Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Tìm lại vàng son trên con đường tơ lụa

Những lữ quán đồ sộ như pháo đài, những đầu tượng khổng lồ trên đỉnh núi, những thành phố cổ đã đi vào truyền thuyết… đó là chuỗi báu vật gắn liền với thời phồn thịnh nhất của con đường tơ lụa đoạn ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước chúng tôi vừa có dịp đến thăm. Những phế tích của một quá khứ huy hoàng đã để lại bao tiếc nuối, ngậm ngùi cho du khách trước lịch sử loài người đầy biến động.
Lữ quán caravanserail và những tượng thần trên đỉnh Nemrut
Trong chương trình tour hai ngày một đêm tham quan vùng núi Nemrut, tuyến đường mà chúng tôi đi thuộc hệ thống con đường tơ lụa xưa kia. Di tích đáng kể nhất là caravanserail Karatay, một trạm dừng chân đặc trưng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ vào những thế kỷ XIII-XIV. Muốn hiểu được caravanserail là gì du khách phải nghe qua lịch sử phát triển của con đường tơ lụa.
Caravanserail Karatay
Có vị trí nằm giữa châu Âu và châu Á nên hệ thống các con đường thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm vị trí tối quan trọng. Để đảm bảo sức khỏe và an ninh cho các nhà buôn, hàng loạt trạm nghỉ ngơi dọc đường gọi là caravanserail ra đời và phát triển rất phồn thịnh từ thế kỷ X sau Công nguyên. Trong đó, một số caravanserail tầm cỡ được nâng cấp thành pháo đài thực sự với hệ thống tường thành phòng thủ kiên cố. Bên cạnh đó, cả vùng Trung Đông thời trung cổ là các lãnh thổ Hồi giáo nên caravanserail cũng trở thành nơi cầu nguyện dành cho các thương nhân. Chịu ảnh hưởng của đạo Hồi, các công trình kiến trúc này có hình vuông và luôn có một khu sảnh ngoài trời với một giếng nước ngay ở chính giữa. Xung quanh sảnh trung tâm là hệ thống các phòng ngủ, kho chứa hàng, nhà tắm… Caravanserail Karatay được xây bằng những khối đá lớn. Trên bề mặt tường có khá nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng cho xuất xứ của các thương nhân đã từng đặt chân đến đây.
Karatay nhìn từ bên ngoài 
Xưa kia, hệ thống caravanserail trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khá dày đặc, trung bình cứ 40 – 50km là lại có một trạm. Nhưng từ thế kỷ XV sau Công nguyên, cùng với sự suy tàn của con đường tơ lụa, phần lớn trạm dừng dân không được sử dụng nữa và bị rơi vào quên lãng. Karatay là một trong những số ít di sản caravanserail còn nguyên vẹn nhất, đặc biệt là chiếc cổng vào đồ sộ và nghệ thuật chạm khắc trên đá rất tinh vi. Giữ vị trí nút giao quan trọng nối Irak, Iran với bờ biển Địa Trung Hải, Karatay không chỉ là một lữ quán mà còn là một trung tâm thương mại quốc tế sầm uất với những dãy phòng rộng lớn dành cho thương nhân đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Hành lang bằng đá của Karatay
Rời Karatay, chúng tôi nghỉ qua đêm tại ngôi làng Adiyaman cách đó không xa. Sáng hôm sau, mọi người dậy rất sớm để đón bình minh trên đỉnh núi Nemrut và tham quan lăng tẩm của vua Antichus Theos nằm trên ngọn núi này. Việc chinh phục đỉnh Nemrut cao hơn 2.000m không khó vì có đường rải nhựa và chỉ việc đi ôtô lên độ cao 1.900m, rồi từ đó đi bộ tiếp 30 phút. Lên đỉnh núi vào đúng lúc mặt trời mọc, chúng tôi được chứng kiến khoảnh khắc những tia nắng đầu ngày rọi vào quần thể lăng mộ cổ. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đặc thù của di tích này là những pho tượng đá cỡ lớn (tầm 8 – 9m) được đúc mô phỏng theo khuôn mặt của vua Antichus Theos và những vị thần Hy Lạp, vị thần Ba Tư. Tất cả đều được làm vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Dù bị thời gian bôi xóa phần nào, vẻ mặt và thần thái của những bức tượng vẫn còn rất sống động, oai nghiêm.
Tượng thần trên đỉnh Nemrut
Theo các nhà sử học, Antichus là vua của xứ Commagene, một vương quốc chư hầu của đế chế La Mã. Vì chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp cổ đại, tất cả các vị vua của xứ này sau khi chết đều được tôn làm thần thánh. Vương quốc Commagene xưa kia là một vùng đất màu mỡ do có một nhánh của con sông Euphrate chảy qua (con sông chính bắt nguồn từ bên Irak). Nhưng những gì còn lại hai ngàn năm sau đó chỉ là một vùng đất cằn cỗi với ánh nắng chói chang. Khi xuống núi, chúng tôi thăm được một số di tích lịch sử về đế chế La Mã, đế chế rộng lớn với rất nhiều đồn lính cũng như thị trấn được xây dựng ở những biên cương xa xôi. Còn nguyên vẹn nhất giữa các phế tích là một cột đá với tượng con đại bàng nằm trên đỉnh, biểu tượng của La Mã xưa. 

Không có nhận xét nào: