Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Lễ hội thổ dân nơi tận cùng thế giới

Lễ hội thổ dân ở thung lũng Baliem, trên hòn đảo West Papua New Guinea thuộc Indonesia là một điểm nhấn văn hóa mang đậm hơi thở của những bộ tộc hoang dã nhất hành tinh. Bạn Trần Thu Thủy chia sẻ.

Lễ hội văn hóa thổ dân ở thung lũng Baliem là một trong những tài sản văn hóa phong phú và độc đáo nhất ở Indonesia. Bản thân lễ hội đã là một sự háo hức với chính thổ dân địa phương chứ không chỉ hấp dẫn với khách phương xa. Tháng 8 là thời điểm khắp nơi trên hòn đảo West Papua New Guinea thuộc Indonesia diễn ra các lễ hội.
Những điệu múa xuất phát từ trong cuộc sống rất đỗi bình dị của họ, từ việc nhóm lửa, ca hát, ân ái hay những tranh chấp, ghen tuông, cãi lộn, đánh nhau, giảng hòa cho đến tục lệ linh thiêng như ướp xác tù trưởng. Một điều dễ nhận thấy là họ tham gia vào lễ hội, họ nhảy múa, họ ca hát một cách say sưa, rất đỗi tự nhiên và đầy lòng nhiệt tình. Cứ như thể trong máu họ đã sẵn có những nhịp điệu và những lời ca tiếng hát.Tham dự vào lễ hội thung lũng Baliem, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm trực tiếp những hoạt động mang đậm văn hóa thổ dân còn như thuở sơ khai với sự hiện diện của hàng nghìn thổ dân. Lễ hội tái hiện từ những trận đánh giữa các bộ lạc, những vũ điệu của chiến binh hân hoan chiến thắng các cuộc đi săn đầu người, những điệu múa của thiếu nữ ngực trần, những người đàn ông tóc xoăn da đen lực lưỡng trong các cuộc đi săn thú…
Thổ dân đến với lễ hội ai ai cũng muốn phô trương sự đẹp đẽ của hình thể và sự uy nghi của khuôn mặt. Màu trắng ngà của những cái nanh lợn như túa ra từ hốc mũi khiến cho các chiến binh Dani càng thêm vẻ oai phong dữ tợn. Họ lấy đất sét các màu để vẽ lên mặt, lấy bồ hóng để bôi lên làn da đã sẵn đen bóng căng tràn sức sống. Họ vẽ các mảng màu lớn, các chấm hoặc các hình tròn, lục giác quanh cơ thể, đầu đội mũ lông chim sặc sỡ ánh lên rực rỡ trong nắng vàng và trên nền trời xanh ngăn ngắt… Ánh mắt của những người thổ dân còn nguyên cái vẻ hoang dại nhưng khi họ cười, bạn sẽ nhận thấy ngay thông điệp thân thiện từ ánh mắt đó.
thổ dân
Nanh lợn làm tăng vẻ dữ tợn cho đàn ông Dani. Ảnh: Thu Thủy.
Có ba bộ lạc chính sinh sống trong lòng thung lũng Baliem. Tộc người Dani chiếm đa số, người Lai sống ở phía tây thung lũng và người Yali ở phía đông nam. Mỗi bộ lạc có một nền văn hóa khác biệt. Một cách chắc chắn và thú vị để phân biệt giữa các bộ lạc chính là quả bầu (penis gourd) che phần kín của người đàn ông hay còn gọi là Koteka.
Người Dani sử dụng loại bầu dài, nhọn, vỏ mỏng. Phía bên trên quả bầu được trang trí bằng một nhúm lông chim hoặc một mảnh da thú. Ngoài mục đích sử dụng koteka để che dương vật, người Lani lại dùng quả bầu có kích thước khá to như một nơi để đựng những thứ riêng tư của mình và thậm chí họ đựng cả thực phẩm ở trong đó. Còn người Yali lại sử dụng Koteka vừa nhỏ, vừa dài, thậm chí đủ dài để nâng đỡ những vòng mây đeo quanh bụng.
Ngoài những thứ phụ trang trên đầu, trên cổ, phụ nữ các bộ lạc đều mặc váy cỏ. Đặc biệt phụ nữ Yali mặc váy phân theo tầng theo lớp, mỗi lớp tương đương với 4 tuổi. Cô nào váy có 4 lớp trở lên là đến tuổi lấy chồng. Trên dọc đường đi sâu vào thung lũng, đâu đâu tôi cũng thấy những phụ nữ Dani đeo một cái túi tự đan từ sợi cỏ gọi là “noken”, dây túi vắt ngang qua đầu và buông xuống quá lưng, nó như là một phần thể thiếu trong trang phục của họ vậy. Nhiều năm trước đây, khi xã hội văn minh còn chưa chạm tới nơi này, vỏ ốc, nanh chó và lợn còn là phương tiện có giá trị cao để trao đổi hàng hóa, thậm chí là để đổi lấy vợ.
Đến thung lũng Baliem, tham gia lễ hội thổ dân, dõi theo những trận đánh giả, hòa nhịp chân vào những điệu múa mê mải... tất cả hoạt động lễ hội như dần được hiển thị qua một “màn hình lớn” về văn hóa bản địa độc đáo và đầy màu sắc. Nhiều lúc tôi thấy mình bị ngợp như đang được sống trong không gian của thời kỳ sơ khai nguyên thủy. Ở đó tôi tìm thấy những giá trị chân thực về cuộc sống, về khái niệm hạnh phúc rất đỗi giản dị và mộc mạc.
Dẫu biết cuộc sống không ngừng vận động để hướng về những điều kiện tốt đẹp hơn cho con người, nhưng vẫn mong sao những nét đẹp văn hóa của lễ hội thổ dân vùng thung lũng Baliem sẽ được giữ lại và còn mãi với thời gian. Mong sao những nét đẹp trong đời sống văn hóa của họ sẽ luôn là những trải nghiệm mới mẻ cho ai từng một lần đến, rồi trót yêu mến những con người hồn hậu, yêu cuộc sống tựa thủa hồng hoang và yêu mảnh đất còn nhiều điều bí ẩn này.
Hành trình bay tới thung lũng Balierm được biết đến là hành trình bay xa nhất và dài nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á với 24 giờ bay liên tục và với 5 chặng bay: Hà Nội – Kulalumpur– Jakatar –Ujung Pandang – Jayapura và Wamena.
Thị trấn Wamena là nơi trung chuyển duy nhất bằng đường hàng không để tiếp cận được với thung lũng Baliem. Chi phí ở đây cao gấp 5 lần so với Jakarta bởi tất cả hàng hóa vào được thung lũng đều bằng đường hàng không. Chi phí tối thiểu để tổ chức một chuyến đi từ 4 đến 5 ngày khoảng 1.700 USD.
Từ năm 2010, điều kiện để vào thung lũng Baliem và tới thăm các bộ lạc ở đây bắt buộc phải thông qua một đơn vị tổ chức du lịch và xin giấy phép của cảnh sát địa phương.
Lễ hội Baliem được tổ chức vào những ngày không cố định trong nửa đầu tháng 8. Năm 2011, lễ hội được dự kiến tổ chức vào dịp mùng 8 và 9 tháng 8.
Trần Thu Thủy và Nguyễn Lưu Triều Dương

Cận cảnh lễ hội thổ dân

Tái hiện một trận đánh giả
Tái hiện một trận đánh giả.
Tác giả với một gia đình thổ dân.
Tác giả với một gia đình thổ dân.
Tác giả với một em bé thổ dân.
Tác giả với một em bé thổ dân.
Quả bầu là chi tiết ngộ nghĩnh nhất trong trang phục thổ dân.
Quả bầu là chi tiết ngộ nghĩnh nhất trong trang phục thổ dân.
Mô phỏng một trận đánh.
Mô phỏng một trận đánh.
Những hình vẽ tô điểm cho vẻ hoang dã.
Những hình vẽ tô điểm cho vẻ hoang dã.
Một cậu bé thổ dân
Một cậu bé thổ dân.
Giao lưu với thổ dân.
Giao lưu với thổ dân.
Những người phụ nữ trong lễ hội.
Những phụ nữ trong lễ hội.
Trần Thu Thủy

Không có nhận xét nào: