Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Quần thể kim tự tháp của người Maya, Guatemala

Những kim tự tháp bằng đá vôi hùng vĩ nằm sâu trong rừng rậm Peten phía bắc Guatemala là những tàn tích của người Maya cổ Tikal còn sót lại, nơi đó đã từng là một trong những thành phố lớn mạnh nhất ở châu Mỹ, theo bài báo của tác giả David Roberts trong tạp chí Smithsonian.
Kim tự tháp Maya cùng với các cung điện, đền thờ và quảng trường của Tikal đã trở thành Di sản thế giới và được khai quật trở thành công viên quốc gia do chính phủ Guatemala quản lý. Du khách đến nơi đây có thể khám phá các sân chơi bóng, lâu đài đá và kim tự tháp bậc thang cổ xưa của người Maya, tìm hiểu về nền văn minh này bằng cách leo lên các kim tự tháp và thăm thú cảnh vật xung quanh…
Các nhà khoa học tìm thấy dấu vết của người Maya cổ xuất hiện ở lục địa Bắc Mỹ vào khoảng năm 2000 trước Công Nguyên. Nền văn minh cổ đại này có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nhân loại thông qua chữ viết, tác phẩm nghệ thuật, công trình kiến trúc, toán học và thiên văn học của họ. Sau đó nền văn minh này lụi tàn và biến mất, để lại không chỉ những di sản văn hóa của nó, nhưng cũng có nhiều câu hỏi và bí ẩn.
Tikal là một trong nhiều di tích của người Maya còn sót lại cho đến ngày nay và là một trong những thành phố lớn nhất nằm ở tỉnh El Peten ở Guatemala. Hay được biết đến với cái tên Công viên quốc gia Tikal hay Thành phố đổ nát Tikal. Tên Tikal theo ngôn ngữ của người Maya có nghĩa là “tiếng gọi của thần linh”, tên gọi này được ra đời vào khoảng năm 1840 khi người châu Âu phát hiện ra khu vực này.
Trong khu trung tâm có sáu kim tự tháp lớn nhỏ và mỗi kim tự tháp đều có một ngôi đền trên đỉnh, là nơi tổ chức các nghi lễ cúng tế thần linh của người Maya. Quần thể kim tự tháp là nơi ở phức hợp được sử dụng với nhiều mục đích: nơi ở của vua, các hoàng hậu, lăng mộ cho vua và thậm chí được sử dụng để dùng làm nơi giam giữ tù nhân.
Phần lớn các kim tự tháp trong Tikal không được đặt tên chính thức, người ta gọi nó bằng số hoặc ký tự. Chỉ những nơi tham quan chính của Tikal mới được đặt tên, như Đền thờ I cao 44m được gọi là Temple of the Great Jaguar; Đền thờ II được gọi là Temple of the Mask với độ cao 38m và khu vực trung tâm của quần thể được gọi là Great Plaza.
Đền thờ IV được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ VIII, cách xa khu vực được khai quật. Đền thờ IV còn được gọi là Temple of the Two-Headed Serpent (đền thờ Rắn Hai Đầu) với độ cao 64 mét và được coi là cấu trúc cao nhất trong quần thể Tikal.
Tikal đạt cực mức thịnh của nó trong thời kỳ cổ điển khoảng từ năm 200 đến năm 900, theo một số nghiên cứu, dân số trong thời gian đó khoảng 100.000 người.
Trong tháng 12 năm 2012, trong lễ kỷ niệm của người Maya “End of the World”, những tàn tích của Tikal đã trở thành một trong những điểm tham quan thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới. Quản lý công viên Tikal đã tổ chức những nghi thức nghi lễ đầy màu sắc khác nhau. Khách du lịch hết sức thích thú và thậm chí leo lên đỉnh của kim tự tháp để được quan sát toàn bộ chương trình, mặc cho hành động này bị nghiêm cấm ở đây. Kết quả là, một số cấu trúc của kim tự tháp bị hư hại không thể khắc phục.
Tuy nhiên, phải mất nhiều thời gian hơn để các nhà khoa học tìm hiểu về thành phố Tikal bí ẩn tồn tại trong suốt mười thế kỷ với một lịch sử hào hùng và mười thế kỷ chìm trong đổ nát. Hãy cùng chiêm ngưỡng các di tích đáng kinh ngạc của nền văn minh cổ đại, chứng kiến sức mạnh của họ, và tưởng tượng ra nhiều kho báu chưa được phát hiện bởi những nhà thám hiểm Tikal!
 
Vân Anh (HVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét