Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

(THVL) Đến Indonesia tham gia lễ hội Pasola

Vào những ngày cuối tháng 2, tại một vùng quê xa xôi trên đảo Sumba của Indonesia diễn ra một lễ hội đặc sắc. Trong lễ hội này những người đàn ông cưỡi trên lưng ngựa ném những cây lao vào đối phương, tất nhiên là chúng không có tính sát thương. Người nào ngã ngựa sẽ bị tính là thua cuộc. Đây là lễ hội Pasola mang ý nghĩa cầu mong một vụ mùa mới bội thu.
Đảo Sumba nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 1.400 km về phía đông, thuộc tỉnh Nusa Tengarra. Hòn đảo này rộng 11.000 cây số vuông với số dân 350.000 người, được biết đến với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời đặc trưng, góp phần tạo nên tính đa dạng trong văn hóa Đông Nam Á. Cư dân đảo chủ yếu sống bằng nghề nông, chăn nuôi gia súc và buôn bán nhỏ. Hầu hết người Sumba ngày nay theo Công giáo dù họ vẫn giữ tín ngưỡng Marapu truyền thống.
Do lượng mưa trên đảo rất ít nên nước khá khan biếm, nhưng các loài côn trùng phá hoại thì nhiều. Chúng là mối đe dọa của những người làm nông. Từ lâu, người dân địa phương đã hình thành những nét văn hóa đặc trưng của mình.
Những người phụ nữ nơi đây vẫn giữ truyền thống dệt thảm đặc trưng của họ. Mỗi tấm thảm được dệt những hoa văn mang đậm nét văn hóa của người Sumba. Hầu hết hoa văn trên thảm là những câu chuyện kể về những chiến công hiển hách của tổ tiên họ. Trong số đó có hình ảnh những người đàn ông cưỡi ngựa tham dự lễ hội Pasola. Theo đó, những gì diễn ra trong quá khứ đều được họ tái hiện trong lễ hội ngày nay.
Theo người Sumba thì ngựa chính là con vật mà họ yêu mến nhất. Chúng đã gắn liền với cuộc sống của họ từ rất lâu. Vào thời xa xưa, trong các cuộc chiến thì ngựa là người bạn chiến đấu anh dũng nhất của họ. Chúng có mặt trên đảo từ thế kỷ thứ XIII. Do dân trên đảo ít khi tiếp xúc với những dân tộc khác nên ngựa của họ không được huấn luyện tốt như những giống ngựa khác. Ở đây, những người nào cưỡi ngựa giỏi được cho là có khả năng huấn luyện ngựa.
Truyền thuyết của người Sumba kể rằng, xưa có 3 anh em cùng sống trong ngôi làng Waiwuang do người anh tên Umbu Dula đứng đầu. Một ngày nọ, họ nói rằng đi đánh cá, nhưng thực chất lại sang tận một ngôi làng xa gặt lúa và bặt vô âm tín. Dân làng lo lắng, đổ xô đi tìm nhưng thất vọng. Sau đó, vợ của Umbu Dula tên là Rambu Kaba đem lòng yêu thương một người đàn ông khác tên Tedo Gai Parana ở làng Kodi lân cận. Bỗng một hôm, ba anh em của họ trở về. Mọi người mừng rỡ, song Umbu Dula buồn bã vô cùng. Anh cùng dân làng đi tìm vợ. Gặp lại chồng cũ, Rambu Kaba mừng rỡ nhưng cô cảm thấy xấu hổ nên từ chối việc quay về. Theo phong tục địa phương, người chồng mới của cô phải trả cho Umbu Dula nhiều trâu bò, gấm vóc, các thanh lao và nhất quyết phải có các con sâu biển làm lễ vật.
Do lũ sâu biển chỉ kéo về đảo Sumba vào khoảng tháng 2 và tháng 3 nên dân làng Kodi quyết định tổ chức nhiều trò chơi vào thời gian này. Họ mời dân làng Waiwuang cùng tham gia với hy vọng làm vơi đi nỗi buồn của Umbu Dula và mối thù hằn giữa hai làng sẽ chấm dứt. Từ đó lễ hội Pasola ra đời. Lễ hội này diễn ra vào dịp bắt đầu mùa vụ mới nên người ta cũng cầu có được một vụ mùa tươi tốt.
Hằng năm, vào những ngày cuối tháng 2, những người Sumba sống xa nhà thường trở về quê để tham dự lễ hội Pasola.
Vào buổi sáng sớm của ngày diễn ra lễ hội, vị thầy cúng chủ lễ và đoàn tùy tùng sẽ ra bờ biển khấn cầu thần thánh theo nghi thức của tín ngưỡng Marapu. Tại đây, họ giết một con gà ác để tế lễ, rồi dùng tim gà đoán “thông điệp” của thánh thần để xem liệu lễ hội Pasola có được phép tiến hành hay không. Nếu mọi việc suông sẻ, họ cùng nhau lao xuống biển bắt những con sâu biển nhiều màu sắc mang về khai hội.

Trung tâm của lễ hội Pasola là cuộc đấu phóng lao trên lưng ngựa của cánh nam giới. Các chiến binh đã được lựa chọn khắt khe, họ phải là những tay cưỡi ngựa điêu luyện và có tài phóng lao cừ khôi. Mỗi làng sẽ có một đội tham gia thi đấu với số lượng chiến binh lên đến hàng trăm người. Khi chơi, họ phi ngựa, tay cầm những chiếc lao bằng gỗ, mắt lúc nào cũng phải quan sát kỹ để phóng lao trúng vào đối phương, đồng thời phải tránh những chiếc lao của người khác. Theo luật chơi, họ không được phóng lao vào những người đã ngã ngựa, người đi dưới bãi cỏ, và đặc biệt là nếu bị phóng trúng vào người thì không được trả thù.
Lễ hội thường kéo dài hàng giờ do các tay chơi đều thiện nghệ, chỉ kết thúc khi những chiếc lao đã được dùng hết trong cuộc chiến. Bên nào có số người bị lao phóng trúng nhiều hơn sẽ thua cuộc.
Vào thời trước, người ta phóng lao thật, và lễ hội chỉ thực sự kết thúc khi có một ai đó đã đổ máu. Khi ấy, người Sumba tin rằng, máu của chiến binh rơi trong lễ hội Pasola là những giọt máu thiêng, có chức năng giúp tạo nên sự phồn thịnh của đất mẹ.
Pasola xuất phát từ chữ sola hoặc hola có nghĩa là chiếc lao gỗ. Theo những gì mà người Sumba tin thì việc các chiến binh trong lễ hội phóng lao vào nhau thể hiện sự tôn kính đối với Đấng Marapu – tổ tiên của người Sumba trên thượng giới. Theo họ, lễ hội Pasola rất quan trọng vì là dịp mọi người cùng nhau tạo nên sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sống của nhau. Ngoài ra, lễ hội còn thể hiện tín ngưỡng phồn thực cổ xưa đã có ở Sumba từ nhiều thế kỷ trước.
Khi lá cờ được phất lên, đó là lúc lễ hội kết thúc. Các chiến binh và những người tham dự lễ hội trở về nhà. Các chiến binh chiến thắng trong lễ hội năm nay sẽ tiếp tục rèn luyện chuẩn bị cho lễ hội Pasola vào năm tới – một lễ hội mang đậm nét văn hóa của người Sumba.
Hồng Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét