Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Không gian và gạch đá ở Prague




Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Mùng sáu tháng Bảy, bốn giờ chiều, xe lửa đến nhà ga chính Praha hl.n. Tôi bắt đầu đi bộ về phía công trường chính. Các con đường nhỏ lát đá tôi đi qua thật là xinh, và hoàn toàn vắng lặng, như thể mọi người đang nghỉ trưa. Không gian yên ắng đến nỗi một vài khách du lịch như tôi chỉ thầm thì mà khen các tòa nhà cổ hai bên đường, và nhẹ nhàng chụp hình, không dám lớn tiếng, như sợ đánh thức mọi người. Thế là ngoại trừ tiếng xì xầm của khách du lịch, hầu như không có tiếng động khác thường nào khác. Khi băng qua đường và rẽ vào con hẻm Karlova, là một trong những con hẻm chính dẫn ra công trường, bất thình lình và không một điều gì báo trước, tôi bước chân vào một thế giới khác. Trước mặt tôi, người ta đi đông như kiến. Thật đấy, vai đụng vai mà len qua con hẻm để đi ra công trường chính. Chào mừng mọi người đến Prague vào cao điểm mùa du lịch!
 
Nhà thờ Đức Mẹ góc đông công trường chính ở Thị Trấn Cũ - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Đá và kiến trúc

So với các thành phố khác ở Châu Âu, Prague không xưa bằng. Thành phố bắt đầu thành hình từ thế kỷ thứ 9. Thế kỷ thứ 10, Bohemia (tên gọi cũ trước khi Tiệp Khắc trở thành nước độc lập vào năm 1918) nằm trong Thánh Chế La Mã (Holy Roman Empire)*. Năm 973, địa phận của Giám Mục đặt ở Prague. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặc đầu tiên trong lịch sử của thành phố khi mà nhiều nhà thờ, nhà thờ lớn, và tu viện bắt đầu được xây dựng. Đến thế kỷ 13, quyền lực của Bohemia đã lan rộng tới Ý. Theo đà phát triển này, năm 1344 Charles IV tìm cách nâng cấp Prague lên thành địa phận của Tổng Giám Mục. Năm 1346 Charles IV trở thành Vua của xứ Bohemia và ông bắt đầu công cuộc xây dựng và phát triển Prague cho lên đúng tầm cỡ của nó. Tham vọng của ông là biến Prague thành một “Rome thứ hai”. Ông lập ra trường đại học Charles, là trường đại học đầu tiên ở Trung Âu vào năm 1348. Rồi cho xây lại cây cầu Judith mà về sau được đổi tên thành cầu Charles. Thị Trấn Mới cũng được xây dựng dưới thời Charles IV. Năm 1355, Charles IV được chọn lên ngôi Hoàng Đế của Thánh Chế La Mã. Prague trở thành thủ đô của cả vương quốc, và rồi nhanh chóng phát triển thành một thành phố quan trọng, lịch lãm, và là trung tâm văn hóa quốc tế cho đến tận thế kỷ 20 (1).

Điều may mắn của Prague là trung tâm thành phố không bị đánh bom hồi Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa, việc phát triển và xây dựng lại tập trung ở vùng ven thành phố và thôn quê là chính. Vậy nên trung tâm thành phố được bảo tồn và được UNESCO ghi nhận là khu phố lịch sử. Khách du lịch đến Prague thường tập trung về đây. Khu phố lịch sử bao gồm năm khu vực: phía Tây của sông Vltava là Lâu Đài Prague (Prague Castle/Hradcany) và Thị Trấn Nhỏ (Lesser Town/Mala Strana), phía Đông của con sông là Thị Trấn Cũ (Old Town/Stare Mesto), Thị Trấn Mới (New Town/Nove Mesto), và Vysehrad. Có thể nói rằng các kiến trúc cổ hiện diện khắp nơi ở khu phố lịch sử của Prague là tồn tại qua hơn mười một thế kỷ cho đến ngày nay. Các kiến trúc này rất phong phú, bao gồm các kiểu baroque, romanesque, gothic, renaissance, v.v.. Kiến trúc hào nhoáng, quyến rũ, và đậm đà đến nỗi khách du lịch dễ dàng thả hồn đi ngược thời gian về thế kỷ 13, 14 mà rong chơi - đặc biệt là lúc đi bộ trong những con hẻm nhỏ vắng người, hay đứng trong công trường rộng mở.
 
Một ngõ hẻm bình thường ở Thị Trấn Cũ - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)
Tất nhiên là tôi mê Prague rồi, giống như hàng triệu khách du lịch khác. Đứng giữa công trường mà nhìn quanh, 360 độ, góc cạnh nào cũng đẹp. Vẻ trang nghiêm sáng sủa của kiến trúc, cái đẹp của cách bố trí không gian, cái xa xỉ của vật chất làm tôi cảm thấy như mình lạc vào thế giới huyền ảo của thời kỳ Trung Cổ. Phân tích ra, cảm giác này do từng chi tiết nhỏ tạo ra. Nhìn xuống đất, tôi đang đứng trên mặt đường lát đá. “Đá và kiến trúc – hai từ này hầu như đồng nghĩa với nhau” (3). Tôi hoàn toàn đồng ý. Bước ra khỏi nhà ga, bàn chân tôi chạm ngay vào mặt đường lát đá này. Từ đây, cảm giác trang nghiêm và mầu nhiệm bắt đầu lan tỏa theo từng bước chân tôi bước.

  
Một ngõ hẻm bình thường ở khu phố lịch sử - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Tôi đi bộ từ đông sang tây, từ nam xuống bắc trong khu phố lịch sử ở Prague. Ước chừng diện tích của khu vực này là hơn 800 hecta. Tôi đi vào các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo và nhìn vào từng ngóc ngách. Leo lên các con dốc và các bậc thang dẫn tới lâu đài. Nơi nào, các vỉa hè và mặt đường đều được lát đá granite. Những con đường lát đá này bắt đầu được xây dựng từ đầu thời kỳ Trung Cổ, và đến bây giờ vẫn còn nguyên, không mấy hư hại hoặc thay đổi. Tự nhiên, đá đã có sức hấp dẫn của riêng nó – cho dù nhìn bằng mắt, hoặc chạm vào tay. Ở đây, khi đá được dùng để trang trí trong nhà, trang trí mặt trước nhà, điêu khắc, hoặc lát đường, bề mặt nhám của đá tạo ra sự tương phản nghệ thuật với bề mặt nhẵn trắng và đường nét mềm mại của vôi vữa. Ánh sáng và bóng nắng lại nhảy múa lấp lánh trên mặt đá nhám, chứ không trượt tuột qua. Hình thể sau cùng mà người thợ đá tạo ra như thế nào là tùy thuộc vào sức nặng và độ cứng rắn của từng khối đá. Những đặc điểm này góp phần quan trọng vào việc tạo ra các kiến trúc để đời (3).

Đi trên đường lát đá với sắc màu đậm đà, bụng thì đói mà mắt thì tự nhiên no đầy niềm vui, đầu óc cũng mở rộng sẵn sàng đón nhận vẻ đẹp không giới hạn của thiên nhiên. Báo hại tôi, đi đến ngõ ngách nào, nhìn trước nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới, chỗ nào cũng đẹp, cứ phải dừng lại chụp hình: con đường hẻm đá với tòa nhà kiểu baroque, con đường hẻm đá với tháp chuông đồng, bậc thang đá với mái nhà gạch đỏ, v.v.. Chụp cả mấy trăm tấm, chỉ muốn “chụp” lại cái cảm giác mê ly mà mắt mình thu được. Tất nhiên 
là tôi không thành công.


  
Một đường phố lớn ở khu phố lịch sử - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Không gian công cộng


Nhưng bù lại, trên đường leo bậc thang tới Lâu Đài Prague, mỗi lần dừng chân nghỉ, mắt tôi lại được chiêu đãi nhiều chầu no nê. Mái nhà bằng gạch nung đỏ trên các tòa nhà và lâu đài nổi bật lên trong bức tranh toàn diện nhìn từ trên cao của Prague. Đó là một bức tranh kẻ sọc nhiều tầng, tùy theo cách gạch được lợp như thế nào và tùy theo chiều cao khác nhau của từng tòa nhà. Có mảng thì sắc cạnh, có mảng thì cong mềm mại. Hình ảnh mái ngói đỏ này là một ví dụ đặc biệt về kiểu kiến trúc baroque ở Prague. Có người còn cho rằng không có nơi nào ở Châu Âu có được bức tranh toàn diện với mái ngói đỏ đẹp như 
Prag
ue.

 
Prague nhìn từ trên đồi trong khu Lâu Đài Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)
Prague nhìn từ trên đồi trong khu Lâu Đài Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Đi bộ mỏi chân, đến chiều tôi dừng lại ở công trường chính ở Thị Trấn Cũ (Old Town Square). Ở đây và khu Lâu Đài Prague (Prague Castle) là hai điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất. Mọi người tụ tập ở công trường vì nhiều lý do khác nhau. Từ “công trường” trong tiếng Việt không diễn tả đầy đủ ý nghĩa và chức năng của “square” nhưng cứ tạm thời dùng chữ công trường vậy. Theo nghiên cứu thì công trường là phát minh có một không hai của Châu Âu. Ở Trung Quốc hoặc Ai Cập, thành phố có từ lâu nhưng không gian mở và công trường ở đây lại được dùng để tách các tòa nhà khỏi nhau, hoặc được dùng làm sân khấu biểu diễn quyền lực. Ngược lại, công trường ở Châu Âu là dành cho mọi người, để buôn bán, gặp gỡ, chuyện trò, hội hè, giải trí. Cho dù gọi bằng nhiều từ khác nhau như agora, forum, piazza, plaza, platz, rynek, hoặc marketplace, công trường là một nét đặc trưng của các thành phố ở Châu Âu hơn hai ngàn năm nay. Công trường xuất hiện sớm nhất là vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên. Vào thế kỷ 11, 12, 13 có hàng trăm công trường là trung tâm của thành phố được thành lập ở các thành phố mới khắp Châu Âu như Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Romania, v.v.. Từ đó tới nay, ý nghĩa và chức năng của công trường vẫn được duy trì (2).


Công trường giống như là trường học cho trẻ con. Chúng đến đây tự do chơi đùa, quan sát cách người lớn nói chuyện và cư xử, và tập nói chuyện với nhiều người đến từ khắp mọi nơi. Chợ công trường lại là nơi nhiều nhóm người khác nhau từ văn hóa, cách ăn mặc, đến cách cư xử chung sống hòa bình với nhau. Người ta đến công trường cũng để gặp gỡ nói chuyện với bạn bè, người quen cho vui, chứ không có ý đồ cầu mong thăng tiến. Khi gặp gỡ tận mặt hàng ngày như thế, mọi người ai cũng biết nhau và tinh thần gắn bó cộng đồng phát sinh (2). 
  
Nhà thờ Thánh Nicholas ở góc tây bắc công trường chính Thị Trấn Cũ

- ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Đồng thời, người ta có thể tìm thấy ở công trường không khí bình đẳng bởi vì tất cả mọi người đều có quyền đến công trường, không cần biết là người giàu hay nghèo. Người ta cũng cảm thấy thoải mái khi ra công trường là vì bố cục không gian hài hòa ở đây. Kiến trúc sư đã nghiên cứu mối liên hệ giữa chiều rộng của công trường và chiều cao của các tòa nhà. Kết quả là nhà thờ thì nên xây ở khúc hẹp của công trường, còn các tòa nhà thấp hơn và có chiều ngang rộng thì đặt ở nơi công trường rộng nhất. Tuy nhiên, nhà cũng chỉ nên cao tối đa là sáu tầng lầu vì đây là bố cục mà không gian và gạch đá còn “trò chuyện” được với con người (2). Và như vậy, với không gian mở chính giữa, sàn lát đá, nhà khối với kiến trúc mê người vây xung quanh, người ta bước vào trong công trường như bước vào trái tim của thành phố, bầu trời là trần nhà, mùi thơm từ hàng hóa của chợ, nỗi vui mừng gặp gỡ bạn bè, câu chuyện khôi hài đó đây - người ta cảm thấy như mình bước vào nhà.


 
Góc đông nam công trường chính ở Thị Trấn Cũ - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Từ năm 1990, khách du lịch đến Prague càng ngày càng đông. 22 tiếng một ngày, công trường chật đầy khách du lịch và hàng quán phục vụ khách. Để có thể cảm nhận không những vẻ đẹp của kiến trúc cổ ở đây mà cả không gian lịch sử của nó, tôi phải chịu khó. 6 giờ sáng tôi chạy ra công trường. Hàng quán chưa mở, vài khách du lịch đi lại, không gian yên ắng, không khí còn đọng ít sương, nghe se se. Niềm tự hào của thành phố hiện rõ ràng trên đường nét điêu khắc và những khuôn mặt bức tượng điêu khắc bên ngoài các tòa nhà. Đứng giữa công trường, dựng cổ áo và dang tay, ngẩng mặt nhìn trời, tôi quay một vòng tròn. Chào mừng mọi người đến thành phố Trung Cổ Prague mùa hè!
Ghi chú:
(1) Stephen Brook. Philip's Prague: Architecture, History, Art. Photography by Joe Cornish. London: G. Philip. 1992.
(2) Suzanne H. Crowhurst Lennard, Henry L. Lennard. Genius of The European Square – How Europe’s traditional multi-functional squares support social like and civic engagement. A guide for city officials, planners, architects and community leaders in North America and Europe. Carmel, CA: Gondolier Press. 2008. Printed in China.
(3) Milan Pavlík & Vladimír Uher. Prague Baroque Architecture. Amsterdam: Pepin Press. 1998.
  
Thánh Chế La Mã - Holy Roman Empire - tồn tại từ thế kỷ 10 đến 19. Địa phận bao gồm các khu vực mà ngày nay là Đức, Áo, Cộng Hòa Czech, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Bỉ, Luxembourg, Slovenia, Hà Lan, một phần Pháp, bắc Ý, đông Ba Lan.

Cầu Tình và hai người Việt Nam ở Prague

Anvi (gửi riêng cho Nhật báo Viễn Đông)

Đi ra khỏi Việt Nam lâu ngày, đi đâu chơi ngoài nước Mỹ thấy người Việt tôi cũng thấy vui và tò mò muốn nói chuyện. Một hôm nọ, tôi đi lang thang trong khu phố lịch sử ở Prague. Hành lang đi bộ xung quanh công trường chính trong Thị Trấn Cũ rộng rãi, và hàng quán nối tiếp hàng quán. Đi qua một cửa hiệu tạp hóa, tôi thấy một khuôn mặt Việt Nam. Bắt đầu tò mò. Đi thêm một đoạn nữa, lại thấy một khuôn mặt Việt Nam khác. Có lạ không? Tôi cũng biết sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Việt Nam có quan hệ thân thiết với Tiệp Khắc cũ và các nước cộng sản khác trong khối Đông Âu cũ, nên nhiều người Việt Nam qua Tiệp đi lao động hợp tác và rồi ở lại đó. Biết thì biết thế, nhưng khi đến tận nơi thấy tận mắt thì mới hiểu được cảm giác thích thú nó như thế nào, như khi đứa trẻ chập chững biết đi phát hiện ra ổ cắm điện như một món đồ chơi mới và bắt đầu “tìm hiểu” nó. Không so sánh với khi ngồi đọc sách tìm tin tức được. Thế là khi đi ngang một hàng trái cây, thấy anh chị người Việt Nam, tôi bèn rẽ vào nói chuyện.

Anh tên Minh, người chắc nịch, khuôn mặt vuông mạnh mẽ. Qua Czech (*) được bảy năm. Vợ anh là chị Nga (**), da trắng mịn và miệng cười có duyên. Xinh ơi là xinh. Nga mới qua được một năm. Cả hai quê ở Thái Nguyên. Tôi hỏi về người Việt Nam ở Prague, Minh bảo người mình phần nhiều mở tiệm như anh hoặc tiệm tạp hóa. Mà thật thế. Tất cả các tiệm tạp hóa trong khu phố lịch sử ở Prague tôi đi qua đều do người Việt Nam mở. Đối với khách du lịch khắp thế giới đến Prague, thấy nhiều người Việt Nam như vậy thì cho đó là hiện tượng lạ. Vậy cho nên trong tấm bản đồ Prague có ghi chú những dữ kiện và lời khuyên cho khách du lịch in bằng tiếng Anh mà Văn Phòng Thông Tin Du Lịch (1) phát không cho du khách, người ta có ghi nhận về sự có mặt của người Việt Nam ở Prague. Tờ thông tin giải thích mối liên hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc cũ vào thời xã hội chủ nghĩa, và cho biết thêm rằng người Việt Nam làm chủ các tiệm tạp hóa rải rác khắp nơi trong thành phố và họ làm việc rất siêng năng tới khuya. Khi các nhà hàng đã đóng cửa rồi mà du khách nào còn đói bụng, họ có thể tìm đến các tiệm tạp hóa của người Việt Nam. Chắc chắn du khách sẽ tìm được cái gì ngon lành bỏ vào bụng. Vui không! Mà điều này đúng.

Một cửa tiệm tạp hóa ở Thị Trấn Cũ Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Người Việt Nam, đông nhưng thiếu tiếng nói

Tôi đi ngang nhiều tiệm, nói là tiệm tạp hóa, chứ tiệm giống như là mini supermarket, những siêu thị thu nhỏ. Cửa kính bên ngoài sáng bóng, hàng hóa chưng bày đẹp đẽ, đèn thắp sáng trưng. Tìm gì cũng có, từ trái chuối, đến bàn chải răng, đến rượu, bia, đồ lưu niệm. Trong 10 năm qua, số người nước ngoài sinh sống ở Prague tăng gấp 2 lần. Theo thống kê, khoảng 130 ngàn người nước ngoài hiện sống ở Prague. Trong đó Việt Nam có hơn 8 ngàn người - là một trong những nhóm người ngoại quốc đông nhất, sau Ukraine (hơn 46 ngàn), Slovakia (hơn 18 ngàn), và Nga (hơn 13 ngàn) (2). Tính trên toàn nước Czech, thống kê năm 2009 cho thấy Việt Nam (trên 60 ngàn) chỉ đứng sau Ukraine (trên 130 ngàn), và Slovakia (trên 75 ngàn) (4). Vì sự hiện diện đáng kể này, về mặt xã hội, người Việt được xem là một nhóm dân thiểu số.

Trong các tờ thông tin cho khách du lịch, người Việt Nam được nhắc đến như là một trong những nhóm dân thiểu số đông nhất ở Prague, nhưng về mặt luật pháp thì không phải thế. Theo luật pháp ở Czech, một trong những tiêu chuẩn để được xem là “nhóm dân thiểu số” là phải nhập quốc tịch trở thành công dân Czech; đồng thời, những người công dân Czech này vẫn giữ những khác biệt về nguồn gốc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống. Số người Việt Nam sống trên toàn nước Czech thì đông thật, nhưng người mang quốc tịch Czech lại rất ít. Số đông người Việt Nam sống tại Czech giữ quốc tịch Việt Nam. Czech lại không cho hai quốc tịch. Vậy cho nên những người Việt Nam này sống tại Czech như là dân “thường trú” thôi, không có tiếng nói trong chính phủ.

Trong khi đó, những người gốc Bulgary, Croatia, Hungary, Germany, Ba Lan, Romania, Nga (Russia), Hy Lạp, Slovakia, Serbia, và Ukraine thì được công nhận chính thức là nhóm dân thiểu số và có đại diện trong Hội Đồng Chính Phủ (Government Council) (3). Hòa trong nhóm người Việt Nam “thường trú” này là Minh và Nga. Minh bảo anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam bởi vì anh xác định chuyện đi làm ăn ở Czech chỉ là tạm thời. Anh và Nga vẫn tính quay về Việt Nam trong tương lai.

Một cửa tiệm tạp hóa ở Thị Trấn Cũ Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Sapa giữa Prague


Người Việt Nam được “để ý” ở Czech không phải chỉ vì số lượng mà vì thái độ sống và làm việc nữa kìa. Ở Prague có khu phố Sapa rộng lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng khu phố Sapa ở Prague là một thành công của người Việt. Ở Sapa có chợ, sòng bài, dịch vụ tìm việc làm, cửa hàng mua sắm, nhà hàng, trường học, mẫu giáo cũng như các dịch vụ khác như văn phòng luật sư, bác sĩ.

Một mặt, người Việt tạo ra môi trường với đầy đủ điều kiện để sinh sống thoải mái mà không cần tiếp xúc nhiều với xã hội Czech. Mặt khác, người Việt cho con em đi học trường Czech, dùng người giữ trẻ người Czech, trao đổi với sinh viên Czech. Số gia đình thông thạo 2 thứ tiếng hoặc số trẻ em rành tiếng Czech hơn tiếng Việt ngày càng gia tăng. Cho nên đối với người Việt Nam, điều kiện để tách rời và hội nhập vào xã hội khách tồn tại song song. Trong môi trường sống như vậy, người Việt Nam tạo điều kiện cho thế hệ thứ hai hội nhập hoàn toàn một cách dễ dàng và thành công vào xã hội Czech (2).

Nếu không nói đến người Việt sống ở Sapa hoặc gần đó, mà dùng khoảng cách giữa nhà ở và trung tâm thành phố làm thước đo cho sự thành công thì Minh và vợ anh là một ví dụ. Xây dựng sự nghiệp thì cũng trăm kiểu. Gia đình Minh ở Việt Nam làm ăn giàu có, làm chủ các cơ sở sản xuất bia, nước ngọt, sắt thép. Minh có nhiều kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam và dễ dàng làm giàu ở đó. Tuy nhiên, Minh đánh liều chọn sang Czech tìm đường làm ăn tự lập. Với sự giúp đỡ ban đầu của người anh, Minh xin giấy phép buôn bán và mở tiệm bán trái cây rau cải ngay trong khu phố lịch sử Prague. Chỉ sau vài tháng, anh thuê nhà ở riêng và hiện nay còn nuôi một người cháu gái. Minh bảo người Việt Nam làm nghề buôn bán nhiều là vì một phần không nói rành tiếng Czech. Mà ai có thể học tiếng Czech được chứ - một trong những thứ tiếng khó học nhất trên trái đất! Minh và Nga không đi học tiếng, chỉ mày mò tự học và thu thập thêm vốn liếng tiếng Czech chính yếu là qua giao tiếp với khách hàng. Làm tôi nể quá. Phải là người thông minh và có gan mới không cần đến lớp học mà vẫn có thể tự mình xoay xở thành công. Ông bà mình nói đúng, người nào “có gan” là làm được chuyện thôi mà.

Một góc cửa hàng của anh Minh chị Nga - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Cầu tình

Chỉ nói chuyện năm mười phút mà cảm thấy như quen biết nhau lâu rồi. Chúng tôi ai cũng mừng gặp được người Việt sống xa nhà. Minh hỏi tôi đi chơi được nhiều chưa, tôi nói thì đã đi loanh quanh, đi bộ qua cây cầu Charles rồi. Minh bảo: “Ôi, cầu tình ấy à, chỗ ấy vui đấy!”. Giọng Bắc của anh thật ngọt. Tôi nghe hai chữ “cầu tình” thì lòng rất xúc động. Ở Mỹ lâu ngày ít nói tiếng Việt, gặp Minh và Nga nói chuyện thật tình và thoải mái, tự nhiên nhớ và thương tiếng Việt lắm. Phong cách tự nhiên và giọng Bắc ngọt ngào của hai người làm tôi đâm ghiền giọng Bắc của họ. Cả tháng rồi mà tôi vẫn còn nghe mấy chữ “thế thì”, “ấy”, “à” vang vang trong đầu mình và lan trên trang giấy tôi viết.

Mà ai lại nghĩ ra được hai chữ “cầu tình” hay thế. Đúng chóc là cầu Charles như thế. Cầu Charles nổi tiếng là cây cầu lãng mạng nhứt châu Âu. Trong tranh vẽ, tiểu thuyết, cây cầu hiện lên trong màn sương sớm hoặc dưới ánh nắng chiều rất là lãng mạng và bí ẩn. Không những thế, hình ảnh lãng mạng và bí ẩn của cầu Charles là biểu tượng nổi tiếng của Prague.

“Cầu tình” lúc 6 giờ sáng - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Thế là đứng nói chuyện cả tiếng mà vẫn chưa muốn chia tay. Tôi nói là ăn đồ ăn Czech mấy ngày liền ngán quá, thế là Minh mời tôi (và ông xã) về nhà anh ăn cơm ngay. Trong bụng tôi mừng húm, nhưng sợ làm phiền nên từ chối. Minh và Nga bảo: “Ôi, anh em mình, người nhà cả mà. Không ngại!”. Cảm động quá. Hiếm khi có chuyện người lạ lại mời về nhà chơi như thế. Mà tôi cũng tò mò muốn biết tình hình nhà cửa của người Việt mình ở đây như thế nào. Tôi bèn gật đầu. Tôi hỏi nhà anh ở đâu. Minh bảo, “Gần đây này! Đi bộ cũng xong”.

Thế là chúng tôi cuốc bộ về phía nhà hát lớn. Đi qua khoảng 3 con đường mà tôi chưa thấy “gần đây này” là ở đâu. Tôi hỏi thì Minh bảo phải đón xe điện đi 4 bến, rồi đi bộ một chút nữa thì tới. Trời, thế thì đâu có “gần đây này” chút nào. Trong lòng tôi nghĩ, “Người đâu mà hay. Chuyện lớn xé thành nhỏ thế này”. Trên đời nhiều người như anh thì trong nhà êm ấm, thế giới hòa bình!

Rồi chúng tôi tới nơi. Minh và Nga ở trong một tòa nhà chung cư thời cũ xây dựng vững chắc. Trần nhà cao thoáng, tường dày cả thước. Nhà nằm trong khu Prague 5, sát ranh với Prague 1 (khu phố lịch sử nằm ở đây). Cách một hai con đường từ nhà anh chị là Prague 1. Ở chỗ này thế mà hay. Từ nhà ra tiệm 15 phút.

Tiền thuê tiệm ở ngay trung tâm thì mắc, nhưng tiệm nằm trong khu du khách tấp nập, buôn bán dễ dàng hơn. Minh và Nga làm việc không nghỉ lễ. Mở cửa từ 7 giờ rưỡi sáng đến 8 giờ tối. Trời mùa hè, đến 9 giờ tối trời còn sáng trưng. Tôi ghé tiệm lúc 7 giờ tối thấy khách hàng tấp nập. Đến khi kéo cửa đóng tiệm lúc 8 giờ còn có người muốn mua hàng. Nga nói: “Làm việc chân tay thì cực một chút, nhưng đầu óc thoải mái, nhà ở và khu buôn bán đều an toàn, không phải lo sợ chuyện gì. Hơn nữa, mình làm chủ, thế là sướng hơn nhiều người phải đi làm công rồi”.

Vì làm chủ, anh chị bảo muốn làm bao nhiêu thì làm, khi nào muốn nghỉ thì nghỉ. Năm 2009 trước khi đón Nga sang, Minh về Việt Nam đến 6 tháng ở chơi. Tính ra thì anh chị làm việc ngày đêm một năm 10 tháng. Nghỉ 2 tháng mùa đông. Làm thì nghỉ được, chứ vẫn phải trả tiền thuê nhà, tiền thuê tiệm, và các loại bảo hiểm khác hết 12 tháng. Phải nói anh chị làm ăn rất khá. Cứ đà này thì giàu lên mấy hồi. Anh Minh chị Nga thì không nghĩ thế. Anh chị thích sống đơn giản. Trong nhà, ngoài bàn ghế và các vật dùng cần thiết, không có đồ tạp nhạp. Minh tâm sự: “Làm đủ ăn đủ xài, có tiền đi Việt Nam thăm gia đình bà con. Thế là vui vẻ thoải mái rồi”. Tôi cho như thế là “thành công”. Định nghĩa thành công thì đếm không hết, nhưng tính xem: làm 10 tháng ăn 12 tháng; làm ăn sinh sống nơi an toàn; không phải lo tiền bạc thiếu trước hụt sau; hai vợ chồng sống vui vẻ với nhau; đồng lòng đồng sức làm việc; một năm được đi chơi 2 tháng. Không phải nhất hay sao!

Hơn 10 giờ rưỡi khuya chúng tôi chia tay nhau. Tôi đi bộ ra cầu tình một lần nữa, mọi người tụ tập đông lắm, ngắm cầu tình dưới ánh đèn đêm. Thế là Prague, “cầu tình”, và hai người Việt Nam ở Prague là kỷ niệm để đời của tôi trong chuyến đi Prague kỳ này.

Ghi chú:

(*) Czech: là chỉ Czech Republic, Cộng Hòa Tiệp. 
(**) Tên dùng trong bài viết này thôi, hai anh chị không muốn để tên thật.
(1) Bản điện tử tại: www.use-it.cz
(2 ) Maddy Janssens et al. (eds.). The Sustainability of Cultural Diversity: Nations, Cities And Organizations. Cheltenham, UK; Northampton, MA: Edward Elgar. 2010.
(3) Book review. R. Petras, H. Petruv, H. Ch. Scheu (eds.). Minorities and Law in the Czech Republic. Prague: Auditorium. 2009.
(4) Wikipedia. “Czech Republic”. Xem ngày 1 tháng 8 năm 2011 http://en.wikipedia.org/wiki/Czech_Republic
Anvi (gửi riêng cho Nhật báo Viễn Đông)

Đồng hành ở Praha

Hãy đi, sẽ đến. Hãy gõ, cửa sẽ mở. Những câu chuyện về những hành trình du lịch vẫn đang mãi đợi chúng

Giữa cuộc sống quá đỗi bân rộn ở bất cứ một thành phố đông đúc đến nghẹt thở nhan nhản khắp thế giới nào, chỉ một dòng chia sẻ ngao ngán  về sự chán chường, hay cảm giác đơn độc trên trang blog cá nhân của một ai đó, cũng đủ khiến chúng ta tự nhiên thấy ... mình sao cô đơn  quá! Trong cơn “cô đơn” và sự “buồn tẻ”, chúng ta mải mê tìm kiếm những người đồng hành dài lâu, mà quên mất rằng, trong hành trình vô  tận của cuộc sống, dù chỉ có thể cùng bước đi với nhau một đoạn thật ngắn thôi, cũng đã đủ quí giá và hạnh phúc lắm rồi.
Tôi đã  từng có được sự may mắn đáng quý ấy - một người đồng hành tuyệt vời, ở một thành phố cũng tuyệt vời không kém – Praha! Chạy trốn khỏi Paris hoa lệ và những sự mệt mỏi trong một mối quan hệ cần quá nhiều cố gắng. Tôi có hai ngày ở Praha. Chuyến bay giá rẻ từ Orly đáp xuống sân bay quốc tế Vaclav Havel lúc 3h sáng. Thời tiết cuối xuân vẫn chưa đủ ấm áp để xua đi cái giá lạnh của cơn mưa đêm.
Ngồi trong chiếc taxi vỏ thép chắc cũng đến chục năm tuổi, con đường đến trung tâm thành phố chẳng bớt ảm đạm hơn cơn mưa bởi những block nhà tập thể cũ kĩ kiểu Đông Âu hay các nhà máy thô kệch và xám đen. Nhưng cuối cùng Praha lại mang một diện mạo trái ngược hẳn.  Cho đến tận bây giờ, tôi không chắc mình thích thành phố bởi tất cả những công trình kiến trúc nghệ thuật, hay bởi nơi đây, tôi đã gặp được  một người đồng hành đặc biệt.
Một mình lang thang giữa quảng trường cổ trong ánh nắng êm mượt, cầm bản đồ trên tay nhưng hoàn toàn mù phương hướng giữa những con đường nhỏ và ngõ hẻm lát đá gần như hoàn toàn giống nhau và các biển chỉ dẫn bằng thứ ngôn ngữ West Slavic xa lạ khắp nơi, tôi đã gặp bạn. Tôi không biết do mình quá nhạy cảm hoặc quá lo lắng mà khi mới vừa nhìn thấy bạn, tôi đã có cảm giác rất rõ ràng bạn ở đó và sẵn sàng giúp  đỡ.
Bạn mới đến Praha vài tháng do yêu cầu của công việc và sẽ còn ở lại đây ít nhất là hơn 2 năm nữa. Bạn vừa hiểu biết thành phố đủ để làm một  tour guide tay ngang không quá tệ, vừa lạ lẫm với nơi đây để không phát ngán khi lang thang khắp nơi với một con bé đồng hương ưa khám phá. Đến bây giờ tôi vẫn còn thấy quá ngạc nhiên khi chỉ tình cờ, nhưng số phận sắp xếp cho tôi gặp bạn, một người chia sẻ với tôi về quá nhiều điểm chung, từ sự say đắm với ẩm thực cho tới âm nhạc của The Carpenters hay văn chương của Márai Sándor.
Nhưng hơn hết, bạn và tôi có thể nói chuyện với nhau về hàng trăm thứ lặt vặt trên đời, từ câu chuyện về vị hoàng tử huyền thoại nhìn thấy hào quang của Praha và quyết  định lựa chọn xây dựng một thành phố xung quanh nhà thờ nơi đây khi nó chỉ là một khu rừng hoang vu bên bờ dòng Vltava, cho đến những  thứ cảm xúc phức tạp mà chúng ta ai cũng có khi đứng giữa thay đổi của cuộc sống.
Chỉ cần bỏ ra vài tiếng đồng hồ là bất cứ người khách du lịch nào cũng có thể đi hết một vòng Praha và có những tấm ảnh ở từng danh lam thắng cảnh. Nhờ có bạn, Praha còn trong tôi nhiều hơn thế. Bạn yêu thích thành phố và say sưa kể với tôi câu chuyện của Nhà thờ St. Vitus và cây cầu Charles được xây dựng, đã trở thành biểu tượng của một đế chế hùng mạnh mà các kiệt tác nghệ thuật vẫn còn tới tận ngày nay. Cũng thật tình cờ khi cả tôi và bạn đều thấy chiếc đồng hồ thiên văn là công trình kiến trúc hài hước nhất của thành phố.
 
Nó đã trở thành một trò cười không dứt trong buổi tối đầu tiên khi hai người biêng biêng say vì thứ cocktail ba màu kì quặc còn mạnh hơn cả  whiskey của người Scotland ở quán bar Lavka sôi động. Bạn cũng đã gây nghiện cho tôi với món bánh quế vòng tẩm đường và món sườn lợn nướng home-made đầy ụ ăn với rau bắp cải muối và khoai tây nghiền béo ngậy trong một nhà hàng bình dân nổi tiếng, với hàng hiên rộng và  được trang trí bằng rất nhiều chong chóng sặc sỡ giữa khu rừng lá kim xanh mát.
Đến ngày thứ hai, Praha đối với tôi đã trở nên khá quen thuộc. Quen đến mức tôi đã có thể tìm đường từ bến tàu điện ngầm Staroměstská tới  một pub nhỏ ở khu Mustek và gọi đúng tên loại bia Pilsner Urquell trong khi chờ bạn tới. Và thậm chí tôi có thể dẫn bạn băng qua đại lộ Paris xa  hoa tới được bảo tàng thành phố mà không nhầm một chỗ rẽ nào. Tôi cũng đã thầm mừng vì đã ki bo không bỏ ra 16 euro cho cuốn Lonely  Planet hướng dẫn ăn gì chơi ở đâu tại Praha.
Trên chiếc xe Volkswagen mui trần cổ lỗ sĩ có radio tậm tịt trở nên lè nhè sau những cú sóc, bạn đưa tôi thăm quan ngoại ô thành phố. Con đường xuyên qua những tòa nhà mái cam san sát, băng qua những khu phố cổ chỉ vừa một chiều xe chạy, qua những khoảng không xanh tươi đầy sức sống của những công viên ven đô cuối mùa xuân tới con đường lớn với hai bên ngợp những hàng táo lê bắt đầu trổ trái. Bạn nói, Praha  là một thành phố dễ chịu nhất thế giới vì tất cả những thứ bình dị nó có.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ muốn bổ sung thêm một điều nho nhỏ, Praha là thành phố dễ chịu nhất thế giới đối với tôi, vì bên cạnh tất cả những  gì thuộc về nó, tôi có bạn. Tôi còn nhớ rất rõ cuộc tản bộ sau bữa tối cuối cùng trên những con hẻm nghìn tuổi khu Staré Město, giữa những  căn nhà nhiều màu sắc và những cửa hàng lưu niệm nhỏ xíu đàng yêu như những chiếc bánh cupcake khổng lồ. Khi đó, tôi kể bạn nghe về sự  chật chội trong con tim mình khi đứng trong một mối quan hệ chưa quá cũ để chấm dứt nhưng cũng không còn tươi mới để tôi cảm thấy mình  vẫn còn hào hứng níu giữ.
Và bạn kể với tôi về tình yêu của bạn. Bạn có một người yêu dấu, nhưng tình cảm đó vẫn chưa được sự đồng thuận của phần lớn xã hội và  những người thương yêu khác của cả hai. Và rằng một ngày không xa, rất có thể bạn và người bạn yêu sẽ chẳng còn nhau. Nhưng cuộc sống  thường nhật vốn đã rất mệt mỏi, vậy nên bạn chỉ muốn dành tất cả yêu thương bạn có cho người ấy, vào giờ phút này một cách trọn vẹn nhất.
… Bạn dặn tôi không nên phức tạp hóa một mối quan hệ. Vì thứ yêu thương chân thành nhất chính là thứ yêu thương có được từ những cảm xúc bình dị nhất. Bạn nhìn cách tôi yêu Praha và tin rằng tôi sẽ dẹp bỏ được hết những suy nghĩ rườm rà và nhận ra tình yêu giản đơn quí giá…
Tôi tạm biệt bạn khi thành phố đã lên đèn. Praha của bạn và tôi rực sáng hơn cả những vì sao tháng Ba. Chắc lâu lắm nữa tôi mới có thể gặp lại  bạn. Vì giống như tất cả những người cùng thế hệ, chúng ta luôn luôn quá bận rộn giữa những âu lo, áp lực, phấn đầu và mục tiêu. Nhưng tôi  biết chắc rằng, dù tôi với bạn có đang một mình ở đâu đó giữa thế giới mênh mông này, ít ra ngoài kia, chúng ta sẽ mãi có nhau.
Phạm Hương Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét