Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Sân khấu truyền thống Myanmar

(Seatimes) Người Miến là một dân tộc nghệ sĩ, họ rất say mê ca hát, nhảy múa và âm nhạc. Tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, làng xóm với những nỗi niềm, tâm tư và mọi tín ngưỡng… đều được gửi gắm vào những câu hát, lời ca và điệu múa.

Từ những thiên niên kỷ đầu công nguyên chắc chắn trên đất nước cổ kính này, đã xuất hiện những hình thức sân khấu dân gian đặc sắc và đầy hấp dẫn. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong những hội mùa, cưới xin, những ngày lễ NAT (NAT là các thần linh sông, núi, tổ tiên và những người chết bất đắc kỳ tử), là các dịp để nhân dân tổ chức vui chơi, hát hò, nhảy múa. Chính đây là tiền đề cho sự ra đời một nền sân khấu dân tộc. Theo nhận xét của một số tác giả người địa phương thì: “Không có dân tộc nào trên thế giới lại thích những câu chuyện đùa, thích tiếng cười và những buổi diễn, sân khấu như người Miến Điện…".
Dựa theo chủ đề, nội dung và hình thức biểu diễn, có thể chia sân khấu Miến Điện ra làm ba loại: sân khấu dân gian, sân khấu cổ điển và sân khấu hiện đại.
Múa dân gian Myanmar
Trong sân khấu dân gian Miến Điện có thể kể đến: các trò diễn dân gian từ rất xa xưa, múa lễ nghi, múa NAT, múa rối, diễn anheim v.v… Những hình thức thuộc loại hình sân khấu dân gian này xuất hiện từ thế kỷ xưa, tức là trước khi ra đời một nhà nước Miến Điện chính thức vào năm 1044, và mãi về sau này chúng vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển.
Vào các ngày hội, ngày lễ truyền thống người Miến Điện thường tổ chức biểu diễn múa nghi lễ. Khi nghiên cứu các điệu múa này, F. Bauera có nhận xét: “… Người biểu diễn múa thường đeo mặt nạ, làm các động tác giống loài vật như đúc. Khi anh ta làm con chim, thì anh ta nhảy nhót trên một chân, mổ thức ăn trên không trung, ngẩng đầu, rướn cổ, rỉa lông bằng mỏ, nhảy xung quanh, hót líu lo…”.
Trong các điệu nhảy múa cổ xưa này, đã xuất hiện những yếu tố của sân khấu. Vì diễn xuất một mình, nên diễn viên là trung tâm chú ý của tất cả khán giả. Anh ta biểu diễn rất điêu luyện, sao cho những động tác của mình phải giống con vật như thật.
Điệu múa nghi lễ trên còn phổ biến ở một số nơi khác trên lãnh thổ của Miến Điện như ở tộc người Kachin, Piu, Arakan… Về nội dung cơ bản thì chúng đều giống nhau, song có nơi kèm với nhảy múa, có hát hò và chơi những loại nhạc cụ đơn giản, thô sơ.
Thường ở Miến Điện vào những ngày lễ Nat, được tổ chức rất linh đình, vì đây là tín ngưỡng sâu nặng, là tục lệ phổ biến của người dân ở đây. Những ngày lễ Nat được tổ chức vào tháng 12, người Miến gọi là NAĐO (tháng của các vương quốc NAT). Trong những ngày hội này, người ta thường biểu diễn NAPVE ( buổi diễn của các NAT).
Khi nhạc trưởng, người chơi trống Skhain-Vain hô lớn: “NAPVE”! “NAPVE”! thì buổi diễn bắt đầu. Những người nhảy múa cởi những bộ quần áo trắng và mặc các bộ đồ sặc sỡ của các thần linh. Họ tiến hành những lễ nghi như: cúng, bái, quỳ, khấn… tưởng niệm các vị NAT, sau đó điệu nhảy bắt đầu. Thường, diễn NAPVE kéo dài thâu đêm, người biểu diễn và người xem không biết mệt. Trong múa NAPVE đã thể hiện những yếu tố của sân khấu. 



Một hình thức khác của sân khấu dân gian Miến Điện là múa rối. Buổi đầu múa rối Miến Điện rất đơn giản. Các con rối được đẽo bằng những loại cây, còn bên ngoài người ta mặc cho chúng những bộ quần áo sặc sỡ. Các con rối do những người ngồi trên cành cây điều khiển cho nhảy múa và các tiết mục được biểu diễn ngay dưới gốc cây, không cần sân khấu, phông màn.
Về sau này, múa rối Miến Điện phát triển ở mức độ cao hơn, nó đã xâm nhập vào cung đình. Để biểu diễn múa rối, người ta đã làm sân khấu có kèm theo cả dàn nhạc. Đề tài của các vở múa rối thường lấy từ kho tàng Jataca chuyện kể về những kiếp trước của đạo Phật, các truyền thuyết và những truyện lịch sử.
Biểu diễn múa rối thường bắt đầu vào nửa đêm và kéo dài cho đến sáng. Ở một số tỉnh, thành phố nhỏ, trước khi biểu diễn, người ta cho đánh trống liên hồi để cư dân ở những vùng xa có thể biết mà đến xem.
Chương trình biểu diễn múa rối ở Miến Điện diễn ra như sau: Khi mở màn, một danh ca có giọng nói ngọt ngào ra giới thiệu nội dung của vở diễn. Tiếp theo là các trò diễn của những con rối ăn mặc hóa trang giống những con vật có người điều khiển. Đó là các trận giao tranh giữa con báo và con cá sấu… Kèm theo đấy có các điệu nhảy của những con hươu, nai, công… Mỗi điệu nhảy của từng con vật cùng với nhạc điệu nhất định. Dựa vào tiếng nhạc lên bổng hay xuống trầm, to, nhỏ, hoặc dữ tợn, êm dịu… mà người ta có thể đoán biết trước con vật nào xuất hiện trên sân khấu.
Các màn tiếp theo, thường có sự tham gia của các diễn viên rối sắm vai vua, hoàng tử, công chúa, quan thượng thư v.v… Vở diễn bao giờ cũng kết thúc bằng điệu nhảy độc đáo, với trình độ nghệ thuật cao của một diễn viên múa điêu luyện và mềm dẻo nhất trong đoàn.
Từ khi đế quốc Anh chiếm đóng Miến Điện 1880), thể loại sân khấu múa rối dần dần bị quên lãng. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ XX, khi trên đất nước Miến Điện có những đoàn múa rối của Tiệp Khắc và Úc sang biểu diễn, môn sân khấu dân gian này mới được phục hồi. Và U.E.Dvei, người rất am hiểu và say mê sân khấu múa rối đã thành lập một đoàn rối lấy tên là: “Những ngôi sao của chiến thắng”. Đoàn múa rối tiếp tục công diễn phục vụ quần chúng.
Múa dân gian Myanmar
Trong sân khấu dân gian Miến Điện, người ta còn kể đến anheim, một hình thức sân khấu phổ biến ở nông thôn vào những ngày hội. Diễn anheim bao gồm các tiết mục: hò, hát, múa và những vở tuồng ngắn. Sân khấu biểu diễn là một mảnh đất bằng phẳng, xung quanh bao bọc bằng những cây cao. Diễn ainhem trong khoảng từ 2 đến 9 tiếng đồng hồ, thời gian đó đối với người Miến Điện không phải là dài. Khi diễn anheim hai diễn viên hề ra làm trò, họ đối khẩu với nhau, làm những động tác hài hước, gây từng tràng cười rộ và kéo dài.
GS. Phạm Đức Dương

Không có nhận xét nào: