Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Ấn Độ ngọt ngào và gay cấn (III)

Và bạn phải học cách dũng cảm để kiên quyết giữ giá và quay mặt đi trước ánh mắt van vỉ, làm bộ tuyệt vọng của họ. Tuy nhiên trò chơi tàn nhẫn này thực sự rất hấp dẫn và thường có kết cục có hậu cho cả hai phía.



Agra yêu kiều
Nếu như Varanasi mãnh liệt thì Agra yêu kiều và ngăn nắp. Trên mọi con đường của thành phố nhỏ bé này, bạn luôn nhìn thấy Taj Mahal ẩn hiện sau màn sương mờ.

Bạn không nhất thiết phải trả 20USD để được ngắm Taj Mahal thật gần. Có một điểm ngắm bí mật sau lưng cổng chính, ở bên kia con hào ngăn cách Taj Ma-hal. Những người nghèo có thể ngắm Taj Mahal mỗi ngày ở đây, sau hàng rào dây thép gai, với vẻ đẹp vẹn nguyên và không phải trả phí.

Dân Agra cũng là những người Ấn tử tế và hiền hậu nhất mà chúng tôi gặp. Chủ nhà ngay cạnh khách sạn cho chúng tôi mượn những bộ sari và thích thú ngắm chúng tôi “ngụy trang” thành người Ấn. Sari kín đáo nhưng gợi cảm, khoe khéo một bên eo của phụ nữ Ấn. Sau Agra, chúng tôi đến Jaipur, thành phố còn được biết đến với cái tên “Pink city”.

Thành phố hồng
Jaipur nhỏ bé, sạch sẽ và thơ mộng nên rất nhiều khách du lịch chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi. Theo lời anh chàng lái xe auto-rickshaw lém lỉnh thì sở dĩ thành phố có màu hồng vì xưa kia, hoàng hậu của vị vua trị vì Jaipur vốn rất thích màu hồng, nên ông đã quyết định cho sơn hồng cả thành phố.

Tuy nhiên theo wikipedia, Jaipur được sơn hồng vào năm 1853 để chào mừng chuyến viếng thăm của hoàng tử xứ Wales, rất không liên quan! Nhưng ai mà biết được, có thể người ta phải ghi lại như thế cho… lịch sự, tôi vẫn thích tin anh chàng lái xe hồn nhiên kia hơn!

Jaipur còn nổi tiếng về đá quý. Chúng tôi gặp một anh chàng người Pháp đang ở trọ ở đây để học nghề kim hoàn. Theo tấm danh thiếp của tiệm kim hoàn nơi anh chàng học việc, chúng tôi đến và tha về một xâu nhẫn bạc gắn đá.
Thành phố Jaipur. Ảnh: Internet
Thành phố Jaipur. Ảnh: Internet
Jaipur còn là thiên đường của túi và khăn. Bạn được đón tiếp như bà hoàng trong những cửa tiệm trên phố. Những người chủ tiệm chạy đến xin xoe “Madam, Madam” và mời bạn vào shop, ấn bạn ngồi xuống ghế và bắt đầu trải ra trước mắt bạn cơ man khăn khố, túi xách.

Và bạn phải học cách dũng cảm để kiên quyết giữ giá và quay mặt đi trước ánh mắt van vỉ, làm bộ tuyệt vọng của họ. Tuy nhiên trò chơi tàn nhẫn này thực sự rất hấp dẫn và thường có kết cục có hậu cho cả hai phía. Bạn mua được cả mớ đồ rẻ (chỉ tầm 30.000-60.000d cho một tấm khăn lụa hay túi thổ cẩm) và những người bán hàng thì cứ “thank you madam” không dứt.

Trải nghiệm kinh hoàng

Nhưng Jaipur cũng là nơi chúng tôi có trải nghiệm kinh hoàng nhất. Người chủ nhà nghỉ trở mặt khi thanh toán phòng, yêu cầu phải thanh toán nhiều hơn số tiền đã thỏa thuận. Ông này cho nhân viên ra chặn xe khi chúng tôi rời khách sạn và kêu gào rằng chúng tôi quỵt tiền.

Đến tối, khi chúng tôi trên đường ra bến xe để đi New Delhi thì người lái xe đột ngột thông báo chủ nhà nghỉ gọi điện và yêu cầu anh ta đưa chúng tôi ngược trở về khách sạn, nếu không họ sẽ nói với cảnh sát rằng chúng tôi lừa đảo.

Tuy nhiên, một nhân viên ngân hàng của Ấn Độ nói rằng sẽ không có chuyện đó xảy ra vì ông này “có tiếng” trong thành phố về chuyện lừa phỉnh khách và cảnh sát luôn bảo vệ quyền lợi của khách du lịch.

Dù sao cả nhóm vẫn được một phen đau tim vì ở Ấn Độ, người dân được phép sở hữu súng và biết đâu tên chủ nhà nghỉ nọ lại chẳng là một trùm mafia.
NOTE CHO CHUYẾN ĐI ẤN ĐỘ CỦA BẠN
Phượt Ấn Độ rất đã, bởi chuyến đi thực sự rất thử thách. Một chuyến đi giúp bạn cảm nhận được rất nhiều điều về mối quan hệ giữa người với người và tình nhân loại. Mọi chi phí cũng rẻ vô cùng, chúng tôi đã phượt 9 ngày qua 5 thành phố với 350 USD. Và một số tip nhỏ cho bạn nhé:

-Book vé giá rẻ với Air Asia cho hành trình Hà Nội – Bangkok – Kolkata/Mumbai/New Delhi, hoặc bay từ Bangkok đi Kolkata với Air India Express.
-Must-have: ví belt-wallet. Những tên trộm Ấn Độ được ví như “tiến sỹ trong nghề móc túi”.
-Tết Ấn Độ vào khoảng giữa tháng 2. Trong dịp này mọi người sẽ ném những quả bóng chứa sơn nhiều màu vào người nhau.
-Nếu bạn muốn khám phá Tây Tạng thì không nhất thiết phải sang Trung Quốc. Dharamshala ở Ấn Độ là thủ phủ của người Tây Tạng lưu vong.
-Mặc cả, mặc cả và mặc cả, với tất cả mọi thứ! Hãy dũng cảm “chọn giá đúng” vì giá cả ở Ấn Độ rẻ vô cùng.
- Đi lại trong thành phố bằng auto-rickshaw và yêu cầu tài xế bật và tính tiền theo đồng hồ cước phí. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều so với taxi.
-Đi lại giữa các thành phố nên chọn buýt hơn là tàu. Xe buýt ấm hơn, thoải mái hơn, rẻ hơn và thường chạy nhanh hơn.
-Cuối cùng, đừng quên LONELY  PLANET!
Nam Phương

Phương Lan (Bài đăng trên Người Đẹp Tết Tân Mão)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét