Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Hàn Quốc Thuở Trước

Hòa Giang/Viễn Đông

w-han-quoc-thuo-truoc0001.jpg
Ảnh: Gregory Curley

Làng Hahoe (âm Hán Việt là Hà Hồi), trong thành phố Andong (An Đông), chứa cả một kho báu truyền thống của Hàn Quốc. Ngôi làng nằm bên ngoài khu vực thủ đô Seoul, cách ba tiếng đồng hồ chạy xe, với phong cảnh thơ mộng hữu tình, bên dòng sông Hwachon, chi lưu của sông Nakdon. 
Hòn ngọc lịch sử này càng trở nên một bảo vật quý giá, vì đến nay vẫn bảo tồn được phong cách kiến trúc triều đại Joseon (Triều Tiên, 1392-1897). Nhiều ngôi nhà trong làng hầu như vẫn nguyên vẹn từ thời xa xưa, trong đó có một số nhà trở thành chỗ trọ cho du khách ngao du dừng chân nơi này. Khu làng cổ hoàn toàn vắng bóng những yếu tố của tiến trình hiện đại hóa và phát triển thần tốc đang diễn ra ở khắp Nam Hàn. Nhiều ngôi nhà lợp mái ngói cổ truyền, bên cạnh những túp lều tranh dành cho gia nhân. Nổi bật nhất trên hậu cảnh xanh tươi mát mắt là mấy ngôi nhà hanok (Hàn ốc) kiểu cổ, được trùng tu và thiết kế lại. Những người chán ngán cảnh xô bồ bề bộn của đời sống đô thị và nhịp độ phát triển hiện đại đều có thể tìm thấy nguồn an ủi khuây khỏa nơi cảnh trí dân dã của Andong. Ở đây cư dân niềm nở hiếu khách một cách chân chất, với lối sống thoải mái, chẳng một chút hấp tấp vội vàng. Nhưng có sức hấp dẫn hơn cả là những truyền thống lâu đời của khu vực này, về mặt nạ, tuồng cổ và những nghi lễ vu thuật, mà Làng Hahoe – ha có nghĩa là sông, hoe là chảy uốn quanh – vẫn bảo lưu được những bí mật của nghi thức đồng bóng có từ ngàn xưa. Người ta có thể tìm thấy thêm ảnh hưởng của vu thuật cổ truyền nơi những bức tượng khắc gỗ, gọi là jangseung, được dựng sừng sững nơi cổng làng. Những cột tượng này trừ khử tà ma, giữ cho làng xóm khỏi bị hại, tương tự như những cột thờ vật tổ totem ở Bắc Mỹ. Theo văn hóa dân gian Hàn Quốc, những cột tượng khắc này được dựng lên ở hai bên con đường vào làng. Tượng phía bên trái làm hạ hỏa những thần linh trong không khí, còn hàng tượng bên phải làm dịu lòng các thần linh trên đất. Làng Hahoe cũng là quê hương của hai anh em Ryu Unryong và Ryu Seongryong. Unryong là một Nho gia được thờ kính trong thời đại Joseon, còn Seongryong giữ chức tể tướng, trong thời kỳ Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên vào năm 1592.

* Diễn tuồng múa mặt nạ 
Có lẽ mục hấp dẫn nhất ở Làng Hahoe là Vũ Kịch Mặt Nạ, một trong những loại tuồng kịch dân gian có tính cách truyền thống nhất và được trân trọng nhất của Hàn Quốc. Cội rễ lịch sử của loại tuồng này cắm sâu ở vùng Andong, nơi nó được khai sinh từ giữa thế kỷ 12. Những người trình diễn đều là dân thường và khán giả cũng là những người thuộc tầng lớp bình dân. Với tên gọi Hahoe Byeolshin-gut trong Hàn ngữ, nghi thức vu thuật dân gian này được cử hành trong nhiều thế kỷ, để biểu lộ lòng tôn kính với các thần linh của làng. Tuồng múa mặt nạ có phong cách trình diễn đậm đà cảm xúc, nhưng cũng đầy khí lực và trào lộng. Cho đến nay, mỗi năm Làng Hahoe thu hút hàng ngàn du khách tới xem, để lại trong tâm trí khán giả những ấn tượng sâu sắc bền lâu. Mục trình diễn được tổ chức dưới mái rạp bình dị thoáng mát. Khán giả có thể tùy ý ngồi hoặc đứng xem, chung quanh một vòng tròn đắp cát làm sân khấu. Khoảng cách khá gần với các diễn viên có thể tạo sự tương tác và tham gia của khán giả. Lối diễn xuất kết hợp giữa những nét vu thuật đồng bóng và những dạng thức trào phúng, bình dân và hiện đại, với trang phục rực rỡ đủ màu, hài hòa giữa kịch nghệ, vũ đạo và âm nhạc.
Cách đây mấy thế kỷ, tuồng múa mặt nạ được tổ chức nhằm mục đích khẩn cầu vị nữ thần địa phương khử trừ ta ma yêu quái. Nhưng ngày nay dù thuộc về tôn giáo tín ngưỡng nào, các khán giả đều có thể đến đây để thưởng thức loại hình diễn xướng cổ truyền dân gian hết sức độc đáo. Thời trước dân làng tổ chức Byeolshin-gut để cầu xin cho được mùa màng, được sống bình yên thịnh vượng. Mọi người trong làng đều tham gia và cùng hát theo nhịp múa. Truyền thống còn cho rằng nếu người nào không thể đến xem tuồng múa nay ít nhất một lần trong đời, thì người ấy sẽ không thể  lên trời được sau khi lìa đời. Một điểm đáng chú ý là trong cơ cấu giai cấp xã hội nghiêm khắc của văn hóa truyền thống Triều Tiên, loại tuồng mặt nạ làm cho dân chúng có dịp châm chọc chỉ trích giới quan quyền quý tộc, bằng những hình thức trào phúng sắc sảo, dù có khi dung tục nhưng vẫn vô hại.  

* Đặc sản ẩm thực Andong 
Chuyến đi thăm Andong sẽ không được trọn vẹn, nếu du khách không thử thưởng thức một món ăn đặc sản trứ danh của tỉnh này: Andong jjimdak. Vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, giá cả không đắt, ăn kèm với nhiều loại rau, món gà hầm này được nấu bằng thịt gà ướp ganjang, một thứ tương ngọt làm bằng đậu nành. Du khách có thể chọn một trong nhiều nhà hàng nằm ở hai bên đường, ở gần cổng Làng Hahoi. Người ta có thể vừa ăn Andong jjimdak, vừa nhâm nhi một chén rượu nếpdongdongju, có vị hơi ngọt. Truyền thuyết cho biết món đặc sản này xất hiện từ triều đại Joseon, và chỉ được nấu và ăn vào những dịp long trọng đặc biệt mà thôi, như khi để thiết đãi vua quan đến thăm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét