Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Phượt ở Ý


SGTT.VN - Chúng tôi vừa trải qua một tuần “đi bụi” bằng xe gắn máy, tới nhiều địa danh nổi tiếng của đất nước hình chiếc ủng, lại vào những ngày đẹp nhất trong năm…
Bài 1: Những con đường dẫn tới di sản
Dự định sẽ đến Florence nhưng cuối cùng Pisa lại được chọn là điểm xuất phát cho chuyến đi. Đáp xuống sân bay Galileo Galilei, chị Antonella Bile, hướng dẫn viên du lịch người Milan, niềm nở đón tiếp và trao cho chúng tôi tấm bằng lái xe môtô quốc tế có thời hạn 12 tháng. Cứ hình dung đất nước công nghiệp như Ý sẽ hiện ra với những toà nhà chọc trời, xe cộ tấp nập vậy mà chặng đường chừng 8km từ sân bay về khách sạn ở trung tâm Pisa, chúng tôi cảm giác như đang đi lùi thời gian về những thế kỷ trước. Biệt thự, hệ thống hàng quán mang hơi hướm công nghiệp dần bị thay thế bởi những bức tường thành rêu phong, nhà cổ và cả một thành phố cổ kính, yên bình…
Nghiêng ở Pisa
Đầu giờ chiều, thành phố có số dân 90.000 người này bỗng dưng trở nên chật chội bởi từng đoàn người tấp nập trên đường. Chị Antonella cho biết một thông tin thú vị, số sinh viên đang theo học tại trường đại học Pisa chiếm hơn một nửa dân số của thành phố này. Ngược về phía bắc thành phố, từ xa đã thấy tháp nghiêng Pisa, công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới sừng sững hiện ra.
Quang cảnh tháp nghiêng Pisa, Ý.
Tháp nghiêng Pisa chỉ là một công trình nằm trong cụm kiến trúc Piazza dei Miracoli được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hai công trình còn lại là thánh đường Pisa và toà nhà Battistero. Chỉ cần bỏ ra 15 euro, du khách sẽ được tham quan cụm kiến trúc này, đặc biệt có thể lên đỉnh tháp nghiêng Pisa để nhìn toàn cảnh thành phố. Tháp nghiêng Pisa vốn là một tháp chuông, được xây dựng từ năm 1173, cao 55,86m, tháp có 294 bậc. Ngay từ khi xây dựng, người ta đã phát hiện toà tháp bị nghiêng. Tuy nhiên, nghiêng đã đã trở thành điểm độc đáo của toà tháp, là yếu tố thu hút người ta phải đến và nghiêng cùng Pisa. Người Ý đã khai thác triệt để lợi thế này và tính toán, can thiệp kỹ thuật để tháp có độ nghiêng an toàn khi đưa vào khai thác du lịch.
Ngắm Pisa trong sắc nắng màu mật ong, càng ấn tượng hơn bởi cách ứng xử của con người nơi đây đối với di sản, và công nghệ khai thác du lịch của họ. Dù không rời vị trí canh gác tháp nhưng nữ bảo vệ vẫn nhiệt tình hướng dẫn và giải đáp những thông tin cho du khách. Các quầy quán hàng lưu niệm, nhà hàng dã chiến ken dày trên những trục đường dẫn tới di sản. Ở đó, ta bắt gặp những món đồ lưu niệm mang hình tháp nghiêng, ảnh, đồ thời trang; các món ăn, thức uống như: bánh pizza, mì spaghetti, càphê espresso, capuccino, macchiato, latte... Những người bán hàng rong, chủ yếu là người da đen, thường nhoẻn miệng cười chào du khách, không hề có hiện tượng chèo kéo, nài nỉ...
Khách sạn ở đây không có biển hiệu đèn hộp, không biển xếp hạng sao, trong phòng không có lược, bàn chải và kem đánh răng… Đây chính là sự cam kết xanh trong khai thác du lịch, tiết kiệm tối thiểu năng lượng và hạn chế chất thải công nghiệp ra môi trường. Tiêu chuẩn sao sẽ phản ánh qua cung cách và chất lượng phục vụ. Sự tinh tế đó làm chúng tôi càng nghiêng mình trước Pisa.
Bảo tàng chốn đồng quê
Khởi hành vào sáng sớm, chúng tôi lên đường đến Pontedera, thị trấn nằm giữa Pisa và Florence. Anh Beppe Gualini, người dẫn đường dặn dò mọi người rất kỹ về điều kiện giao thông. Rằng nên đi chậm vì sắp tới sẽ chạy vào xa lộ và để cảm nhận rõ hơn về cảnh đẹp nước Ý. Quả thật, ra khỏi những dãy phố cổ, nhiệt độ ngoài trời khoảng 15 độ, cộng với khung cảnh đồng quê, hoang hoải đâu đây hình ảnh xứ sở sương mù – Đà Lạt. Những vùng quê yên bình, những cánh đồng đã thu hoạch hết nông sản, trơ màu đất nâu đang kỳ phơi ải lần lượt trải dài trước mặt. Nếu đến sớm hơn ít tuần, chúng tôi sẽ được thấy những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực. Đi qua khu vực dân cư, dễ dàng bắt gặp những thửa ruộng trồng các loại rau ôn đới. Ôliu là loại cây được trồng phổ biến nhất ở đây. Quả và dầu ôliu được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng ở Pisa. Loáng thoáng những dàn nho trải dài hai bên đường. Chúng tôi đã tới gần Chianti, vùng trồng nho nổi tiếng của nước Ý. Bữa ăn tối hôm đó, chúng tôi đã được thưởng thức chín loại rượu vang của vùng trồng nho này. Bữa ăn tối của người Ý diễn ra lúc 8 giờ. Đó cũng là lý do tại các khu phố cổ đường phố tấp nập hơn cả ban ngày.
Trên hành trình qua miền đồng quê Pontedera, chúng tôi đã ghé thăm một trong những bảo tàng đặc biệt nhất nước Ý, bảo tàng xe cổ. Chỉ là bảo tàng tư nhân của tập đoàn Piaggio, nhưng bảo tàng xe cổ này nằm trong nhóm những bảo tàng lớn nhất ở Ý, đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan mỗi năm. Được thành lập năm 2000, bảo tàng mở cửa tự do đón du khách. Dễ bắt gặp các bộ sưu tập quan trọng nhất của Piaggio, như: động cơ máy bay của những năm 1930, đầu máy xe lửa từ cách đây hơn một thế kỷ, máy bay P148 từ năm 1951. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày dòng xe máy Gilera trứ danh với những model từ năm 1909 cho đến model những năm 1950 của thế kỷ trước như: Saturnus, Gilera 500… Những hình ảnh mô tả công nhân chung tay xây dựng lại công ty từ đống đổ nát sau thế chiến thứ hai. Những mô hình tập hợp nhân viên thành cộng đồng với hệ thống chung cư, siêu thị, trường học…
Câu chuyện kể rằng Enrico Piaggio thay cha mình chịu trách nhiệm quản lý Piaggio (từ năm 1905 – 1965) quyết định thay đổi lĩnh vực kinh doanh, tập trung vào sự di chuyển của cá nhân tại một đất nước nổi lên sau chiến tranh. Nhờ vào thiết kế đặc biệt của một kỹ sư kiêm nhà phát minh trong lĩnh vực hàng không Corradino D’Ascanio (1891 – 1981), những chiếc Vespa (cách gọi của từ “wasp” – con ong trong tiếng Ý) đầu tiên đã ra đời... Người mê xe cổ hẳn sẽ thích thú bởi các hiện vật, nhưng tôi lại bị thuyết phục bởi câu chuyện cụ thể về việc gìn giữ di sản. Đây không chỉ là việc của nhà nước mà tư nhân cũng chung tay góp sức. Thay vì dùng tiền san bằng một ngôi nhà cổ ở trung tâm, việc vẫn thường thấy ở đâu đó, họ đã cố gắng săn lùng, tập hợp lại những sản phẩm cũ có giá trị lịch sử. Đó là những chiếc xe từng chở vũ khí trong chiến tranh; chiếc xe thực hiện cuộc hành trình vòng quanh thế giới đã qua tới Việt Nam và chạy trên đường phố Hội An; chiếc xe được điệp viên 007 sử dụng trong một bộ phim mô phỏng lại series phim 007 nổi tiếng… Có nhiều thứ để du khách có thể coi, có thể cảm nhận được tấm lòng của người Ý ứng xử với hiện vật chứ không phải chỉ để xem mô hình hay thưởng thức một “nồi lẩu thập cẩm”…

Bài cuối: Về thành phố cổ và mua hàng hiệu… giữa đồng
SGTT.VN - Trên đường tới thành phố cổ Florence, dừng chân tại quảng trường mang tên hoạ sĩ, nhà điêu khắc Michelangelo, bức tượng David trứ danh cao gần 5m như vẫy chào du khách.
Xe ngựa và ôtô vẫn “chung sống” hoà bình trên các con đường trung tâm thành phố tại Ý. Ảnh: Trung Dũng
Tuy chỉ là phiên bản bằng đồng, bởi nguyên bản tượng David bằng đá cẩm thạch hiện được lưu giữ tại bảo tàng nghệ thuật Florence nhưng quảng trường vẫn níu chân du khách bởi đây được coi là vị trí lý tưởng để có thể nhìn toàn cảnh Florence. Thành phố hàng ngàn năm tuổi nổi bật bởi tháp chuông nhà thờ, những toà lâu đài vượt lên mái ngói vàng của những ngôi nhà cổ…
Trong thành phố di sản
Chúng tôi được khuyên nên chọn trung tâm thành phố làm điểm tham quan bởi muốn hiểu hết thành phố nghệ thuật này thì phải ở lại hai năm, hoặc lâu hơn. Florence, từng là thủ đô của đất nước hình chiếc ủng. Theo thống kê của UNESCO, 60% tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất của thế giới tập trung ở Ý và một nửa trong số đó lại nằm ở Florence.
Không bị xâm lấn bởi ngành công nghiệp không khói và nếp sống hiện đại đã khiến Florence trở thành một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Dân số chỉ hơn nửa triệu người nhưng các tuyến đường nội thành Florence luôn đông đúc với dòng người du lịch. Ở đây, gần như mọi nẻo đường đều dẫn tới di sản. Kia là thư viện Lairentien được xây hồi thế kỷ 15, rồi tháp đồng hồ Palazzo Vecchio được xây từ thế kỷ 14. Cách tháp đồng hồ không xa là bảo tàng Uffizi, một trong những bảo tàng nghệ thuật lâu đời nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới… Ý định mục sở thị tận nơi những di sản này của chúng tôi đã thất bại bởi phải xếp hàng rất dài để mua vé. Chưa kịp tiếc nuối mất cơ hội tham quan bảo tàng Uffizi, chúng tôi đã ngay lập tức bị cuốn hút bởi những hấp hẫn khác trên các quảng trường trong khu vực. Piazza della Signoria là quảng trường quy tụ nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong thời kỳ Phục hưng. Trong khi đó, trên quảng trường Repubblica là không khí rộn ràng, náo nhiệt với các trò xiếc, ảo thuật và biểu diễn âm nhạc do các nghệ sĩ đường phố biểu diễn…
Một trong những điểm không thể bỏ qua của khách du lịch là nhà thờ lớn Santa Maria del Fiore. Bạn sẽ cảm thấy bị hút hồn bởi kiệt tác kiến trúc mang phong cách Gothic này. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 15, từng là nhà thờ lớn nhất thế giới (nhưng hiện danh hiệu này đã về một nhà thờ ở Rome). Mái vòm của nhà thờ, với đường kính 45m, được kiến tạo từ 29.000 tảng đá bằng bàn tay lao động của 2.000 nhân công ròng rã suốt 16 năm trong điều kiện chưa có công cụ hay máy móc tiên tiến cho việc xây dựng như bây giờ. Trên trần vòm là một bức bích hoạ khổng lồ rộng 4.000m² với ba màu chính: trắng, xanh, đỏ. Đây cũng chính là tông màu trên quốc kỳ nước Ý… Trước sân nhà thờ Santa Croce, chúng tôi được nghe kể về giai thoại văn hào Pháp Stendhal, tác giả tiểu thuyết Đỏ và đen khi tới tham quan nhà thờ đã bị choáng váng và ngất xỉu bởi cảnh đẹp nơi đây.
Mua hàng hiệu giữa đồng
Không chỉ là thành phố của di sản và nghệ thuật, Florence còn là “thiên đường” của hàng hiệu. Đây là nơi các hãng thời trang lớn của Ý như Prada, Gucci, Valentino, E.Armani... đặt xưởng sản xuất.
Dọc theo phố Martelli, Cerrettani sẽ bắt gặp khu chợ trời nhộn nhịp với đủ loại hàng lưu niệm, cùng quán xá phục vụ khách du lịch. Không có cảnh chèo kéo khách. Khách dễ gặp hình ảnh chủ tiệm vừa không ngưng tay thái thịt vừa cất tiếng hát, tươi cười…
Piazza degli Strozzi được coi là con đường hàng hiệu. Ở đây quy tụ các nhãn hiệu: Louis Vuitton, Gucci, Versace, Valentino, Ferrari… Dù nhiều cửa hàng treo biển “outlet” nhưng giá cả vẫn khá đắt đỏ. Vì “lựa cơm gắp mắm” trong chuyện mua sắm, thay vì những khu outlet hàng hiệu thời trang ở khu trung tâm, chúng tôi được chỉ phải… đi ra đồng. Hệ thống siêu thị, khu bán đồ giảm giá chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều trên suốt hành trình thường nằm cách rất xa trung tâm thành phố. Mất 40 phút, chúng tôi có mặt ở outlet The Mall. Rất nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản mua hàng tại đây… The Mall là nơi quy tụ nhiều loại hàng hiệu nổi tiếng với đầy đủ quần, áo, giày, kính và tất tần tật đồ thời trang. Ngoài việc giảm giá đến 50%, khi số tiền mua các sản phẩm từ 150 euro trở lên, sẽ được hoàn thế 5 – 10%. Nếu đi xa hơn sẽ đến Barrberino Designer cũng như nhiều outlet của chính các hãng, tuy nhiên The Mall vẫn là nơi được ưa chuộng nhất.
Những chiếc vòng sắt và giao thông Ý
Câu đố vui của anh Beppe từ đầu hành trình nhưng phải khi đến Florence, tôi mới tìm ra lời giải – những chiếc vòng sắt đính rất nhiều trên các bức tường – thực ra là nơi buộc ngựa. Và bất ngờ là loại phương tiện độc tôn từ nhiều thế kỷ trước vẫn tồn tại ngay giữa trung tâm các thành phố của nước Ý. Tuỳ quãng đường mà một cuốc xe ngựa tham quan thành phố giá từ 30 – 40 euro. Người đông, đường chật nhưng xe ngựa vẫn “sống” được bởi người Ý muốn giữ lại hình ảnh cổ xưa. Xe ngựa được bố trí đi vào những con đường riêng, và nếu chú ngựa nào lỡ làm mất vệ sinh đường phố thì ngay lập tức, nhân viên môi trường và xe chuyên dụng sẽ có mặt để thu dọn…
Ở Ý, những loại xe hơi nhỏ như Fiesta, Fiat 500, Mini Cooper, Smart, xe máy, xe đạp “chung sống” hài hoà cùng nhau trên các cung đường, từ xa lộ tới hẻm phố. Ôtô loại lớn có thể vào được một số khu vực ở nội thành, tuy nhiên, một số khu vực muốn vào, sẽ phải nộp phí. Chẳng hạn, chiếc ôtô 16 chỗ chở chúng tôi vào Pisa, phải đóng thêm gần 200 euro để có giấy phép vào nội thành. Đường ở Ý thường rất hẹp, đặc biệt là trong nội thành nhưng không hề có cảnh kẹt xe. Nguyên nhân do chế tài của luật pháp khá nghiêm, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức của người dân. Xe lớn nhường đường cho xe nhỏ, nhường đường cho người đi bộ. Tại các ngã tư, vòng xoay, các phương tiện giao thông phải nhường đường cho xe phía bên trái của mình. Gương cầu lồi đặt tại những khúc cua, dù không gấp. Nếu có vi phạm giao thông, hệ thống camera tự động sẽ ghi lại hình ảnh, chuyển về trung tâm xử lý, giúp lực lượng hữu trách kịp thời xử lý.
Về đến TP.HCM sau hơn 12 tiếng bay trên trời, mừng vì đã về nhà nhưng vừa ra khỏi sân bay đã gặp cảnh kẹt xe và tiếng còi inh ỏi. Bỗng nhiên lại nhớ hành trình trên đất nước bạn. Liên tưởng đến những quyết sách giao thông nhắm vào ôtô, xe máy rồi trộm nghĩ, dù sao đó cũng chỉ là những phương tiện vô tri, sao lại quy hết tội cho xe này, xe nọ mà không phải là do chính con người gây ra?
BÀI VÀ ẢNH: TRUNG DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét