Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Trải nghiệm Myanmar

Chúng tôi đi du lịch Myanmar với đầy sự e ngại, không biết sẽ xoay xở thế nào ở một đất nước nghe nói còn khá khép kín với thế giới. Tuy nhiên, tất cả đã lầm. Đất nước này đã mang đến cho chúng tôi những ấn tượng bất ngờ.

Yangon là thủ đô cũ và là thành phố lớn nhất Myanmar. So với các thành phố lớn ở Đông Nam Á, Yangon tương đối kém phát triển, nhưng so với những gì người nước ngoài hình dung thì Yangon lại sôi động hơn.
Yangon - thành phố không xe máy
Thành phố có khá nhiều tòa nhà thời thuộc địa Anh, nhưng cũng nhiều cao ốc thương mại và nhà ở mới được xây dựng. Yangon có khoảng 5 triệu dân nhưng gần như không nhìn thấy xe máy. Chỉ có taxi và xe buýt. Công chức và người thu nhập từ trung bình trở lên hay đi taxi, còn dân nghèo đi xe buýt hoặc đi bộ. Anh Zai Myo Thet, một tài xế taxi, nói chính phủ cấm người dân (trừ công chức) sở hữu và đi xe máy trong thành phố. Tuy nhiên, tại nông thôn và các vùng sâu vùng xa người dân vẫn được đi xe máy.


Trên đường phố Yangon -Ảnh: Châu Anh  

Phần lớn ôtô ở Myanmar là xe cũ của Nhật đời 1980, 1990, thậm chí còn cả đời 1950. Gần như toàn bộ taxi trên đường không đóng hoặc không có cửa kính. Xe không có máy điều hòa, nội thất sờn rách, máy móc kêu lục cục, nhiều ổ máy cạnh vôlăng bị móc trơ ổ. Thời tiết nóng gần 40 độ C, tài xế nào cũng có một chai nước uống, quạt cói và khăn lau mồ hôi.
Đầu tiên chúng tôi rất sốc vì không biết liệu lúc nào khung cửa xe bật ra, nhưng đi nhiều cũng quen. Xe rung bần bật, lọc xọc nhưng nhiều bác tài lái rất “tít”. Hành khách kêu oai oái vì sợ nhưng tài xế luôn miệng trấn an không sao. Các xe buýt thì luôn chật cứng người vì người dân chẳng còn lựa chọn nào khác. Khách nước ngoài đi phượt rất tiếc tiền cũng chịu không dám chen lên xe buýt.
Do không có xe máy nên dù nhiều ôtô nhưng đường phố Yangon hầu như không tắc đường. Anh bạn cùng đi cứ chép miệng: “Ước gì Hà Nội cũng cấm được xe máy như Yangon”.
Nhân viên chạy vòng quanh báo giờ bay



Đại đa số đàn ông và đàn bà Myanmar mặc váy. Mặc váy (váy đàn ông gọi là longyi) nên dáng đi đàn ông Myanmar lững thững với hai bàn chân hướng ra hai bên. Váy phụ nữ Myanmar (gọi là shayi) rất giống váy phụ nữ Campuchia và Lào. Do longyi và shayi chỉ giữ bằng cách xoắn gút trước bụng hoặc giắt vào cạp nên đến xứ này bạn đừng ngạc nhiên khi thấy đàn ông hay đàn bà Myanmar thỉnh thoảng lại tung váy ra cuốn lại.
Sân bay quốc tế của Yangon gồm hai khu (quốc tế và nội địa). Ga quốc tế tuy khá nhỏ và ít tấp nập so với sân bay quốc tế các nước trong khu vực nhưng hiện đại, sạch bóng, đèn sáng trưng. Các thủ tục kiểm tra hành khách nhập cảnh không khắt khe lắm. Cả sân bay quốc tế chỉ có ba quầy đổi tiền nhỏ của AD Bank, KBZ Bank, chỉ khoảng 7g tối là các quầy hết kyat (tiền Myanmar) đổi cho khách du lịch. Khi xuất cảnh, nếu ai đi chuyến bay sau 3g chiều thứ bảy hoặc chủ nhật cũng không có quầy đổi tiền nào còn mở cửa để đổi kyat lấy USD mang về nước.

Sân bay nội địa của Yangon nhỏ, thiếu tiện nghi. Làm thủ tục rất nhanh vì không có dây chuyền, nhân viên sân bay đứng sẵn bên cạnh quầy làm thủ tục chất hành lý của hành khách lên xe đẩy. Điều lạ nhất ở đây là gần như không có loa phóng thanh báo chuyến bay cho khách. Cứ khoảng 30-60 phút lại thấy nhân viên của một hãng hàng không nào đó cầm biển đề tên hãng và số chuyến bay rảo bước quanh những hàng ghế chờ rao gọi hành khách ra sân bay. Nếu ai không để ý nghe hoặc nhìn biển báo dễ bị lỡ chuyến bay như chơi. Đây là điều khiến khách nước ngoài lần đầu bay nội địa cứ nhấp nhổm, nháo nhác.
Máy phát điện san sát vỉa hè
Cứ ngỡ đến Yangon không có điện thoại, không Internet, thiếu điện, nhưng tình cảnh cũng chẳng đến nỗi. Mạng điện thoại của Myanmar cũng tàm tạm. Dưới sảnh các khách sạn từ 3 sao trở lên có wifi, nhưng tốc độ truy cập chậm đến nản lòng.
Nhu cầu điện thoại của người dân Myanmar rất cao. Cứ khoảng vài chục mét trên đường phố Yangon lại có những bàn điện thoại của tư nhân đặt 3-5 máy quay số cũ kỹ phục vụ khách hàng. Vào đúng tầm, người người xếp hàng chờ gọi. Cước điện thoại nội địa không đắt lắm. Gọi thoải mái trong khu vực Yangon chỉ mất 1.000 kyat (tương đương 28.000 đồng). Chỉ những người khá giả và người làm trong ngành du lịch mới có điện thoại di động.
Trên đường phố Yangon nhan nhản các máy phát điện to nhỏ đặt trong các lồng hoặc ngôi nhà bằng sắt gắn chặt ngoài vỉa hè. Hỏi ra mới biết do Myanmar rất thiếu điện, nguồn điện từ mạng lưới điện của chính phủ yếu, hay bị mất nên nhiều hộ gia đình, cửa hàng, tòa nhà phải có sẵn máy phát điện. May mắn trong mấy ngày chúng tôi ở Yangon điện lưới quốc gia không bị mất lần nào...
Theo Tuổi Trẻ

(Toquoc)-Myanmar tôi đến mà như đi vào giấc mơ. Đất nước mà từ nhỏ trong tôi gọi theo lúc bấy giờ là Miến Điện, Diến Điện, ở đâu đó hình như xa lắm, hình như mịt mờ rừng núi lắm.
Tôi là người theo đạo Phật. Nhưng ở tôi niềm thành kính mới chỉ dừng ở hương hoa những ngày rằm, mồng một, những ngày lễ tết theo âm lịch. Đã nhiều lần tới nơi đền chùa, nhưng chỉ là vãn cảnh chùa, chỉ thắp hương khấn thần, Phật. Có nhiều lý do khiến tôi chưa làm được như lệ thường khi đến chùa chiền. Hình như tôi còn nhiều tục lụy. Hình như nơi cửa Phật còn chen chúc tham vọng và đầy rẫy khổ đau. Hình như tôi còn quá nghi ngại và chưa đủ thành tâm…
Và thế rồi tôi đến với Myanmar- miền đất Phật trong một tour du lịch tâm linh- đến vãn cảnh chùa, đến khấn Phật cầu an.
Tôi đáp máy bay vào buổi tối tới Yangon. Thành phố yên tĩnh, không rực rỡ ánh đèn, không sáng choang ánh điện, nhưng đem tới cảm giác bình an, thân thiện. Bốn ngày ở Myanmar, đoàn chúng tôi đi miệt mài đến các đền chùa mà vẫn không đủ thời gian.
Dù có nhiều nền văn hóa bản xứ tồn tại ở Myanmar, nền văn hóa chiếm vị trí trọng yếu vẫn là Phật giáo và Bamar. Những người đi tu được kính trọng trên khắp Myanmar. Đây là một trong những quốc gia có đa số Phật giáo tiểu thừa trên thế giới. Myanmar là một trong những kỳ quan đối với khách du lịch thế giới với danh tiếng xứ sở của đạo Phật. Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Lễ nhập tu được gọi là shinbyu là lễ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng nhất của một chú bé khi vào chùa tu trong một khoảng thời gian ngắn. Các cô bé cũng có lễ xuyên lỗ tai khi đến tuổi trưởng thành. Văn hóa Myanmar được thể hiện rõ rệt nhất tại những ngôi làng nơi các lễ hội địa phương được tổ chức trong suốt năm mà lễ hội quan trọng nhất là lễ chùa. Nhiều làng xã ở Myanmar có quy ước, các phong tục mê tín và những điều cấm kị riêng.
Kyaikhtiyo – Núi đá vàng, nơi người ta trang trí một phần núi đá thành ngọt tháp có mạ vàng xung quanh, điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai đến thăm Myanmar.
Đến Myanmar là bước vào một thế giới khác với hương vị, cảnh sắc hết sức quyến rũ, với cảm giác vừa ngỡ ngàng vừa lâng lâng. Xứ xở của những đền chùa – hàng nghìn ngôi đền. Chỉ riêng thành phố Bagan mà lịch sử cổ đại cho thấy có khoảng hơn 4446 ngôi đền đã được xây dựng và tới nay chỉ còn 2230 ngôi đền đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Ngay trên đồi Sagaings bên dòng sông Irrawddy cũng có vô số chùa chiền và tu viện. Rất nhiều ngôi đền đến nay vẫn còn hấp dẫn nhiều du khách khi đến thăm. Các công trình này hầu như không sử dụng đến xi-măng mà vẫn đảm bảo được kiến trúc vững chắc. Nhưng mái vòm lớn được xây dựng một cách khéo léo theo dạng thùng. Các ô cửa số cũng được sắp xếp rất tài tình để lấy các tia nắng chiếu vào khuôn mặt của bức tượng phật, tạo nên các vầng hào quang trên bức tượng.
Chùa Vàng là điểm đến không thể thiếu của bất kỳ ai đến thăm Myanmar
Bàn tay sáng tạo của con người kết hợp với tuyệt tác thiên nhiên đã tạo nên hình tượng kỳ diệu. Kyaikhtiyo – Núi đá vàng, Chùa vàng – Golden Rock, nơi con người trang trí một phần núi đá thành ngọt tháp có mạ vàng xung quanh, điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai đến thăm Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo có chiều cao 5,5 mét. Lời truyền lại rằng nơi đây còn lưu giữ tóc của Đức Phật được đặt trên một tảng đá lớn. Chính sợi tóc này đã giữ cân bằng cho tảng đá nằm bên trên vách núi. Tảng đá có hình thù giống như đầu của một người đàn ông, được cho là đầu của một ẩn sĩ có nhiệm vụ mang tóc của Đức Phật để trong con cá bơn của ông trước khi qua đời. Ông đã để lại lời chỉ dẫn để tìm thấy tóc của Đức Phật trên tảng đá ở trên đỉnh của ngôi chùa, nay được gọi là Đá Vàng. Tảng đá như được cân bằng bên vách núi cheo leo không hề bị rơi xuống. Chính điều này khiến cho người ta tin rằng: "khi đi hành hương về đây, sẽ mang lại cho họ sức khoẻ tốt và sự giàu có…”. Ngôi chùa Kyaikhtiyo là viên ngọc của thủ phủ Mon - Myanmar và được xem như là một phép lạ đối với các tín đồ Phật giáo.
Đi hơn 1 giờ ô tô từ thành phố Yangon sẽ tới chân núi. Có 2 cách để vượt qua đoạn đường 11km quanh co, dốc dựng lên đỉnh núi có ngôi chùa và núi Đá vàng. Một là đi ô tô. Những chiếc xe tải, quây thành song sắt, bắc những thanh gỗ ngang để ngồi. Không nghĩ tới được sẽ có chuyến đi du lịch bằng một phương tiện như vậy. Ngạc nhiên đến sửng sốt. Ngạc nhiên đến thích thú. Trời nắng gay gắt. Người có mũ. Người có dù. Người chẳng có gì che đầu cả. Lên xe thôi vì chẳng có thể lựa chọn cách thứ hai để lên núi – đi bộ 11km đường dốc lượn. Suốt dọc đường là phong cảnh thiên nhiên đẹp, là những dãy hàng quán và một số di tích chùa cổ còn sót lại. 4km bớt lại để du khách đi bộ hành hương, để du khách đi kiệu, nếu muốn. Chiếc kiệu là một tấm vải sọc sỏ vào 2 đòn dài và do 4 người khiêng. Họ thường là các thanh niên, vóc dáng nhỏ bé của người châu Á với nước da đỏ au của nắng và gió, nước da người dân Myanmar. Tiền khiêng thì đã có giá quy định. Người nhiều tuổi lên kiệu. Những người trẻ trong đoàn đi bộ với ý thích được ngắm cảnh trên đường. Nhưng được chừng 1km là các cô gái lục tục lên kiệu hết. Ngồi kiệu ngắm cảnh, chụp ảnh từ kiệu nọ sang kiệu kia. Dập dềnh. Nhịp nhàng. Các kiệu nối nhau lên núi.
Các công trình kiến trúc và văn hóa của Myanmar mang đậm màu sắc tôn giáo
Đỉnh núi với một khách sạn nhỏ mà thơ mộng khoáng đạt. Dưới kia là núi non, rừng rậm. Xa kia là chùa, là núi Đá vàng. Đường từ khách sạn sang chùa không xa. Tất cả du khách đều gửi giày dép nơi chân bực thang trước khi đi trên đường lát đá vào khu chùa. Ở Myanmar là vậy. Vào nơi chùa nào cũng để giày dép bên ngoài. Bỏ lại những gì bụi bặm, phàm tục, đi chân đất để cảm nhận tất cả sự mát lạnh của đá, của thiên nhiên. Có thể cầu xin những gì? Ở Myanmar không gặp những mâm cao chất đầy gà, xôi, hoa quả…và nhất là các loại tiền giấy dương gian, âm phủ như ở Việt Nam. Và như vậy cũng chẳng có nơi đốt tiền, chia đồ lễ. Mọi người tới, quỳ lạy, chắp tay thành kính, tâm hướng về cõi Phật mà thầm cầu nguyện. Những người đàn ông được qua cửa rào vào sát Đá vàng, được chạm vào nơi linh thiêng. Những người đàn bà từ ngoài vái vọng. Đỉnh cao gió bốn bề, núi Đá vàng rực chói dưới ánh đèn, nhìn xuống là rừng, là núi tiếp nối, là chênh viên, sân chùa rộng, lối vào chùa người ra vào đông đúc. Không ồn ào, không chen chúc. Người ta gọi nhau, người ta nói chuyện nhưng tất cả vẫn dễ chịu bởi sự ngưỡng mộ và lòng thành kính. Hàng năm, cứ đến đêm 31 tháng 12, chùa Kyaiịhtiyo lại phát sáng từ 9.000 bóng đèn và mùi thơm từ 9.000 bông hoa hồng từ khách hành hương đến đây.
Myanmar, là một quốc gia Phật giáo. Các công trình kiến trúc và văn hóa của Myanmar mang đậm màu sắc tôn giáo. Tháp Phật có ở khắp mọi nơi. Nổi tiếng nhất là tháp vàng Shewedagon ở thủ đô Yangon và một quần thể chùa thờ Phật gồm hơn 200 ngôi chùa ở Bagan.
Những người đi tu được kính trọng trên khắp Myanmar
Ngôi đền Shwedagon, được xem như một trong những kỳ quan cổ đại của thế giới. Ngồi đền có chiều cao 98 mét, và nó thực sự là ngọn đèn vàng nằm giữa thành phố. Chính vì thế có thể nhìn thấy ngồi đền ở bất kỳ nơi nào trong thành phố. Theo truyền thuyết, ngồi đền được xây dựng cách đây 2500 năm, và được cất giữ các di tích tóc của Đức Phật. Trong nhiều thế kỷ qua, người dân nơi đây đã quyên góp tài sản của họ như là một phần tích luỹ công đức để xây dựng ngôi đền. Họ đã quyên góp vàng và các đồ trang sức cho ngôi đền. Tính đến bây giờ, đã có hơn 80.000 đồ trang sức trong ngôi đền. Tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật. Trong chiều cao 98m có phần đỉnh cao 10m với cấu trúc công phu gồm 7 vòng đai dát vàng. Toàn khối tháp còn được phủ kín bằng 9300 lá vàng với khối lượng 500kg, cùng với hàng ngàn viên đá quý, hàng trăm viên kim cương, ruby, cùng hàng trăm chiếc chuông vàng. Đặc biệt là quả cầu kim cương stud được đặt trên đỉnh của ngôi đền với đường kính 25cm. Xung quanh khu vực ngôi đền là hơn 1000 chùa tháp quần tụ với các kiến trúc đền chùa mang phong cách khác nhau về hình dáng, màu sắc, chất liệu của vùng đất, sắc tộc. Các bức tượng, các hình khắc thần, quỷ, quái thú…sống động gây cảm xúc mạnh. Khách hành hương nhiều vô kể và chủ yếu là người Myanmar trong cả nước. Khách du lịch cùng hòa nhập vào dòng người.
Đến Shwedagon vào lúc hoàng hôn mới cảm nhận được phần nào vẻ đẹp tráng lệ và linh thiêng. Ánh mặt trời khi hoàng hôn làm sáng lên thêm sắc vàng của tòa tháp vàng khổng lồ. Hình ảnh thực bỗng ngời lên kỳ vĩ như trong thần thoại, truyền thuyết. Ta bỗng như lạc vào một thế giới khác, bỗng như mất cảm giác là ta bé nhỏ và cụ thể. Diệu kỳ. Chói sáng. Và huyền ảo. Theo những người hành hương Myanmar dâng hoa lễ Phật, múc nước tắm cho các tượng Phật, rồi khoác lên tượng Phật những vòng hoa nhài tinh khiết, dịu nhẹ hương thơm với lòng tôn kính và mãn nguyện. Tìm cho mình một chỗ ngồi trên nền sân rộng, giữa bao tấm lòng mộ Phật mà cầu nguyện tốt lành. Tất cả đều khác – cảnh chùa, cảnh Phật – khác với Việt Nam. Ở đây, ta có thể tận mắt chứng kiến các nghi thức của trung tâm Phật giáo Myanmar khi cầu nguyện và dâng lễ vật. Shewadagon là niềm kiêu hãnh của Myanmar, là thành tựu vĩ đại của con người trong lao động và sáng tạo.
Chỉ có mấy ngày cho một hành trình trên đất nước có hàng ngàn chùa, tháp Phật. Myanmar có nhiều tượng Phật, thời gian cũng chỉ cho tới được nơi tôn tượng Phật nằm tại tòa nhà Paya chaukhtatgyi. Một tượng Phật nằm biểu thị sự giác ngộ. Pho tượng dài 72m. Vương miện của Phật được gắn kim cương và đá quý. Trong lòng bàn chân chạm khắc 108 biểu tượng cao quý của Đức Phật. Trước tượng Phật con người thật nhỏ bé và mọi tham vọng trở nên thấp hèn.
Mỗi chùa tháp khi được đến thăm là một ngạc nhiên, thán phục về kiến trúc văn hóa nhưng đều mang đến cảm xúc sâu đậm về không gian Phật giáo thiêng liêng khiến ta bỗng chắp tay và lòng thầm cầu nguyện. Được đến các trung tâm Phật giáo, đến thiền viện nơi truyền bá, tu học về Phật giáo lại hiểu thêm về xứ sở của đạo Phật. Thật may mắn khi gặp được hơn 500 các nhà sư trẻ đang học đạo. Bữa cơm nhà Phật đạm bạc mà tôn nghiêm. Tham quan chùa Kaba Aye, ngôi chùa của hòa bình thế giới. Đến động Mahapasana Guha, nơi diễn ra đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 6. Tham quan chùa Kyauk Taw Gyi với tượng Phật ngồi được tạc từ một tảng đá cẩm thạch…Và còn bao chùa tháp nổi tiếng mà ta chưa đến được.
Tạm biệt Myanmar ra về mà âm hưởng của chùa tháp vang vọng. Đất nước Myanmar còn nghèo, người dân Myanamar còn nghèo mà tâm Phật, lòng luôn hướng về cõi Phật. Phải chăng tín ngưỡng thành tâm, cửa Phật sáng trong dẫn dắt ta về cái thiện, về với mọi điều tốt lành. Đến với xứ sở Phật giáo ta trở về mang theo bao cầu nguyện cho cuộc đời này, cho mọi kiếp người, trở về thầm mong sẽ có ngày trở lại để thêm một lần hành hương nơi miền đất Phật.
Bài&ảnh: Bùi Kim Anh


11 điều thú vị về Myanmar

 

Nếu bạn có ý định khám phá quốc gia từng bị cô lập này, tôi khuyên bạn hãy đến đó ngay bây giờ, càng sớm càng tốt, trước khi sự phát triển ảnh hưởng tới con người và thiên nhiên nơi đây.

Tại sao tiền đô mang vào Myanmar tiêu phải mới cứng?
 
Tiếng hôn gió ở các hàng quán Myanmar có nghĩa là gì?

Trước đây, có lẽ chẳng mấy người bận tâm tìm hiểu những câu trả lời trên. Nhưng kể từ khi quốc gia này mở cửa năm 2011, Myanmar trở thành một trong điểm đến được quan tâm nhất châu Á. 

Nếu bạn có ý định khám phá quốc gia từng bị cô lập này, tôi khuyên bạn hãy đến đó ngay bây giờ, càng sớm càng tốt, trước khi sự phát triển ảnh hưởng tới con người và thiên nhiên nơi đây.

11 điều thú vị về Myanmar dưới đây có lẽ sẽ khiến bạn quyết định nhanh hơn chăng?

1. Năm mới kéo dài 4 ngày
 
Như Thái Lan hay Lào, Myanmar chào đón năm mới vào tháng 4 với lễ hội Thingyan – “Lễ hội té nước”. 
 
 

Tất cả mọi nơi đều đóng cửa – ngân hàng, các cửa hiệu, quán ăn. Hoạt động kỷ niệm năm mới lớn nhất diễn ra tại Yangon và Mandalay.

Trong dịp năm mới, mọi người sẽ té nước lẫn nhau, tin tưởng rằng nước sẽ rửa trôi mọi tội lỗi và những điều không may mắn của năm cũ. Ngày thứ 4 của năm mới, chim và cá sẽ được phóng sinh và người dân tổ chức tiệc mời các nhà sư.

2. Những bãi biển đẹp và hoang sơ
 
Đường bờ biển của Myanmar dài hơn 2000km, tạo nên một số bãi biển đẹp nhất châu Á. Những bãi biển dọc theo vịnh Bengal và Biển Andaman vẫn còn hoang sơ, chưa được nhiều khách du lịch biết tới và chưa bị ảnh hưởng bởi sự phát triển.
 
 

Nhiều bãi biển hướng mặt về phía tây, vì thế hứa hẹn những buổi hoàng hôn tuyệt diệu. 

Ngapali là bãi biển được biết đến nhiều nhất hiện nay, cách Yangon 45phút bay, với hơn 3km cát trắng mịn cùng hàng dừa xanh mát. Ngapali gợi nhớ đến những bãi biển vùng Carribean nổi tiếng. Tại đây, nhiều resort lớn đã được xây dựng.

Một bãi biển ít phát triển hơn đó là Ngwe Saung, thực sự hoang sơ và cách Yangon 5 giờ xe buýt. Ngwe Saung còn được gọi là bờ biển bạc với 13km cát trắng và là một trong những bãi biển dài nhất châu Á.

3. Internet không còn bị kiểm duyệt nhưng vẫn chậm
 
Internet có mặt tại Myanmar năm 2000 nhưng giá sử dụng rất cao và kết nối chậm. Điều đó cũng có nghĩa là internet chưa được sử dụng phổ biến tại đây.
 
 

Dưới thời chính phủ cũ, các trang web như YouTube hoặc Gmail đều từng bị cấm, nhưng sau khi chủ tịch Eric Schmidt của Google tới thăm Myanmar, những ngăn cấm này phần lớn đã được dỡ bỏ.

Điện thoại di động cũng rất đắt nếu so với các quốc gia châu Á khác.  Giá trung bình một sim card hiện nay là 250 usd, thấp hơn rất nhiều so với giá 3.000usd trước kia.  Để phục vụ cho kỳ SEA Game diễn ra tại đây vào tháng 12, Myanmar sẽ bán sim card giá 15usd nhưng sẽ chỉ cho người nước ngoài.

4. Phải mang nhiều tiền mặt và đảm bảo rằng tiền phải sạch và mới
 
Có rất ít ATM tại Myanmar, vì thế khách du lịch phải mang theo nhiều tiền mặt. Mệnh giá cao thì tỉ giá sẽ tốt hơn.

Tiền bạn mang theo phải rất sạch – không có vết mỡ, xước, vết bẩn hoặc rách. Nếu tiền bị gập lại hoặc hơi sờn một chút thì sẽ không thể tiêu được tại đây. 
 
 

Hiện nay, chỉ có những khách sạn 5 sao hoặc các cửa hiệu sang trọng mới chấp nhận thẻ tín dụng, tính phí khoảng 2 – 3% tổng hoá đơn. Nhưng tình hình sẽ sớm thay đổi, dự kiến cuối năm nay, thẻ tín dụng sẽ được nhiều nơi chấp nhận.

Việc mang theo nhiều tiền mặt không hề đáng lo ngại bởi tỉ lệ trộm cắp, tội phạm liên quan tới người nước ngoài tại Myanmar rất hiếm. Người Miến theo đạo Phật và là những người trung thực

5. Khách sạn đắt đỏ
 
Năm ngoái, giá phòng tăng 350%, tức là phòng giá 25usd năm 2011 đã tăng lên 100usd. Đây chỉ là sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu.
 
 

Kể từ khi quốc gia này mở cửa, khách du lịch và người tới làm việc tại Myanmar tăng mạnh. Năm 2012, có khoảng hơn 1 triệu du khách tới Myanmar trong khi đó số lượng khách sạn lại không tăng.

Sẽ có nhiều khách sạn được xây dựng nhưng cần phải mất thời gian để hoàn thiện và đi vào hoạt động. Dự tính Myanmar sẽ còn bị thiếu hụt khách sạn trong 5 - 10 năm nữa.

6. Đàn ông mặc váy
 
Quần áo truyền thống của người Miến là longyi đối với cả phụ nữ và đàn ông. Đàn ông cuốn váy xung quanh và buộc túm ở giữa, trong khi đó phụ nữ buộc túm ở bên hông. 
 
 

Việc có mặc quần nhỏ bên trong hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người. Đàn ông Miến tại thành phố lớn thường chỉ mặc quần bên trong khi đi ra ngoài.
Còn ở nông thôn, việc mặc quần trong thường ít phổ biến đối với cả đàn ông và phụ nữ. Với thời tiết nắng nóng như tại đây, mùa hè có thể lên tới 40 độ C, mặc longyi sẽ dễ chịu và tốt hơn cho sức khoẻ. 
 

Nạp đầy năng lượng cho ngày mới với những thông tin đầy hấp dẫn về đất nước Chùa vàng bạn nhé! 


7. Tiếng chút chút trong quán bia 
 
Khi người Miến muốn gọi người phục vụ, họ sẽ nhìn vào mắt nhân viên và chu môi chút chút hai ba cái ngắn.
Nếu đi dọc phố 19 – Khu phố Tàu tại Yangon, bạn sẽ nghe thấy nhiều tiếng kêu như vậy. Con phố hẹp và chỉ dành cho người đi bộ này là nơi người Miến thường tới để uống bia. 
Nhãn hiệu bia là Bia Myanmar, giá khoảng 13.000 VND một cốc. 
Tuy nhiên, bạn sẽ không nhìn thấy phụ nữ có mặt tại các quán bia. Hầu hết phụ nữ Miến – đã hoặc chưa lập gia đình đều ở nhà buổi tối. Tuy nhiên, phụ nữ từ những quốc gia khác đều được chào đón tại các quán bia này vì họ hiểu khách ngoại quốc có phong tục khác họ. 

8. Đồ ăn 
 
Người Miến không ăn bằng tay trái, tay này dùng để đi vệ sinh. 
Vì thế khi ăn hoặc khi đưa tiền cho người khác, bạn luôn phải dùng tay phải. 
Một bữa ăn phổ biến của người Miến bao gồm gạo, cá, thịt, rau và canh và tất cả những món này sẽ được đựng trong bát nhỏ, phục vụ cùng một lúc. 
Người Miến dùng các đầu ngón tay để nhón cơm sang một bát nhỏ và trộn cùng với các món khác.
Sau bữa ăn sẽ có nhiều lựa chọn cho món tráng miệng – từ vị ngọt cho đến vị chua.

9. Tàu chạy chậm và không đúng giờ  
Không đúng giờ, chạy chậm, xóc và lắc lư là tình trạng của tàu hoả Myanmar. Tuyến đáng tin cậy nhất là từ Yangon tới Mandalay mất 16 tiếng, nếu không bị trễ. Trong khi đó, nếu đi bằng xe buýt thì chỉ mất 8 tiếng.Tuy nhiên, đây vẫn là một phương tiện thú vị để khám phá quốc gia này. 
Bạn cũng có thể di chuyển giữa các địa điểm bằng xe buýt hoặc máy bay. Giá bay nội địa tương đối rẻ và thoải mái.

10. Tất cả các góc phố Yangon đều có sạp bán báo  
Sau 5 thập kỷ dưới sự cai trị của quân đội, người dân Myanmar hiện đang tận hưởng tự do báo chí. 
Trước đây, tất cả các ấn phẩm phải được cơ quan Quản lý và Đăng ký Báo chí kiểm duyệt và cho phép xuất bản. Năm 2012, sự kiểm duyệt này dần được nới lỏng và đầu năm nay, cơ quan này đã bị giải thể. 
Năm 2012 đánh dấu một sự kiện quan trọng đó là không một nhà báo nào bị bỏ tù kể từ năm 1996. Các nhà báo bị bị trục xuất khỏi đất nước đang dần trở về quê hương. 
Ngày 1 tháng 4 năm 2013 là ngày đầu tiên nhật báo được phép phát hành. Đây là một bước tiến lớn về tự do báo chí.

11. Tục lệ nhai trầu – không chỉ có ở Việt Nam
 
Ăn trầu là một thói quen phổ biến của người dân nơi đây. Khắp nơi tại Myanmar, bạn sẽ bắt gặp những chiếc bàn hoặc tủ nhỏ trên hè phố bày bán các túi trầu đã được têm đầy đủ. 
Bạn sẽ ít bắt gặp đàn ông hút thuốc mà thay vào đó là hình ảnh những anh chàng khoẻ mạnh cao lớn miệng bỏm bẻm nhai trầu và thi thoảng nhổ toẹt thứ nước đỏ lòm xuống hè phố. Thói quen này khiến cho đường phố và nhiều khu công cộng của Myanmar trông nhem nhuốc và loang lổ. 
Thông thường, người Miến bắt đầu ăn trầu khi 20 tuổi. 
Aya ( Depplus.vn/ MASK) 

Không có nhận xét nào: