Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Ngôi đền cổ Phimai

Phimai xưa kia từng được xem là một trong những thành phố quan trọng của người Khmer. Kiến trúc và điêu khắc của đền được xem là cùng thời kỳ với kiến trúc của Bayon, Baphuon và Angkor Wat.

Sau 5 giờ đi xe buýt từ Bangkok, thành phố đầu tiên mà đoàn chúng tôi đến là Korat, tỉnh cửa ngõ vào vùng Isan, Isarn hay Esarn, được xem như vùng Đông Bắc Thái Lan, vùng của sự giao thoa nhiều nền văn hóa - nơi mà nền văn hóa của Lào, Campuchia và Thái Lan gặp nhau.
Do đó mà ngôn ngữ ở đây hoàn toàn khác biệt. Tiếng Lào là ngôn ngữ được phổ biến nhất bên cạnh tiếng Khmer cũng được sử dụng rộng rãi. Nhiều người dân trong vùng có thể biết hoặc không biết tiếng Anh nhưng họ có thể biết nhiều thứ tiếng địa phương như Lào, Thái hay Khmer. Thức ăn ở vùng này nặng khẩu vị Lào. Món ăn đặc trưng vùng này là gỏi đủ đủ (tiếng Thái gọi là Som Tam hay Tam Mak Hong theo tiếng Lào), gà nướng, gạo dẻo và lạp Korat giữ vị trí đặc biệt trên tuyến đường từ Bangkok đến vùng Đông Bắc.
Hướng dẫn viên địa phương còn cho chúng tôi biết mỗi khi có lễ hội, nhất là Tết của Thái Lan, Korat và con đường chính vào thành phố, các quán ăn, nhà hàng sẽ tổ chức các hoạt động thu hút khách bằng việc miễn phí hay giảm giá đặc biệt đối với món ăn đặc sản chính của thành phố này. Cách làm này dùng để quảng bá thương hiệu riêng của các đơn vị kinh doanh và làm nổi bật đặc sản riêng có của địa phương.
Đền Phimai có kiến trúc giống đền Angko của Campuchia. Ảnh: Lâm Văn Sơn.
Sau bữa cơm trưa Thái, chúng tôi được đưa đến tham quan công viên lịch sử Phimai, là một khu phức hợp di tích gồm nhiều đền và những bức tượng Phật nằm trong một diện tích lớn đang được bảo vệ. Trong đó có hai công trình có giá trị lớn về mặt kiến trúc đó là công viên lịch sử Phanom Rung và Pra Sat Hin Phimai.
Công viên lịch sử Phimai tọa lạc tại quận Phimai, thành phố Korat, thủ phủ tỉnh Nakhon Ratchasima - một tỉnh cửa ngõ của vùng Đông Bắc Thái Lan. Korat cũng là tên gọi của cao nguyên Korat. Từ quốc lộ số 2 rẽ phải theo đường 206 qua một cây cầu đoàn chúng tôi đến công viên. Phía ngoài công viên là bảo tàng lịch sử Phimai và tiếp bên trong là khu phức hợp nhiều ngôi đền linh thiêng.
Thời kỳ Khmer, Phimai từng là một thành phố quan trọng. Trong đó, Pra Sat Hin Phimai là ngôi đền Khmer lớn nhất tại Thái Lan và là ngôi đền có kiến trúc độc đáo nhất trong quần thể Phimai nằm ở trung tâm thành phố.
Trước khi đến được ngôi đền thờ trung tâm chúng tôi phải đi qua một cây cầu người ta gọi là cầu Naga, cầu có đầu rắn thần. Naga được xây dựng quay theo hướng Nam. Trước cầu Naga là bục trung tâm hình chữ thập trước có 2 con sư tử.
Đền được xây dựng trong suốt thời kỳ vua Jayavaraman VI trị vì từ năm 1080 đến năm 1107. Sau đó ngôi đền lại được tiếp tục hoàn thiện bởi vua Jayavarman VII từ năm 1181 đến năm 1219, là vị vua có vị trí rất quan trọng trong việc củng cố và phát triển ngôi đền. Nếu như trước đó, ngôi đền ảnh hưởng của kiến trúc đạo Hindu thì sau khi vua Jayavaraman 6 lên ngôi, ngôi đền lại chịu ảnh hưởng của kiến trúc đạo Bà La Môn.
Ngôi đền được người dân ở đây cho là có một con đường bí mật dẫn đến đền Angkor Wat của Campuchia. Theo giả thuyết của các nhà khoa học thì con đường đá trực tiếp đến đền Angkor từ cầu Naga theo hướng Đông Bắc là khoảng 225 km. Hầu như con đường này hiện bị bao phủ bởi rừng cây và chỉ có thể nhìn thấy được từ trên không. Phần còn lại của con đường duy nhất hiện nay là đường vào cổng Phimai. Phần này đã chứng thực sự tồn tại của con đường đã có từ trước thế kỷ 12-13 từ thời kỳ vua Jayavarman VII.
Mặc dù đền Angkor được xây dựng trước Phimai, tuy nhiên về cơ bản cả hai ngôi đền đều không mấy thay đổi. Đền Angkor huy hoàng, đặc sắc và bề thế hơn Phimai bởi năm ngọn tháp lớn như năm ngọn núi lớn vươn lên cao, trong khi các tháp thờ của đền Phimai sắp xếp một cách đơn lẻ.
Toàn bộ ngôi đền xây dựng theo hình vuông và bức tường thành bao quanh đền có chiều rộng là 580 m và chiều dài là 1020 m. Về mặt địa lý, người dân địa phương cho rằng nó đã được xây dựng trên một ngọn đồi cao và được bao bọc bởi 3 con kênh đào.
Những hình tượng tại đền Phimai. Ảnh: Lâm Văn Sơn.
Phimai xưa kia từng được xem là một trong những thành phố quan trọng của người Khmer. Kiến trúc và điêu khắc của đền được xem là cùng thời kỳ với kiến trúc của Bayon, Baphuon và Angkor Wat. Chất liệu xây dựng chủ yếu là sa thạch, đá ong và là sự kết hợp của đá sa thạch đỏ cùng với cát trộn tạo thành chất kết dính vững chắc.
Hiện, ngôi đền bị bào mòn đến tận phần đá bên trong nên vách đá ở đây nhiều chỗ đã để lộ những màu sắc đỏ chói của sa thạch đỏ. Bộ phận bảo vệ di sản ở tỉnh này đã cố trùng tu khôi phục lại đền bằng những khung nẹp sắt và các vữa hồ xi măng.
Gần ngôi đền còn có bảo tàng quốc gia Phimai nơi lưu giữ những cổ vật thời kỳ Angkor và đặc biệt hơn nữa là cách công viên quốc gia Phimai khoảng 1,5 km có cây Sai Ngam là giống cây bany khổng lồ. Cây Sai Ngam thật ra chỉ là một cây duy nhất nhưng nếu nhìn từ xa cây Sai Ngam trông giống như một rừng cây lớn. Người địa phương còn cho biết có thể nói Sai Ngam là cây lớn nhất Đông Nam Á, có tuổi thọ trên 350 năm và người Thái xem cây này như là “cây thần”.
Có cơ hội đến tham quan được Phimai ở Nakhon Ratchashima Thái Lan, Watphou ở Nam Lào và Angkor ở Campuchia, tôi mới nhận ra về sự to lớn và bao trùm của thời kỳ đế chế Angkor hùng vĩ.
Lâm Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét