Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu

Cộng hòa Liên bang Đức gồm 16 bang, nằm ở giữa lòng châu Âu, có thủ đô là Berlin. Đức được bao bọc bởi 9 nước láng giềng, gồm: Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Séc, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg.Tổng biên giới dài 3.757 km.
Bản đồ Đức. Ảnh: Google Maps
Bản đồ Đức. Ảnh: Google Maps
Đức có tổng diện tích hơn 357.000 km2. Dân số tính đến năm 2018, theo Worldometers, là hơn 82 triệu người. Đây là quốc gia đông dân nhất trong 28 nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU). Theo World Atlas, nếu tính toàn bộ châu Âu, Đức đông dân thứ hai, chỉ sau Liên bang Nga.

Quốc kỳ Đức gồm ba màu đen, đỏ và vàng

Theo World Atlas, quốc kỳ Đức gồm ba dải màu nằm ngang, lần lượt từ trên xuống là các dải đen, đỏ và vàng. Thiết kế này được thông qua lần đầu vào năm 1919, thời Đức được biết đến là Cộng hòa Weimar.
Quốc kỳ Đức. Ảnh: Video Blocks
Quốc kỳ Đức. Ảnh: Video Blocks
Đến năm 1933, khi Cộng hòa Weimar sụp đổ, chế độ Quốc xã tại Đức được thành lập, quốc kỳ với ba dải màu đen, đỏ, vàng nhanh chóng bị loại bỏ và thay vào đó là lá cờ với ba màu đen, trắng, đỏ từng được sử dụng trước đó. 
Hai năm sau, một lá cờ đỏ với hình đĩa trắng lệch tâm có chữ Vạn màu đen bên trong được sử dụng để đại diện cho đất nước này. Lá cờ có chữ Vạn tồn tại đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Giai đoạn nước Đức bị chia cắt (từ năm 1949 đến năm 1989), Đông Đức và Tây Đức đã sử dụng những lá cờ khác nhau. Năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, đất nước Đức thống nhất, lá cờ với ba dải màu đen, đỏ và vàng được thống nhất sử dụng và trở thành quốc kỳ chính thức của Đức đến ngày nay.

Đức là quê hương của Beethoven

Ludwig van Beethoven là nhà soạn nhạc lừng danh thế giới. Ông sinh năm 1770 tại Bonn (Đức) nhưng có nhiều thời gian sinh sống tại Áo. Ông được cha dạy nhạc cho từ nhỏ. Theo The Local, năm 7 tuổi, ông đã có buổi trình diễn đầu tiên trong đời. Đến năm 12 tuổi, Beethoven xuất bản chính thức tác phẩm đầu tay, gồm chín biến tấu cho piano. Beethoven được nghệ sĩ Neefe nhận làm trợ lý ở dàn nhạc hoàng gia với vai trò nghệ sĩ đại phong cầm. Năm 14 tuổi, ông giành được vị trí chính thức trong dàn nhạc này.
Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, năm 25 tuổi, thính giác của Beethoven bắt đầu suy giảm và ông mất thính giác hoàn toàn vào năm 46 tuổi. Dù vậy, ông vẫn sáng tác những bản nhạc đến cuối đời.
Chân dung Beethoven. Ảnh: Classic FM
Chân dung Beethoven. Ảnh: Classic FM
Beethoven được đánh giá là nhân vật trung tâm trong giai đoạn chuyển đổi giữa thời kỳ âm nhạc cổ điển và lãng mạn. Nhiều tác phẩm của ông được coi là sáng tạo cho thời đại. Ông là người đầu tiên viết nhạc giao hưởng dựa trên sự kết hợp kèn gỗ (bassoon) và kèn đồng (trombone). Ông cũng kết hợp âm nhạc và nhạc khí theo những cách chưa từng được thực hiện trước đó. Ông được đánh giá là người có khả năng phát triển âm nhạc từ tác phẩm văn học, hội họa…
Những kiệt tác âm nhạc của Beethoven có thể kể đến như Bản giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các bản sonata Bi tráng, Ánh trăng...
Ngày nay, các sáng tác của ông không chỉ có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Một phiên bản disco của bản giao hưởng thứ năm của Beethoven được thể hiện trong bộ phim Saturday Night Fever. Năm 1972, khúc Ode to Joy từ bản giao hưởng số chín của ông vang lên trong bộ phim Die Hard và được bình chọn là quốc ca của Liên minh Châu Âu. Bản giao hưởng thứ bảy của Beethoven cũng được sử dụng trong bộ phim The King's Speech.

Đức có lễ hội bia lớn nhất thế giới

Nước Đức được coi là “xứ sở bia” với hơn 1.300 nhà máy và hơn 5.000 loại bia khác nhau, từ bia tươi đến bia đóng chai. Người Đức vẫn thường tự hào về văn hóa và nghệ thuật thưởng thức bia. Với họ, bia không chỉ là thức uống giải khát thông thường mà còn là nét đẹp văn hóa, quốc hồn quốc túy của đất nước. Vì vậy, không khó hiểu khi họ có lễ hội bia truyền thống lớn nhất thế giới.
Người Đức trong trang phục truyền thống dự lễ hội bia Oktoberfest năm 2017. Ảnh: Reuters
Người Đức trong trang phục truyền thống dự lễ hội bia Oktoberfest năm 2017. Ảnh: Reuters
Lễ hội bia Oktoberfest được tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại thành phố Munich của Đức. Theo Reuters, lễ hội lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 12/10/1810 nhân dịp lễ cưới của Hoàng thái tử Ludwig (sau là vua Ludwig) và công chúa Theresa. Trong hơn 200 năm lịch sử, lễ hội này chỉ bị hủy bỏ 24 lần, chủ yếu vì lý do dịch bệnh và chiến tranh.
Theo truyền thống, lễ hội Oktoberfest sẽ kéo dài 16 ngày và kết thúc vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Nếu bế mạc trùng với ngày 1 hay 2/10, lễ hội sẽ kéo dài tới ngày 3/10 (ngày Quốc khánh Đức).
Lễ hội quy tụ nhiều chiếc lều bia cùng hàng trăng ki-ốt, khu vui chơi giải trí, quầy bán đồ ăn. Tại lễ hội, người Đức sẽ mặc trang phục truyền thống của xứ Bavaria. Họ cùng du khách hưởng thức những loại bia có hương vị đặc sắc hơn và chứa ít CO2 hơn bình thường, cùng nâng ly và hô hào những lời chúc tốt đẹp.
Mỗi năm, lễ hội Oktoberfest thu hút hàng triệu du khách và tiêu thụ hàng triệu lít bia. Lượng bia kỷ lục được ghi nhận năm 2013 là 7,7 triệu lít. Năm 2016, du khách tham gia lễ hội đã uống hết 6,6 triệu lít.
Ngoài bia, Đức còn nổi tiếng với xúc xích và xe hơi.

Đức đã vô địch World Cup 4 lần

Đức là đội bóng mạnh với bề dày thành tích khiến nhiều nước phải ngưỡng mộ. Hiện, đội tuyển quốc gia với biệt danh “cỗ xe tăng Đức” đang được xếp thứ 1 trên bảng xếp hạng FIFA.
Ở World Cup, Đức đã có 4 lần vô địch, chỉ đứng sau Brazil (5 lần). Đó là vào các năm 1954, 1974, 1990 và 2014. Tính về số lần vào chung kết và giành á quân, Đức thậm chí còn hơn Brazil. Họ đã có 4 lần giành hạng nhì, 4 lần hạng 3 và một lần nằm trong top 4 đội mạnh nhất.
Lần gần nhất Đức vô địch World Cup là vào năm 2014. Tại giải này, Đức đã có những chiến thắng ấn tượng để giành cúp vàng, điển hình là chiến thắng trước Argentina ở trận chung kết và kỷ lục khó tin khi hạ chủ nhà Brazil 7-1 ở bán kết.
Đức giành chức vô địch World Cup năm 2014. Ảnh: IBTimes India
Đức giành chức vô địch World Cup năm 2014. Ảnh: IBTimes India
World Cup cũng là giải đấu ghi dấu ấn của nhiều cá nhân huyền thoại trong đội tuyển Đức. Miroslav Klose là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử World Cup với ghi tổng cộng 16 bàn. Top 6 cầu thủ ghi bàn nhiều ở giải đấu này còn có Gred Mueller (14 bàn) và Juergen Klinsmann (11 bàn) của Đức.
Tại vòng chung kết World Cup 2018, Đức nằm ở bảng F với Mexico, Thụy Điển và Hàn Quốc. Nhà đương kim vô địch đã khiến người hâm mộ thất vọng khi dừng chân ngay tại vòng đấu bảng.

Dương Tâm - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét