Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

(THVL) Phố mua sắm – văn hóa thương mại của Nhật Bản

Phố mua sắm là cụm từ mà người Nhật dùng để gọi những khu chợ được hình thành từ các cửa hàng nằm san sát nhau hai bên đường. Theo qui định của chính phủ, phố mua sắm phải có từ 30 cửa hàng trở lên mới được cấp phép hoạt động.
Thông thường, các cửa hàng tại phố mua sắm là những căn nhà lầu, tầng trệt dùng để kinh doanh còn những tầng trên dùng làm nơi ở.
Khu phố mua sắm cũng là một nét văn hóa ở Nhật
Đặc trưng của phố mua sắm ở Nhật Bản là mỗi cửa tiệm kinh doanh một mặt hàng độc lập, nhiều cửa tiệm kết hợp lại với nhau tạo nên sự đa dạng về chủng loại hàng hoá. Phố mua sắm là nơi đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng, từ rau dưa, hoa quả đến thức ăn chế biến sẵn và cả quần áo, giày dép.
Hiện nay, trên khắp nước Nhật có tổng cộng 13.000 khu phố mua sắm lớn nhỏ đang hoạt động. Bên cạnh các khu phố mua sắm ngoài trời, cũng có những khu phố mua sắm được thiết kế mái che để tạo sự thuận lợi, thoải mái cho cả người bán và người mua.
Một khu phố mua sắm có mái che
Với khu phố mua sắm có mái che bên trên lối đi, khách hàng không phải ngại cảnh trời mưa tầm tả hay tuyết rơi buốt giá và chủ cửa hàng kinh doanh cũng không phải lo sợ hàng hoá ế ẩm vào những ngày thời tiết xấu.
Nhằm thu hút khách, theo truyền thống, các cửa hàng mới khai trương tại phố mua sắm thường tổ chức chương trình quay số trúng thưởng. Giải thưởng là những tặng phẩm nho nhỏ nhưng đôi lúc cũng có cả những mặt hàng điện tử, gia dụng đắt tiền.
Sau khi đã dạo một vòng quanh phố mua sắm, khách hàng thường cảm thấy đói, lúc này thì các cửa hàng ăn uống là điểm dùng chân của họ. Do diện tích nhỏ hẹp nên cửa hàng ăn không bày biện bàn ghế phục vụ tại chỗ mà chỉ bán các loại thức ăn nhanh.
Phố mua sắm có tên gọi Sunamachi Ginza toạ lạc ngay tại trung tâm thủ đô Tokyo. Phố mua sắm Sunamachi Ginza dài 670 mét, có tổng cộng 180 gian hàng. Đây là một trong những khu phố mua sắm lâu đời ở Nhật.
Cổng vào phố mua sắm Sunamachi Ginza
Thế mạnh của phố Sunamachi Ginza là các mặt hàng nông sản tươi mới 
Khách hàng thân thiết của khu phố mua sắm này là các bà nội trợ bởi thế mạnh của khu chợ này là các loại rau củ quả tươi mới mà giá lại rất rẻ so với những nơi khác. Trung bình mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt khách là cư dân địa phương và khách du lịch đến với nơi đây.
Phố mua sắm Sunamachi Ginza không chỉ hấp dẫn khách hàng nhờ các cửa hàng rau củ và hải sản mà lực hút của nó còn tỏa ra từ những gian hàng phục vụ thức ăn chế biến sẵn. Mọi người sẽ khó lòng cưỡng nổi mùi thơm lừng của món gà nướng Yakitori đang bốc khói nghi ngút trên bếp than nóng. Mỗi xâu gà nướng yakitori có khoảng 10 lát thịt gà mỏng được bán với giá 100 yên.
Cửa hàng chuyên bán các món ăn tẩm bột chiên Tempura cũng là địa điểm thu hút nhiều thực khách. Có nhiều loại tempura gồm tempura hải sản làm từ tôm, mực, cá đến tempura rau củ chế biến từ cà tím, măng tây. Giá của chúng dao động từ 70 yên, tức 18 ngàn đồng Việt Nam, đến 150 yên – khoảng 40 ngàn đồng.
Kế đến là cửa hàng chuyên bán các món lẩu. Món ăn này rất được người Nhật ưa chuộng vào những ngày lạnh. Lẩu cũng có nhiều loại khác nhau tùy nguyên liệu chế biến, trong đó lẩu củ cải trắng, lẩu đậu hủ, lẩu trứng và lẩu cá rất đắt khách. Giá mỗi phần lẩu nóng hổi trung bình từ 50 yên đến 100 yên.
Nếu khách hàng muốn bữa ăn bớt ngán, họ có thể ghé cửa hàng bán thực phẩm lên men. Có nhiều loại dưa chua được bày bán tại đây.
Tóm lại, đến với phố mua sắm Sunamachi Ginza, khách hàng chỉ cần bỏ ra 1.500 yên, tương đương 400 ngàn đồng Việt Nam là có thể mang về nhà 8 loại thực phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày.
Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, phố mua sắm ra đời ở Nhật vào thế kỷ XVI.
Thời Chiến quốc Sengoku, các lãnh chúa phát động chiến tranh, giành quyền cai quản các địa phương. Họ xây dựng lâu đài riêng, xung quanh lâu đài là khu dân cư dưới quyền cai trị của họ. Được lãnh chúa bảo trợ, các khu dân cư phát triển nhanh chóng, chúng được gọi là Rakuichi Rakuza. Người dân sinh sống tại các khu dân cư này có nhiệm vụ phục tùng lãnh chúa, trai tráng tham gia vào đội quân của lãnh chúa. Thương mại hầu như được thực hiện theo hình thức tự cấp tự túc.
Tuy nhiên, một số lãnh chúa địa phương có tầm nhìn rộng, họ cho phép thương nhân nước ngoài giao dịch với Rakuichi Rakuza của họ. Kết quả là những khu mua bán hình thành, thương mại tại những khu dân cư này phát triển hưng thịnh. Kinh tế dư dả, đời sống tinh thần của người dân phong phú, từ đó, thế lực của lãnh chúa cũng hùng mạnh hơn.
Đến thời Edo, hoạt động của các khu phố mua sắm bước vào giai đoạn phát triển.
Sau thời gian dài nội chiến giữa các lãnh chúa, thời Edo là giai đoạn hòa bình, cuộc sống của người dân trở nên sung túc, họ bắt đầu những chuyến đi du lịch, hành hương dài ngày. Nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách thập phương, những cửa hàng kinh doanh thực phẩm, vật dụng thiết yếu và nhà trọ mọc lên như nấm ở khu vực gần các đền thờ và điểm du lịch nổi tiếng.
Các cửa hàng này thường tập trung lại với nhau thành một dãy phố để dễ mua bán. Hình thức đó được duy trì đến ngày nay, người Nhật gọi đó là các khu phố mua sắm. Vào thời Edo, hoạt động của phố mua sắm gắn liền với cuộc sống của người dân, số lượng các khu phố mua sắm gia tăng mạnh mẽ.
Đến thời Minh Trị, từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, kinh tế phát triển, dân số của Nhật cũng gia tăng nhanh chóng. Thêm vào đó, mạng lưới đường sắt được phủ khắp cả nước, hàng hóa lưu thông dễ dàng, đó là điều kiện thuận lợi để hàng loạt khu phố mua sắm mới ra đời. Giai đoạn này là thời hoàng kim trong lịch sử phố mua sắm Nhật Bản.
Thế nhưng, đến Chiến tranh Thế giới Thứ 2, nước Nhật bị ném bom dữ dội, phần lớn các khu phố mua sắm tại những thành phố lớn bị phá hủy.
Sau chiến tranh, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, hoạt động mua bán cũng bị ảnh hưởng. Hàng hoá khan hiếm, mọi người họp chợ ngoài trời, ngay trên nền đất vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Cửa hiệu không còn, người bán tận dụng những tấm ván hoặc tấm bạt nhỏ để trưng bày hàng hoá, thức ăn chào mời khách. Hoạt động mua bán như thế tiếp tục được duy trì trong một thời gian dài với niềm hy vọng rằng những khu phố sung túc trước đây sẽ được hồi sinh.
Hy vọng đó đã trở thành hiện thực khi chỉ 2 thập niên sau chiến tranh, Nhật Bản từ đống đổ nát đã vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển thần tốc. Các khu phố mua sắm được xây dựng lại khang trang hơn, nhộn nhịp hơn. 
Tuy nhiên, không nằm ngoài qui luật phát triển, các khu phố mua sắm của Nhật Bản gần đây đang đối mặt với một vấn đề mới.
Tại trung tâm thành phố Takamatsu thuộc tỉnh Kagawa nằm trên đảo Shikoku miền Nam Nhật Bản có một khu phố mua sắm khá nổi tiếng đã tồn tại cách nay hơn 400 năm. Nó có tên gọi Marugamemachi. Tổng chiều dài của khu phố là 470 mét, có 160 cửa hàng kinh doanh hoạt động tại đây. Doanh thu của khu phố này trong thời kỳ hưng thịnh lên đến 27 tỷ yên, tương đương 350 triệu đô-la Mỹ mỗi năm.
Tuy nhiên, đến nửa sau thập niên 1980, khi cây cầu Seto nối liền đảo Shikoku và Honshu được xây dựng hoàn tất, giao thông trở nên thuận lợi, hàng hóa tấp nập đến đảo Shikoku, siêu thị và trung tâm thương mại mọc lên ồ ạt. Trong cuộc đua này, khu phố mua sắm Marugamemachi là kẻ thua cuộc, khách hàng không còn mặn mà với hình thức mua bán tại chợ truyền thống, họ muốn đến siêu thị để được hưởng cung cách phục vụ mới mẻ ở đây.
Trước thực trạng này, những người quản lý phố mua sắm Marugamemachi bắt đầu thảo luận giải pháp vực dậy hoạt động thương mại lâu đời này. Hiệp hội Đẩy mạnh phát triển Phố mua sắm Marugamemachi được thành lập, các thành viên của hiệp hội có nhiệm vụ đi khảo sát tại các khu phố mua sắm trong nước và ở châu Âu để tìm hướng giải quyết vấn đề.
Sau một thời gian đi thực tế, họ nhận ra rằng, Marugamemachi và hầu hết các khu phố mua sắm ở Nhật có một điểm chung là chủ cửa hàng cũng là chủ đất, họ kinh doanh trên đất của họ. Mỗi cửa hàng được xây dựng theo một cách riêng tuỳ mục đích kinh doanh. Do không có quy hoạch thống nhất và thiếu sự quản lý chung nên kết quả là các cửa hàng không thể cạnh tranh với những khu thương mại cao cấp.
Khi đã hiểu được vấn đề, ban quản lý phố mua sắm Marugamemachi bắt đầu lập ra kế hoạch hành động. Họ thuyết phục tất cả các chủ đất tham gia thành lập công ty phố mua sắm, các chủ đất trở thành cổ đông. Một dự án xây dựng mới cũng được đề ra nhằm thay đổi diện mạo của khu phố mua sắm. Đầu tiên là mở rộng lối đi của phố mua sắm, nền gạch được lót lại, trồng cây hai bên đường để tạo không khí thoáng đãng. Kiến trúc của các cửa hàng được thiết kế lại theo phong cách hiện đại.
Khi trở thành cổ đông của công ty, nhiều chủ cửa hàng trước đây không còn kinh doanh nữa, thay vào đó, phần đất của họ được cho thuê. Điều này tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất trên khắp cả nước mở cửa hàng của họ tại khu phố mua sắm. Nhờ vậy, hàng hoá tại Marugamemachi trở nên đa dạng và hấp dẫn khách hàng.
Sự thay đổi diện mạo của khu phố mua sắm đã tạo nên bước đột phá. Hiện nay, số cửa hàng tại đây đã tăng gấp 3 lần và lượng khách hàng đến mua sắm mỗi ngày tăng gấp 5 lần so với giai đoạn trước đổi mới.
Dự kiến, trong thời gian tới, người ta sẽ xây dựng bệnh viện và căn hộ ngay tại khu phố mua sắm Marugamemachi. Đây sẽ là một kiểu mẫu mới cho khu phố mua sắm hiện đại ở Nhật Bản, một sự cách tân cần thiết trong cuộc chiến để tồn tại và phát triển.
Một hình thức đổi mới khác cũng đang diễn ra khu phố mua sắm Ibento ở thành phố Hirakata thuộc tỉnh Osaka. Khu phố mua sắm này là nơi hấp dẫn các bạn trẻ. Không được quy hoạch cụ thể như khu phố mua sắm Marugamemachi, tại Ibento, các chủ cửa hàng tự tìm cách đổi mới trong kinh doanh.
Các cửa hàng ở Ibento liên kết với nhau để tổ chức những sự kiện mai mối hôn nhân cho các bạn trẻ có nhu cầu. Sáng kiến này đã nhận được sự đón chào nồng nhiệt của giới thanh niên. Trung bình cứ 5 trong số 6 người được mời tham gia sự kiện đều đồng ý. Thường thì, mỗi buổi mai mối như thế, các cửa hàng ăn uống ở Ibento đón tiếp khoảng 200 bạn trẻ. 
Cùng với các sự kiện mai mối, khu phố thương mại Ibento không thể thiếu những tờ quảng cáo về dịch vụ tổ chức lễ cưới. Nếu các bạn trẻ chọn Ibento để cử hành hôn lễ, họ sẽ nhận được nhiều quà khuyến mãi hấp dẫn kèm theo. Đó có thể là bức ảnh cưới làm kỷ niệm hoặc một cặp nhẫn cưới với giá phải chăng.
Bên cạnh dịch vụ mai mối, cưới hỏi, ở Ibento cũng có những cửa hiệu làm đẹp cho nam giới. Các cửa hiệu này đưa ra hình ảnh tiếp thị cùng bảng giá rất cụ thể.
Nổi tiếng là nơi tổ chức sự kiện mai mối, sau đó là dịch vụ cưới nên phố mua sắm Ibento là điểm đến của những khách hàng đặc biệt. Họ có thể là những đôi yêu nhau hoặc chỉ là những cặp mới gặp gỡ, sự có mặt của họ đã giúp khu phố mua sắm này được duy trì và phát triển.
Tuy nhiên, không phải khu phố mua sắm nào ở Nhật cũng có thể trụ vững trước cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét