Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Samarkand - tấm gương phản chiếu thế giới

EmailIn
348930-2Uzbekistan có nhiều nét Nga, nhiều nét Ấn Độ và cũng nhiều nét Trung Quốc... Cuộc sống ở đất nước này chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Và để thử tìm hiểu con người và đất nước này, bạn hãy cùng chúng tôi đến chợ Basar ở Samarkand.

Ông già ngồi ngay ở cổng chợ như một người trông chợ. Ông ngồi bất động và cũng chẳng để ý lắm đến dòng người ngược xuôi qua lại. Trong bụi bặm của đường phố trên chiếc khăn là những thỏi kẹo cao su màu đỏ, xanh, vàng mà ông bán với giá 500 sum, khoảng 0,25 cent euro. Không ai dừng lại để mua cả.

Những người phụ nữ tất tưởi đi chợ chuẩn bị cho bữa trưa của gia đình họ không dừng lại chỗ ông. Những đứa trẻ con đi học về cũng không và cả những người đàn ông vừa đi ngang qua vừa lầm rầm điều gì đó hay đang huýt sáo cũng không nốt.

Tại đây, trong cái chợ Basar của Samarkand này, là trái tim đang đập của thành phố từ hàng trăm năm nay. Đây là nơi gặp gỡ của tất cả mọi người, tại đây có đủ mọi thứ kể từ khi những lái buôn trên con đường tơ lụa trao đổi hàng hóa đủ chủng loại - từ các loại gia vị cho đến những nền văn hóa khác nhau.

348931
Quảng trường Registan ở Samarkand, một trong những quảng trường lớn nhất thế giới 

Samarkand là trạm dừng chân của các đoàn caravan trên con đường từ Trung Quốc sang châu Âu, đây là nơi tụ họp của thế giới phương Đông và thế giới phương Tây. Do vậy Samarkand một thuở được gọi là "thành phố đẹp nhất" hay "tấm gương phản chiếu của thế giới".

Đi thêm từng bước sâu vào trong chợ thì tiếng búa mỗi lúc một to hơn, khói bếp dày hơn và mùi gia vị cũng đậm đặc hơn. Tại một quầy hàng, một người đàn ông đang xếp những quả dưa hấu thành một cái tháp. Bên cạnh loại giấy lụa mà nhà thơ Göthe (người Đức) đã viết tập thơ West-östlichen Divan thì Samarkand còn rất nổi tiếng về sản phẩm dưa hấu lòng đỏ mọng nước và rất ngọt của họ.

Không chỉ trao đổi hàng hóa, lữ khách đồng thời mang đến đây văn hóa và kiến thức của họ. Al Fargani, sinh ra ở Samarkand, đã lập nên trường đại học đầu tiên ở đây và Khan Ulugh Beg với ống kính thiên văn của mình đã xác định vị trí chính xác nhất của các vì sao hơn tất cả những người đi trước ông.

348933
Đi thăm các công trình kiến trúc nổi tiếng của Samarkand

Tiếc rằng ngày nay Uzbekistan không còn vị thế như thời hoàng kim xưa kia - quốc gia này nằm giữa các nước Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan và Tajikistan, những người hàng xóm luôn có hiềm khích với nhau. Còn rất ít lữ khách lưu lạc tới vùng Trung Á này. Uzbekistan là biểu tượng của những gì xa xôi và xa lạ. Mặc dù vậy đất nước này vẫn là chiếc gương của thế giới.

Ở phía đông Uzbekistan giống Trung Quốc, phía nam giống Ấn Độ, phía bắc giống Nga và phía tây có nhiều hơi hướng Ả rập - bởi lẽ biên giới nước này thuở xưa được vạch ra tùy tiện và là những đường thẳng tắp qua sa mạc. Trong chợ Basar của Samarkand người ta nhận thấy sự đa dạng và những ảnh hưởng của các nền văn hóa thông qua gương mặt người mua kẻ bán cũng như những sản phẩm được bán tại đây. Văn hóa đa dạng là điểm thu hút chính đối với du khách đến với đất nước này.

Samarkand có lịch sử lâu đời như Roma hay Athens. Thời hoàng kim của nó vào khoảng năm 1370 - thành phố ốc đảo trên sa mạc của Uzbekistan này là trung tâm chính trị và văn hóa của châu Á. Alexander Đại Đế và Thành Cát Tư Hãn (Dschingis Khan) đã từng chinh chiến tại đây và Timur Lenk đã lấy Samarkand làm thủ đô vương quốc của ông. Timur là quốc vương của một vùng đất rộng lớn gồm Ba Tư và Mông Cổ, Trung Á, phần đông Trung Quốc và phần bắc của Ấn Độ ngày nay.

Ở Samarkand, Buchara và Chiwa ngày nay vẫn còn những di sản của thời hoàng kim ấy với những nhà thờ Hồi giáo và các trường học kinh Koran. Registan hoành tráng có lẽ là quảng trường công cộng lớn nhất thế giới và Bibi Xanom, một thuở là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, vẫn còn được giữ gìn tốt và cho du khách thấy được một phần sự lộng lẫy, hoành tráng của thành phố này một thời.

348936
Nhà thờ Hồi giáo Bibi Xanom

Trong chợ vào buổi trưa, những người bán hàng dùng bạt để che mái cho đỡ nắng và nóng. Mùi cơm rang tỏa đi khắp nơi hòa quyện với tiếng búa lanh lảnh đạp vào kim loại phát ra từ những cửa hàng rèn giũa.

"Ngày trước ở đây có nhiều thợ kim hoàn hơn" - Alisher, một người đàn ông đã đứng tuổi trong một bễ rèn, kể. Cả những người thợ đan thúng, mẹt cũng như những nghệ nhân tiện gỗ ngày xưa cũng đông hơn. Rồi những thầy lang với các loại thuốc được chế từ lông lạc đà và gai cây xương rồng chữa được bách bệnh. Và không thể thiếu các bác sĩ nhổ răng hay bắt mạch cho các bệnh nhân tới đây chữa đủ các loại bệnh.

Những cảnh mà Alisher kể mặc dù không còn nữa nhưng ở trong chợ Basar của Samarkand cũng như ở hầu như khắp nơi của Uzbekistan dường như thế kỷ 21 vẫn còn xa xôi lắm. Ngoài một cái ô có dòng chữ Coca Cola đã bạc màu thì ở đây khó mà tìm được biểu tượng nào của thế giới phương Tây - những cái cân ở đây đã gỉ, hoen ố, giá cả vẫn phải mặc cả hết lời.

Uzbekistan là một nước nghèo, đường sá trong thành phố khá bụi bặm và không được đổ nhựa, nhà cửa lụp xụp được xây san sát nhau và hầu như tất cả chỉ có một tầng. Ở những vùng quê hầu như không có điện và nước sạch mặc dù Uzbekistan là một trong những nước xuất khẩu gas và sợi bông nhiều nhất thế giới.

Alisher chỉ về hướng một mái tôn khá lớn - đó là cửa hàng bán gia vị và hương liệu của anh. Ở đây bốc lên hương của hạt mùi, hồi, quế và mùi ngọt của nho khô. Trên những chiếc bàn là hàng dãy các đống gia vị đủ màu sắc hình tháp pyramid. Bột lá tre màu xanh, đường màu nâu, hạt tiêu màu xám đen, vừng màu vàng nhạt. Những hạt vừng lọt qua kẽ tay thuần thục của người xem hàng, họ dùng tay xát những hạt vừng và biết chắc chất lượng rất tốt của sản phẩm họ muốn mua. Cuộc mua bán đã ngã ngũ và người mua hàng nói "Rahmat" để cảm ơn người bán.

Những người phụ nữ ngồi ở phía mép ngoài, một số đội khăn như hàng triệu phụ nữ Hồi giáo khác. Không phải tất cả đã vứt bỏ tín ngưỡng của mình trong thời xã hội chủ nghĩa khi Uzbekistan còn thuộc Liên Xô. Phần lớn người dân ở đây theo đạo Hồi, một số theo Phật giáo, số khác theo Thiên Chúa giáo chính thống. Những người phụ nữ này bán bánh mì dẹt, mỗi loại bánh của từng gia đình lại có "con dấu" riêng, rồi khoai tây, gạo và nho khô. Hạt lạc thì được tẩm một lớp đường và rất dính mỗi khi sờ tay vào.

Không hiểu có ai đã bán được những thỏi kẹo cao su hay không? Nhưng điều này cũng không quan trọng lắm - những người bán hàng sẽ dọn dẹp sạp hàng của họ khi trời nhá nhem tối. Và phần lớn trong số họ còn ở lại thêm một lát để uống với nhau một cốc trà. Cho đến ngày hôm sau...

Nguyễn Minh

Không có nhận xét nào: