Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Armenia, Ararat luôn trong tầm mắt

TTO - Những thảm cỏ xanh rì trên những triền núi, những cao nguyên trải dài tít tắp, những ngọn núi, những tu viện và những bia đá... là những di sản thế giới ở Armenia mà bạn sẽ được chiêm ngưỡng qua từng bước hành trình của mình.
Armenia là một nước nhỏ nằm trên giao điểm giữa châu Âu và châu Á và là nước công giáo lâu đời nhất trên thế giới. Một viên ngọc của vùng Caucasus mà bấy lâu nay không mấy ai để ý tới.
Ở ngoại ô của Yerevan: Các nghệ sĩ xiếc mải mê với công việc của họ. Phía xa là núi Ararat - biểu tượng quốc gia của Armenia nằm trên đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay

Quảng trường cộng hòa ở Yerevan – thủ đô của Armenia

"Ngày trước, phần lớn du khách tới đây là người của Liên bang Xô Viết, nhưng bây giờ càng ngày càng có nhiều người châu Âu khác đến đây, nhất là người Đức và Ý". Cô phiên dịch  Irina Astvatsatouryanis chăm chú nhìn các hoạt động trên đường Abovian Street, cách quảng trường Cộng hòa không bao xa và nhâm nhi ly rượu Cognac - thức uống đặc trưng nhất ở Armenia.
Các quán cà-phê và quán ăn ở Yerevan vào buổi chiều chủ nhật hôm đó khá đông. Trong các gian hàng ngoài chợ, hàng núi bánh mì dẹt Lavash, hoa quả, rau cỏ tươi và các loại hoa quả khô được bày bán la liệt tạo nên một chút không khí Hy Lạp ở Caucasus.
Hoa quả khô trong các chợ ở Yerevan

Dâu tươi đang đợi khách mua

Sự hiếu khách của người dân ở đây khá giống ở Nam Âu. Những người phụ nữ trong chợ vẫy chúng tôi lại gần và đưa cho chúng tôi một túi đầy các loại hoa quả khô như nho, anh đào, táo, mận... Khi chúng tôi rút ví ra trả tiền họ không lấy và nói: "Không, không, đó là quà tặng các bạn“ và nở những nụ cười thân thiện trước ống kính máy quay phim.
Trong thảm màu sắc rực rỡ tại đây có lẽ chỉ thiếu quả lựu - biểu tượng của Armenia về sự dồi dào và giàu sang - bởi lẽ chỉ mùa đông mới là mùa của loại quả này.
Từ bất cứ điểm nào của thủ đô nhiều đồi núi của Armenia người ta cũng có thể nhìn thấy núi Ararat, biểu tượng của quốc gia này - mặc dù bây giờ nó lại nằm trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Kể cả lúc này đang là mùa hè nóng nực nhưng trên đỉnh núi hơn 5000 mét ấy vẫn phủ đầy tuyết trắng. "Chúng tôi, người Armenia, có góc nhìn đẹp nhất tới ngọn núi này - điều này thật công bằng bởi nó là thánh địa của chúng tôi!“, chị Irina nói". Chúng tôi có thể nhìn được nó, nhưng không thể sờ được tận tay“, chị kể thêm.
Armenia ngày nay hầu như bị bao bọc bởi các nước Hồi giáo, nhưng họ vẫn là một quốc gia theo đạo Công giáo lâu nhất thế giới. 
Từ cách đây 1700 năm Công giáo đã trở thành quốc giáo ở đất nước này. Vì vậy, ở đây hiện vẫn còn khá nhiều nhà thờ, tu viện và chúng đã được dựng lên tại những điểm rất đẹp và thuận lợi, phần lớn là trên các triền núi và phía sau chúng là những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ trắng xóa. Điển hình là Khor Vira ở phía nam của Yerevan và phía sau nó là núi Ararat hùng vĩ.
Tu viện Haghpat, di sản văn hóa thế giới


Tượng đài Zizernakaberd tưởng niệm 1,5 triệu nạn nhân bị Đế quốc Osmanli giết chết (1915)

Hai tu viện Haghpat và Sanahin có từ thế kỷ thứ 10 và được xây dựng theo phong cách Byzantine hiện lên như từ trong chuyện cổ tích chui ra. Chúng giống như người đẹp ngủ trong rừng, kể cả một số ít lữ khách qua đây cũng chưa thức tỉnh chúng lại được. Tu viện Geghard được xây trong hang động nằm cách thủ đô của nước này khoảng 35 cây số cũng được xếp vào danh sách di sản văn hóa thế giới.
Armenia còn có riêng cho mình một Vatican ở Echmiadzin, cách thủ đô Yerevan khoảng nửa tiếng đồng hồ đi ô tô. Đây  là nơi sống và làm việc của giáo trưởng Karekin II - năm ngoái ông đã có cuộc gặp gỡ với Giáo hoàng Benedikt tại Roma. Giáo trưởng là một người thân thiện và cởi mở, ông sẵn sàng tiếp đón và nói chuyện với cả du khách và hàng tuần vào chủ nhật ông vẫn làm lễ thánh trong nhà thờ lớn. Nhà thờ này cùng tất cả các nhà thờ của Echmiadzin cũng đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới.
Nhà thờ lớn ở Echmiadzin

Giám mục, linh mục và các vị chức sắc nhà thờ trong một lễ thánh ngày chủ nhật

Những giáo dân mộ đạo

Lễ thánh ở nhà thờ luôn thu hút được rất đông các con chiên cũng như du khách. Lễ thánh này luôn được bắt đầu bởi một đám rước rất ấn tượng với rất nhiều linh mục mặc áo mũ đen, vừa đi vừa hát những bài thánh ca.
"Tôi không phải người theo đạo Công giáo nhưng được chiêm ngưỡng lễ thánh này như là một sự kiện với tôi“, một du khách Đức đi theo tua nói. Tự khám phá Armenia một mình tương đối khó nhưng không phải là điều không tưởng. Ai không biết tiếng Nga và tiếng Armenia có thể thuê một hướng dẫn viên và một chiếc xe jeep - giá cả cũng không quá đắt.
Với một người lái xe bản địa, tốt nhất là nếu anh ta nói được một ít tiếng Anh du khách có thể tham gia vào cuộc sống và nói chuyện với người dân bản địa. Nhưng sự hiếu khách của người Armenia cũng có thể cảm nhận được kể cả khi không nói chuyện được với nhau. Họ rất thích và sẵn sàng làm mẫu cho du khách xem bánh mì Lavash đặc trưng của nước này được làm như thế nào.
Truyền thống Công giáo lâu đời ở Armenia được thể hiện một phần không nhỏ qua những bia đá được làm rất công phu và tinh xảo, được gọi là Khatchkars. Nơi nhiều bia đá nhất là ở trong nghĩa địa Noraduz, gần với hồ Sevan, hồ lớn nhất thế giới ở trên vùng núi cao. Ở đây trên diện tích khoảng 7ha có khoảng 1000 chiếc bia đá được chạm trổ cầu kỳ. Một số bia rất đẹp được làm từ thế kỷ thứ 16 và 17 khi mà Armenia còn là thuộc địa của người Ba-tư.
Những bức tượng bằng bảng chữ cái của Armenia là một trong những tâm điểm thu hút du khách

Nghĩa trang Noraduz từ thời trung cổ - phía sau những bia đá là những người đàn bà đang đợi khách mua những món đồ họ tự đan

Là một nghĩa trang nhưng Noraduz khá sống động. Phía sau những bia đá là những bà già đang đợi du khách để bán những chiếc tất hay những chiếc mũ len do chính họ đan. Có những cô bé 10 tuổi bán những bức vẽ bảng chữ cái của Armenia. 39 chữ cái được vẽ trông như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ giống như nhiều thứ ở đất nước này.
NAM HẢI (theo Ute Müller)

Không có nhận xét nào: