Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Giấc mơ Dubai của châu Phi

(HNMO) - Djibouti là một ốc đảo của hòa bình, giữa khung cảnh châu Phi điêu tàn bởi nạn cướp biển và sự bất ổn. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một phiên bản của Dubai - thành phố giàu có và thịnh vượng bậc nhất thế giới.
 
Vị trí đặc biệt đã khiến đất nước này có một vai trò không thể thay thế, trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ và cũng là nơi triển khai quân đoàn lê dương lớn nhất của Pháp tại châu Phi. Hiện tại, có khoảng 53.000 người tới đây mỗi năm, chủ yếu là thương nhân và hầu như rất ít khách du lịch. (Ảnh: Andrew McConnell)

Cũng như Dubai, đất đai khô cằn tại đây không thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Bởi vậy, tận dụng vị trí chiến lược tại cửa vịnh Aden là rất quan trọng trong việc biến đất nước này trở thành trung tâm hậu cần của khu vực. 14 dự án cơ sở hạ tầng lên tới 14 tỷ USD đều tập trung vào việc phát triển giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không. (Ảnh: Dereje Belachew)

Djibouti còn có một ưu thế vượt trội là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng với những địa điểm văn hóa, tự nhiên tuyệt đẹp. Đường bờ biển dài 324km của Djibouti là cửa ngõ của biển Đỏ. Khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng trên đảo Moucha có thể thu hút du khách đến đây và tận hưởng cuộc sống với khung cảnh hoang sơ mà họ chưa từng thấy. (Ảnh: Andrew McConnell)

Quốc gia này có đầy đủ các dạng địa hình và sánh ngang với phong cảnh siêu thực của Iceland. Hồ Assal nằm phía Tây Nam thành phố Djibouti là một trong những hồ thấp nhất thế giới, chỉ đứng sau biển Chết về nồng độ muối. Những du khách hiếm hoi đến đây sẽ thấy một thủy cung đầy màu sắc như lăng kính vạn hoa, nhờ sự đa dạng sinh học và giàu khoáng chất. (Ảnh: Prisma Bildagentur)

Abbe là một hồ nước mặn bao quanh bởi những ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động. Đây sẽ là nơi hình thành một đại dương mới khi các lớp vỏ trái đất kéo ra, nứt vỡ và bị tách khỏi vùng Sừng châu Phi này trong khoảng 10 triệu năm nữa. (Ảnh: Jack Maguire)

Quá trình này cũng tạo nên một loạt các hiện tượng tự nhiên khác, bao gồm cát lún và những vũng nước sôi. Điều tuyệt diệu nhất là những cột khói cao đến 50m từ hơi nước bôc lên qua các hố magma tích tụ. Cảnh quan thậm chí còn kỳ lạ hơn với đàn hồng hạc kiếm ăn bên hồ. (Ảnh: robertharding)

Các bộ lạc du mục Afar chăn thả đàn gia súc của họ đến những đồng cỏ xanh mướt gần lưu vực hồ vào mỗi sáng sớm, và lùa chúng về trại khi trời sẩm tối. Khi hệ thực vật có phần suy giảm, họ sẽ di chuyển đến một vị trí mới tươi tốt hơn. (Ảnh: robertharding)

Chính phủ đã bắt đầu xây dựng các khu trại sinh thái thân thiện bên cạnh những điểm du lịch chính, sử dụng năng lượng mặt trời và đều có bể chứa nước sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Còn gì tuyệt vời hơn việc được tận hưởng một đêm ngoài trời và chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao cùng giải ngân hà lấp lánh chỉ bằng mắt thường. (Ảnh: Mar Pages)

Ngoài ra, du khách còn có nhiều sự lựa chọn khác với dịch vụ nghỉ dưỡng sang trọng tại khách sạn Lâu đài Kempinski. Tọa lạc trên một hòn đảo nhân tạo, khách sạn sở hữu hệ thống 2 bể bơi hiện đại cùng 1 quán bar trên tầng thượng – nơi du khách có thể bao quát toàn bộ khung cảnh thành phố. (Ảnh: Mar Pages)

Khi đến Djibouti, du khách sẽ có cảm nhận về một thành phố có phần ồn ào và bụi bặm. Điểm thu hút nhất tại đây là khu phố Phi – Âu mang đậm giá trị lịch sử, pha trộn những nét đặc sắc của nhiều nền văn hóa nhưng vẫn có điểm đặc trưng của địa phương với nhà bạt và mùi thức ăn đường phố lan tỏa trong không khí. (Ảnh: Andrew McConnell)

Tuyến đường sắt từ Addis Ababa – vốn ngừng hoạt động từ năm 2008 – dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trở lại vào năm 2016. Du khách sẽ chỉ mất 10 giờ ngồi tàu điện, thay vì trải qua quãng đường 2 ngày đầy bụi bặm và có phần mạo hiểm ngang qua sa mạc để đến Djibouti. (Ảnh: Carl De Souza)

Do sự nghèo nàn về hệ thống giao thông công cộng, du khách phải tự mình thuê xe để đi lại giữa các vùng mà hầu như không có sự chỉ dẫn của các biển báo hay hệ thống GPS. Nguồn nước duy nhất cho các bộ lạc du mục được cung cấp bởi các tổ chức phi chính phủ. Bị lạc đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với nguy hiểm ngay giữa sa mạc. (Ảnh: Andrew McConnell)

Mặc dù Djibouti mới chỉ tiến vài bước đầu tiên trên con đường trở thành Dubai của châu Phi, bắt đầu từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, những ưu đãi của thiên nhiên hứa hẹn mang lại cho quốc gia này nhiều lợi thế có phần vượt trội hơn cả phiên bản gốc. (Ảnh: Eric Lafforgue)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét