Hoa tử vi, loài hoa đặc trưng cho phong cảnh bang Virginia mùa hè.
Nơi biển trời yên ả
Đến biển báo hiệu vào địa phận thành phố Pocomoke, xe rẽ trái, giảm tốc độ. Cung đường nhánh dài chưa tới 40km này xuyên qua Pocomoke, dẫn đến hòn đảo Chincoteague Island còn khá hoang sơ. Nằm dọc hai bên bờ con sông cùng tên, thành phố Pocomoke rất yên tĩnh, trong lành. Nhà cửa phố xá được cây cối phủ rợp bóng mát, những chiếc du thuyền cỡ nhỏ trắng toát nhàn tản neo đậu trên bến sông.
Một khúc sông Pocomoke.
Để đến đảo Chincoteague xe chúng tôi phải đi qua cây cầu dài 7km bắc ngang qua eo biển, hai bên cầu là nước bạc và đầm lầy. Nước trong đến mức nhìn thấy rõ rong rêu phía dưới. Xa xa là những đụn cỏ và lau sậy trồi lên giữa trời nước mênh mông. Lan can cầu khá thấp, chỉ cần lạc tay lái cả người và xe có thể sẽ nhào xuống biển trong chớp mắt! Nguy hiểm vậy nên tài xế lái rất chậm. Được cái phong cảnh quá đẹp nên càng đi chậm, mọi người càng thích thú.
Gần đến hết cầu, Chincoteague hiện ra với chim bồ câu bay đầy trời và đàn cò trắng đứng ung dung dưới mép nước trong xanh. Hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn ở đây cũng chẳng khác gì cánh cò ở Việt Nam. Một trong những biểu tượng của hòn đảo yên tĩnh này là cò, bên cạnh hoa tử vi và loài ngựa hoang.
Cầu gỗ ngắm cảnh ở Chincoteague.
Hoa tử vi.
Qua khỏi cầu rẽ phải một đoạn, xe tới đường Main, khu phố chính của đảo nhìn ra eo biển. Đường chính rất dài và hẹp, hai bên có những dãy cửa hàng buôn bán khá sầm uất. Bồ câu hàng đàn sà xuống kiếm ăn, thân thiện với du khách ngồi trên ghế đá dọc hai bên phố, nhiều con cứ lẩn quẩn bên chân người bằng những bước nhảy thật dễ thương. Vỉa hè ở đây rộng thênh thang, lát gạch hoa rất sạch và trước mỗi cửa hàng đều có bồn hoa. Nhiều nhất vẫn là hoa tử vi từng chùm lớn bằng vành nón lá đan xen nhau, màu hồng đậm, hồng nhạt, đỏ tươi… rực rỡ một vùng trời. Dân đảo đa số lớn tuổi, sống bằng nghề biển. Dọc hai bên eo biển có hàng ngàn tàu đánh cá lớn nhỏ và lác đác những chiếc thuyền câu.
Một đoạn cầu vượt eo biển ra đảo.
Cầu vượt ra đảo trong ánh hoàng hôn.
Lễ hội của đàn ngựa lưu lạc
Chúng tôi đến Chincoteague đúng lúc đảo đông vui nhộn nhịp nhất. Tháng Tám ở đây năm nào cũng có hội chợ đua ngựa và lễ hội ngựa bơi. Cách đây hơn mười năm, Chincoteague còn là hòn đảo xa vắng giữa một vùng biển quê hẻo lánh ít người biết tới. Nhờ du lịch phát triển, các khách sạn, resort mới mọc lên như nấm dọc đường Main. Dù vậy Chincoteague vẫn giữ được nét hoang sơ. Đảo đẹp và buồn vì chừng 9 giờ tối ngoài đường chẳng còn ai qua lại.
Dãy nhà nghỉ trên đảo Chincoteague.
Hội chợ ngựa và lễ hội ngựa bơi là hai sự kiện lớn diễn ra sát nhau hằng năm trên đảo, có truyền thống từ gần thế kỷ nay. Hội chợ ngựa bao gồm triển lãm những chú ngựa non và mua, bán vật dụng, tranh ảnh, quần áo cưỡi ngựa. Dạo quanh pony gift shop (cửa hàng bán vật dụng liên quan đến ngựa con), chúng tôi ai nấy hoa mắt: Hàng hóa liên quan đến ngựa đa dạng ngoài sức tưởng tượng và giá đắt kinh người. Giá đắt có phần vì mọi mức thuế trên đảo đều rất cao, phần vì thú chơi ngựa con gần như chỉ dành cho giới có tiền. Cưỡi ngựa con là thú vui kiêm môn thể thao thời thượng của trẻ em nhà giàu nước Mỹ.
Sau triển lãm, lễ hội ngựa bơi qua eo biển còn hấp dẫn hơn nữa. Gần sát Chincoteague có đảo Assateague hoàn toàn không có người ở. Đây là nơi khoảng trăm năm trước người ta tìm thấy một đàn ngựa lớn mấy trăm con. Có giả thuyết cho rằng đàn ngựa này lên đảo cùng với những người Tây Ban Nha sống sót trong một vụ đắm tàu thế kỷ XVII. Sau mấy trăm năm sống trên đảo hoang, đàn ngựa trở thành ngựa hoang. Do đảo Chincoteague chỉ cách đảo Assateague bởi một eo biển hẹp nên những người dân đầu tiên định cư tại Chincoteague hồi đầu thế kỷ XX đã phát hiện đàn ngựa, đưa chúng về nơi mình ở và hình thành nên một lễ hội độc đáo.
Đàn ngựa bơi qua eo biển và chạy đua về trung tâm Chincoteague.
Từ năm 1924 trở đi cứ vào tháng Tám, khoảng 150 con ngựa tại Chincoteague lại được đưa sang đảo Assateague bằng xà lan. Vào ngày diễn ra lễ hội, các tình nguyện viên với biệt danh “Cao bồi nước mặn” sẽ cho cả đàn ngựa bơi qua eo biển nằm giữa Assateague và Chincoteague. Kết thúc màn bơi lội, đàn ngựa sẽ diễu hành tới khu lễ hội và cuối cùng được bán đấu giá. Những con giá cao nhất tất nhiên là những con bơi nhanh nhất. Con nào quá nhỏ hay đuối sức trong quá trình bơi được đưa lên xà lan chở qua đảo rồi mới tiếp tục chạy đua trong thị trấn.
Mấy ngày diễn ra lễ hội dọc hai bên con đường chính trên đảo chật ních người và ngựa. Sự nô nức, hồ hởi của những tay huấn luyện ngựa thành công, bán ngựa được giá khiến bầu không khí như nóng lên. Các màn đấu giá ngựa cũng cực kỳ gay cấn. Nhiều triệu phú nước Mỹ đổ về đây sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho chú ngựa yêu thích. Sau những rộn ràng, tưng bừng của lễ hội ngựa, cái đọng lại trong lòng chúng tôi còn là nét hiền hòa của đảo Chincoteague: Bạn muốn qua bên kia đường ư? Chỉ cần đứng giữa giao lộ, xe hai chiều sẽ ngừng lại hết để chờ bạn qua, người đi bộ không cần hối hả hay chờ đến đèn đỏ. Nếu lái xe, du khách có thể đậu xe trên vỉa hè để mua sắm hay ăn uống, miễn là đúng nơi quy định.
Một góc Chincoteague.
Một điều đặc biệt nữa là hòn đảo chỉ mấy ngàn dân này lại sở hữu một tiệm kem ngon hàng đầu nước Mỹ. Với thâm niên phục vụ các món ăn lạnh trên 40 năm, tiệm Island Creamery luôn nằm trong danh sách những tiệm kem được yêu thích nhất nước Mỹ. Tôi chỉ mới trải nghiệm được chưa đến mười tiệm kem ở nước này nên không dám nhận xét, nhưng phải công nhận là thực đơn đầy sáng tạo của Island Creamery sẽ làm hài lòng những ai thích cảm giác mới lạ.
Theo lời khuyên của sách hướng dẫn, tôi ăn thử một ly Iced Nirvana (kem cà phê espresso cùng với kẹo xoắn và chocolate chips) và được nửa ly Java Jolt (kem cà phê đắng cùng với bánh chocolate). Hương vị kem thơm ngon, cách kết hợp các vị tinh tế khiến Island Creamery đáng là nơi để dân mê đồ ngọt ghé vào.
Minh Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét