Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

Bánh mì Ubon, ấm tình quê trên đất Thái

TRẦN DƯỢC SƯ

Thực khó tả cảm giác lẫn lộn vừa mừng vừa thương khi gặp một góc quê hương nơi đất khách - bánh mì Việt Nam ở Ubon Ratchathani, Thái Lan.


Những ngày mới tới Ubon (gọi tắt của Ubon Ratchathani), khi biết tôi là người Việt, các bạn thường hỏi là đi ăn nem nướng, chả giò hay phở chưa. Có vẻ đây là 3 món Việt phổ thông nhất ở miệt Ubon, nơi có khá đông người Việt sinh sống.
Hàng bánh mì trong chợ Ubon Ratchathani.
Rồi bữa sáng đó, đang trên đường Thanon Luang hướng tới chùa xưa Thung Si Muang, chợt thấy cái bảng hiệu trước quán ghi chữ “Bahn Mi”, lòng bỗng bồi hồi xen tò mò. Cũng mới vừa xong bữa sáng nên dự tính ghé chùa xong lát quay lại làm bữa trưa “thổi kèn” cần kiệm. Mải mê chùa đẹp, chân lang bạt còn dạt qua mấy điểm khác nữa, khi quay lại quán đã then cài. Hơi buồn, lội bộ tới cái chợ tỉnh bên sông Mun lộng gió, tính tìm món lót bụng vừa kiếm hình chụp choẹt, lại thấy một cái tủ ghi “Bấn Mì Ba Tê”. Nhào tới, gặp lại một góc quê hương ngon lành, ấm tình nơi xứ khách.
Từ các biến động hồi 1945-1946, người mình di cư sang Ubon khá nhiều, đến giờ có khoảng 5.000 người Việt đang sinh sống ở đây. Bánh mì cũng theo qua dù ít nổi tiếng như nem nướng, chả giò, phở - theo thứ tự lùi dần ở miệt này chứ không phải là phở đứng đầu như nhiều nơi khác. Bên cạnh mấy tiệm nem nướng (naem nueng, theo cách viết tại đây), mấy chủ lò bánh mì (kanom pang) ở Ubon thường là Việt kiều. Người bán, hàng quán hầu hết cũng vậy.
Gọi là bánh mì patê, nhưng cái bánh trong chợ, cũng như bữa sau tôi lại quán trên Thanon Luang, có nhiều thứ nhân khác. Không đa dạng như Sài Gòn, bù lại cái bánh nóng giòn, đặc ruột theo kiểu bánh mì miền Trung chứ không xốp rộp.
Nói nào ngay, không thể so với bánh mì Sài Gòn giờ khá nổi tiếng, thường vào Top đầu các bảng xếp hạng thức ăn đường phố thế giới. Nhưng trong mấy cái bánh mì Ubon (kanom pang pate) đó tôi còn gặp một góc quê hương khác - chả lụa. Món này cũng đi theo đoàn di dân, chủ của các cơ sở làm chả lụa lớn ở đây cũng thường là người Việt. Trên đường phố, Ubon và cả vùng đông bắc Thái nếu thấy cửa hàng giò chả hầu như chắc là người mình, hoặc liên đới họ hàng. Lẫn trong miếng bánh vàng ruộm, giòn rụm là kha khá những miếng chả đậm đà vì thịt bên này rẻ rề đâu cần pha bột, thêm chút ớt satế cay cay, béo béo pate dù không phải món cổ truyền Việt nhưng cũng khá quen thuộc và lại ít thấy trong các món bản địa Thái. Giờ gặp lại, thấy càng thêm ngon.
Quay lại Ubon nhiều lần, rành rọt hơn xó chợ góc đường, tôi đã phụ tình bánh mì, khi trót phải lòng món Vietnamese Noodles, nhưng không phải là phở, mà là bánh canh. Rất khác khi dùng sợi bột lọc khô, nấu lên rất nhuyễn và dẻo dai, có lẽ pha thêm bột nếp, vì vùng chủ yếu ăn xôi thay vì cơm. Nhưng dù thèm bánh canh, tôi cũng lại nhớ bánh mì - khác nhiều người cứ thèm phở là bỏ cơm (!). Làm sao có thể quên buổi trưa thẩn thơ trên tầng hai khu chợ Ubon lộng gió gặm bánh mì Việt nơi đất khách, nhớ nhà. Nhìn dòng Mun cuộn sóng bên dưới mơ được đi cùng sông đổ ra Mẹ Mekong, rồi xuôi về nước Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét