Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Cách yêu quý di sản ở Prasat Phimai


SGTT.VN - Sáng chủ nhật thảnh thơi, cầm tờ Thanh Niên, đọc mẩu tin về hội thảo của những người làm công tác giáo dục đã đi đến kết luận, “giáo dục và giữ gìn di sản cho các em học sinh bằng những cây chổi…” Chợt thấy lòng chùng sâu!
Các em học sinh Thái Lan sau khi tham quan di tích lịch sử về phải làm bài thu hoạch. Ảnh:
Tôi bỗng nhớ Khorat những ngày này năm trước, nhớ những gương mặt trong sáng, tỉ mỉ hỏi han, chăm chú lắng nghe, cẩn thận ghi chép,… của các em học sinh trong công viên lịch sử quốc gia Prasat Phimai, miền Đông Bắc Thái Lan.
Thăm thú di tích ngàn năm
Thái Lan không chỉ có Bangkok, Pattaya, luôn được nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán trong hầu hết các tour du lịch ở Việt Nam. Trải dài trên vùng đất ngày xưa có nhiều quốc gia nhỏ, nhiều biến động, nhiều chiến chinh… quốc gia này sở hữu nhiều di tích văn hoá. Ngôi đền ngàn năm tuổi ở công viên Prasat Phimai, tỉnh Nakhon Ratchasima (hay được gọi là Khorat) là một ví dụ. Lạ thay, nơi đây bạn sẽ ngỡ ngàng thấy những ngôi đền Khmer mang dáng dấp Angkor Wat thu nhỏ, giữa vùng đất cao nguyên cằn khô xa Siem Reap ngàn dặm về phía nam.
Thành phố Khorat không có nhiều di tích lịch sử, nhưng lại là điểm dừng chân thú vị cho du khách. Những chuyến đi có chút mạo hiểm có thể tham gia các cung đường trekking vào rừng già Khao Yai. Khu rừng nguyên sinh này lại là công viên quốc gia đầu tiên của Thái Lan được công nhận là di tích cần được bảo tồn di sản của UNESCO.
Có thể tìm đến Ban Prasat để thấy dấu vết của cuộc sống nông nghiệp sơ khai thời kỳ Đồ đồng, 3.000 năm trước. Gần hơn, muốn tìm hiểu những di tích của vương triều Ayutthaya (thế kỷ 14 đến 18), du khách có thể đến Pratu Chai (cổng Vinh quang), ở thành cổ cuối cùng của Phimai, từng là một thành phố lớn dưới thời Ayutthaya. Muốn xem cây đa lớn nhất, già nhất Thái Lan, có thể đến Sai Ngam. Nơi đây có cây đa hơn 350 năm tuổi, nhìn xa giống một khu rừng nhỏ xanh um tùm, với rễ chính, rễ phụ bao phủ diện tích hơn cả ngàn mét vuông (1.350m2). Còn rất nhiều những di tích lịch sử văn hoá khác ở Khorat, như làng nghề Dan Kwian mấy trăm năm làm gốm sứ, pho tượng Phật nằm cổ xưa nhất Thái Lan có từ thế kỷ thứ 8 ở ngôi chùa Dhammachakra Sema Ram,… Nhưng trên hết, thu hút du khách đến với Khorat là quần thể những ngôi đền đá của Wat Prasat Hin Phimai, trong công viên lịch sử quốc gia Prasat Phimai.
Qua bao nhiêu đó thời gian, ngôi đền cổ bằng đá sa thạch lớn nhất và cũng là ngôi đền kiến trúc Khmer đẹp nhất nước Thái được các nhà quản lý trùng tu cẩn thận. Không hoành tráng, không nhiều pho tượng, phù điêu sắc sảo như Angkor, Prasat Hin Phimai cũng sẽ làm bạn ngạc nhiên trước những gì người xưa đã làm từ ngàn năm trước. Trong tôi luôn lẩn quẩn câu hỏi là từ sau những kiến trúc này, gần đây, những con người hiện đại tân tiến có làm được gì giống vậy không?
Học văn hoá bằng trực quan
Từ Việt Nam đi Thái Lan bây giờ quá dễ vì có nhiều hãng hàng không giá rẻ, có nhiều chương trình khuyến mãi. Từ Bangkok, bến xe Moh Chit (bến xe Bắc Bangkok) có nhiều xe đi Khorat từ 5g sáng đến 7g tối. Đi mất 4 giờ và khoảng 70.000 – 120.000 đồng, tuỳ chất lượng xe. Từ Khorat đi Phimai mất khoảng 80 phút, 25.000đ. Giá nhà nghỉ, khách sạn bình dân ở Khorat, Phimai chỉ chừng 150.000đồng/phòng đơn. Thức ăn gần giống hương vị Lào, giá cũng rất bình dân.
Khác xa Angkor quanh năm đông vui tấp nập, điểm cộng cho Prasat Hin Phimai là sự vắng vẻ. Buổi sáng đó, tôi chợt nghe ồn ào ríu rít tiếng trẻ con. Rồi sau đó, như một bầy ong vỡ tổ các em học sinh người Thái túa ra khắp ngôi đền. Sau chút ồn ào ban đầu, các em im lặng hẳn. Em thì ghi chép, em thì sờ mó từng nét chạm trổ, em thì hỏi han thầy cô giáo, những người giữ đền, hỏi cả du khách.... Hồn hậu, cô Dok nói, “Đây là buổi học thực tế của các em. Các em được đi tham quan (miễn phí) các khu di tích lịch sử văn hóa. Về, các em làm các báo cáo cá nhân và cả trình bày theo nhóm. Đây không chỉ giáo dục kiến thức lịch sử, dạy cho các em tự hào về quê hương,… mà còn tập cho các em kỹ năng khác như làm việc theo nhóm, khả năng trình bày…” Cô Dok đang nói dang dở, tôi thấy một nhóm học sinh lớn hơn, cỡ cuối cấp 2 bắt đầu túa vào đền. Cảm ơn các bạn trẻ, trước khi tôi chia tay đi, ráng liếc vào mấy cuốn sổ ghi chi chít của các nhóc mà… thèm.
Giờ, đọc thấy mẩu tin trên, tôi chạnh lòng quá. Nước mình đâu có thiếu di tích văn hoá, lịch sử, thiên nhiên… Học sinh Việt Nam đâu có kém tài trong các cuộc thi thố với các nước trong khu vực. Nhưng với những việc như “giáo dục giữ gìn di sản cho các em bằng cây chổi…” thì sao các em có thể thấu hiểu, có thể tự hào, yêu quý, trân trọng các giá trị lịch sử văn hoá của đất nước. Nhiều nhà quản lý, chức năng hiện nay đang lên tiếng ca cẩm, phiền trách những việc như “sờ đầu rùa”, “nhét tiền”, “rải tiền”… ở Văn miếu Quốc tử giám… Nhưng, nên trách ai trước bây giờ?
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN

Không có nhận xét nào: