Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Khoảng lặng Thành Đô

EmailIn
3tdẤn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới Thành Đô (Trung Quốc) là nhịp sống công nghiệp hối hả của thành phố rộng lớn này. 
Dọc theo những đại lộ thênh thang nhiều làn xe chạy là những cao ốc chót vót, những siêu thị khổng lồ lấp lánh ánh đèn. Thế mà Thành Đô lại là một thành phố có lịch sử rất lâu đời.
Theo sử sách, vào năm 220, Lưu Bị nghe lời quân sư Khổng Minh, lui về Ba Thục, đốt đường sạn đạo để che mắt Tào Tháo, ẩn mình chiêu hiền đãi sĩ, lập ra triều đại Thục Hán và lấy Thành Đô làm kinh đô tạm thời. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, Thành Đô đã trở thành một đô thị khổng lồ sánh ngang với Bắc Kinh, Thượng Hải, nhưng vẫn giữ được những góc lịch sử của cố đô một thuở. Dù nằm trên trục đường chính ở ngay trung tâm thành phố, đền Vũ Hầu vẫn giữ được không khí trang nghiêm với những mái ngói rêu phong cổ kính uốn lượn, những chiếc cầu đá vắt ngang hồ nước tung tăng cá vàng.


Tái hiện tích “Kết nghĩa đào viên” trong đền Vũ Hầu
Dọc theo lối đi lên chính điện là hai hàng hiên với những pho tượng cổ từ thế kỷ 14, tạc hình những vị công thần nhà Thục. Trong chính điện, tượng của Khổng Minh và ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi được tạc khắc rất sinh động và uy nghiêm. Phía sau điện thờ là khu vườn đào tái hiện tích “Kết nghĩa đào viên”. Tượng Lưu Bị được làm bằng đá trắng, Quan Công đá đỏ, và Trương Phi đá đen thể hiện tính cách của mỗi người. Còn phía tây của khu Vũ Hầu, đi hết con đường trúc tuyệt đẹp là mộ của Lưu Bị. Sau khi Lưu Bị chết ở thành Bạch Đế, xác Lưu Bị tương truyền là được đưa về đây chôn cất cùng hai bà vợ của ông.
Trái ngược với không khí trang nghiêm, trầm mặc của đền Vũ Hầu là nét giản dị đơn sơ của khu di tích Thảo đường Đỗ Phủ. Nói đến thi ca cổ Trung Quốc, không thể không nhắc đến Thi thánh Đỗ Phủ. Trong cuộc đời lưu lạc nhiều biến động của mình, nhà thơ đã sống ở Thành Đô khoảng bốn năm, và bây giờ khu thảo đường với nếp nhà tranh cũ của ông đã trở thành một điểm tham quan không thể thiếu khi đến thành phố này. Phía trước lối vào nhà tranh, có tượng Đỗ Phủ bằng đá với đôi mắt nhìn xa xăm và nét khắc khoải in hằn trên khuôn mặt xương xương đầy suy tư.


Người họa sĩ già vẽ tranh trong thảo đường Đỗ Phủ


Hiên treo thơ Đỗ Phủ, viết bởi những nhà thư pháp nổi tiếng
Tứ Xuyên là quê hương của loài gấu trúc khổng lồ, nên ở Thành Đô có trung tâm bảo tồn gấu trúc, một trong những khoảng xanh lý tưởng ngay trong lòng thành phố. Khu bảo tồn rộng như một khu rừng nhỏ này được chia làm nhiều khu, nối với nhau bởi những hàng trúc xanh rì, đây là món ăn yêu thích của các chú gấu. Gấu trúc vốn nổi tiếng là loài động vật lười biếng, ngủ phần lớn thời gian trong ngày, nên chúng tôi phải tới từ rất sớm để mục kích giờ ăn sáng và chơi đùa của chúng. Nhìn những chú gấu trúc trưởng thành nặng trên dưới 100kg trêu đùa nhau ngộ nghĩnh như những đứa trẻ, du khách không khỏi bật cười.


Món ăn khoái khẩu của những chú gấu trúc
Mặc dù rất muốn chụp hình chung với những chú gấu đáng yêu, nhưng với cái giá 400 NDT (khoảng 880.000đ) để được ngồi cạnh “người mẫu gấu”, chúng tôi đành phải từ bỏ ý định của mình.
Hạnh Liê

Không có nhận xét nào: