Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Bảy ngày ở Bhutan


LTS: Người dân Bhutan gọi đất nước mình là Druk Yul – miền đất của Rồng sấm. Nằm ở phía đông dãy Himalaya, lọt thỏm giữa Tây Tạng và Ấn Độ là vương quốc Phật giáo Bhutan với chỉ khoảng 600.000 dân. Đất nước Trung Á này đang có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Và cũng là xứ có lẽ kỳ lạ nhất thế giới bởi Bhutan vẫn giữ sự nhàn nhã, thờ ơ với thế giới văn minh. Bhutan nổi tiếng vì chính sự “vô danh”, bí ẩn và truyền thống của mình.

Bảy ngày ở Bhutan
Kỳ 1: Ấn tượng đầu tiên: truyền thống và cái lạnh
Do địa hình hiểm trở, hiện nay mới chỉ có tám phi công được cấp phép để cất cánh và hạ cánh sân bay Paro. Và máy bay chỉ có thể cất, hạ cánh vào ban ngày.
SGTT.VN - Sáu người chúng tôi đã đưa ra quyết định điên rồ: tới Vương quốc Bhutan để đi trekking ở hơn 4.000m so với mặt nước biển, trong gió và tuyết.
Paro là một trong những sân bay hiểm trở nhất thế giới với phi đạo dài chưa tới 2.000m, nằm lọt thỏm giữa những đỉnh núi có khi cao tới trên 5.000m.
Trời xanh Paro: trang phục truyền thống đầy phố xá
Bầu trời mùa đông xanh biếc. Nắng vàng rực rỡ buổi trưa làm cho không khí ấm áp đến mức tôi có thể mặc sơmi dù nhiệt độ chỉ 5oC. Cả đoàn chúng tôi thở phào nhẹ nhõm trước thời tiết quá đỗi dễ chịu đó và lên xe đi ăn trưa và tham quan thị trấn Paro. Paro là một thị trấn nhỏ, chưa đầy 15.000 dân, nổi tiếng với gạo đỏ, táo và lê.
Đón chúng tôi là một bộ đôi tương phản: Kelzang, 25 tuổi, hướng dẫn viên, chỉ cao chừng 1,55m, nói cứ như đang thì thầm và Wangchuk, gần 40, lái xe, cao khoảng 1,70m, dáng vẻ bệ vệ, má ửng hồng. Cả hai mặc trang phục truyền thống của đàn ông Bhutan (gọi là gho) dài tới gần đầu gối. Cổ tay áo to và rộng, màu trắng, màu mà người Bhutan tin rằng tượng trưng cho điều tốt lành và lòng trung thành (vì vậy mà con rồng trên quốc kỳ của nước này có màu trắng). Một miếng vải lót, cũng màu trắng, thò ra bên ngoài cổ áo mỗi người ở phần sau gáy, thể hiện rằng họ là thần dân của nhà vua. Thứ duy nhất không thuộc về văn hoá Bhutan trong cách ăn mặc của họ là đôi giày da kiểu Âu – Mỹ.
Nhà cửa ngay cả trong khu trung tâm vẫn giữ gần như nguyên nét truyền thống. Nhà cao nhất là ba tầng, khung cửa sổ bằng gỗ trang trí hoa văn cầu kỳ, mái lợp gỗ chèn đá tảng lên trên để chống gió (không hề dùng đinh). Nhà hiện đại xây cột trước rồi mới làm tường, nhưng nhà truyền thống (chiếm phần lớn) xây bằng đất vẫn được ưa chuộng vì người dân cho rằng đất nén có tuổi thọ cao hơn bêtông.
Phố xá quang đãng, không một cọng rác. Ảnh nhà vua và hoàng hậu trẻ tuổi treo khắp nơi. Vài chú chó nằm dài phơi nắng giữa đường, chim bồ câu kiếm ăn bên cạnh, chỉ chịu tung cánh bay khi có xe chạy qua, mũi xe gần như chạm vào đuôi chúng.
Nếm món ăn, trải nghiệm cái lạnh
Bữa trưa đầu tiên của chúng tôi có cơm gạo đỏ nổi tiếng của Paro, mì Ý, rau trộn và đùi gà xốt cà chua. Thêm vào đó là món ớt không hiểu được chế biến ra sao mà biến thành một thứ nhão nhoét màu đỏ tươi với những hạt ớt lấm tấm vàng. Bát dĩa được sấy nóng trước khi mang ra cho khách, bởi đang mùa đông, nếu không ăn nhanh thì cả dĩa lẫn thức ăn đều sẽ nguội ngắt, cực kỳ khó nuốt, nhất là khi phần lớn các món này đều nhạt hoặc cay.
Sau vài ngày, tôi nhận ra rằng thực đơn cho du khách, trừ bữa sáng ăn buffet kiểu Âu – Mỹ, luôn luôn có cơm với gạo trắng hoặc gạo đỏ, một món mì gì đó, một món rau trộn với bơ, một món salad rau có rất nhiều hành vừa thơm vừa hăng, từ một đến hai món thịt hoặc càri ít cay và một món ớt trộn. Người bản địa thì cả ngày ăn cơm, thường là với càri và các món ớt thật cay để giúp họ giữ ấm. Họ cũng dùng bơ trong nhiều món ăn, thậm chí cả với nước trà để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể.
Kelzang quấn một tấm khăn trắng to bản quanh người, che một bên vai theo nghi thức truyền thống khi dẫn chúng tôi bước lên những bậc thang đá dẫn vào pháo đài Paro (Paro Dzong).
Gió thì lạnh đến mức chúng tôi gần như đông cứng và không nghe nổi một lời giới thiệu nào của Kelzang. Ngay cả các nhà sư cũng đã chuyển về Punakha, “cung điện mùa đông” của họ, để tránh cái rét này. Ở Bhutan, khi vào thăm đền thờ, tu viện, pháo đài thì không được đội nón, vào phòng phải bỏ giày. Quy định này khiến chúng tôi thêm khốn khổ: đi dạo trong sân thì tai cứ như sắp rụng tới nơi còn khi vào phòng thì đến lượt bàn chân lạnh buốt.
Về khách sạn sớm, nhưng cái lạnh chưa buông tha. Những căn phòng hai giường rộng tới 40m2 xây theo kiểu châu Âu có vẻ như quá lớn đối với chiếc lò sưởi mỏng dính đặt ở một góc tường. 6 giờ chiều, khi trời còn chưa tối hẳn thì khách sạn mất điện và căn phòng trở thành một chiếc tủ lạnh. Chúng tôi ăn tối trong ánh nến, khi có điện trở lại thì tôi nhận ra rằng bình nước nóng phòng mình đã hỏng...
Kỳ 2: Lên mây tìm vị ẩn sĩ và đón giao thừa
SGTT.VN - Tu viện Taktsang, điểm khởi đầu của phật giáo Bhutan là Mecca của Vương quốc Bhutan, là nơi mà nhiều người dân xứ này đến từ khi còn chưa biết đi, là nơi họ sẽ trở lại nhiều lần trong đời với tất cả lòng thành kính.
Cỡi ngựa “lên mây” có dịch vụ phục vụ dắt ngựa chở bạn đi, bằng không bạn sẽ phải cuốc bộ.
Đường lên “Hang Hổ”
Cá nhân tôi tò mò và háo hức vì nghe nói có tới một nửa du khách quốc tế bỏ cuộc khi mới đi được nửa đường và vì có người thân nhờ xin mấy chiếc khánh linh thiêng mà vị ẩn sĩ tu 27 năm trên Taktsang thường ban phát cho những người kiên trì leo tới đỉnh núi.
9 giờ sáng, chúng tôi đã ở dưới chân ngọn núi linh thiêng và bắt đầu cuộc chinh phục. 30 phút đầu tiên tràn đầy khí thế. Nhưng chẳng bao lâu, chúng tôi bắt đầu thấm mệt. Gần trưa chúng tôi mới tới được quán càphê nằm trên lưng chừng núi, nơi đánh dấu điểm kết thúc nửa chặng đường và người đầu tiên của đoàn – bạn của bác tôi, gần 60 tuổi – bỏ cuộc. Mẹ và chị tôi bỏ cuộc ở ngay cổng chính của tu viện – gọi là cổng chính nhưng còn phải đi cả cây số, leo 1.000 bậc thang nữa mới tới nơi. Đoàn còn ba người, không tính hướng dẫn viên Kelzang (Wangchuk đã đi trước). “Đạt chuẩn quốc tế đấy chứ,” tôi nghĩ thầm.
Chúng tôi đến được tu viện khoảng 2 giờ chiều. “Hang Hổ” không lấy gì làm rộng lớn, thậm chí là khá nhỏ bé với những điện thờ. Điều đáng buồn là vị ẩn sĩ mà chúng tôi mong mỏi hoá ra đã dời lên cao hơn nữa, bỏ lại căn phòng khoá từ bên ngoài.
Kelzang tranh thủ kể vài câu chuyện trong lúc chúng tôi nghỉ lấy sức để ra về, nào là người ta chỉ mất một năm để xây xong tu viện này, nào là nó đã hai lần bị cháy, nào là tượng phật tự bay tới điện thờ khi những người phu khuân vác không đưa nổi tượng qua cây cầu hẹp bắc qua thác Pha Lê…
Đi bộ trên mây, và quay về
Một lần nữa chúng tôi phải lên đường từ khi chưa một cửa hàng nào mở cửa, lần này lên độ cao gần 4.000m so với mặt nước biển (“Hang Hổ” chỉ ở độ cao hơn 3.100m). Cả đoàn, sau một đêm ngủ say sưa, lại phấn chấn với thử thách mới.
Chúng tôi chọn hành trình mang tên Juniper Trail, một con đường đi qua những rừng bách xù (juniper – cây bách xù trong tiếng Anh) do Sonam Wangchen, giám đốc công ty Bhutan Excursions, nơi chúng tôi mua tour, khám phá ra.
Chuyến đi dự kiến dài ba ngày nên Sonam cho chuẩn bị cả một đoàn hướng dẫn viên. Trừ Wangchuk lái xe chở hành lý về thủ đô Thimphu (chặng dừng tiếp theo), đoàn vẫn còn tới 14 người và mười con ngựa. Với chuyên gia trekking Sonam dẫn đầu làm chúng tôi yên tâm.
Bắt đầu đi bộ từ một đỉnh núi cao khoảng gần 3.800m. Trời vẫn xanh thăm thẳm, không một gợn mây nhưng sương mù phủ đầy thung lũng dù đã giữa trưa và tuyết thì đóng từng mảng ngập đến mắt cá.
Ý tưởng lãng mạn là cưỡi ngựa vượt núi của mẹ và bác tôi cũng tiêu tan vì hoá ra cả hai chị em họ đều không thể ngồi vững trên lưng ngựa dù có người dắt. Chúng tôi tiến mỗi lúc một chậm. Kết quả là Sonam đành chỉ đạo các cộng sự dựng lều ở bên bờ một hồ băng đã bị tuyết lấp kín, dưới bóng những cây bách xù. Đó không phải là điểm cắm trại thực sự thuận lợi, nhưng không còn cách nào khác. Đoàn người đồng bằng hầu như kiệt sức khi tới được điểm cắm trại này, vốn cách điểm dự kiến khoảng ba giờ đi bộ nữa, ngoại trừ tôi, người đã nhởn nhơ trên lưng ngựa khoảng một phần ba chặng đường.
Chúng tôi đốt một đống lửa to bằng một cây bách xù đã đổ sẵn. Lều trại dựng xong hết cũng gần 4 giờ chiều, vừa kịp để bắt đầu chuẩn bị bữa ăn. Nắng tắt rất nhanh và trời càng lúc càng lạnh. Cách đống lửa chưa tới 2m, tuyết đã đóng dày, nước khoáng đóng chai thì đông thành đá.
Trời tối hẳn, chúng tôi quây quần bên bếp lửa, nướng thịt bò, thịt lợn thái sẵn, uống rượu vang Bhutan và tán dóc đủ mọi chuyện với ý định đón giao thừa theo giờ Việt Nam. Nhưng đêm quá lạnh, tuyết bắt đầu rơi, mọi người đều mệt nên chúng tôi đành phải về lều trải qua đêm lạnh giá nhất trong đời, dù đã có hai lớp bạt, một tấm đệm lót, túi ngủ và tất cả quần áo để giữ ấm.
Sáng hôm sau, mẹ và bác tôi quyết định quay về vì tất cả đều mệt. Chúng tôi hiểu mình chưa thể đương đầu với cái lạnh và độ cao này. Sonam và những người Bhutan không hề vui, nhưng hoàn toàn không giận.
Kỳ cuối: Nhịp sống mới thủ đô và cái cũ ở cố đô
SGTT.VN - Thimphu là thủ đô và là thành phố đông dân nhất Bhutan với khoảng 150.000 người. Đây là thủ đô cuối cùng trên thế giới vẫn chưa có đèn giao thông, không phải vì họ không thể lắp đèn mà vì người dân thích cảnh sát giao thông. Và chẳng việc gì phải tốn điện cho đèn tín hiệu khi chẳng bao giờ kẹt xe.
Thủ đô của Bhutan – thành phố không cần đèn giao thông với dân số chỉ khoảng 150.000 người. Ảnh:
Thành phố không có đèn giao thông
Wangchuk nói với tôi rằng không thể nào lạc nổi vì Thimphu quá nhỏ. Nhiều cửa hàng ở ngay khu trung tâm vẫn còn chưa được đánh số nhà (hoặc có nhưng họ không quan tâm) và địa chỉ được ghi là “đối diện ngân hàng Trung ương” hoặc “đối diện bưu điện Thành phố”…
Tất nhiên, Thimphu khác xa Paro. Nhà cửa cao hơn (tối đa là năm tầng), pha trộn những nét kiến trúc phương Tây như tường kính hay ban công. Xe cộ đậu san sát trên những tuyến phố chính. Biển hiệu chi chít, toàn nhãn hiệu nổi tiếng, từ Adidas cho tới Levi’s; đây đó có cả những biển đèn neon của những quán bar. Du khách chen chúc trong các cửa hàng đồ thủ công, nhận thanh toán qua thẻ visa/master; trong khi đám thanh niên tụ tập ngoài phố, phần lớn mặc quần jeans và đi giày thể thao. Bách bộ trong thành phố này, ai dám nói Bhutan là một quốc gia Trung cổ!
Nhưng đây vẫn là một chốn vô cùng bình yên, nơi mà chó và chim bồ câu có thể thản nhiên nằm phơi nắng giữa đường, ôtô chủ động tránh chúng.
Chỉ với một câu “thần chú” kuzuzangpo (chào buổi sáng), tôi đi hết khu trung tâm Thimphu, chụp ảnh, bắt tay với đủ loại giai tầng, từ nhà sư, cảnh sát, đến người bán báo dạo. Trẻ em đặc biệt thích người ngoại quốc, luôn luôn chủ động chào trước và cảm ơn vô cùng lễ phép nếu được cho một viên kẹo nhỏ. Cảnh vệ ở hoàng cung cũng nghiêng đầu đáp lễ khi tôi chào họ, mấy nhân viên chính phủ đang thi đấu bắn cung cũng tạm dừng để hỏi han tôi vài câu.
Đài tưởng niệm Thimphu Chorten đóng cửa vì hôm ấy là ngày nghỉ lễ. Nhưng khuôn viên nơi thờ phụng vua Jigme Dorji Wangchuck – vị vua thứ ba của Bhutan, người có công đưa đất nước bước sang thời kỳ mở cửa – không bao giờ vắng bóng người. Và những bánh xe cầu nguyện không ngừng quay theo chiều kim đồng hồ để cầu mong điều tốt lành. Nhiều cụ già có đầy đủ nhà cửa vẫn đến ở hẳn trong khuôn viên đài tưởng niệm này để cầu nguyện. Họ sống bằng thức ăn do những người hảo tâm, thường là trẻ hơn và bận rộn hơn, đưa tới.
Một cụ bà ngừng cầu nguyện, chìa ra miếng bánh tráng mỏng, tỏ ý mời tôi cùng ăn. Tôi cúi đầu chào, nói kadinchi (cảm ơn bằng tiếng Bhutan). Bà mỉm cười rồi lại tiếp tục lần tràng hạt, mắt lim dim như đã chìm vào một thế giới khác.
Punakha, cung điện mùa đông
Sau hai ngày tham quan Thimphu, chúng tôi tiếp tục hành trình thăm cố đô Punakha, nơi có Pungtang Dechen Photrang Dzong, pháo đài đẹp nhất Bhutan.
Punakha vươn lên sừng sững giữa một bãi đất kẹp giữa hai con sông, phía sau núi non trập trùng. Những bức tường trắng rực lên trong ánh mặt trời mùa đông tuyệt đẹp, bầu trời cao và xanh hơn các mùa khác. Mùa đông cũng là mùa duy nhất nước hai con sông chảy qua pháo đài có màu ngọc bích và là mùa các nhà sư tề tựu cả về Punakha.
Pungtang Dechen Photrang Dzong (tạm dịch là Pháo đài của niềm vui lớn) không chỉ đẹp khi nhìn từ bên ngoài mà còn rất đặc biệt ở kiến trúc bên trong. Theo truyền thuyết, Shapdrung, người thống nhất Bhutan, đã lệnh cho người thợ cả xây pháo đài này phải nằm ngủ bên một bức tượng Phật. Trong mơ, người thợ nhìn thấy cung điện của Đức Phật và khi tỉnh dậy, ông chỉ huy mọi người xây dựng pháo đài đúng như những gì mình thấy. Vì vậy, đây là pháo đài duy nhất có tới ba sân trong (thông thường chỉ có hai) nằm xen giữa các bảo tháp và điện thờ.
Chính điện có trần cao vút, tường vẽ toàn hình Phật Tổ trong khi tất cả cột vuông đều được mạ vàng và chạm khắc hoa văn kim cương vajra – theo quan niệm của người Bhutan thì đó là biểu tượng hai tia sét bắt chéo nhau, có tác dụng trừ tà, mang lại điều tốt lành.
BÀI VÀ ẢNH HOÀNG MINH
– Bhutan là một quốc gia Phật giáo nhưng những người nhập cư gốc Nepal thì lại theo đạo Hindu. Họ tập trung chủ yếu ở vùng đất thấp miền Nam, mặc trang phục truyền thống Bhutan (nam mặc gho, nữ mặc kira) theo quy định của chính phủ nhưng vẫn thực hiện các nghi lễ của đạo Hindu.
– Các nhà sư Bhutan được phép ăn thịt, trong một số dịp còn được uống rượu và có một số người còn lấy vợ sinh con nữa (nhưng việc này rất không phổ biến). Nam giới đi tu thì được sống và học tập trong tu viện nhưng các nữ tu thì phải tu tại nhà. Phụ nữ Bhutan thậm chí còn bị cấm bước vào điện thờ trong các dzong (pháo đài).
– Dân số Bhutan rất trẻ, đến một nửa từ 25 tuổi trở xuống nhưng tỷ lệ biết đọc cũng vô cùng thấp, chỉ trên 50%. Mặc dù vậy, Bhutan đã có một số tờ báo, tất cả đều xuất bản bằng hai thứ tiếng: tiếng Bhutan và tiếng Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét