Năm 1983, Machu Picchu được UNESCO công nhận là di sản thế giới và được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới vào năm 2007.
Không phải ngẫu nhiên mà hơn 100 triệu lượt bầu chọn của mọi người trên toàn thế giới cùng hội đồng tuyển chọn là những kiến trúc sư hàng đầu của năm châu lục lại chọn Machu Picchu là một trong những di tích khảo cổ đẹp và bí ẩn nhất trên thế giới. 140 công trình tại Machu Picchu gồm nhà ở, đền đài, công viên, nơi thờ cúng trên diện tích 5km2 này đều được xây dựng bằng đá. Tương tự kim tự tháp Cheops (Ai Cập), Machu Picchu được dựng lên từ những tảng đá nặng hàng tấn (có khối nặng đến 50 tấn). Những tảng đá này xếp lên nhau mà không dùng bất cứ loại hồ vữa kết dính nào.
Đặc biệt hơn, các tảng đá này đều có hình dạng và khối lượng khác nhau hoàn toàn, có tảng có đến 30 góc. Dù vậy, tất cả được mài nhẵn đến độ không thể nào lách nổi lưỡi dao vào giữa các mối nối! Và một điều bí ẩn đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng là người Inca không sử dụng bánh xe, làm sao họ có thể đặt những phiến đá lớn lên nhau một cách chính xác đến thế? Người Inca không có chữ viết để lưu trữ, truyền đạt thông tin, họ có hệ thống các nút thắt Quipu. Đáng tiếc các nút thắt Quipu cũng chính là một trong những bí mật làm đau đầu các nhà khoa học trên thế giới.
Henry nháy mắt chỉ vào đỉnh núi cùng tên Machu Picchu trước mặt: “Trên đó thiêng lắm, dám leo thử không?”. Bốn ngày bộ hành trên con đường Inca đèo núi đã vắt  kiệt sức của chúng tôi. Cả đoàn chẳng ai lên tiếng. Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi lẫn trong mây, không cưỡng được sự tò mò, tôi đồng ý. Hai giờ rưỡi trôi qua, khi đầu gối muốn long ra cũng là lúc tôi bò đến đỉnh núi. Lên mới thấy ngợp, gió thổi ào ào như muốn bạt cả người xuống vực. Có quá nhiều giả thuyết cho rằng Machu Picchu là nơi phòng thủ cuối cùng của người Inca, là cung điện của vị vua vĩ đại Pachacuti (người được sánh với Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ khi thống lĩnh một đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ thế kỷ 15)…
Tuy nhiên, tôi nghiêng về giả thuyết  Machu Picchu là thánh địa, nơi thực hiện các nghi lễ cúng, tế thần của người Inca hơn. Từ đỉnh núi nhìn xuống, cả thành phố đá nằm lẫn trong mây, lọt thỏm giữa núi rừng, vách đá dốc đứng hàng trăm mét như tấm áo giáp che chở. Hai ngọn núi  Machu Picchu (cao 3.140m) và Huayama Picchu (2.743m) và hai khe núi bao quanh thành phố chỉ chính xác bốn hướng đông, tây, nam, bắc không sai một tí. Và đặc biệt, dãy núi phía sau lưng Machu Picchu có hình dạng y đúc gương mặt của người đàn ông ngửa lên trời.
Henry đưa tôi cầm ba chiếc lá coca và yêu cầu tiến gần đến mấy đống đá nhỏ được xếp vun lên cao ngay trên đỉnh núi. “Làm gì thế?”, tôi thắc mắc. Henry ra hiệu im lặng, rồi yêu cầu tôi tự ước ba điều ước và bắt chước theo hành động của anh ta. Henry đứng thẳng, vẻ mặt trang nghiêm khác thường, rồi ngửa mặt lên trời thổi nhẹ vào ba chiếc lá cầm trên tay, miệng lầm rầm bằng tiếng Quechua. Xong, anh đặt ba chiếc lá coca lên đống đá và chèn một viên đá khác lên trên.
Đợi mọi người xong, anh mới chậm rãi giải thích: “Người Inca quan niệm có ba “thế giới”: đại bàng biểu tượng cho thế giới trên trời; báo biểu tượng cho thế giới trần gian và rắn biểu tượng cho thế giới dưới lòng đất. Mỗi chiếc lá coca tượng trưng một lời ước nguyện cho mỗi thế giới. Họ tin rằng ước nguyện trên đỉnh núi cao sẽ dễ thành hiện thực vì gần với trời nên trời dễ nghe hơn”.
Khai thác tối đa kỳ quan
Nói đến Peru là nói đến Machu Picchu. Vì biết thế, chính quyền Peru ra sức khai thác tối đa kỳ quan thế giới này. Ngoài bộ hành trên đường mòn Inca, muốn đến Machu Picchu chỉ có duy nhất đường xe lửa nên nhà ga tha hồ hét giá. Nếu như người dân Cuzco mua vé tàu khứ hồi đến Machu Picchu chỉ khoảng 5 USD thì khách nước ngoài phải trả đến 96 USD/người, chưa kể phải trả thêm tiền xe buýt 14 USD từ ga đến Machu Picchu. Du khách muốn tham quan Machu Picchu phải tốn ít nhất 170 USD/người.
Làm một phép tính đơn giản, chỉ riêng Machu Picchu chính quyền đã  thu được gần nửa triệu USD/ngày. Lợi nhuận khổng lồ! Đó là chưa kể một bữa ăn trưa buffet có giá hơn 30 USD, một chai nước suối nhỏ giá gần 4 USD (trong khi mua tại Cuzco giá chưa đến 0,5 USD), cái hamburger đáng giá chừng 2 USD,  Machu Picchu bán 11 USD… Du khách bị “chém” bằng lưỡi dao bén ngót, có bực cũng ngậm bồ hòn làm ngọt vì không có sự lựa chọn nào hơn. ___________________
Trên hồ Titicaca có 43 đảo đặc biệt. “Đảo mà chúng tôi ở phải buộc vào một tảng đá thật lớn để neo lại. Bữa nọ, gió to quá, bứt dây neo, nguyên cái đảo trôi qua tận Bolivia”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét