Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Búp bê Hakata Một biểu tượng văn hóa truyền thống của Nhật Bản

Nhiều vùng ở Nhật Bản nổi tiếng với những búp bê thủ công được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Trong đó, Hakata có lẽ là loại búp bê truyền thống nổi tiếng nhất.
Nghệ nhân lão luyện Kuniaki Takeyoshi có 53 năm gắn bó với nghề làm búp bê Hakata.Nguồn: CNN
Búp bê Hakata (hay còn gọi là Ningyo) có nguồn gốc từ thành phố ven biển Fukuoka - thành phố lớn nhất đảo Kyushu, Nhật Bản. Fukuoka thật sự được gộp lại từ 2 thành phố là Fukuoka và Hakata. Khi sáp nhập vào năm 1889, thành phố lấy một tên chung là Fukuoka.
Búp bê Hakata có lịch sử phát triển lâu đời. Một người thợ tên là Souhichi Masaki được cho là đã làm ra những con búp bê đất sét đầu tiên vào thế kỷ 17. Sau đó nhiều người thợ khác đã làm theo, dần dần các mẫu búp bê trở nên phức tạp và nhiều màu sắc hơn. Hakata phổ biến khắp nước Nhật như là một món đồ trang trí đẹp và biểu tượng tiêu biểu cho thành phố có di sản văn hóa phong phú như Fukuoka.
Búp bê làm bằng đất sét lấy tại địa phương, không tráng men. Đất sét được tạo hình theo ý muốn và nạo bớt phần ruột bên trong để búp bê nhẹ hơn. Sau đó, chúng được phơi ngoài trời khoảng 10 ngày trước khi nung trong lò ở nhiệt độ 900oC suốt 8 giờ và cuối cùng là công đoạn tô màu trang trí bằng màu vẽ có nguồn gốc thực vật. Những con búp bê sở hữu vẻ đẹp tinh tế và sống động là kết quả của quá trình tạo hình, nung và tô màu hết sức tỉ mỉ.
Phần lớn búp bê trên thị trường hiện nay được sản xuất gần đây, chỉ một số ít được sản xuất ở giai đoạn sau Thế chiến thứ 2, có giá trị cao hơn. Hầu hết những con búp bê mô tả các nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhân vật huyền thoại, võ sĩ sumo, samurai, những người phụ nữ đẹp, trẻ em…  Đặc biệt, những con búp bê đắt giá còn được trang trí bằng bột vàng, bột bạc. Nghệ nhân Kuniaki Takeyoshi, Chủ tịch Hiệp hội nghệ nhân làm búp bê ở Fukuoka cho biết, ông dùng một kỹ thuật cổ truyền là chà xát lớp vàng trên búp bê bằng răng cá để giúp chúng sáng lấp lánh hơn. Những búp bê do ông Takeyoshi làm ra có thể được bán với giá lên tới 1,6 triệu yen (hơn 300 triệu đồng).
Theo ông Takeyoshi, khó khăn nhất vẫn là truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ nhân trẻ ở Fukuoka, họ khó mà lựa chọn việc làm búp bê thủ công là nghề nghiệp chính, một nghề đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều năm luyện tập những bước cơ bản. Hiện có 70 nghệ nhân bậc thầy đang duy trì sức sống cho nghề thủ công truyền thống này. Thông qua các sự kiện, hội thảo phối hợp với chính phủ, hiệp hội của ông Takeyoshi đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ và quảng bá búp bê Hakata ở thị trường trong và ngoài nước. Thành phố Fukuoka còn mở Trung tâm thủ công truyền thống Hakata, nơi mọi người có thể quan sát, tìm hiểu toàn bộ quá trình làm búp bê truyền thống và trực tiếp thực hiện công đoạn vẽ trang trí búp bê.
THIÊN NGỌC (tổng hợp từ CNN, Japan visitor)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét