Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Marrakech như cuốn phim đầu thế kỷ trước


SGTT.VN - Nhìn từ trên máy bay, Marrakech toàn một màu gạch đỏ. Vừa đến cổng thành, các loại phương tiện cùng đồng hành, trông thật vui mắt. Ôtô, xe ba bánh, xe gắn máy, xe ngựa, xe lừa, xe đạp... và cũng chẳng ai phải vội vã gì. Ở đó, những sinh hoạt tựa như đang ở đầu thế kỷ trước.
Xe ngựa vẫn sử dụng như một phương tiện đi lại quen thuộc tại Marrakech.
Sân bay Marrakech, Morocco khá gần trung tâm thành phố, đi xe buýt công cộng hoặc taxi khoảng 20 phút là về tới quảng trường El Fna giữa trung tâm. Đường rộng, thưa nhà, vắng người. Thời tiết mùa đông vùng bán sa mạc Bắc Phi thật lý tưởng – không quá lạnh, 17 – 19oC, trời xanh ngắt. Marrakech chia làm hai khu, khu phố cổ bên trong tường thành, và khu phố nhà cửa theo kiểu mới, nơi có nhiều trụ sở hành chính, nhiều khách sạn năm sao. Nếu không làm… VIP, du khách thường thích ở bên khu cổ – ngõ nhỏ, nhà bé, gần quảng trường, tiện đi chợ. Có đủ loại khách sạn, từ 5 sao sang trọng đến những loại thường thường và những nhà trọ sửa lại từ những căn nhà truyền thống Morocco gọi là Riad.
Chợ trời giữa ngày và đêm
Marrakech không lớn, ngay trung tâm là quảng trường El Fna (Jamaa el Fna), khu chợ trời gọi là Souk. Ngày cũng như đêm, sáng sớm đến tối mịt, quảng trường lúc nào cũng đông người, nhộn nhịp hoạt động. Hàng dãy dài những chiếc xe bán nước trái cây và các loại hạt khô: trái vả, chà là, nho khô, hạt hạnh, hạt óc chó; những sạp quầy chất ngất hoa khô đủ màu sắc; những thúng gia vị… Những người đàn ông dân tộc Berber từ trên núi xuống, lủng lẳng bên mình bình đựng nước bằng da thuộc đem bán; những nhóm hát, chơi nhạc cụ dân tộc, đập trống; những người đàn ông thổi sáo múa rắn, người biểu diễn xiếc khỉ. Và những người phụ nữ to béo bịt mặt ngồi trên ghế giữa quảng trường làm dịch vụ xem bói, vẽ henna.
Khu chợ Souk với những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo che bạt bít cả… mặt trời, với những cửa hàng thảm dệt tay, tiệm giày dép, cửa hàng đồ da, đèn lồng, đồ cổ. Khu này cứ náo nhiệt người mua kẻ bán, thỉnh thoảng gặp một xe lừa chất nặng những tấm da to mới thuộc. Nếu tò mò, đi xa về cuối Souk sẽ là khu xưởng thuộc da. Mùi khó ngửi, nên ai cũng cầm theo một nắm nhỏ rau húng bạc hà gí chặt vào mũi.
Chiều nhá nhem là thời gian hoạt động của những người kể chuyện (story tellers). Một người đàn ông, một chiếc mũ ngả ra nhận tiền, những câu chuyện cuốn hút đám đông và có tới bốn đám đông như vậy trên quảng trường. Chẳng hiểu tiếng địa phương nhưng tôi cứ say sưa đi lòng vòng, reo lên cùng đám này, rồi lại ồ lên cùng nhóm khác. Những câu chuyện được kể mãi, trước mỗi khi bắt đầu một câu chuyện mới, những nắm tiền lẻ lại được ném xuống cái mũ của người kể. Điều đặc biệt là những hoạt động này, không chỉ biểu diễn để kiếm tiền từ khách du lịch, mà thu hút rất đông người bản địa, thậm chí cư dân địa phương còn đông hơn khách du lịch rất nhiều, nhất là những lúc xuất hiện người kể chuyện.
Một sân khấu sống động nhất hành tinh
Dân tộc Berber đem hàng từ trên núi xuống chợ trời Souk bán.
Ví El Fna như một sân khấu mở – mà hình như vẫn chưa đủ, phải nói đây là sân khấu sống động nhất hành tinh. Từ sáng đến tối, từ thứ hai đến chủ nhật, không ngày nào vắng hơn ngày nào. Có vậy mà quảng trường El Fna cùng những sô diễn đã được Unesco công nhận Di sản văn hoá truyền miệng phi vật thể, nhằm khuyến khích mọi người cùng bảo vệ và duy trì những hoạt động văn hoá này. Ngay khi mặt trời lặn, những người bán nước, hạt, hoa khô… dọn hàng thì những người bán đồ ăn… đổ bộ ra. Rất nhanh. Quảng trường rực sáng ánh đèn như một bếp ăn ngoài trời khổng lồ. Những món nướng lên khói ngào ngạt, những niêu tajin ngậy béo, những chậu ốc nóng tò mò, những khay xàlách xanh um… giữa đêm.
Ở Morocco dường như luật lệ có vẻ hà khắc và sự phân biệt nam nữ vẫn còn khá rõ rệt. Đàn bà, phụ nữ không được bước chân vào nhà thờ đạo Hồi. Nếu bạn không rõ luật lệ, cứ bước vào, rất có thể bạn sẽ bị bỏ tù sáu tháng ! Nói chung người dân ở đây không muốn bị chụp ảnh, đặc biệt phụ nữ. Dù mặt họ đã bịt kín, nhưng nhiều người vẫn quan niệm bị chụp ảnh là bị ăn cắp mất cái hồn… từ đôi mắt của họ.
Kiếm cái xe ngựa đi lòng vòng thành phố, tôi mặc cả được một bác xà ích đồng ý đi khoảng một tiếng với giá 6 USD (các bác khác đòi 9 USD). Con ngựa của bác này rất già, và hôi khủng khiếp. Vừa đi loanh quanh trong ngõ cổ được một đoạn, bác xà ích đã hò ngựa dừng bước, xuống mua chai rượu, ngửa cổ tu nửa chai rồi lảo đảo lên xe quất roi hò ngựa đi tiếp. Chắc bác ấy thèm rượu, nên giá nào cũng đi? Lúc hoàng hôn ở Marrakech, thích nhất là lên tầng 2 một quán càphê nào đó cạnh quảng trường, ngồi ngắm các hoạt động bên dưới. Khi ngày qua, đêm tới, ngựa xe tấp nập, cảm giác như đang xem lại một cuốn phim tài liệu đầu thế kỷ 20.
BÀI VÀ ẢNH: HIỀN B.
– Từ các thành phố châu Âu, ngoài các hãng hàng không
quốc gia, còn có rất nhiều chuyến bay hàng ngày của các hãng hàng không giá rẻ như EasyJet, Ryanair. Nếu mua vé sớm, bạn có nhiều khả năng mua được giá rất rẻ, chưa tới 100 eur một vé khứ hồi.
– Nên tìm hiểu trước để quyết định thuê khách sạn khu phố Tây hay khu phố cổ. Khu phố Tây hiện đại, thoáng rộng, khu phố cổ ô nhiễm hơn (phần lớn bởi các xưởng thuộc da) nhưng đông vui tấp nập.
– Món ăn: nên thử món ăn đặc sản của vùng Bắc Phi là tajin, một loại món hầm trong niêu đất gồm thịt gà, bí đỏ, cùng các gia vị truyền thống, rất ngon.
– Đồ uống truyền thống của Marocco là trà bạc hà. Bạc hà tươi, bỏ nguyên nhánh vào ấm hoặc cốc và pha với rất nhiều đường.
– Một điều vô cùng quan trọng là khi đến một đất nước Hồi giáo, nên nhớ rằng luật lệ của họ rất hà khắc, nên tìm hiểu trước một số quy định, những điều cấm kỵ để tránh vi phạm, có thể dẫn tới những hậu quả khó lường hoặc mất vui cho cả chuyến đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét