Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Đến Penang - Malaysia thăm ngôi đền rắn


Những ngày đầu năm, đi chùa lễ Phật cầu may là một phong tục đẹp khá phổ biến ở các nước châu Á. Tuy nhiên, đến với Malaysia, ngoài việc lễ Phật, rất nhiều người dân và du khách còn đổ về Penang để tận mắt được chiêm ngưỡng chùa rắn, với rất nhiều thanh long, bạch xà vắt vẻo trên bình hoa, mâm quả, xà nhà.
 
Ngôi chùa rắn hàng năm thu hút tín đồ phật tử thập phương tới lễ Phật, chiêm bái.

Nằm ở Sungai Kluang trên đảo Penang, Ngôi Đền Rắn còn được biết đến với tên gọi Đền Mây Xanh (Temple of the Azure Cloud) hay Đền Mây Trong (Pure Cloud Temple), những tên gọi này để bày tỏ lòng trân trọng với bầu trời xanh trong rất đẹp của đảo Penang.

Ngôi chùa này được xây dựng năm 1873, ban đầu nó chỉ là một am nhỏ thờ Thanh Thủy tổ sư. Cái tên chùa rắn bắt đầu xuất hiện sau khi công trình này hoàn thành, đã có rất nhiều rắn lục, một loại rắn độc đến cư ngụ. Đặc biệt, hàng năm cứ độ xuân về, nhà chùa khai hội, số lượng rắn bò về chùa ngày một nhiều hơn.


Trong suy nghĩ của những người dân Malaysia, những “ngài” rắn này chính là hóa thân của Hộ pháp
để bảo vệ chùa và giữ gìn sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.



Ngôi đền này là nơi ẩn náu an toàn của loài rắn vipe, và người ta nói rằng chúng là bầy tôi trung thành của Chor Soo Kong, vị thần của đền. Theo truyền thuyết, Chor Soo Kong là một thầy tăng và thầy thuốc, một lần ông đã che chở và cứu giúp cho những con rắn trong rừng, sau đó chúng đã được hoàn toàn tự do theo ý muốn của mình. Mặc dù chúng đều là rắn độc, nhưng hơn một trăm năm qua, người ta chưa ghi nhận một vụ rắn cắn nào xảy ra ở đây.

Mới bước vào chùa, nếu không biết trước, nhiều người sẽ chết ngất khi thấy vắt vẻo trên đầu mình là những con rắn đủ kích cỡ, màu sắc, chủng loại. Nhưng trong suy nghĩ của những người dân Malaysia, những “ngài” rắn này chính là hóa thân của Hộ pháp để bảo vệ chùa và giữ gìn sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.


Mặc dù đều là rắn độc, nhưng hơn một trăm năm qua,
người ta chưa ghi nhận một vụ rắn cắn nào xảy ra ở đây.

Ban ngày, lũ rắn mỗi con nằm im một chỗ, mở to hai mắt và hầu như không nhúc nhích, động đậy, tuyệt nhiên không cắn người và cũng chẳng sợ người. Khi màn đêm buông xuống là lúc những tiếng vèo vèo, những âm thanh loảng xoảng, choe chóe phát ra từ chính điện; chúng tranh nhau ăn trứng gà và các phẩm vật người dân dâng cúng.

Hàng ngàn người mộ đạo vẫn đến với Ngôi Đền Rắn mỗi năm, và họ chẳng hề sợ hãi hàng tá rắn độc cứ quấn quanh ngôi đền. Một số người nói rằng đó là công việc của Chor Soo Kong, trong khi những người khác tin rằng loài rắn vipe mặc dù là một trong những loài rắn hung hăng nhất thế giới, đã bị khói nhang của ngôi đền làm cho… buồn ngủ.


Nếu không biết trước, nhiều người sẽ chết ngất
khi thấy những con rắn đủ kích cỡ, màu sắc, chủng loại.


Chúng nằm rải rác ở mọi nơi, mọi chỗ trong chùa.

 - Yeudulich

Penang và những vệt thời gian xưa

(iHay) Chuyến xe đưa chúng tôi từ Kuala Lumpur thẳng tiến về thành phố Penang ở phương bắc, vì Lim, anh bạn người Malaysia, muốn tranh thủ thời gian rủ tôi đến thành phố anh yêu thích.

.
Từ KL (tên gọi thường dùng của Kuala Lumpur), Lim và tôi vào đường cao tốc dài khoảng 400km. Dọc đường là rừng cọ xanh rì, loại cây công nghiệp hàng đầu của Malaysia.
Chiều tối, Lim dừng xe tại Ipod, thành phố nổi tiếng về ẩm thực. Chúng tôi gọi các món: Vịt quay, thịt gà sốt, cà ri tôm, cá chưng… tất cả được chế biến theo phong cách Malaysia có vị ngòn ngọt và nồng nàn quế hồi.
 
Một hàng thức ăn ở Penang, Malaysia luôn tấp nập khách
Hoàng hôn xuống, những rặng núi đá vôi từ từ chìm vào bóng tối, Penang đón hai kẻ lữ hành lúc 10h đêm. Gần đó, cây cầu dài kỉ lục 13km nối đất liền với trung tâm đảo George Town, mở ra những con đường thanh bình trong phố cổ.
Chúng tôi chọn một quán bia rộng rãi thoáng mát, có hẳn sân khấu nhạc nhiều màu sắc và cô ca sĩ rất khỏe, hát liên tục hơn 10 bài, được nhiều khách liên tục tặng hoa.
Thức ăn ở Penang rất hấp dẫn như món hàu chiên trứng béo ngậy, thịt gà xiên que nướng thơm lừng, ăn với hành tím tươi và nước sốt ớt cay.

Thức ăn ở Penang rất hấp dẫn, thường cay và có mùi quế hồi
Ngày đầu tiên ở Penang kết thúc, đọng lại những câu chào xã giao với những người bản địa mến khách, và cả 2 cô phục vụ từ Việt Nam sang làm được 5 năm.

Sáng hôm sau, Lim đưa tôi đi quanh Penang, qua những con phố với nhiều ngôi nhà hơn trăm năm tuổi. Nhiều trong số đó được sơn sửa khá mới mẻ nhưng vẫn còn giữ trọn vẹn kiến trúc nguyên bản.
Du khách Việt thường so sánh Penang với Hội An, về không khí cổ kính toát ra từ kiến trúc và nhịp sống. Tôi cũng có cùng cảm nhận như vậy khi bước dọc trên con đường khu trung tâm.
Penang là sự giao hòa của Trung Quốc, Ấn Độ và Anh Quốc ở nhiều khía cạnh. Tôi ghé thăm ngôi chùa Kek Lok Si trên đỉnh đồi Hạc, ngôi chùa có hình dáng giống cánh hạc vươn mình.
Hơn 100 năm trước, ngôi chùa được xây bởi Beaw Lean, một tín đồ Phật giáo từ tỉnh Fujian. Ngôi chùa này rộng lớn bậc nhất Đông Nam Á, với rất nhiều điện thờ, tu viện cũng như nhiều ban công có góc nhìn tuyệt đẹp bên dưới.
 
Penang được so sánh giống Hội An vì có nhiều nét xưa cũ, cổ kính

Du khách dễ dàng bị choáng ngợp bởi những đại sảnh hay lối đi nhiều ngõ ngách nối tới các gian thờ Phật, các vị la hán và hộ pháp. Nhưng Kek Lok Si không phải là ngôi chùa Lim thích nhất, bởi theo anh nó đang hơi bị thương mại hóa. Chúng tôi lái xe sang bờ bên kia của đảo George Town hướng sân bay Penang. Khu vực này tập trung các nhà máy khu công nghiệp, nằm lọt thỏm giữa những bức tường trắng và mái tôn là ngôi chùa rắn, snake temple.
Ngày xưa, đằng sau chùa là rừng rậm có rất nhiều rắn, cứ mỗi dịp lễ hội hàng trăm con rắn lại tự động tề tựu về. Ngày nay số lượng rắn đã bớt hẳn nhưng vẫn còn vài con sống trong chùa.

Thành phố Penang nhìn từ trên cao

Lim hướng dẫn tôi mua nhang và ít tiền vàng để lễ bái. Ngoài chánh điện, tượng phật Quan Âm được đặt ở đỉnh đồi thấp phía sau.
Sau khi sống trong không khí linh thiêng của tôn giáo, Lim đưa tôi sang đường nơi anh luôn lui tới khi đến Penang. Một dãy quán ăn bình dân rất đông khách.
Anh gọi cho tôi một tô hủ tiếu mì phúc kiến (Hok Kien Mee), có giá chỉ 3RM (khoảng 20.000đ) và bảo thử một đũa trước xem có hợp không.
 
Tượng phật quan âm ở chùa Kek Lok Si trên đỉnh đồi Hạc
Tất nhiên, hương vị không thể chê được, sợi mì và hủ tiếu dai dai, nước dùng sền sệt vừa cay cay, mặn mặn lại rất dậy mùi quế hồi kiểu Malaysia.
Ngoài ra, chúng tôi gọi thêm mì hoành thánh, mì sợi to xào trứng hải sản, một ly trà sữa kiểu Ấn Độ, để có một bữa trưa đậm chất địa phương.
Khoan thai hít một hơi dài, Lim nhìn tôi mỉm cười bảo: “Người miền bắc Malaysia trên này hiền lành lắm, thân thiện lắm, lúc nào đến đây cũng cảm thấy tình cảm dạt dào”.
Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục hành trình rong ruổi ở Penang, chiều nay Lim có hẹn đưa tôi đi uống trà và nghe người chú họ của anh kể thêm về lịch sử vùng đất này…
Tiền tệ: 1RM – Malaysia ringit – tương đương gần 7.000VNĐ.
Từ KL bạn có thể đi máy bay hoặc bus đến Penang. Vé bus bán tại Puduraya Bus Terminal giá 39RM, khởi hành lúc 7:00, 8:00, 9:00 sáng và 4:00, 8:00, 12:00 chiều tối. Thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng.
Bạn nên nghỉ tại đảo George Town (thuộc Penang). Khách sạn book online tại website Agoda.com hay booking.com, giá từ 20 – 30usd/đêm.
Đi quanh Penang nên mua loại vé xe du lịch mang tên “Rapid Penang Tourist Passport” giá 20RM, dùng được cả tuần đi đến các điểm du lịch. Ngoài ra còn có xe buýt miễn phí phục vụ du khách đi quanh George Town.
Thuê xe ô tô khoảng 150RM, xe máy từ 20RM.
Đi taxi xung quanh trung tâm George Town khoảng từ 3 – 10RM và thường tài xế không chạy theo đồng hồ km mà chỉ cần thỏa thuận giá trước.

Nam Trần
Ảnh: Nam Trần, AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét