Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

Madagascar được mệnh danh là 'lục địa thứ 8'

Madagascar (tên chính thức Cộng hòa Madagascar) là đảo quốc nằm ngoài khơi bờ biển phía đông nam của châu Phi, thuộc Ấn Độ Dương. Theo Britannica, Madagascar là hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới với diện tích gần 590.000 km2, sau Greenland, New Guinea và Borneo. Thủ đô của Madagascar là Antananarivo (tên cũ là Tananarive).
Đến năm 2018, Madagascar có khoảng 26,5 triệu dân. Hòn đảo mới chỉ được định cư từ khoảng năm 500, muộn hơn sự xuất hiện của loài người ở châu Phi đến 3.000 năm.
Tính đa dạng sinh học và số lượng loài đặc hữu (loài sinh vật chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp) rất lớn khiến Madagascar được mệnh danh là lục địa thứ 8 của thế giới. Hệ động vật và thảm thực vật của hòn đảo này đều dị thường, khác biệt rất nhiều so với các loài châu Phi gần đó. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng của bộ phim hài phiêu lưu hoạt hình nhiều phần có tên Madagascar, sản xuất bởi hãng Dreamworks (Mỹ) từ năm 2005.
Baobab, loài cây phổ biến ở Madagascar. Ảnh: Telegraph
Baobab, loài cây phổ biến ở Madagascar. Ảnh: Telegraph
Mặc dù cách châu Phi chỉ khoảng 400 km, người Malagasy (nhóm dân tộc hình thành gần như toàn bộ dân số Madagascar) không coi mình là người châu Phi. Họ được cho là hậu duệ của những người di cư từ Indonesia, Malaysia, đến vùng đất này từ gần 2.000 năm trước thông qua các tuyến đường thương mại trên Ấn Độ Dương. Người Malagasy tuân theo một số lễ nghi tôn giáo đặc trưng của vùng Đông Nam Á và ăn cơm ba lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, vì là thuộc địa cũ của Pháp, hòn đảo này liên kết chính trị, kinh tế và văn hóa với các nước nói tiếng Pháp ở Tây Phi. 

Vượn cáo là động vật biểu trưng của Madagascar

Theo Blue Ventures, Madagascar là hòn đảo bị cô lập trong khoảng 70 triệu năm. Điều này đã dẫn đến sự tiến hóa của thế giới động vật hoang dã và hệ thực vật độc đáo. Madagascar được xếp vào nhóm 17 quốc gia "megadiverse", tức quốc gia chứa phần lớn loài sinh vật của Trái Đất và số lượng loài đặc hữu cao. 
Về động vật, nổi tiếng nhất là vượn cáo với hơn 100 loài, từ những con vượn cáo đuôi vòng đến vượn cáo chuột Berthe - loài linh trưởng nhỏ nhất trên thế giới, chỉ nặng khoảng 30 gram.
Vượn cáo đuôi vòng ở Madagascar. Ảnh: BBC
Vượn cáo đuôi vòng ở Madagascar. Ảnh: BBC
Vượn cáo thuộc nhóm động vật linh trưởng được gọi là prosimii (Bộ Bán hầu), một từ có nghĩa "trước khi khỉ xuất hiện". Chúng phân bố trên toàn cầu từ trước giai đoạn tiến hóa của khỉ, dù khỉ sau đó đã khiến hầu hết prosimii bị tuyệt chủng. Vượn cáo ở Madagascar đã được bảo vệ bởi sự cô lập của hòn đảo này.
Trong năm 2014, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phân loại 24 loài vượn cáo thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, 49 loài nguy cấp, và 20 loài dễ bị tổn thương. Vượn cáo sống trong nhiều môi trường, từ rừng lá rộng rụng lá đến rừng ngập mặn, nhưng nạn phá rừng khiến tỷ lệ vượn cáo bị đe dọa.
Một loài động vật có vú đặc hữu hấp dẫn khác là fossa, thuộc bộ ăn thịt. Đó là một loài cực kỳ nhút nhát, hiếm khi được nhìn thấy, trông rất giống mèo, dù chúng thực sự có họ hàng gần với họ cầy mangut. Sử dụng chiếc đuôi dài để cân bằng, nó bám theo con mồi (bao gồm vượn cáo) trong những tán rừng của Madagascar.
Tuy nhiên, không giống như bộ phim Madagascar, bạn sẽ không thấy bất kỳ con hổ, hươu cao cổ hay hà mã nào.
Ngoài hệ thống động vật có vú độc đáo, 90% loài bò sát ở Madagascar là loài đặc hữu, bao gồm hai phần ba loài tắc kè hoa của thế giới. Ngoài ra, hòn đảo còn có hơn 100 loài chim đặc hữu, sở hữu một tỷ lệ lớn các loài cá lưỡng cư và cá nước ngọt có một không hai.
Về hệ thực vật, hơn 80% trong số 15.000 loài thực vật của Madagascar là loài đặc hữu, nổi tiếng nhất là cây bao báp.

Quốc kỳ Madagascar có 3 màu

Quốc kỳ Madagascar bao gồm hai sọc ngang màu đỏ và xanh lá cây, một sọc dọc màu trắng ở góc trái. Tỷ lệ chiều rộng và chiều dài của cờ là 2:3.
Quốc kỳ Madagascar. Ảnh: NationalPedia
Quốc kỳ Madagascar. Ảnh: NationalPedia
Britannica thông tin, có thể dựa trên truyền thống ở Indonesia - gốc gác của người Malagasy, màu cờ chủ đạo trong quá khứ của Madagascar luôn luôn là trắng và đỏ. Ví dụ, vào giữa thế kỷ 17, hai màu sắc này đã được triều đại Sakalava lựa chọn khi lên nắm quyền. Họ đặt tên quốc gia là vương quốc Menabé, có nghĩa "màu đỏ tuyệt vời".
Vào cuối thế kỷ 17, vương quốc Merina (Hova) được thành lập. Các lá cờ của nó cũng gần như chỉ có màu trắng và đỏ. Thông thường, mỗi người cai trị Merina viết tên và tước hiệu bằng màu đỏ trên cờ trắng hoặc cờ trắng - đỏ.
Vào những năm 1880 và 1890, Madagascar rơi vào vòng kiểm soát của Pháp. Những biểu tượng mang tính dân tộc đã bị đàn áp nhưng không bị lãng quên.
Sau Thế chiến thứ hai, các phiến quân Malagasy tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập (nhưng không thành công), sử dụng lá cờ trắng và đỏ có chứa các ngôi sao màu xanh. Một thập niên sau đó, người Pháp cho phép Madagascar và các thuộc địa khác tiến tới thành lập chính quyền tự trị.
Cộng hòa Malagasy (tên cũ của Cộng hòa Madagascar) bắt đầu tự trị vào ngày 14 tháng 10 năm 1958, và một tuần sau đó đã thông qua thiết kế quốc kỳ ba màu trắng, đỏ, xanh lá cây, được sử dụng tới ngày nay.
Màu trắng đại diện cho sự thuần khiết, màu đỏ tượng trưng cho chủ quyền, màu xanh lá cây thể hiện các vùng ven biển và tượng trưng cho hy vọng. Nhiều thuộc địa cũ khác của Pháp đã sử dụng cờ ba màu dọc hoặc ngang, cho thấy rõ ràng ảnh hưởng của quốc kỳ Pháp, nhưng Madagascar đã chọn cách sắp xếp ngang dọc độc đáo hơn.

Madagascar có 3 di sản thế giới

Ba di sản thế giới của Madagascar là Khu bảo tồn thiên nhiên Tsingy de Bemaraha (công nhận năm 1990), Đồi Hoàng gia của Ambohimanga (công nhận năm 2001) và Rừng mưa nhiệt đới ở Atsinanana (công nhận năm 2007).
Khu bảo tồn thiên nhiên Tsingy de Bemaraha là mê cung đá vôi bao phủ một phần khá lớn nửa phía tây của hòn đảo. Những hẻm núi quanh co, hang động và đường hầm tạo nên cảnh quan ấn tượng, xen kẽ với các khu rừng khô, hồ và đầm lầy ngập mặn. Nhiều loài vượn cáo và loài chim đặc hữu sinh sống ở đây. 
Khu bảo tồn Thiên nhiên Tsingy de Bemaraha. Ảnh: Fotolia
Khu bảo tồn Thiên nhiên Tsingy de Bemaraha. Ảnh: Fotolia
Đồi Hoàng gia của Ambohimanga là trung tâm tâm linh và chính trị của người Merina từ ít nhất là thế kỷ 16. Nơi đây từng diễn ra nhiều nghi thức thiêng liêng của hoàng gia.
Rừng mưa nhiệt đới ở Atsinanana cũng là môi trường sống của nhiều loài đặc hữu ở Madagascar. Tuy nhiên, địa danh này được liệt kê vào danh sách Di sản thế giới bị đe dọa vào năm 2010 do nạn phá rừng. 

Madagascar có GDP bình quân đầu người rất thấp

Telegraph thông tin, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 xếp Phần Lan là nơi hạnh phúc nhất toàn cầu, theo sau là các quốc gia Bắc Âu khác: Na Uy, Đan Mạch và Iceland.
Trong khi đó, Madagascar xếp thứ 14 từ dưới lên. Đây là một trong những nơi nghèo nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người chỉ 1.554 USD (xếp thứ 179 trong số 187 quốc gia) và tuổi thọ trung bình 65,5 (ở Anh là 81,2).
Mặc dù đói nghèo, nơi đây vẫn phát triển dịch vụ du lịch xa hoa. Khu nghỉ dưỡng Miavana ở Madagascar chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng. Du khách phải trả từ 4.100 USD trở lên để ở lại đây một đêm, tận hưởng dịch vụ spa cao cấp, đi lặn biển và câu cá.
Miavana. Ảnh: Pinterest
Miavana. Ảnh: Pinterest

Thùy Linh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét