Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Oslo (Na Uy) – “thành phố của những viện bảo tàng”

Đi du lịch ở Oslo - thủ đô của Na Uy - vào mùa nào thì lý tưởng nhất? Thật là khó để du khách lựa chọn. Hầu như vào mùa nào ở Oslo cũng có cái thú riêng.

Đến Oslo vào mùa hè, du khách sẽ có dịp trải qua những đêm thức trắng vì vào mùa này các viện bảo tàng cũng như những điểm du lịch khác mở cửa thâu đêm, khách sạn thì giảm giá khá nhiều cho du khách. Nếu chọn mùa xuân, du khách sẽ tha hồ ngắm cảnh muôn hoa đua nở. Mùa thu cũng có vẻ đẹp riêng với ánh nắng dìu dịu rất dễ chịu. Riêng những người mê trượt tuyết thì lại chọn mùa đông.
Là thành phố cổ nhất ở bán đảo Scandinavia, Oslo được thành lập vào đầu thế kỷ 11 và mãi đến thế kỷ 13 mới trở thành thủ đô Na Uy. Từ đó, Oslo phát triển thành một đô thị xinh đẹp, với một bên là biển và một bên là núi.
Một trong những điểm đặc biệt của Thủ đô Oslo là hệ thống giao thông công cộng rất tốt, phục vụ cho gần nửa triệu dân và cả du khách. Qui định của chính quyền là nếu phải chờ xe buýt hoặc xe lửa tới 20 phút thì hành khách sẽ được hệ thống này trả tiền taxi để về nhà.
Đặc điểm thứ hai của thủ đô Oslo là có gần 100 viện bảo tàng (nên còn được gọi là “thành phố của những viện bảo tàng”). Hầu như du khách nào tới Oslo cũng phải đến thăm Viện bảo tàng Munch - nơi trưng bày tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng nhất Na Uy Edvard Munch. Trong di chúc của danh họa danh tiếng này, ông hiến tặng toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình cho hội đồng thủ đô Oslo. Sự nghiệp của Edvard Munch gồm hàng ngàn bức tranh, được luân phiên trưng bày trong viện bảo tàng.
Một nơi thu hút đông đảo du khách không kém Viện bảo tàng Munch là Viện bảo tàng tàu Viking. Đó là một hội trường lớn, được thiết kế đặc biệt để trưng bày ba con tàu của người Viking thời xưa. Ba chiếc tàu trưng bày trong viện bảo tàng này đều được đóng từ thế kỷ thứ 9 và được tìm thấy ở miền Nam Na Uy vào thế kỷ thứ 12. Đó là loại tàu tiêu biểu của người Viking: tàu dài và hẹp, chiều dài hơn 20 mét và chiều ngang 5 mét, dùng cho những cuộc hải trình lâu ngày. Cột buồm cao từ 18 - 20 mét được làm rất vững để chịu đựng phong ba bão táp. Cánh buồm hình vuông, mũi tàu thì được khắc thành hình đầu rồng.

 
 Công viên Vigeland

Một viện bảo tàng khác cũng trưng bày tàu đó là Viện bảo tàng Fram. Tại đây, có hai con tàu: Gjoa và Fram. Gjoa là con tàu đã đưa nhà thám hiểm Roald Amundsen đến thành công vào năm 1906 trong cuộc hải trình nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đây là thành tích mà nhiều nhà thám hiểm từng mơ ước trong suốt nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, thành tích này chỉ mới là thành tích đầu của Roald Amundsen. Năm 1912, ông là người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên Nam cực, trước cả nhà thám hiểm tên tuổi người Anh Robert Scott. Con tàu đã đưa Roald Amundsen tới Nam cực là tàu Fram do Colin Archer - nhà đóng tàu nổi tiếng Na Uy - thiết kế.
Viện bảo tàng Dân gian Na Uy cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân tới thủ đô Oslo. Viện bảo tàng này được chia làm ba khu vực. Trong Khu Nghệ thuật Dân gian, du khách có dịp ngắm những đồ đạc trong nhà ở của người Na Uy thời trước. Khu này cũng có chỗ trưng bày những loại quà tặng các cặp tình nhân ngày xưa hay tặng cho nhau. Ví dụ những cái muỗng chạm khắc rất đẹp và cầu kỳ do các chàng trai tặng cho người yêu và những đôi găng tay các cô gái tặng cho tình nhân. Khu thứ hai là khu Trang phục Dân gian. Tại đây, du khách sẽ lóa mắt trước những bộ y phục dân tộc đủ màu đủ kiểu của người dân Na Uy. Tuy nhiên, thu hút đông khách thập phương hơn cả là khu Triển lãm ngoài trời, gồm 150 mô hình những công trình kiến trúc lớn ở Na Uy từ thế kỷ thứ 17 đến 19.
Ngoài những viện bảo tàng, thủ đô Oslo còn có Công viên Vigeland, trưng bày những tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Gustav Vigeland. Công viên này do chính điêu khác gia Gustav Vigeland thiết kế. Từ những chiếc cổng đồ sộ tới con đường chính dẫn du khách vào thế giới những bức tượng đồng đầy những đường nét sắc sảo và đa dạng đều do trí tưởng tượng phong phú của Gustav Vigeland nghĩ ra.
Mỗi năm, thủ đô Oslo thu hút hàng triệu khách tới tham quan.
 
Theo Báo Cần Thơ

Không có nhận xét nào: