Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

(THVL) Quán cà phê – nét văn hóa cộng đồng của người Nhật

Nhà ở của người Nhật nhỏ hẹp nên thường được ví như chuồng thỏ, đó cũng là lí do người dân đất nước này thích đến quán cà phê, nơi có không gian thoáng đãng để thư giãn hoặc gặp gỡ bạn bè. Hiện nay, trên khắp Nhật Bản có khoảng 80 ngàn quán cà phê, mỗi năm, người Nhật tiêu thụ một lượng cà phê rất lớn, hơn cả Pháp và Italia – những nước nổi tiếng với văn hoá uống cà phê.
Quán cà phê xuất hiện đầu tiên tại Nhật vào cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1911, hình thức kinh doanh này bắt đầu phát triển bùng nổ. Quán không chỉ phục vụ cà phê mà còn phục vụ nhiều loại thức uống khác và cả những món ăn nhẹ.
Các món ăn trong thực đơn tại quán cà phê được gọi là Moningu-setto, tức các món ăn dành cho bữa sáng, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các khách hàng không có thời gian dùng điểm tâm tại nhà. Món ăn phổ biến nhất là bánh mì sandwich ăn kèm với mứt, phô mai hoặc sandwich kẹp thịt. Moningu-setto là một trong những lợi thế thu hút khách của các quán cà phê ở Nhật.
Món ăn phổ biến nhất trong các quán cafe là bánh mì sandwich
Kệ để báo là vật không thể thiếu tại các quán cà phê, nhờ đó, khi uống cà phê, khách có dịp lướt qua những thông tin nổi bật liên quan đến chính trị, kinh tế hay thể thao trong và ngoài nước. Quán cà phê còn là điểm hẹn để trao đổi công việc giữa các đồng nghiệp hay đối tác kinh doanh với nhau.
Vừa thưởng thức cafe vừa đọc báo cũng là một thói quen của người Nhật
Văn hóa cà phê đã hình thành tại Nhật Bản từ rất lâu, nhiều người nhận xét vui rằng, người Nhật có vẻ như xử lý mọi công việc bên tách cà phê.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của một xã hội năng động, hình thức kinh doanh quán cà phê cũng biến đổi không ngừng. Hiện nay, rất nhiều quán cà phê Internet có gắn vô số ổ cắm điện trên các vách tường để khách hàng dễ dàng sử dụng máy tính cá nhân hoặc những thiết bị điện tử khác. Sở thích vừa uống cà phê vừa lướt web hay làm việc trên máy vi tính đang trở nên phổ biến. Đối với những người này, quán cà phê giờ chẳng khác gì văn phòng làm việc của họ.
Khách hàng có thể sử dụng máy tính cá nhân tại quán cafe
Nếu bạn muốn được phục vụ như những ông bà chủ thì hãy đến với Meido Kissa, tức quán cà phê có những người hầu gái. Nhân viên ở đây là các cô gái trẻ trong bộ váy xinh xắn tương tự như những hầu gái ở các gia đình quý tộc châu Âu. Ngoài việc phục vụ nước uống và thức ăn nhẹ cho khách, nữ nhân viên tại Meido Kissa cũng làm khách hài lòng bằng những kiểu pha trò dễ thương.
Khách hàng của quán cafe có những cô hầu gái thường là nam giới
Khách hàng của Meido kissa chủ yếu là nam giới. Loại hình quán cà phê này nở rộ tại Nhật Bản vào cuối thập niên 1990, hiện nay, nó đã phổ biến ra nhiều nước trên thế giới.
Và nếu ai đó yêu thích mèo thì quán cà phê mèo sẽ giúp họ có cơ hội gần gũi và thư giãn với loài vật đáng yêu này.
Người Nhật rất thích nuôi mèo nhưng do giới hạn của không gian nhà ở nên ít người có điều kiện nuôi chúng trong nhà. Bên cạnh đó, nhiều người bận rộn với công việc nên không có thời gian chăm sóc mèo, vì thế họ không có dịp tận hưởng thú vui nuôi mèo. Quán cà phê mèo sẽ giúp họ bù đắp sự mất mát đó.
Quán cà phê mèo được mở lần đầu tiên tại Osaka vào năm 2004. Giờ đây, nó trở nên thịnh hành và là một trong những trào lưu mới trong văn hóa cà phê của nước Nhật.
Cafe mèo đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những người yêu mèo

Nửa cuối thập niên 1970, khi trò chơi điện tử mới xuất hiện trên thị trường, nó đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ Nhật Bản.
Nhiều quán cà phê trò chơi điện tử có tên gọi Gemuki kissa lần lượt ra đời để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Quán lắp đặt nhiều máy chơi điện tử để khách vừa uống cà phê vừa thư giãn, mỗi lần chơi, khách hàng bỏ vào máy đồng xu trị giá 100 yên, khoảng 27.000 đồng Việt Nam. Với hình thức kinh doanh này, các quán cà phê thu lợi từ tiền chơi game nhiều gấp mấy lần tiền nước uống.
Quán Chigusa là một Jazz kissa hay còn gọi là quán cà phê nhạc Jazz nổi tiếng ở thành phố Yokohama. Quán khai trương vào năm 1933. Trải qua nhiều thập niên, nhưng hiện nay, không gian nhỏ hẹp Jazz kissa này vẫn là nơi lui tới của những người đam mê dòng nhạc này mỗi ngày.
Quán cafe nhạc jazz Chigusa
Người sáng lập nên Chigusa là ông Yoshida Mamoru. Trước đây, quán cà phê này là thiên đường dành cho các fan nhạc jazz thế hệ đầu tiên của Nhật Bản. Quán có một bộ sưu tập hàng ngàn đĩa nhạc jazz xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, sau khi ông Yoshida qua đời, Chigusa đã không còn hưng thịnh khi các dòng máy nghe nhạc di động phát triển mạnh mẽ. Tháng 12 năm 2007, quán cà phê này phải ngừng hoạt động.
Sự biến mất của Chigusa là một tổn thất lớn đối với văn hoá cà phê Nhật Bản, chính vì vậy, những người tâm huyết với loại hình giải trí này đã quyết tâm xây dựng lại nó. Chigusa hồi sinh vào năm 2010.
Gần 80 năm sau lần khai trương đầu tiên, Chigusa – cửa hàng cafe nhạc jazz lâu đời nhất và được yêu mến nhất Nhật Bản – sau những thăng trầm vẫn tiếp tục cống hiến cho người nghe những bản nhạc jazz bất hủ.
Người sáng lập nên Chigusa là ông Yoshida Mamoru
Quán cà phê Nhật Bản bước vào thời kỳ hoàng kim vào thập niên 1980, các quán cà phê với đủ hình thức kinh doanh mọc lên như nấm. Khi đó, ước tính có đến 155.000 quán cà phê, nhiều gần gấp đôi so với hiện nay, hoạt động trên khắp cả nước. Đây là loại hình dịch vụ mang đến nhiều lợi nhuận nhưng cũng nhiều thử thách. Để tồn tại, giới kinh doanh phải nghĩ ra nhiều cách để phù hợp với sự thay đổi của xã hội.
Cuối thập niên 1990, Nhật Bản chứng kiến tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng. Khó khăn tài chính khiến người dân không còn chi tiêu hào phóng cho việc giải trí, quy mô của quán cà phê vì thế cũng giảm dần. Ngày nay, các quán cà phê ở Nhật Bản phát triển theo hướng mới là dựa trên những ý tưởng độc đáo và mới lạ để hấp dẫn khách hàng.
Dân số Nhật Bản đang ngày càng lão hóa, theo ước tính của chính phủ nước này, gần phân nửa dân số Nhật bản sẽ trên 65 tuổi trong vòng 50 năm tới. Và để cuộc sống của người già thêm ý nghĩa, hiện nay, ở Nhật đã xuất hiện những quán cà phê nhắm đến đối tượng này.
Người dân địa phương gọi đây là quán cà phê cộng đồng, một hình thức giao lưu giúp những người lớn tuổi kết bạn với nhau. Phí cho 1 người tham dự quán cà phê cộng đồng mỗi ngày là 300 yên, tức 81.000 đồng Việt Nam. Với khoản đóng góp này, họ sẽ được phục vụ nước uống và có cơ hội chuyện trò với những người khác, điều mà người già rất cần.
Văn hóa cafe đã trở thành một hoạt động được xã hội hóa
Cà phê cộng đồng tách rời khỏi mô-típ kinh doanh mang tính lợi nhuận mà ở đó, tính gắn kết cộng đồng và tình cảm giữa người với người được đề cao. Văn hoá cà phê Nhật Bản không chỉ đáp ứng sở thích uống cà phê mà đã trở thành một hoạt động được xã hội hoá.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: