Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Banteay Srey: Biểu tượng của điêu khắc thời kỳ Angkor

 Chỉ có hai ngôi đền được chọn làm biểu trưng trong tổng số 1.800 ngôi đền được xây dựng dưới thời kỳ Angkor (thế kỷ 9 đến 15). Nếu như đền Angkor Wat là biểu tượng về kiến trúc bởi lối xây dựng hoành tráng, đồ sộ, thì đền Banteay Srey chính là đại diện cho kỹ thuật điêu khắc đạt đến tuyệt đỉnh suốt thời kỳ Angkor.
Khu đền chính với mảng điêu khắc thần Shiva trong vũ điệu Ravanda
Cách Angkor Wat tỉnh Siem Reap 35km, với khoảng nửa giờ xe chạy là đến được đền Banteay Srey trong khu quần thể công viên Angkor (rộng đến 55 cây số vuông). Ngôi đền nghìn năm còn đó, nổi bật nhất trong số ngàn ngôi đền của đế chế Angkor. Bởi nếu so sánh hầu hết các ngôi đền khác đều được xây dựng bằng gạch nung, hoặc đá sa thạch xanh, chỉ duy nhất Banteay Srey được xây toàn bộ bằng đá sa thạch hồng. Chất liệu xây dựng ngôi đền đã là một nét độc đáo, một sự khác biệt đầu tiên của Banteay Srey, nhưng nếu nói về vẻ đẹp của Banteay Srey, đó chưa phải là tất cả.
Món quà vô giá
Đền đài được xây dựng dưới thời kỳ Angkor thường do những vị vua xây dựng lên, với Banteay Srey lại là sự khác biệt. Ngôi đền do một vị đạo sĩ Bàlamôn xây nên vào năm 967 trong suốt hai triều vua Ragjanravarman (dịch nghĩa là: người được thần Mặt trăng phù hộ) và Jayavarman V (người được thần Chiến thắng phù hộ), để dành tặng nhà vua Jayavarman V. Banteay Srey có ba tháp chính, tháp giữa tượng trưng cho vị thần Shiva, hai tháp nhỏ hai bên là tượng trưng thờ thần Vishnu và Brahma. Tuy chỉ là ngôi đền có diện tích nhỏ so với các công trình khác, nhưng Banteay Srey là tượng trưng cho vẻ đẹp trong điêu khắc của Campuchia ở mọi thời đại, đặc biệt là thời kỳ Angkor.
Trong ngôn ngữ Campuchia, Banteay nghĩa là “đền” và Srey là “phụ nữ”, Banteay Srey – vẻ đẹp của đền người phụ nữ. Có rất nhiều hình tượng điêu khắc thiếu nữ trên vách đá trong đền. Những thiếu nữ với vẻ đẹp huyền bí, duyên dáng, vẫn ngàn năm đứng đó và được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kỳ Angkor. Nhìn từ bên ngoài, Banteay Srey có cổng vào rất giống với kiến trúc xây dựng cổng ở đền Preah Vihear – giáp biên giới Thái Lan, với những chóp cổng đặc trưng cong vút. Đền hiện được bảo quản tốt và còn khá nguyên vẹn, cũng với lối kiến trúc tương tự như các đền đài khác của thời kỳ Angkor, gồm cổng đền, hành lang, thư viện hai bên hành lang ngay sau cổng đền, sau là đền chính. Hiện ở Banteay Srey, hai thư viện đã sụp đổ.
Điêu khắc ở Banteay Srey tinh tế, tỉ mỉ và sắc sảo đến độ không ngờ, và người ta lý giải rằng, chỉ có niềm tin vào thần linh mãnh liệt mới khiến con người có những cảm xúc thăng hoa để tạo nên những công trình có một không hai như Banteay Srey.
Nghe đá kể chuyện
Krisna giết Kamsak
Ở Banteay Srey, mỗi mảng tường, mỗi nét điêu khắc lại góp phần diễn tả một câu chuyện độc đáo. Ngoài những nét điêu khắc như rắn thần Naga, mặt Kala (tượng trưng cho sự trường sinh bất tử), thần gió Rehu, thần lửa Agni, còn là những thần tích đi liền với sử thi. Đây là Krisna trong bộ sử thi Mahabharata, hoá thân của thần Vishnu thành một người thanh niên, hạ giới để làm hai việc, một là giết Kamsak – vị hoàng tử bất hiếu vì muốn được làm vua đã giết bố mẹ cùng người anh em của mình, và bắt những người thân giam cầm trong hoàng cung. Thần Krisna đã chém đứt đầu Kamsak để giải thoát người trong hoàng tộc. Việc thứ hai, thần Krisna phải giết chết con quỷ đã nhận được lời chúc tụng trường sinh bất tử của thần Indra. Do trường sinh bất tử, nên con quỷ rất kiêu căng, phá hoại nhân loại, dù bị phân thây ra từng mảnh nhưng con quỷ vẫn có thể tái hình lại. Để giết quỷ, Krisna đã xé con quỷ ra làm hai, và lấy một mảnh cơ thể để ở một nơi khác nên quỷ mới chết.
Trước đền chính ở Banteay Srey, hình tượng bò thần Nandi đã bị kẻ xấu đục đi phân nửa, trên cổng đền là tượng thần Shiva với vũ điệu Ravanda được chạm khắc rất uyển chuyển, tinh tế. Cạnh đó còn có câu chuyện giải cứu nhân loại thoát khỏi sự thiêu huỷ của thần lửa Agni. Ngọn lửa thiêu cháy thế gian, khiến con người, muông thú hỗn loạn, nhân loại đau khổ… không ai dập tắt được, các vị thần cầu khẩn thần Indra để dập tắt lửa thiêng. Thần nhận lời vì thấy sự khổ đau của con người và muông thú. Dùng voi lấy nước thần phun xuống dập tắt lửa.
Những câu chuyện, những hoa văn, chi tiết, đề tài trang trí đều được thể hiện bằng những nét chạm trên đá cực kỳ điêu luyện. Người ta nhận định rằng nét điêu khắc của Banteay Srey gần với kỹ thuật chạm khắc trên vàng và gỗ hơn là trên đá. Chính sự tài hoa của những nghệ nhân đã tạo nên cho quần thể đền Banteay Srey một sức cuốn hút kỳ diệu, như hớp hồn tất cả những ai từng một lần chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc nổi bật nhất trong tất cả các kỳ quan của đế chế Angkor.

Quỷ Ravana bắt nàng công chúa Shita về đảo Lanka làm vợMột trích đoạn của sử thi Ramayana, anh hùng Rama ngồi bên nàng Shita
Hai con voi đang tắm cho nữ thần Laksmi để chuẩn bị lễ cưới cùng thần Vishnu.
Mảng điêu khắc thần Brahma cưỡi ngỗng thần Hamsa
Vẻ đẹp của đền Banteay Srey còn nguyên vẹn theo thời gian
( Theo Nguyễn Đình // SGTT Online)

Banteay Srey- ngôi đền của sắc đẹp

(VOV) -Đền Banteay Srey được coi là tiêu biểu cho kỹ thuật điêu khắc đạt đến tuyệt đỉnh của thời kỳ Angkor

Theo tiếng Khmer, “banteay” nghĩa là “đền” và “srey” là “phụ nữ”. Ngôi đền này có diện tích không lớn lắm, nằm ở tỉnh Siem Reap của Campuchia, cách di tích Angkor Wat khoảng 35km.
Điểm độc đáo của Banteay Srey là được xây toàn bộ bằng sa thạch hồng, với nghệ thuật điêu khắc đạt đến tuyệt đỉnh: tinh tế, tỉ mỉ và sắc sảo đến độ không ngờ. Vì thế, ngôi đền được mệnh danh là “viên ngọc quý” của nghệ thuật Khmer.
Khác với hầu hết những ngôi đền thường do những vị vua xây dựng nên, Banteay Srey do một vị đạo sĩ Bàlamôn xây nên vào năm 967 để tặng nhà vua Jayavarman V.
Nhìn từ bên ngoài, cổng vào Banteay Srey có những chóp đặc trưng cong vút. Kiến trúc ngôi đền gồm ba lớp. Qua cầu đá đi vào cổng đền là vòng ngoài, đến cầu đá thứ hai qua hào nước (nay không còn) là cổng vào vòng giữa và cuối cùng là vòng trong gồm các đền thờ và hai toà thư viện (nay đã sụp đổ).
Banteay Srey có ba tháp chính, tháp giữa tượng trưng cho vị thần Shiva, hai tháp nhỏ hai bên tượng trưng thờ thần Vishnu và Brahma.
Trên những vách đá trong đền có rất nhiều hình tượng điêu khắc thiếu nữ với vẻ đẹp huyền bí, duyên dáng. Nhiều họa tiết hoa văn, sư tử, các vị thần linh… cũng được tạo hình một cách tinh xảo. Mỗi mảng tường, mỗi nét điêu khắc lại diễn tả một câu chuyện độc đáo gắn liền với sử thi.

 Hình tượng voi đang tắm cho nữ thần Laksmi


Một trích đoạn của sử thi Ramayana, anh hùng Rama ngồi bên nàng Shita

    Không có nhận xét nào: