Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Đi thăm nghĩa trang Père Lachaise, Paris

Trần Đức Hợp


Tôi đã thức dậy sớm hơn mọi hôm giữa kinh đô ánh sáng. Đầu tháng 10, Paris đã chớm Thu. Không khí bắt đầu se lạnh. Tôi gợi ý cùng với anh bạn nhà văn đang sống tại Paris, “Sáng nay, anh em mình đi viếng thăm nghĩa trang Père Lachaise nhé anh?”

Vẫn còn đang ngái ngủ, nhưng anh bật dậy hỏi, “Gì đó Hợp? Nơi đó gần đây thôi, chỉ đi vài phố đường là tới. Nhưng có lẽ mình nên đi Metro thì hơn, chỉ một trạm là đến ngay thôi.”

Anh cho biết thêm, chính anh cũng thỉnh thoảng mới thăm viếng nghĩa trang nầy khi có bạn ở xa tới.

Nghĩa trang tọa lạc trong Quận 20, phía Đông Bắc của Paris, rộng 48 ha hay 118.6 mẫu Tây. Hàng năm được rất nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm.

Đây là một nghĩa trang nhỏ nhưng có những ngôi mộ, và những lăng tẩm cổ xưa của những vĩ nhân, hay những bậc anh tài của nước Pháp, và cả của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Những người nầy đã để lại cho hậu thế các tác phẩm bất hủ về âm nhạc, văn chương, nghệ thuật, tư tưởng, triết học, v.v... Gồm cả những hoạ sĩ tài danh, thi nhân nổi tiếng, những học giả uyên thâm mà chính phủ và dân chúng Paris vinh danh sau khi đã chết.

Ngày nay, nghĩa trang này là một danh thắng của Paris mà du khách không thể bỏ qua. Khách từ khắp các vùng của nước Pháp, khách từ khắp các nơi tren the giới đến đây với những bó hoa tươi thắm, những cây nến, qùa tặng,… trân trọng đặt trên mộ các danh nhân để tỏ lòng tri ân người đã mất.

Người ta có thể đến Père Lachaise bằng 3 cửa ngõ có trạm xe điện ngầm khác nhau như Metro Père Lachaise hướng Đông Bắc, Metro Phillipe -Auguste hướng Đông Nam, hay Metro Gambetta hướng Tây Bắc.

Tên của nghĩa trang này được đặt để ghi nhớ người sang lập, linh mục dòng tên Jesuit, Francois De La Lachaise (1624-1709). Được xây dựng cách đây hơn 400 năm, đây vốn là khu nhà nghỉ hưu của các linh mục từ năm 1682; sau đó Hội đồng thành phố Paris mua lại, và đổi thành nghĩa trang của thành phố, khánh thành vào năm 1804.

Ngày nay, nghĩa trang Père Lachaise có trên 300.000 ngôi mộ, gồm hài cốt và tro xương được an táng. Đây là một trong 4 nghĩa trang ở trong Paris nằm cách biệt nhau như nghĩa trang Montpartnasse ở phía Nam, nghĩa trang Montmartre ở phía Bắc, và nghĩa trang Passy ở trung tâm Paris, gần tháp Eiffel (ở đây có ngôi mộ của Cựu Hoàng Bảo Đại ).

Đã đến viếng thăm Paris trên 10 lần, nhưng chưa tôi lần nào có cơ hội để đến nghĩa trang nổi tiếng Père Lachaise này, vì cứ bận rộn đi thăm những chốn phồn hoa đô hội ở Paris. Nhưng lần này tôi đã nhất quyết phải đi, và sẽ bỏ một ngày để thăm viếng, cho dù thời tiết thật ảm đạm, không có một tia mặt trời le lói.

Không khí se lạnh trong cơn mưa bụi bay lất phất lùa vào đường phố Paris buổi sáng sớm.

Một Găp Gỡ Tình Cờ

Du khách khắp nơi trên thế giới đến thăm viếng Père Lachaise. Đây là một nơi khá đặc biệt ở Paris mà du khách đến thăm có những nét đặc biệt. Họ là những người trung niên, rất lịch sự, ăn mặc rất giản dị, thoải mái. Họ đi từng nhóm nhỏ nghiêm trang từ 3-4 người; và cũng có những nhóm đi theo đoàn du lịch, có người hướng dẫn. Từng nhóm khoảng 10-15 người, chậm rãi ghé thăm những nơi quan trọng, hay dừng bước để chụp những tấm ảnh những hình tượng, những bức hoa văn, hay những bức phù điêu đầy nghệ thuật. Thỉnh thoảng họ đứng lại và im lặng trước những ngôi mộ hay những nhà nguyện nho nhỏ được xây cất và trang trí rất mỹ thuật.

Anh bạn và tôi cũng đã trầm ngâm trước những mộ chí với những tượng đá cổ kính, phủ đầy rêu phong màu xanh đen, với những chi tiết sống động và đầy ấn tượng, cho dù đã trải qua dấu ấn của thời gian hàng trăm năm với thời tiết nắng, mưa, nóng, lạnh của thiên nhiên.

Tình cờ chúng tôi đã gặp một nhóm nữ du khách 4 người đến từ Toronto, Canada… Một cuộc gặp gỡ bất ngờ thật vui biết bao từ những vùng đất xa xôi và chúng tôi ồn ào trò chuyện theo kiểu “tha hương ngộ cố tri” rồi giúp nhau chụp những tấm hình lưu niêm tại vài nơi có những bức phù điêu mỹ thuật, đã được những nghệ sĩ điêu khắc tài hoa sáng tạo. Những nơi nầy, nhiều du khách đã ngẩn ngơ đứng lặng lẽ chiêm ngưỡng những đường nét nghệ thuật gây cảm xúc dạt dào.

Trong số các ngôi mộ được thăm viếng nhiều nhất tại Père Lachaise phải kể đến những tài hoa như nhà văn Honoré de Balzac (1799-1850), nhà soạn nhạc Georges Bizet (1838-1875), nhạc sĩ Fédéric Chopin (1810-1849), nhà thơ ngụ ngôn Jean De La Fontaine ( 1621-1695), bi kịch gia Molière (1622-1673), ca sĩ nổi tiếng nhất nước Pháp, Édith Piaf (1915-1963), văn hào Marcel Proust ( 1871-1922), nhà văn người Irish là Oscar Wilde ( 1854-1900),… Vị trí những ngôi mộ này được chỉ dẫn cho du khách dễ dàng tìm kiếm và thăm viếng.


Mối Tình Bất Tử

Một mối tình bất tử, đẹp, lãng mạn, của Héloïse d’Argenteuil (1096-1144) và người tình Pièrre Abelaird (1079-1142) đã được người dân ở Paris truyền tụng gần ngàn năm, vì khi yêu thì họ đã không thể sống trọn vẹn bên nhau, vì những ngăn cản của giai cấp, danh vọng, và quyền lực của giới cầm quyền đương thời.

<>
Mộ của Héloïse và Abelaird
Nguồn: Wikipedia.org
Héloise là cháu gái của Hoàng tộc Canon Fubert de Paris; Héloise đã thương yêu và bí mật kết hôn với ông thầy dạy Triết học và Tư tưởng của chính cô. Mối tình này đã bị gia đình và dòng họ cấm đoán, và ngăn cản quyết liệt. Kết qủa là Héloise đã xuống tóc và đi tu tại một dòng tu kín, sống lẻ loi, buồn thảm và chết ở đó. Còn người tình Abélaird thì bị trả thù tàn nhẫn, bị giam cầm, hành hạ và bị “thiến”. Sau đó Abélaird cũng vào một nhà tu khác; sống cách biệt với thế gian nhưng Abélaird vẫn liên lạc bằng thư tín với người tình yêu dấu. Họ đã trao đổi những lá thư và những áng thơ văn bày tỏ mỗi niềm thương yêu, họ thề nguyện sẽ mãi mãi vọng hướng về nhau. Trước khi chết, Héloise có nguyện ước thân xác nàng được chôn cất bên cạnh người yêu Abélaird . Mối tình này đã xảy ra gần 1.000 năm và được lưu truyền rộng rãi khắp Paris; nó được coi là một mối tình bất diệt của trong văn học Pháp từ nhiều trăm năm qua. Câu chuyện thương tâm này đã làm thiên hạ say mê về một chuyện tình yêu lãng mạn, đẹp nhưng dang dở…

Năm 1817 xác của hai người đã được mang về an táng bên nhau tại Père Lachaise với những thiết kế mỹ thuật và hình ảnh của hai người trên lăng mộ nho nhỏ, và từ đó nghĩa trang Père Lachaise đã trở thành một nơi quý địa và đông khách hàng.


Chuyện Bên Lề

Nhạc sĩ tài hoa gốc Ba Lan là Federic Chopin (1810-1849) khi chết đã được chôn cất tại Père Lachaise. Về sau nhà nước Ba Lan thỉnh nguyện được đem trái tim của nhạc sĩ về an táng tại Warszawa, thủ đô của Ba Lan. Nhưng hài cốt của Chopin vẫn được yên nghỉ tại nghĩa địa Père Lachaise nầy. Ngôi mộ của ông là nơi thu hút được rất nhiều du khách ngưỡng mộ. Họ yêu mến một thiên tài âm nhạc đã để lại cho hậu thế những bản nhạc tình bất hủ.

Một nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng khác, người Italia, là Gioacchino Rossini (1792-1868 ) đã nức danh với những bản nhạc sống động và hùng dũng, nên cũng đã được chính phủ Ý yêu cầu chính phủ Pháp cho chuyển thân xác ông từ Paris về chôn cất trong thánh đưòng Basilica Santa Croce, thành phố Florenzia miền trung của nước Ý; đó là là nơi Rossini đã sinh ra và lớn lên, trước khi ông qua Pháp rồi nổi danh lẫy lừng ở kinh đô ánh sáng Paris. Xác thân ông đã được đem đi, nhưng lăng mộ của ông vẫn được để nguyên vẹn như cũ và được gìn giữ sạch sẽ.

<>
Jim Morrison
Nguồn:theginpalace.com
Một nhạc sĩ trẻ người Hoa kỳ, chết năm 1971, khi mới 27 tuổi là Jim Morrison (1943-1971), anh là tiếng hát đầu đàn của ban nhạc Rock & Rolls “the Doors”, với lối trình diễn đặc biệt khác thường trong bản nhạc bất hủ “Light My Fire”, với lối diễn tả la hét, nhảy múa, tay chân cuồng loạn, kích động đầy ấn tượng… đã được giới trẻ Âu Mỹ ưa thích, vì anh là biểu tượng của chủ nghĩa hiện sinh. Trước đó, Jim đã cùng 3 người bạn thân thành lập ban nhạc “the Doors” năm 1965 ở Venice Beach, Los Angeles, California, với những chiếc quần da bò ôm gọn đôi mông và bóng loáng. Họ tiêu biểu cho các thanh niên nam nữ trẻ tuổi, phản chiến, chống chiến tranh lúc bấy giờ (1965-1971).

Dạo diễn Oliver Stones đã đưa mối tình của Jim và người tình Pamela Susan Courson lên màn bạc Hollywood. Nam tài tử Val Kimer thủ vai chính, nữ tài tử Meg Ryan dễ thương và nhí nhảnh trong cuốn phim cùng tên của ban nhạc “the Doors” đã ra mắt công chúng năm 1991. Mối tình của Jim và Pam nói lên cuộc sống chỉ biết hiện tại, sống theo bản năng hiện sinh, chống chiến tranh, yêu cuồng, sống vội, thác loạn, hippy, ngoài khuôn khổ của xã hội Tây phương và Mỹ châu. Ba năm sau khi Jim chết, người tình Pam cũng chết và nàng cũng vừa tròn 27 tuổi. Jim cũng được vinh dự an táng tại nghĩa trang Père Lachaise. Trên ngôi mộ của Jim tôi thấy có rất nhiều bó hoa tươi, nến, rượu Gin, qủa bí,… của những khán gỉa ái mộ. Ngôi mộ của anh nằm ngay bên tay phải khi du khách bước vào cổng chánh của nghĩa trang Père Lachaise.

Đặc biệt, một số những ngôi mộ có tên người Việt nam đã chiến đấu và hy sinh cho nước Pháp trong trận Đệ II Thế chiến, cũng được chính phủ và Hội đồng thành phố Paris vinh danh và được chôn cất trang trọng tại nơi đây.

Riêng ngôi mộ tập thể của 147 nhân vật của Công Xã Paris, những chiến sĩ bảo vệ tự do, công lý, bình đẳng và bác ái… đã được xây dựng thành bức tường “Communards’ Wall” (Mur des Fédérés), kỷ niệm ngày 28/5/1871 là ngày các công nhân, thợ thuyền, lao động đã bị chế độ độc tài, quân chủ, chuyên chế xử bắn cuối cùng tại khu Belleville, Paris.

Riêng ngôi mộ của cựu hoàng Bảo Đại (1913-1997) đã được bà vợ cuối cùng là Monique Vĩnh Thụy vận động với chính phủ Pháp và Hội Đồng thành phố Paris để được vinh dự an táng tại nghĩa trang Passy, gần khu Trocadéro, bên kia bờ phía Bắc sông Seine, đối diện với tháp Eiffel của Paris quận 16. Ngôi mộ của cựu hoàng có kiến trúc đơn giản, làm bằng đá cẩm thạch đen bóng và xung quanh được lót đá để cho du khách và gia tộc Nguyễn Phước dễ dàng thăm viếng. (Exit dùng cửa ngõ Metro Trocadéro là tiện nhất).

Nghĩa trang Père Lachaise ngày nay không phải chỉ là nghĩa trang danh nhân, một số người giàu có ở Paris (trong đó có những phú thương Hoa kiều) cũng được thuê đất có thời hạn (lease) để chôn cất thân nhân tại nơi đây. Nhưng giá mướn đất rất cao, nghe nói tới cả trăm ngàn Euros, và sẽ phải dời đi nơi khác khi hợp đồng mãn hạn 30 năm, hoặc 50 năm, và có thể không được tái gia hạn hợp đồng. Tiền cho thuê mướn này nhằm giúp gìn giữ và tu sửa những hư hại do thời tiết và thời gian làm nghĩa trang xuống cấp. Hội đồng thành phố Paris và chính phủ nước Pháp tuân thủ Hiến pháp, và lấy lợi ích cao nhất của người dân làm trọng, mà không hề dành riêng cho các nhân vật của bất cứ đảng phái nào đang cầm quyền, như điều ta thường thấy ở các nước độc tài, hay độc quyền chi phối.


Rảo bước trong nghĩa trang Père Lachaise là lúc tâm hồn tĩnh lặng và an nhiên nhất vì những thăng trầm của thế gian không còn là điều bận rộn lòng mình. Những chiếc lá vàng rơi rụng lác đác xung quanh khiến long người xao xuyến, xúc động, nhưng không còn sợ hãi, và thấy cuộc đời nhẹ nhàng, êm đềm biết bao khi về cõi hư không…

<>
Père-Lachaise
Nguồn ảnh: Flickr
Nghĩa trang Père Lachaise sẽ mãi mãi là nơi đáng để thăm viếng của du khách khi đến thăm Paris.


San Diego, tháng 3-2011

Không có nhận xét nào: