Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Tắm suối khoáng ở thành cổ trên 2.000 năm


SGTT.VN - Thành cổ Hierapolis và “lâu đài bông” của thành phố Pamukkale thuộc tỉnh Denizli (Thổ Nhĩ Kỳ) tồn tại hàng ngàn năm cạnh nhau như trong sự sắp đặt của tạo hoá. Bây giờ đến lượt con người bảo tồn, giữ chốn bồng lai này mà hưởng thụ.
Thành đổ, còn dấu tích nơi thụ hưởng
Du khách ngâm chân trong rãnh nước khoáng nóng trên “lâu đài bông”. Ảnh:
Thổ Nhĩ Kỳ có “lâu đài bông”, nghe tên đã gợi sự hiếu kỳ khi đến thành phố du lịch nổi tiếng Pamukkale. Xa xa, chúng tôi thấy xuất hiện một dãy đồi trắng xoá như tuyết phủ nằm giữa những dãy núi đá đen và đồi cây xanh. Qua cổng công viên quốc gia Pamukkale, cung đường tham quan của ban quản lý khu này buộc mọi người phải bước vào xem những tàn tích hàng ngàn năm trước, điều này thật hợp lý để thấy sự liên quan giữa xưa và nay, giữa thành cổ Hierapolis và “lâu đài bông”.
Hierapolis, một đô thị cổ toạ lạc trên đỉnh đồi Pamukkale, được xây dựng dưới thời vua Pergamon Eumenes II từ năm 190 trước Công nguyên, có rất nhiều đền thờ nên người dân thời ấy xem Hierapolis như “thành thánh”. Theo các nhà khảo cổ, đây từng là nơi trao đổi thương mại và giao lưu văn hoá, tôn giáo giữa La Mã, Do Thái và Kitô giáo và còn là nơi nghỉ dưỡng của hoàng gia và giới quý tộc từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Người xưa đã phát hiện nước từ những suối khoáng nóng ngầm dưới chân thành Hierapolis chảy ra và những triền đồi có nước chảy tràn lên thì trắng xoá như bông vải. Họ cho rằng thần Heracles đã ban nước đó.
Hiện tượng này ngày nay được giải thích, Pamukkale thuộc vùng núi lửa nên đã trải qua những cơn động đất, đứt gãy. Tại các đới đứt gãy lớn, núi lửa phun lên làm biến chất đá vôi. Quá trình kiến tạo của tự nhiên đã tạo ra các suối ngầm, động bậc thang... hoặc cắt chéo nhau trải dài tới 2.700m trên dốc núi cao 160m, rộng 600m ở Pamukkale. Nước suối chảy theo thời gian làm trắng đá vôi trên từng động, lâu dần hình thành chuỗi các nhũ đá, thác nước và đổ xuống thung lũng, tất cả tạo thành một vùng trắng như bông, có tầng lớp như từng nấc thang mây lên chốn bồng lai.
Thành cổ Hierapolis sau những cơn địa chấn phá huỷ, chỉ còn vài dấu tích, trong đó khu phòng tắm, nơi nghỉ dưỡng của vua chúa và quý tộc, nhà hát còn khá nguyên vẹn. Và du khách có thể đắm mình nơi đây.
Vừa đón khách vừa bảo tồn di sản
Công viên quốc gia Pamukkale gồm thành cổ Hierapolis và “lâu đài bông” đã được Unesco công nhận là khu bảo tồn di sản thế giới từ năm 1988. Để bảo tồn tốt, nhiều nhà hàng, khách sạn xây dựng trong khu vực này trước kia đã được dời ra ngoài. Toàn bộ khu bảo tồn được sắp xếp lại cho phù hợp từng khu khách tham quan, tắm nước khoáng. Khoảng 17 suối nước khoáng nóng có nhiệt độ từ 35 – 100oC. Trước đây, suối có nhiều nước khoáng nóng nhưng nguồn nước này ngày càng ít đi, nên chính quyền địa phương đã xây dựng hệ thống giữ nước khoáng bơm cho “lâu đài bông” để nó không bị chuyển màu.
Dưới ánh nắng mặt trời, từng dòng nước mơn trớn trên “lâu đài bông” sáng lấp loáng. Ở những chỗ nước đổ dốc mạnh, dòng nước bào vào vách đá, nền đá thành những tấm hoa văn thật đẹp, có chỗ bồng bềnh như những tầng mây. Dòng nước khi tràn trên mặt phẳng thì mát lạnh, nhưng vào khe rãnh hay tụ thành hồ thì thật ấm, nên nhiều du khách tranh thủ ngâm chân, ngâm mình ngay trên lâu đài. Dấu tích thành cổ Hierapolis cho thấy từ thế kỷ thứ 2 người Roma đã xây dựng các spa tại các suối nước nóng để thư giãn. Hiện nay, du khách cũng rất thích thú khi ngâm mình trong những hồ nước khoáng lộ thiên tại công viên Pamukkale.
BÀI VÀ ẢNH: CÁC NGỌC
Có nhiều phương tiện để đến Pamukkale. Có chuyến bay trực tiếp mỗi ngày từ Istanbul đến Denizli vào buổi sáng và trở lại Istanbul vào buổi tối. Từ sân bay Denizli đi vào Pamukkale khoảng 45 phút. Hệ thống đường sắt quốc gia đi qua Denizli. Nếu lái ôtô thời gian từ thủ đô Ankara đến Pamukkale khoảng bảy tiếng; từ Izmir là đến Pamukkale ba tiếng. Các trạm xe buýt ở khắp mọi nơi trong Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể đến Denizli.
Có nhiều khách sạn ở Pamukkale, từ 1 – 5 sao. Hầu hết khách sạn sang trọng ở Pamukkale có hồ bơi nước nóng phục vụ khách.
Nên mặc đầm, váy ngắn hay quần sọt vào “lâu đài bông” để không phải xăn lên. Vì “lâu đài bông” trắng, nên mặc quần áo có màu sắc đậm, tươi để nổi bật người trên hình ảnh.
Mátxa trong dòng nước suối khoáng đổ ra giá 30 lira/người lớn; 6 – 12 tuổi là 12 lira/người. Tỷ giá 1 lira quy khoảng 12.000 đồng.
Về thành cổ tắm suối khoáng
TTCT - Thổ Nhĩ Kỳ, vùng đất giao thoa giữa hai nền văn hóa Á - Âu nhưng vẫn mang những nét đặc trưng văn hóa riêng rất thú vị. Những công trình kiến trúc pha trộn giữa Hi Lạp, La Mã, phương Đông và phương Tây nên vô cùng đa dạng, đặc sắc.
Nhiều khu di tích như Ephesus, quảng trường Hippodrome… có thể sánh với Rome của Ý hay Athens của Hi Lạp. Nhưng với tôi, Pamukkale mới là một tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước này.
Pamukkale nhìn từ xa như một ngọn núi tuyết trắng xóa - Ảnh: Lê Nam

Từ lâu đài bông Pamukkale
Trước khi lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ, lúc tìm hiểu thông tin chúng tôi đã choáng ngợp trước vẻ đẹp của Pamukkale, nhưng đến đây mới thật sự ngạc nhiên về sự kỳ thú của nó. Pamukkale theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là lâu đài bông. Địa danh ở tỉnh Denizli này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1988.
Gần như chẳng còn lâu đài hoành tráng nào của thời Hierapolis còn hiện diện ở đây, mà thay vào đó là những suối nước địa nhiệt chứa một trữ lượng muối canxi  rất cao cùng nhiều khoáng chất mang theo mùi lưu huỳnh, hợp chất calcium bicarbonate… Dòng suối khoáng chảy qua các gờ cao như ruộng bậc thang, qua nhiều niên kỷ đã hình thành chuỗi dài nhũ đá canxi trắng toát.
Nhìn từ xa, Pamukkale như một quả núi tuyết với những lan can nước chìa ra vô cùng kỳ thú. Pamukkale nằm trong vành đai lửa, qua nhiều lần phun trào nham thạch đã làm biến chất đá vôi. Hàng chục dòng suối nước ngầm, mỗi ngày chảy khoảng 22.000m3 nước mang nhiều khoáng chất liên tục chảy trên bề mặt đá vôi đã tạo nên một màu trắng đặc trưng có một không hai của nơi này.
Truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa ở vùng này có một cô gái xấu đến nỗi chẳng chàng trai nào đoái hoài. Nàng quyết định lên núi gieo mình xuống hồ nước nóng trên núi đá vôi tự tử nhưng không chết mà nước khoáng nóng trong hồ lại giúp nàng trở nên xinh đẹp lạ thường, da dẻ hồng hào, mịn màng, tươi trẻ. Nàng trở thành tâm điểm và thu hút nhiều chàng trai trong vùng, trong đó có thủ lĩnh vùng Denizli. Chẳng lâu sau hai người thành vợ chồng. Người dân trong vùng từ đó kéo nhau lên vùng núi này để tắm suối khoáng nóng nhằm tìm đến một cuộc sống tươi trẻ, hạnh phúc hơn...
Những gò đá trắng đặc trưng của Pamukkale - Ảnh: Lê Nam

Spa thiên nhiên khổng lồ
Những suối nước nóng này đã trở thành spa từ thế kỷ thứ hai khi người Roma xây dựng ở đây thành phố cổ Hierapolis để người dân đến trị liệu, tắm khoáng, xoa dịu sự đau đớn, phiền muộn... Ngày nay vẫn còn dấu tích các phòng tắm, nơi nghỉ dưỡng cũng như nhà hát của vua chúa và tầng lớp quý tộc… Thậm chí ngày xưa nhiều người còn chọn nơi đây để về ở ẩn và chết tại đây. Cách “lâu đài bông” không xa vẫn còn khu nghĩa trang cổ với quan tài làm bằng cả khối đá cẩm thạch trắng…
Vùng đất này, trong quá khứ cũng như hiện tại, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, tắm suối khoáng khiến Pamukkale trở thành điểm du lịch nổi tiếng đông khách vào hàng bậc nhất Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ năm 1996 chính quyền cấm các nhà hàng, khách sạn lấy nước khoáng của khu vực này, kế tiếp là buộc tất cả nhà hàng, khách sạn dời ra ngoài khu vực này. Toàn bộ khu bảo tồn được sắp xếp lại để phục vụ khách tham quan, tắm nước khoáng ngay trong hồ bơi có nhiệt độ 31-35 độ C với giá 30 lira/người (1 lira khoảng 12.000 đồng).
Các nguồn suối nước khoáng nóng hiện ngày càng ít đi, chính quyền địa phương đã xây dựng hệ thống giữ nước và bơm ngược lên duy trì “lâu đài bông” không bị chuyển màu, những thềm nhũ đá sinterterrassen bị hư hỏng được sửa chữa khéo léo, thay thế bằng những khối bêtông đặc biệt nhìn như đá vôi tự nhiên.
Phế tích nhìn từ đỉnh Akropolis, thành phố Canakkale - Ảnh: Lê Nam

Đến bảo tàng lớn ngoài trời Ephesus
Đi Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa đến Ephesus coi như đã bỏ lỡ cơ hội nghìn vàng để tìm hiểu về đế chế La Mã một thời làm mưa làm gió ở châu Âu. Nằm ở thành phố Selcuk, tỉnh Izmir, Ephesus được xem là bảo tàng lớn ngoài trời của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó được vương triều Attic - Ionian của người Hi Lạp cổ thành lập vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên, nhưng lại mang kiến trúc rất đặc thù của người La Mã.
Nói là bảo tàng lớn ngoài trời cũng chẳng ngoa vì nơi đây vẫn còn những công trình kiến trúc lớn như Thư viện La Mã Celsus, nhà thờ thánh John, đền thờ Hadrian, cổng chào Augustus, đền thờ nữ thần Artermis (một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại), các nhà hát khổng lồ ngoài trời, và xa hơn chút xíu trong một góc nhỏ trên sườn núi đá Pion có ngôi nhà thờ Đức mẹ Maria đã sống những ngày cuối đời trước khi về trời.
Không di sản La Mã nào trên thế giới còn lưu giữ được lại rộng lớn hơn về quy mô như ở Ephesus. Vào thời kỳ đế chế La Mã hưng thịnh, đây là thành phố La Mã lớn thứ hai chỉ sau Rome và cũng là thành phố lớn thứ hai thế giới thời kỳ đó. Chỉ riêng khu di tích còn lại của thành phố cổ đại này đã dài hơn 3km, mất ít nhất hai giờ để nhìn ngắm những gì còn lại như nhà hát, nhà tắm công cộng, đền thờ, khu chợ, quảng trường, thư viện…
“Có một nơi tôi biết nhưng các bạn không biết và tối nay tôi sẽ không ngủ được nếu chưa chỉ cho các bạn” - Ammet M. Bilgen, một hướng dẫn viên du lịch có 22 năm kinh nghiệm, thì thầm với chúng tôi. Nơi mà Ammet muốn giới thiệu chính là nhà vệ sinh tập thể xây từ 2.000 năm trước!
“Đây cũng là nơi các thành viên viện nguyên lão ngồi bàn các vấn đề trọng đại trước các cuộc họp - Ammet khẳng định - Nơi này lúc cao điểm có thể chứa 70 người và nằm ở một vị trí rất chiến lược”. Ngay phía sau lưng nhà vệ sinh công cộng này là khu buôn bán, trao đổi hàng hóa, đối diện xích lên chút xíu là Thư viện La Mã Celsus, nằm bên kia đường đối diện khu thương mại là khu phố đèn đỏ.
Ngựa Troy Hollywood quay phim xong tặng lại cho thành phố Canakkale - Ảnh: Lê Nam
Nhiều du khách thích thú khi đến hồ bơi tắm khoáng, nghỉ dưỡng… - Ảnh: Lê Nam
Thư viện La Mã ở thành phố cổ Ephesus - Ảnh: Lê Nam

LÊ NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét