Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Khám phá thung lũng Lửa

8
Rời khỏi Las Vegas theo con đường I-15, lái xe đi chưa đầy một giờ đồng hồ thì chúng tôi tới Overton. Thị trấn này không có gì đặc biệt, xe chỉ dừng tại đây 15 phút cho mọi người mua thêm nước và trái cây. Năm phút sau, điểm đến hấp dẫn hàng đầu miền Nam Nevada mới bắt đầu hiện ra: Đó là công viên địa chất Valley of Fire – thung lũng Lửa.
    Tưởng mình lạc vào sao Hỏa
    Trước chuyến đi, một số người quen của cả nhóm đã tỏ ý ngăn cản. Nằm giữa vùng hoang mạc mênh mông, Valley of Fire trong tháng Sáu có những ngày nóng trên 40 độ C. Dân văn phòng quen máy lạnh như chúng tôi nghe thấy cũng hơi ớn. Nhưng thung lũng Lửa có cảnh quan như sao Hỏa này được xếp vào hạng National Natural Landmark của toàn nước Mỹ, vé vào cửa lại chỉ mất 10 USD cho một chiếc xe, không đi kể ra hơi phí!
    Đường đến thung lũng Lửa.
    Chặng đường từ thủ đô cờ bạc đến đây cảnh quan chẳng mấy hấp dẫn. Hai bên đường toàn màu xam xám của những cành cây khô sắp héo vì nắng nóng. Chỉ khi đến Overton, thị giác của mọi người mới được đánh thức bởi rặng núi rực đỏ hiện ra trước mắt. Trên nền trời xanh thẳm, màu lửa cháy của những dãy núi và nắng vàng như mật càng khiến cho Valley of Fire như thuộc về một hành tinh khác.
    Có hai cổng chính để vào Valley of Fire: West Entrance và East Entrance. Bên trong thung lũng chỉ có hai con đường chính, Valley of Fire Highway đi từ đông sang tây, giao với Mouse’s Tank Road. Văn phòng Visitor Center tọa lạc ngay cổng cung cấp cho du khách đầy đủ thông tin về điểm đến. Ngoài ra, văn phòng cũng cập nhật kịp thời các đoạn đường nào bị đóng trong ngày hôm đó.
    Vừa qua khỏi cổng, chúng tôi đã thấy sững sờ trước những màu sắc rực rỡ và các đường nét điêu khắc gọt giũa rất lạ lùng của thiên nhiên. Thung lũng Lửa không quá lớn và hùng vĩ như Grand Canyon nhưng vẫn thu hút hàng triệu dân mê leo núi mỗi năm. Để khám phá hết vùng núi đá kỳ lạ này, dân trekking chuyên nghiệp thường mất trọn hai ngày.
    Sắc màu kỳ ảo ở thung lũng Lửa.
    Bao quanh thung lũng là dãy núi Muddy đỏ bầm trơ trụi như cảnh trên sao Hỏa. Hơn 500 triệu năm trước, thung lũng nằm dưới lòng biển và núi Muddy có chiều cao gần 3.000m. Trong thời gian 500 triệu năm này, gió, cát, nước, không khí, chuyển động của đất và tác dụng của khí trời đã tạo thành một “điệu luân vũ thiên nhiên”. Khổ nỗi vũ điệu của trời đất thay đổi liên hồi khiến núi xói mòn, biển khô cạn và đất bằng dâng lên.
    Qua khảo cổ địa chất, các nhà nghiên cứu biết được khung cảnh kỳ lạ trong thung lũng là do các tảng đá sa thạch (sandstone), đá vôi (limestone), đá phiến sét (shale), đá sỏi bị xô đẩy, va đập rồi kết nối lại với nhau từ khoảng 200 triệu năm nay, hiện quá trình trên vẫn đang tiếp diễn.
    Ngoài ra, người ta còn biết vào khoảng bốn ngàn năm trước, bộ tộc Gypsum là những con người đầu tiên đến Valley of Fire sinh sống. Bộ tộc này đã biến mất từ lâu, di sản văn hóa họ để lại là những nét vẽ in sâu trên vách đá đỏ. Có hình vẽ người vẽ thú rất đẹp, đa số hình khác thì chỉ nguệch ngoạc. Sau cái nắng như thiêu đốt ngoài trời, tìm được cái hang vừa mát, vừa có tranh vẽ của người tiền sử ai nấy đều cảm thấy thú vị.
    Hang động có dấu vết sinh sống của thổ dân xa xưa.
    Miền đá núi ngũ sắc
    Các thắng cảnh nằm gần Valley of Fire Highway có thể kể đến như là Beehive Point, Atlatl Rock, Arch Rock, Grand Piano, Face in the Wind, Seven Sisters, Elephant Rock. Chỉ chừng này thôi du khách cũng đã mất ít nhất nửa ngày trời đi bộ và leo non xuống núi. Nhưng cho dù có mệt thì chúng tôi lại được thiên nhiên đền bù bằng những bức tượng điêu khắc tuyệt hảo. Mọi người chụp hình nhiều nhất ở tảng đá hình con voi Elephant Rock. Sự bào mòn tự nhiên qua năm tháng đã tạo ra một chú voi đá khá sống động giữa hoang mạc.
    Khối đá hình con voi.
    Nhưng có lẽ các không gian thắng cảnh nằm hai bên con đường Mouse’s Tank Road mới chính là nơi mà chúng tôi cho là tuyệt vời nhất, chẳng hạn như Mouse’s Tank, Petroglyph Canyon, Rainbow Vista, Fire Canyon. Nhất là chặng đường White Dome Scenic Byway cho người xem thưởng ngoạn toàn thể không gian hướng bắc của Valley of Fire thật vô cùng ngoạn mục! Bao nhiêu bức ảnh cũng không thể diễn tả hết được nét đẹp của không gian ở đây. Các dãy núi với các màu sắc vàng hồng nhạt, màu đỏ lửa và màu xám xen kẽ tạo ra một không gian kỳ ảo, khiến người xem băn khoăn không rõ tại sao thiên nhiên lại vẽ ra được những tuyệt tác khó hiểu đến như vậy.
    Những vân đá tuyệt đẹp.
    Đáng nhớ không kém còn có không gian Fire Canyon (vực Lửa). Ðứng dưới đáy vực, mọi người phóng tầm mắt lên trên để thưởng ngoạn cả một không gian hẻm núi trắng vàng, xa xa là những ngọn núi nhọn đỏ ửng vươn lên bầu trời xanh mây trắng. Những hình ảnh nơi đây, làm nhiều người liên tưởng đến vùng Pamukale bên Thổ Nhĩ Kỳ với ngọn đồi trắng toát như tuyết vươn lên giữa trời xanh. Hiện tượng xói mòn triệu năm cũng đã tạo nhiều mái vòm tự nhiên lộng lẫy.
    Mạch nước hiếm hoi.
    Len lỏi qua hết vực Lửa, chúng tôi được khám phá những vòm đá tuy nhỏ nhưng không kém phần tráng lệ như Arch Rock hay Windstone Arch rất ăn ảnh, nhất là khi ánh nắng chói chang phản chiếu trên đá. Do ảnh hưởng nắng mặt trời lên các phiến đá, chúng tôi có được một trải nghiệm ảo giác sắc màu đáng nhớ qua những lớp “sơn sa mạc”, hình thành dưới tác động của mưa và sương trên bề mặt các vách đá, được thổ dân cổ xưa chăm chút thêm thành những bức tranh trên đá ngày nay.
    Hoàng hôn kỳ ảo.
    Dù phong cảnh rất đẹp và đa dạng, nhóm chúng tôi không dám đặt mục tiêu khám phá hết tất cả các điểm nổi bật trên tấm bản đồ lấy ở Trung tâm Thông tin. Đi bộ leo núi dưới trời nắng nóng khiến mọi người mất khá nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi. Trời càng về chiều, việc giữ sức càng trở nên quan trọng. Nhưng càng đi sâu vào thung lũng thì đá núi càng nhiều màu sắc, không chỉ riêng màu đỏ chói lóa nữa mà thêm cả vàng, trắng, hồng nhạt, màu nâu của con đường chính tạo nên một khung cảnh chưa từng thấy trong đời.
    Nếu không bắt gặp đàn dê núi lang thang, chúng tôi tưởng mình đang ở nơi nào đó ngoài Trái đất. Thỉnh thoảng bắt gặp vài bụi hoa dại cánh mỏng phơ phất, mọi người reo lên, như thể sự sống tồn tại được ở đây là điều gì đó kỳ diệu lắm. Sau này về nhà tìm hiểu mới biết trước đó không lâu, hoa xuân cũng nở rộ trên thung lũng Lửa. Hoa sa mạc màu sắc rất đẹp nhưng thường nhanh tàn. Hạt giống các loài hoa này thường nằm im lìm nhiều tháng hoặc nhiều năm và rất khó nhận biết. Chỉ khi nước mưa trút xuống cuốn trôi lớp vỏ bảo vệ, hạt giống mới nảy mầm.
    Đàn dê núi kiếm ăn giữa cái nắng nóng như đổ lửa.
    Mặt trời bắt đầu xuống núi, chúng tôi đi dựng trại nhóm lửa rồi chuẩn bị đón hoàng hôn. Chỗ cắm trại nằm dựa lưng vào đồi trông khá thơ mộng. Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở đâu có hoàng hôn mà đất trời đều màu sắc rực rỡ như vậy. Không chỉ có một màu đỏ cháy bỏng, cả trời, cả đất đều còn có màu cam, màu hồng, thậm chí màu tím pha trộn trông rất thích mắt. Miền núi non này mỗi màu là dấu ấn của một thời kỳ lịch sử. Trải qua hàng chục, hàng trăm triệu năm, các tầng địa chất tương tác, lúc bị đẩy lên lúc bị ép xuống và cuối cùng tạo ra bức tranh khảm tuyệt đẹp ngày nay.

    Minh Hoàng
    THEO DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN

    Không có nhận xét nào: