Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Hàn Quốc - du lịch tự túc cần biết

Hoàng Anh (Công ty cổ phần Du lịch Thanh Niên)

 

 

 

 

Bãi biển Haeundae, thành phố Busan.

- Tôi muốn đi du lịch tự túc nhưng tìm hiểu thì thấy thủ tục cấp visa của Hàn Quốc khó khăn quá. Vì tôi là sinh viên chưa có tài khoản trong ngân hàng nên không chứng minh tài chính được. Vậy tôi phải làm thế nào?
- Yếu tố tài chính là một trong những yêu cầu cần thiết trong vấn đề xin visa đi du lịch Hàn Quốc. Trong trường hợp bạn là sinh viên, phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Để chứng minh tài chính, có thể dùng sổ tiết kiệm của ba (hay mẹ), giấy chủ quyền nhà (của ba mẹ) - người đứng ra bảo lãnh về kinh tế cho bạn trong chuyến du lịch Hàn Quốc. Kèm theo những giấy tờ cần thiết để làm visa du lịch Hàn Quốc.
- Xin hỏi, có hay không chuyện phải nộp phí khi đến tham quan biển Haeundae?
- Haeundae là bãi biển đẹp, rất nổi tiếng ở thành phố Busan (hay Pusan), thu hút đông đảo du khách quốc tế và là nơi lựa chọn cho các kỳ nghỉ của người dân nơi đây và các vùng phụ cận. Có lẽ đã có sự hiểu nhầm bởi không hề có chuyện thu phí tham quan biển Haeundae. Nhưng khi tham quan khu Thủy cung hoặc đậu xe tại khu vực biển Haeundae thì bạn phải đóng phí.
- Công viên Tình yêu trên đảo Jeju cấm du khách dưới 18 tuổi vào tham quan. Xin cho hỏi tại sao công viên này lại có điều cấm kỵ như vậy?
- Công viên Tình Yêu (Love Land) trên đảo Jeju là một trong những nơi hấp dẫn khách du lịch tham quan đảo Jeju. Chỉ những người trên 18 tuổi mới được phép vào công viên này, bởi đây là một vườn tượng giới thiệu về cách “yêu”, với những hình ảnh minh họa rất nóng bỏng! Từ ngoài cổng vào là những hình ảnh “giới tính” của nam, nữ, các tư thế ân ái và còn có những bộ phim giới thiệu về các cách quan hệ nam nữ.
Tượng trong công viên Tình Yêu (Love Land) trên đảo Jeju, Hàn Quốc.
- Xin giới thiệu qua về bãi biển du lịch nổi tiếng Kwanganli ở Hàn Quốc.
- Biển Kwanganli ở Busan - thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Seoul, nơi có những bờ biển đẹp và là nơi tổ chức Liên hoan phim quốc tế - thu hút rất nhiều du khách vào mùa hè. Bãi biển nơi đây thật trong xanh và tuyệt sạch. Buổi tối, cảnh quan càng thú vị khi ngắm cây cầu Kwangan lấp lánh ánh đèn neon. Thật dễ hiểu vì sao những cặp tình nhân trẻ hay chọn nơi đây làm chốn tâm tình.
Cầu Kwangan ở Busan, Hàn Quốc.
- Nghe nói ở Hàn Quốc có dịch vụ xe buýt miễn phí, xin cho biết các tuyến này đưa du khách đi từ đâu đến đâu?
- Nhân sự kiện du lịch Hàn Quốc 2010 – 2012, Hàn Quốc tổ chức dịch vụ xe buýt miễn phí cho du khách quốc tế (bắt đầu từ ngày 01-6-2010) theo lộ trình nối liền ba điểm xuất phát là Seoul, Busan Seomyneon và Busan Haeundae đến khu di tích lịch sử Gyeongju và thành phố Jeonju.
Khu di tích Gyeongju bao gồm những cung điện, đền đài từ thời Silla, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 2000. Nơi đây còn được gọi là bảo tàng ngoài trời rộng nhất thế giới. Jeonju là thành phố của những công trình lịch sử, của những lễ hội và nơi dành cho những ai yêu thích ẩm thực của "xứ Kim Chi”.
Lộ trình và giờ xuất phát của các tuyến xe buýt:
Seoul - Gyeongju. Khởi hành: 08g00. Giờ đến: 13g00. Gyeongju - Seoul. Khởi hành: 16g00. Giờ đến: 21g00.
Seoul - Jeonju. Khởi hành: 08g00. Giờ đến: 11g00. Jeonju - Seoul. Khởi hành: 17g00. Giờ đến: 20g00.
Busan Seomyneon - Gyeongju. Khởi hành: 08g30. Giờ đến: 10g30.
Gyeongju - Busan Seomyneon. Khởi hành: 17g00. Giờ đến: 19g00.
Busan Haeundae - Gyeongju. Khởi hành: 09g00. Giờ đến: 10g30.
Gyeongju - Busan Haeundae. Khởi hành: 17g00. Giờ đến: 18g30.
Bạn có thể đăng ký qua mạng để nhận 2 vé xe buýt miễn phí. Có thể tham khảo thêm thông tin tạihttp://english.visitkoreayear.com/english/benefit/benefit_07_01_01.asp#
Chùa Samhwasa nằm trong thung lũng Mureung ở thành phố Dongha.
- Được biết nhiều người dân Hàn Quốc sống ở các đô thị và du khách nước ngoài tới chùa Samhwasa nằm trong thung lũng Mureung ở thành phố Dongha để làm quen với phong cách "sống chậm". Xin giới thiệu về ngôi chùa này. Du khách cần đáp ứng những điều kiện nào để được tham gia?
- Ngôi chùa Samhwasa nằm trong thung lũng Mureung tuyệt đẹp của dãy núi Dutasan. Đỉnh phía tây ngọn núi với dáng phụng hoàng tung cánh, trong khi hướng nam mang hình dạng con cọp đang cúi người và ẩn mình bên con rồng uy mãnh. Từ ngàn năm xưa, Dutasan là nơi dừng chân của bao tao nhân mặc khách và các vị đạo sĩ, cao tăng.
Samhawasa còn được gọi là Mureung Dowon (nghĩa là “chốn quê thanh bình”). Ngôi chùa tọa lạc trên một dãy núi đá hùng vĩ, được xây dựng bởi ngài Jajang Sunim, thời hoàng hậu Seondeok thuộc triều đại Silla. Trong một chuyến du khảo đến vùng biển Đông, ngài Jajang đã mê đắm với cảnh trí thiên nhiên nơi đây và đã dựng ngôi chùa đầu tiên vào năm 643 và đặt tên là Heukryeondae (Hắc Liên tự).
Theo truyền thuyết, ngài Jajang đã cảm hoá linh hồn ba phụ nữ tội lỗi, và họ đã giúp ngài xây dựng ngôi chùa và cũng nhờ đó đã giải thoát tội lỗi của mình. Từ đó, ngôi chùa đã được đổi tên thành Samhwasa (Tam Hòa Hợp tự) và ngôi làng cũng được đổi tên thành Samhwadong.
Cuối triều đại Silla, quốc sư Beomil mở rộng và đổi tên chùa thành Samgong-am (nghĩa là "Ba nhà sư ẩn dật") để nhớ đến ba vị thánh ông đã cùng nhau và các môn đệ tập hợp nơi đây. Đến thời vua Taejo, triều đại Goryeo, ngôi chùa lấy lại tên Samhwasa.
Pho tượng Phật Vairocana đúc bằng sắt, đến nay đã có 1.300 năm tuổi trong chùa Samhwasa.
Nhiều công trình đã sửa chữa trong thời kỳ cuối của triều đại Joseon, nhưng vào năm 1907 đã bị thiêu rụi hoàn toàn bởi quân đội Nhật Bản. Ngôi chùa được dựng lại những năm sau đó, và cuối cùng di chuyển đến vị trí hiện nay vào năm 1977. May mắn thay, bức tượng Phật Vairocana bằng sắt có 1.300 năm tuổi, và tháp đá ba tầng từ thời Silla vẫn còn được gìn giữ và di chuyển đến vị trí hiện nay. Cảnh quan ngôi chùa nhờ đó mà còn lưu lại phong cách cổ xưa!
“Sống chậm” là điều những du khách đến với ngôi chùa này để tìm kiếm, thoát ra khỏi cuộc sống đầy hối hả, bộn bề lo toan. Đến với ngôi chùa này, du khách lắng lòng trong không gian tĩnh lặng giữa thiên nhiên hoang sơ, tĩnh tâm trong lối sống chậm như tiếng chuông chùa trầm mặc.
Cảnh quan thiên nhiên yên bình trong thung lũng Mureung.

Hàn Quốc: Điểm thu hút mới









Một góc thành phố Seoul trong cảnh hoàng hôn.
 Ngoài các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, người Việt ngày càng thích du lịch đến các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, là những đất nước có nền văn hóa gần gũi với Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đang chứng tỏ là một thị trường mới, có sức hấp dẫn.
.
- Tôi nghe nhiều người đi Hàn Quốc về khen ngợi phong cảnh ở đảo Cheju. Xin giới thiệu đôi nét về hòn đảo này.
- Cheju (hay Jeju) là một hòn đảo xinh đẹp nằm ở cực nam của Hàn Quốc với phong cảnh thanh bình, bờ biển tràn ngập nắng và gió, vốn được coi là thiên đường của du lịch. Đây là hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc lại có khí hậu đại dương ôn hòa với tháng nóng nhất cũng không quá 33 độ C.
Cheju là điểm đến lý tưởng cho du khách khắp nơi, nơi đây cũng là điểm đến hưởng tuần trăng mật lý tưởng của các đôi uyên ương xứ Hàn. Có một số điểm tham quan bạn nên đến ở Cheju như đỉnh núi lửa Sonsan Il Chungbong, khu làng dân tộc Seongeup Folklore, thác nước Jongbang, thác nước Cheonji Yoen, bãi cột đá Chusang Chonli, Con đường ma quái...
Bãi cột đá Chusang Chonliở Cheju.
- Hàn Quốc có những điểm đến nào hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đi du lịch tại đất nước này?
- Trước hết là Seoul, thành phố nằm bên sông Hàn, là thủ đô của Hàn Quốc. Seoul là một thành phố cổ, từng là kinh đô của Bách Tế (18 TCN – 660) và triều đại Triều Tiên (1392-1910). Seoul có diện tích 605 km², là một trong những thành phố có mật độ dân số cao nhất thế giới với số dân 10.356.000 người (thống kê năm 2006).
Thành phố cảng Busan.
Busan là thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau Seoul. Khu trung tâm Busan là Seomyeon, nơi tập trung những cửa hàng thời trang, quán ăn, tòa cao ốc dành cho mua sắm. Từ trung tâm Seomyeon lên tàu điện ngầm tuyến số 2 màu cam theo hướng Busan Yok (ga Busan), hướng về phía nam. Tại đây, du khách có thể thưởng thức những món ăn ngon của Hàn Quốc và sau đó là tham quan cảng Busan.
Bạn cũng đừng quên ghé các bãi biển tuyệt đẹp như Haeundae hay Kawanganli. Và chắc chắn, đã đến Hàn Quốc, bạn không thể bỏ qua hòn đảo được mệnh danh là thiên đường du lịch Cheju như vừa giới thiệu trên đây.
Bãi biển Haeundea.
- Trong các tour đi Hàn Quốc, nghe nói du khách sẽ được tham quan một địa danh tên “Con đường ma quái”. Xin nói sơ lược về địa điểm này.
- Điểm tham quan này nằm trên đảo Cheju, thực ra chỉ là do ảnh hưởng từ trường của trái đất. Khi làm con đường này người ta cũng không hề biết điều đó. Khi xe dừng chân dưới chân dốc tắt máy thì xe vẫn tự động chạy ngược lên dốc, vì vậy người dân địa phương mới đặt tên cho con đường như vậy.
- Du lịch Hàn Quốc mùa nào đẹp nhất? Mùa hè bên đó, người Việt sang có cần mặc thêm áo ấm không?
- Hàn Quốc có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Tùy theo nhu cầu và sở thích, du khách có thể lựa chọn thời điểm cho chuyến tham quan của mình. Mùa thu bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 11 là thời điểm đẹp nhất, khí hậu mát mẻ dễ chịu và sắc màu mùa thu rất lãng mạn. Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2, thích hợp với du khách ưa thích các hoạt động thể thao mùa đông như trượt tuyết hay đến các khu suối nước nóng và khung cảnh mùa đông cũng rất tuyệt vời.
Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5 cũng là mùa đẹp trong năm, nhiệt độ lúc này ấm áp và không có mưa nhiều, thời tiết êm dịu với núi và cánh đồng ngập trong màu sắc rực rỡ của các loài hoa dại. Mùa hè Hàn Quốc bắt đầu bằng mùa mưa lớn vào tháng 6 và càng lúc càng nhiều vào tháng 7 và 8, thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ có khi lên đến 40 độ C.
- Nghe nói nhiều người ở Hàn Quốc không sử dụng tiếng Anh, khách du lịch tự túc (không biết tiếng Hàn) làm sao để hỏi thăm đường khi cần? Lỡ bị lạc đường trong các thành phố lớn, tôi có thể hỏi ai để được giúp đỡ?
- Tiếng Anh ở Hàn Quốc không phổ biến như một số quốc gia du lịch khác, nhưng cũng không đến nỗi khó khăn lắm nếu bạn cần gặp một người biết tiếng Anh để nhờ giúp đỡ. Trong trường hợp bị lạc đường, bạn hãy đưa số điện thoại cần liên lạc cho bất cứ người Hàn Quốc nào, họ sẵn sàng liên lạc giúp bạn. Nếu tình thế quá kẹt, bạn có thể sử dụng phương tiện taxi, trên xe có tổng đài phiên dịch miễn phí.
Công viên Tình Yêu trên đảo Cheju.
- Hiện nay, có nhiều hãng hàng không bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, tôi nên chọn hãng máy bay nào?
- Về giá vé, các hãng như Vietnam Airlines, Korean Air và Asiana Airlines bay đến Hàn Quốc có mức giá tương đương nhau. Nhưng Asiana Airlines hoặc Vietnam Airlines ưu tiên bán cho thị trường Việt Nam nên dịch vụ khách hàng của họ khá tốt, thông tin nhanh, nhân viên gần gũi khách hàng giúp bạn dễ dàng trong việc đặt vé. Còn Korean Air tập trung bán chặng đường dài, trung chuyển (transit) qua Hàn Quốc nên họ quan tâm đến đối tượng này nhiều hơn.
- Tôi thấy giá tour đi Hàn Quốc khoảng 7 ngày chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá một tour đi Nhật cùng thời gian. Xin cho tôi hỏi vì sao lại có sự chênh lệch như vậy? Liệu có phải do sự khác biệt về chất lượng tour không?
- Sự chênh lệch như bạn so sánh là có thật và do các chi phí tại Nhật đều cao hơn hẳn so với Hàn Quốc, đặc biệt là các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch đều rất đắt đỏ. Còn chất lượng dịch vụ lữ hành không có sự khác biệt.
Khu làng dân tộc Seongeup Folklore trên đảo Cheju.
- Du khách đến Hàn Quốc có thể dùng tiền đô la của Mỹ không? Nếu tôi không đem tiền mặt mà dùng thẻ Visa hay Master để mua sắm và chi trả tiền khách sạn có tiện không?
- Hàn Quốc chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng won. Các loại thẻ tín dụng như Visa, Master... được chấp thuận rộng rãi, nhưng các nhà nghỉ hoặc nhà hàng nhỏ không thanh toán bằng thẻ được.
- Tôi ở Huế, vậy nên xin thị thực nhập cảnh ở Hà Nội hay TPHCM? (xin vui lòng cho biết địa chỉ cụ thể). Sau khi nộp hồ sơ, cần bao nhiêu ngày để được cấp visa?
- Tùy sự thuận tiện về đi lại (Huế gần Hà Nội hơn TPHCM) hoặc kết hợp công việc khác mà bạn chọn nơi làm thủ tục visa. Nếu ra Hà Nội, bạn hãy đến phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc, ở tầng 4 tòa nhà thương mại Daeha tại số 360 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 84-438.315.111 - 84-437.710.404. Nếu vào TPHCM, bạn hãy đến số 107 Nguyễn Du, quận 1, TPHCM. ĐT: 08-838.225.757 - 08-838.225.750.
Thông thường, thời hạn xét cấp visa là 5 ngày làm việc (không tính ngày nộp hồ sơ và các ngày nghỉ). Trong các trường hợp phải bổ sung giấy tờ, thời gian có thể kéo dài so với ngày hẹn
.

Tham quan biên giới Nam - Bắc Hàn

 

 

 

 

Sông Imjingang uốn lượn chia đôi hai miền Nam-Bắc của bán đảo Triều Tiên.
 Biên giới giữa các quốc gia thường là vùng núi non hiểm trở hoặc là những con sông lớn... Ở các quốc gia bị chia cắt bởi sự khác biệt về chế độ chính trị, vùng biên thường có ý nghĩa thiêng liêng đối với người bản xứ và có sức thu hút khách du lịch đến tham quan.
Kỳ này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu nội dung giải đáp câu hỏi: Vùng biên giới giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên được nhiều người đến tham quan, xin cho hỏi ở đây có những địa điểm nào thu hút du khách?
- Sau cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm (6/1950-7/1953) bán đảo Triều Tiên bị chia cắt cho đến ngày hôm nay, một khu phi quân sự được xác lập giữa Công hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân quốc. Khu vực phi quân sự này đã trở thành điểm đến của du khách, bởi không chỉ những ý nghĩa về lịch sử mà nơi đây còn có nhiều phong cảnh đẹp của thiên nhiên, núi rừng và các loài sinh - động vật quý hiếm.
Dãy núi kim cương Geumgangsan ở vùng biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên gồm 110 ngọn núi với 12.000 đỉnh cao kỳ vĩ và hàng trăm thung lũng, suối nước trong như pha lê, cùng các loài thảo mộc đã tạo nên bức tranh phong cảnh nên thơ, hữu tình đã được các văn nghệ sĩ ca tụng trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật của họ.
Rặng núi Geumgangsan.
Những rặng núi Geumgangsan có những danh lam đáng để du khách bỏ thời gian và cả công sức đến tận nơi chiêm ngưỡng như suối nước nóng Manmulsang và các ngọn núi như Haegeumgang, Manmulsang, cửa sông Samilpo - nơi ghi dấu chân của đội quân Silla xưa đã từng dừng chân nơi đây trong 3 ngày chỉ vì sự quyến rũ của phong cảnh nơi đây.
Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là thác Guryong. Thác nước đổ xuống 9 khe nước có hàng trăm ngàn năm tuổi, với độ cao 50 mét, như hình ảnh chín con rồng đang lao mình bay lượn giữa núi rừng. Vì thế thác nước này còn được gọi là “Cửu Long”.
Trong phạm vi khu phi quân sự (DMZ) cũng hình thành những điểm tham quan nổi tiếng, có ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần đối với người dân trên bán đảo Triều Tiên.
Imjingak là một công viên khá đặc biệt. Ở đó, nhiều người dân Hàn Quốc có gốc gác quê hương ở miền Bắc (thuộc về Triều Tiên) thường đến thăm viếng như một cuộc hành hương, tưởng niệm về quê hương và cầu nguyện cho hòa bình – thống nhất đất nước.
Đài tưởng niệm Mangbaedan trong công viên Imjingak.
Công viên này gồm một cụm di tích bao gồm: Đầu máy xe lửa cũ, từng kéo những đoàn tàu lăn bánh xuyên suốt Nam - Bắc Triều Tiên. Mangbaedan - một đài tưởng niệm, nơi những người gốc miền Bắc đến dâng hương bái vọng về quê cha đất tổ. Cầu Tự Do, hồ Thống Nhất, Chuông Hòa Bình...
Đài quan sát Dora, là nơi có thể thấy rõ Gaeseong – thành phố lớn thứ hai của Bắc Triều Tiên. Đài quan sát Thống Nhất Odusan, tọa lạc trên đỉnh Odusan như niềm kiêu hãnh, nhìn xuống 2 con sông Hàn và sông Imjingang. Với độ cao 140 mét từ đài quan sát, du khách có thể nhìn thấy những người dân miền Bắc Triều Tiên làm ruộng phía bên kia biên giới.
Đài quan sát Thống Nhất, tọa lạc trên đỉnh Odusan.
Làng Thống nhất, cách Bàn Môn điếm khoảng 10km và cách Seoul 50km về phía bắc. Đây là ngôi làng của lính giải ngũ và cư dân vùng biên giới. Có khoảng 90 gia đình sinh sống nơi đây. Thường dân không được vào khu vực này.
Làng Tự Do Daeseong-dong: Ngôi làng được đặt dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Hiện tại, có khoảng 45 gia đình sinh sống nơi đây. Họ không phải đóng bất cứ khoản thuế nào và thanh niên không phải tham gia nghĩa vụ quân sự.
Panmunjeom (Bàn Môn điếm), nơi đã diễn ra lễ ký kết hiệp ước đình chiến ngày 27-7-1953, kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
(Nguồn tham khảo: Korea National Tourism Organization)

Ẩm thực ở xứ nhân sâm

Nhóm tư vấn Công ty du lịch FIDITOUR









Món lẩu Shabu shabu của Hàn Quốc.

- Nghe nói món ăn Hàn Quốc thường rất cay và nhạt hơn so với thức ăn ở Việt Nam, vậy tôi có cần đem theo lương khô hay mì gói dự trữ cho chuyến đi?
- Món ăn Hàn Quốc ngày nay được khá nhiều người Việt ưa thích, thực chất cũng không nhạt so với khẩu vị người Việt. Du khách Việt sang Hàn Quốc cũng hay đem theo đồ ăn như mỳ gói, chà bông… nhưng thường là lại đem về sau chuyến đi. Vì vậy, bạn cũng không cần phải đem theo thức ăn mà có thể thưởng thức được nhiều hương vị của xứ Hàn.
- Người Hàn Quốc có những món ăn nào đặc sắc mà người Việt có thể thích?
- Họ có các món ăn truyền thống như bimbimbap (cơm trộn), gà hầm sâm, thịt nướng (heo, gà, bò), món mì lạnh, lẩu Shabu shabu… được nhiều du khách Việt Nam ưa thích; nhất là rượu Shoju, một loại rượu truyền thống của Hàn Quốc.
Món cơm trộn (bimbimbap) của Hàn Quốc có nhiều loại, vừa trộn trứng, thịt, hải sản, hoặc các loại ra là chính.
- Xin cho biết địa chỉ vài nhà hàng ở Seoul có bán món ăn Việt Nam.
- Ở Hàn Quốc, đặc biệt là tại Seoul có rất nhiều quán phở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy các quán phở nằm trên các khu phố sầm uất của Seoul. Nhà hàng Sài Gòn nằm ở Trung tâm mua sắm Coex Shopping Mall (Seoul) có bán đầy đủ món ăn Việt Nam.
- Đến Hàn Quốc, chúng tôi nên mua gì về làm quà tặng người thân và bạn bè?
- Hàn Quốc có nhân sâm là đặc sản nổi tiếng thế giới. Bất kỳ nơi nào tại nước này, du khách cũng có thể mua được nhân sâm, trà sâm hay các loại thức ăn làm từ nhân sâm cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, du khách nên đến chợ thảo dược Nandaemun ở Seoul để mua và chọn lựa nhiều loại nhân sâm.
Ngoài ra, các trung tâm mua sắm thời trang nổi tiếng ở Seoul là chợ Dongdaemun (Đông Đại Môn), hoặc ở các trung tâm mua sắm lớn như Coex shopping mall; Guanghwamun (Quang Hoa Môn). Hàng hóa thời trang ở chợ thường rẻ hơn các cửa hàng lớn rất nhiều nhưng đa số không được mặc thử nên phải biết kích cỡ trước khi mua.
Khu trung tâm thương mại Coex shopping mall tại thủ đô Seoul..
- Tôi muốn mua một bộ trang phục truyền thống của Hàn Quốc (hanbok). Vậy tôi có thể mua loại trang phục này ở đâu, giá tiền trung bình của một bộ trang phục này khoảng bao nhiêu?
- Thường du khách Việt ít khi mua đồ hanbok vì đã có dịch vụ chụp hình tại hoàng cung cho mượn đồ miễn phí. Nhưng nếu bạn muốn mua, có thể tới các khu chợ như Dongdaemun với giá khoảng 80.000 won/bộ (cỡ 1,2 triệu đồng).
- Tôi đang dùng dịch vụ điện thoại của Sfone, nếu sang Hàn Quốc, tôi có thể mua sim ở bên ấy lắp vào dùng ngay được không?
- Điện thoại di động ở Hàn Quốc không sử dụng sim. Nếu bạn dùng điện thoại hỗ trợ 3G có hòa mạng quốc tế thì có thể sử dụng được tại Hàn Quốc. Nếu không, bạn có thể sử dụng dịch vụ thuê điện thoại ngay tại sân bay với giá 3.000 won/ngày (thế chấp 700 đô la Mỹ hoặc thẻ tín dụng).
- Nghe nói, nhiều khách sạn ở Hàn Quốc không phục vụ các vật dụng vệ sinh cá nhân trong phòng nghỉ. Điều này có đúng hay không?
- Đúng vậy, các khách sạn tại Hàn Quốc chỉ phục vụ khách các loại dầu tắm, dầu gội và kem dưỡng da. Các vật dụng như bàn chải, kem đánh răng, lược bạn nên mang theo; nếu khách có yêu cầu khách sạn cung cấp thì khách sạn sẽ đáp ứng và tính phí.
Một cửa hàng bán trang phục hanbok truyền thống của Hàn Quốc tại Seoul.
- Xin cho biết một số điều cần lưu ý về văn hóa giao tiếp khi đến Hàn Quốc.
- Để tỏ sự tôn trọng theo phép xã giao thông thường, bạn hãy cúi chào mọi người khi bắt đầu và kết thúc cuộc gặp. Chú ý, không nên có những hành động đụng chạm vào người khác, đặc biệt đối với người già, người khác giới, người không thân thiết. Ở nơi công cộng, không nên cười nói lớn tiếng. và khi ngồi ở những chỗ đông người, đàn ông nên chú ý đặt mũi giầy của mình chúc xuống và không nên vắt hai chân lên nhau trước mặt người khác.
Hành động xịt mũi nơi cộng cộng được xem là thiếu tế nhị. Gia vị trong món ăn Hàn đôi khi làm cho người ăn cảm thấy khó chịu ở mũi, vì thế, bạn nên quay sang một bên và xịt nhẹ nhàng, tốt nhất là hãy rời bàn ăn để xịt mũi và quay trở lại bàn ăn sau đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét