Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Bàn tay giữa “thung lũng mặt trăng”

Sa mạc Atacama là một dải đất nằm trên cao nguyên và xuôi dần xuống đồng bằng ở Nam Mỹ, trải dài khoảng 1.000km dọc theo bờ biển Thái Bình Dương phía Tây rặng Andes.

Bàn tay giữa “thung lũng mặt trăng” - ảnh 1Du khách luôn chọn Mano del Seierto để ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ trên sa mạc Atacama - Ảnh: Mitio - advrider.com 

Nơi khô cằn nhất trên trái đất

Theo NASA và National Geographic thì đây là sa mạc khô cằn nhất thế giới.
Atacama có diện tích khoảng 40.600 dặm vuông (105.000km2) nằm trong lãnh thổ phía bắc Chilê với những hồ muối cổ, cát và đất dung nham thổi từ dãy Andes.
Quanh thị trấn bị bỏ hoang Yungay xưa kia gần như không có mưa trong suốt một thời gian dài. Lượng mưa ở sa mạc chỉ là 1 mm 1 năm và các trận mưa cách nhau bằng thập kỉ. Nhiều chứng cứ cho thấy từ năm 1950 - 1971 không hề có giọt mưa nào rơi xuống sa mạc.
Bàn tay giữa “thung lũng mặt trăng” - ảnh 2Sa mạc khô cằn nhất thế giới với màu đỏ đặc trưng trên độ cao 3.000 m
- Ảnh: humanandnatural.com
  
Khoảng 100km về phía Nam của thành phố Antofagasta trên độ cao 3.000m, đá của sa mạc có nhiều điểm tương đồng với đá mặt trăng.
Năm 2003 một nhóm những nhà nghiên cứu đã công bố báo cáo trên tạp chí Science mang tựa đề “Đá ở Atacama Chile có cấu trúc giống đá trên mặt trăng và Atacama khô cằn đến độ vi trùng không thể tồn tại”.
Họ đã làm những nghiên cứu giống nhau, sử dụng công nghệ mà hai tàu Viking 1 và Viking 2 từng hạ cánh xuống mặt trăng, kết quả cho thấy không có bất cứ sự sống nào trong lớp đá của sa mạc Atacama.
Bởi sự đặc biệt về thời tiết và cấu tạo địa chất nơi đây, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ thường thử nghiệm các thiết bị thăm dò sẽ áp dụng trên mặt trăng trong tương lai.
Các nhà thiên văn đặt nhiều kính viễn vọng tại sa mạc được mệnh danh là “thung lũng mặt trăng” bởi bầu trời trong vắt cả năm rất thuận lợi cho việc nghiên cứu.
Bàn tay giữa “thung lũng mặt trăng” - ảnh 3Kính thiên văn của NASA ở sa mạc Atacama 
Atacama đã được sử dụng làm bối cảnh của các bộ phim có liên quan đến mặt trăng, trong đó series phim truyền hìnhSpace Odyssey: Voyage To The Planets là một điển hình. Tác phẩm điện ảnh nổi tiếng về điệp viên 007 James Bond -The Quantum of Solace cũng được quay tại rìa sa mạc này.
Bạn sẽ chẳng nhìn thấy một cọng cỏ hay thậm chí cả xương rồng, không thằn lằn, không ruồi muỗi nhưng bạn sẽ thấy tất cả những thứ còn sót lại.
Sa mạc như một “sát thủ máu lạnh” nhưng cũng là một người giữ gìn bảo quản mọi thứ hoàn hảo. Không hơi ẩm, không vi khuẩn nên không thứ gì bị thối rữa. Tất cả mọi thứ vẫn là chính nó mà không hề thay đổi hiện trạng, kể cả một đứa trẻ đã qua đời được chôn dưới đất.
Nhiệt độ sa mạc khá lạnh, dao động từ 0 - 25 độ C. Cũng thật ngạc nhiên khi có hơn 1 triệu người đang sống tại khu vực sa mạc Atacama. Họ tập trung quanh các thành phố dọc bờ biển, những hầm mỏ, làng chài hoặc ốc đảo.
Con cháu của những người Colombia tiền sử (hầu hết là dân tộc Aymara và Atacama Indian) sống quây quần với nhau, trồng ngũ cốc và tưới nước từ những dòng suối do băng tuyết trên núi chảy ra. Những nông dân miền cực bắc sa mạc trồng ô-liu, cà chua và dưa chuột với hệ thống tưới nước nhỏ giọt được hút lên từ các mạch nước ngầm.
Vào thế kỉ 19, Chilê dẫn đầu xuất khẩu Nitrat khai thác từ các mỏ tại Atacama.
Đầu thế kỉ 20 khi Nitrat tổng hợp nhân tạo được sản xuất, Atacama tiếp tục trở thành mỏ đồng đỏ lớn đưa Chile lên vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới. Mỏ chủ yếu nằm ở phía tây bắc Chile gần biên giới Argentina.
Nước ngọt sinh hoạt chủ yếu được chuyển đến cho những công nhân làm mỏ bằng những con la hay xe thùng và nay là hệ thống đường ống dẫn.

Bàn tay của thượng đế?

 Bàn tay giữa “thung lũng mặt trăng” - ảnh 4Mặt sau bàn tay khổng lồ cao 11m - Ảnh: Marcos Escalier
Sâu trong sa mạc Atacama ở Chile, khi đang lái xe trong tâm trạng buồn chán bạn sẽ bị bất ngờ bởi từ giữa lớp cát nóng bỏng bỗng nổi lên khối kiến trúc khổng lồ hình bàn tay trái. Đó là nơi dừng chân phổ biến của khá nhiều du khách.
Bàn tay nằm ở độ cao 1.100m so với mặt nước biển. Công trình không phải của một đấng tạo hóa nào mà là tác phẩm có tên gọi Mano de Desierto (The Hand of the Desert - Bàn tay của sa mạc) do nhà điêu khắc người Chilê, Mario Irarrazábal thực hiện.
Được đúc bê tông và cốt thép cao 11m, bàn tay hoàn thành ngày 28.3.1992, tọa lạc 70 km về phía Nam của thành phố Antofagasta, miền Bắc Chilê.

Irarrazábal sử dụng hình dáng bàn tay để diễn tả xúc cảm của con người về sự bất công, sự cô đơn, đau đớn và giày vò.
Tổ chức Corporación Pro Antofagasta đã tài trợ cho tác giả hoàn thành công trình.
Sau khi hiện diện trọn vẹn 20 năm trước, “bàn tay của sa mạc” đã giúp xua tan đi cái lạnh lẽo buồn tẻ khi băng qua vùng đất hoang sơ Atacama và trở thành một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua với những ai qua lại trên quốc lộ số 5 - Route 5 (thuộc một phần của đường cao tốc Pan-American).
Tác phẩm cũng thường phải đối mặt với tình trạng bị vấy bẩn bởi những kẻ tinh nghịch thích vẽ vời và người ta thường xuyên phải sơn phết trả lại vẻ đẹp hoang sơ của nó.
Bàn tay giữa “thung lũng mặt trăng” - ảnh 5Hầu như không sinh vật nào tồn tại ở trung tâm sa mạc, nơi hầu như không có độ ẩm - Ảnh: infosurhoy.com
Để đến Mano del Desierto, từ Antofagasta bạn có thể đi theo đường 26 hoặc 28, sau đó rẽ sang đường số 5 về phía Nam. Bàn tay được đặt cách lề quốc lộ số 5 khoảng 300m và có thể nhìn được từ xa.
An Nam
(Theo coolthingsinrandomplaces.com, National Geographic)

Không có nhận xét nào: