Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Dòng sông nóng nhất thế giới thuộc Peru

Peru, tên chính thức là Cộng hòa Peru, nằm ở Nam Mỹ, phía bắc giáp Ecuador và Colombia, phía đông giáp Brazil, phía đông nam giáp Bolivia, phía nam giáp Chile và phía tây Peru là Thái Bình Dương. Diện tích quốc gia khoảng 1.285.000 km2, dân số hơn 32,6 triệu, thủ đô là Lima.
Theo Telegraph, sông Boiling nằm sâu trong rừng nhiệt đới Amazon ở Mayantuyavu của Peru, là dòng sông nóng nhất thế giới. Người dân địa phương gọi sông là “Shanay-timpishka”, tức “sôi sục với sức nóng của Mặt Trời”.
Sông Boiling rộng khoảng 25 m và sâu 6 m nhưng chỉ kéo dài khoảng 6,4 km. Nhiệt độ nước sông luôn dao động từ 50 đến 90 độ C, có khúc tới 100 độ, đủ để khiến bất kỳ ai chạm vào dù chỉ vài giây cũng bị bỏng cấp độ3.
Nước sông Boiling có thể khiến con người bị bỏng nặng. Ảnh: Devlin Gandy
Nước sông Boiling có thể khiến con người bị bỏng nặng. Ảnh: Devlin Gandy
Năm 2011, nhà khoa học Andrés Ruzo đã tận mắt chứng kiến con sông này. Mirror thông tin anh Ruzo được nghe ông kể về Shanay-timpishka từ khi mới 12 tuổi. Theo những gì được kể lại, dòng sông là do người dân Tây Ban Nha phát hiện ra khi vào rừng sâu tìm vàng. Một số người trong đoàn khi quay trở lại nói vùng đất này nguy hiểm đầy nước độc, rắn ăn thịt người, đói khát, bệnh tật, một con sông sôi sục từ dưới đáy. Sau đó, anh còn được chính người dì của mình quả quyết đã nhìn thấy dòng sông.
Vốn đang học tiến sĩ địa chất tại Đại học Southern Methodist, Ruzo thực sự tò mò về dòng sông này. Anh tham khảo từ đồng nghiệp ở trường, các công ty dầu, khí đốt và khai thác mỏ, tất cả cho rằng dòng sông không có thật vì những sông hồ nước sôi trên thế giới thường có mối quan hệ với núi lửa. Trong khi Amazon hầu như không có dấu hiệu của núi lửa nào.
Mặc cho mọi giả thuyết bị phản bác, Ruzo vẫn quyết đi sâu vào rừng và lần được vị trí của dòng sông đã chữa bệnh cho người dân Ashaninka ở Mayantuyacu.
Dòng sông nước sôi tưởng chừng nằm ngoài thế giới nhưng Ruzo đã khám phá ra nó. Anh đã viết một cuốn sách về dòng sông này vào năm 2016 mang tên The Boiling River, Adventure and Discovery in the Amazon (tạm dịch là Dòng sông sôi, cuộc phiêu lưu và khám phá trong rừng rậm Amazon) với hy vọng cuốn sách sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng đến kỳ quan thiên nhiên có thật và để tâm bảo vệ nó trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ việc khai thác gỗ bất hợp pháp.

Nền quốc kỳ Peru có hai màu chủ đạo là đỏ và trắng

Quốc kỳ Peru gồm ba sọc thẳng đứng bằng nhau, trong đó hai sọc bên ngoài có màu đỏ, sọc giữa màu trắng. Theo World Atlas, màu đỏ tượng trưng cho sự hy sinh của những người yêu nước trong khi màu trắng tượng trưng cho hòa bình và công lý.
Với quốc kỳ chính thức được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia, văn phòng chính phủ, giữa nền cờ với ba sọc đỏ - trắng - đỏ là hình ảnh quốc huy với hai nhánh cây cọ và nguyệt quế uốn hai bên. Theo Britannica, quốc huy này được chia làm ba phần và cả ba biểu tượng trong đó đều tượng trưng cho niềm tự hào và sự giàu có của quốc gia.
Quốc kỳ chính thức được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia của Peru. Ảnh: Gtreview
Quốc kỳ chính thức được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia của Peru. Ảnh: Gtreview
Quốc kỳ Peru có nhiều biến thể tùy theo mục đích sử dụng. Ví dụ, lá cờ dân sự chỉ có các sọc đỏ - trắng - đỏ mà không có biểu tượng quốc huy ở trung tâm. Lá cờ hải quân là một hình vuông trắng có viền màu đỏ và quốc huy chính thức bên trong. Còn quân kỳ được quân đội và cảnh sát quốc gia sử dụng thì giống quốc kỳ nhưng không có hình ảnh hai nhánh cây quanh quốc huy.

Lạc đà vicuna là loài vật biểu tượng của Peru

Lạc đà vicuna chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người Peru và là biểu tượng quốc gia xuất hiện trên quốc huy, đồng tiền của nước này. Nó là một trong hai loài lạc đà hoang dã ở Nam Mỹ, sống ở vùng cao núi Andes và xuất hiện nhiều nhất ở Peru.
Trong lịch sử đế quốc Inca (Peru từng là một phần của đế quốc này), có khoảng hai triệu lạc đà vicuna sinh sống tại khu cao nguyên của dãy núi Andes. Người Inca thời xưa có luật lệ không ai được phép làm hại lạc đà vicuna và chỉ có giới quý tộc mới mặc quần áo bằng len dệt từ lông loài vật này. Lông loài này cho ra loại len thuộc hàng tốt nhất thế giới, chỉ thu hoạch 3-4 năm một lần sau nghi lễ được gọi là "chaccu".
Lạc đà vicuna. Ảnh: Youtube
Lạc đà vicuna. Ảnh: Youtube
Vào khoảng thế kỷ 16, lạc đà vicuna bắt đầu bị săn bắn nhiều vì đem lại giá trị kinh tế lớn khiến số lượng không ngừng suy giảm. Tới thế kỷ 20, áo choàng lông vicuna trở thành món đồ sang trọng ở Mỹ và châu Âu. Theo New York Times, nhà ngoại giao Felipe Benavides của Peru sau khi nghỉ hưu vào năm 1958 đã trở lại quê hương và nhận ra rằng số lượng lạc đà vicuna ở đây chỉ còn dưới 5.000 con và chúng dường như phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Trước tình hình đó, Chính phủ Peru đã xây dựng khu bảo tồn lạc đà vicuna đầu tiên mang tên Vườn bảo tồn quốc gia Pampa Galeras rộng khoảng 6.500 ha vào năm 1967 và đưa ra một loạt chính sách để bảo vệ loài vật này như cấm hoạt động thương mại. Việc bảo tồn lạc đà vicuna - biểu tượng quốc gia vẫn được Peru chú trọng đến ngày nay.

Machu Picchu là tàn tích thời Inca

Machu Picchu theo tiếng của người Inca có nghĩa là “Cổ Sơn”, thỉnh thoảng được gọi là “Thành phố đã mất của người Inca”, là khu tàn tích nằm ở độ cao 2.430 m giữa một khu rừng nhiệt đợi, cách thành phố Cusco của Peru khoảng 70 km. Machu Picchu đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1983.
Khu Machu Picchu. Ảnh: Peru for less
Khu Machu Picchu. Ảnh: Peru for less
Theo tài liệu của UNESCO, Machu Picchu được xây dựng vào thế kỷ 15 và đã bị bỏ hoang khi đế chế Inca bị chinh phục bởi người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Mãi đến năm 1911, khu phức hợp khảo cổ mới được biết đến rộng rãi sau khi được nhà khảo cổ Hiram Bingham khám phá ra.
Điểm nổi bật của khu di chỉ Machu Picchu là những bức tường với hàng nghìn viên đá xếp chồng lên nhau một cách hệ thống, chỉn chu mà không hề sử dụng chất kết dính nào. Thậm chí, người Inca cổ đại còn làm được những bức tường thành có đường cong mà khoảng cách giữa các khối đá vẫn rất kín kẽ.
Kiến trúc đặc biệt của Machu Picchu hòa cùng thiên nhiên tuyệt đẹp xung quanh tạo nên khung cảnh hùng vĩ, giúp khu này thu hút rất nhiều khách tham quan mỗi năm, đến mức ban quản lý phải hạn chế số lượng du khách mỗi ngày.

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất Peru

Theo Topendsports, người Peru khá yêu thích và nhiệt tình chơi thể thao. Giống như nhiều nước Nam Mỹ khác, bóng đá là môn phổ biến nhất ở quốc gia này.
Đội tuyển bóng đá quốc gia Peru từng giành hai danh hiệu ở Copa America và có 5 lần tham dự World Cup. Sau bốn lần vào các năm 1930, 1970, 1978 và 1982, Peru phải vắng mặt ở đấu trường này 36 năm và mới chỉ quay trở lại vào World Cup 2018 vừa diễn ra ở Nga trong hè qua.
Trong 5 lần dự World Cup, Peru từng nhận giải thưởng Fair-play vào năm 1930 khi các cầu thủ của đội không nhận bất kỳ thẻ phạt nào. Đội bóng này từng lọt vào tứ kết các năm 1970 và 1978. Trên bảng xếp hạng FIFA tính đến 28/9, Peru xếp ở vị trí 21 thế giới.
Ngoài bóng đá, các môn thể thao như lướt ván, tennis, bóng chuyền (nữ), boxing cũng rất được yêu thích ở quốc gia Nam Mỹ này.

Dương Tâm - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: