Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Vẻ đẹp thâm trầm của Thiksey


SGTT.VN - Đến Leh – thành phố thủ phủ của vùng đất Ladakh, bang Jammu and Kashmir, Ấn Độ, nếu không chuẩn bị kỹ thông tin bạn sẽ bối rối giữa quá nhiều những điểm thăm viếng. Nhưng thật may mắn, ngay từ chuyến đi đầu tiên ra khỏi Leh, tôi đã có cảm xúc choáng ngợp khi ghé đến tu viện Thiksey. Và tôi đã quay lại đó, không chỉ một lần, với một Thiksey cổ xưa thật thâm trầm.
Tu viện Thiksey cách nay sáu thế kỷ nhìn từ chân đồi như một ngôi làng. Ảnh:
Trong thành phố, bạn đã “hoa mắt” với những hoàng cung xưa Leh, tu viện và pháo đài Namgyal Tsemo, chùa Chowkhang, tu viện Gelukpa Sankar, chùa Hoà bình thế giới Shanti…
Ra ngoài, chỉ quanh quẩn trong vòng hơn chục đến khoảng trăm cây số trở lại, là quá nhiều các danh lam thắng cảnh khác... Với tôi phải sắp xếp cung đường đi đến các điểm được tiết kiệm nhất, cả thời gian lẫn kinh phí. Vì tôi tự đi bằng xe buýt.
Tu viện có cách nay sáu thế kỷ
Nằm không xa dòng sông Indus duyên dáng, tu viện Thiksey ra đời vào thế kỷ 15 (năm 1433). Ôm nguyên cả một ngọn đồi, ngoài các ngôi chùa, gian điện thờ là hàng chục toà nhà lớn nhỏ của các tăng sĩ, rồi trường học… Thiksey là một trong những tu viện lớn nhất miền Ladakh. Nhìn từ bên dưới, cụm tu viện có vẻ giống một ngôi làng. Sáng lập tu viện là cao tăng Doe Changsem Sherab Zangbo, sinh hạ ở làng Sharmo, gần Leh bây giờ. Lúc còn trẻ, là môn đồ phái Gelukpa, ông tu tập ở tu viện Ganden, Lasha dưới sự hướng dẫn của ngài Tsongkhapa. Khi học xong, ngài Tsongkhapa yêu cầu ông về lại quê hương Ladakh để mở mang nhánh Hoàng Mạo Giáo (Gelukpa), và ông cũng tiên đoán rằng: “Bên bờ sông Sita (Indus), những gì ta dạy dỗ ngươi sẽ phát triển hưng thịnh…” Câu chuyện và huyền thoại còn dài… nhưng cuối cùng lời tiên đoán của ngài Tsongkhapa đã trở thành sự thật. Bên bờ dòng Indus, Thiksey đã phát triển mạnh mẽ, cùng với nhánh Gelukpa của Phật giáo Mật tông trên khắp Ladakh vào các thế kỷ sau đó.
Đến thăm Thiksey, sau ấn tượng ban đầu bởi vẻ hoành tráng khi nhìn từ dưới chân đồi, tôi bắt đầu đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác khi vào chiêm ngưỡng những gian điện thờ tinh tế và lộng lẫy. Toà chánh điện Dukhang lớn nhất có đến hai gian, ở đây, ngoài các pho tượng Phật, Bồ Tát cổ, sắc sảo… bạn sẽ được xem, và nếu may mắn sẽ chứng kiến các vị sư làm bức tranh cát Mandala (biểu tượng vũ trụ theo Phật giáo), rực rỡ sắc màu, tinh xảo đến từng chi tiết li ti. Rất may là tôi đến đúng dịp đó.
Cám ơn và cám ơn du khách
Tôi băng qua khoảng sân rộng để ghé gian điện Chamkhang và bất ngờ lặng người trước vẻ đẹp cao quý lạ thường của pho tượng Đức Phật Maitreya ở đây – pho tượng được xem là đẹp nhất vùng Ladakh hiện nay. Cao 15m, được làm từ gạch, đất sét, sơn son thếp vàng tinh tế; pho tượng được hình thành vào những năm 1970 thế kỷ trước, dưới sự hướng dẫn của vị trụ trì hiện nay. Từ đó, pho tượng Maitreya trở thành điểm lôi cuốn đặc biệt của Thiksey. Dịp lễ cúng tế tháng 7.1980, đến thăm tu viện Đức Dalai Lama 14, đã nói: “Pho tượng Maitreya này thật tuyệt đẹp. Cho dù bạn có nhìn ngắm bao nhiêu lần, bạn sẽ không bao giờ thấy đủ và thoả mãn. Tôi đã từng thấy rất nhiều pho tượng nhưng pho tượng Maitreya này rất đặc biệt với tôi. Tôi chưa từng thấy một pho tượng Maitreya nào như vậy…”*.
Hiện và sắp tới, có nhiều chuyến bay giá rẻ từ Việt Nam đến Ấn Độ. Từ Delhi, vé máy bay giá rẻ khứ hồi đến Leh khoảng 3.000.000 đồng. Khách sạn, dịch vụ ở Leh giá mềm. Khoảng 80.000 – 100.000 đồng bạn đã có phòng đơn sạch sẽ trong khuôn viên đầy hoa cỏ. Giá xe buýt từ Leh đi Thiksey (18km) cũng chỉ khoảng 8.000 đồng. Các tour xa hơn, nếu có đông người (khoảng 4 – 5 người/đủ 1 xe) giá rất phải chăng.
Còn luyến tiếc, tôi tìm lên góc khuất và vắng trên cao Thiksey nhìn thung lũng Indus vàng thu và dòng sông xanh bên dưới. Hương trầm thoang thoảng trong gió, bên tiếng chuông nhẹ ngân tan vào dòng Indus lặng trôi từ ngàn đời. Chợt tấm vé vào chùa, mà lúc nãy vội vã tôi không kịp nhìn, rơi ra từ cuốn sách. Tôi lượm lên và giật mình, khi thấy trên tấm vé bé xíu, mỏng teng dòng chữ “Received with thanks 30Rs!”** rồi bên dưới lại thêm: ”Thanks for visit!”***. Tôi lặng người, thêm một lần nữa.
Trên đường vội vã xuống, trên chuyến xe chật cứng; tôi nhiều lần ngoảnh lại nhìn cụm tu viện hoành tráng vẫn lấp lánh trong những tia nắng cuối… Tấm vé kẹp chặt trong cuốn sách với bao suy nghĩ nằm ở đó và tôi trân quý những giá trị ẩn sau các dòng chữ đơn sơ nhỏ nhoi này, của một Thiksey cổ thâm trầm.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HOÀNG BẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét