Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Vi vu chốn hoang đảo, hưởng cuộc sống của Robinson Crusoe

Vntinnhanh.vn - Theo mô tả của nhà văn Daniel Defoe, hòn đảo mà Robinson Crusoe sinh sống trong một thời gian là nơi đầy nắng, với bãi biển cát vàng trải dài và nhiều cọ. 

Đảo Robinson Crusoe - bối cảnh chính diễn ra câu chuyện sống trên hoang đảo trong cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe của nhà văn Daniel Defoe. (Ảnh: Lee Abbamonte)
Cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe của nhà văn Daniel Defoe lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một người bị dạt vào đảo hoang hồi thế kỷ 18.
Năm 1704, một con tàu của Anh tình cờ cập vào bờ của một hòn đảo nằm trên bờ biển Thái Bình Dương. Khi đó, con tàu bị rò rỉ nghiêm trọng, còn thủy thủ đoàn thì ốm và kiệt sức. Một thủy thủ trẻ người Scotland tên là Alexander Selkirk đã cãi vã với thuyền trưởng vì cho rằng thật điên rồ khi tiếp tục chuyến hành trình.
Không rõ điều gì đã xảy ra, có thể Selkirk từ chối đi cùng đoàn, hoặc bị ép ở lại. Dù bằng cách nào, Selkirk vẫn phải ở lại hòn đảo nhỏ bé khi con tàu tiếp tục ra khơi.
Selkirk sống ở đó một mình trong 4 năm 4 tháng, dựa vào cá, quả mọng và dê núi cho tới khi được một con tàu khác của Anh ghé qua và cứu vào năm 1709. Thuyền trưởng của con tàu mô tả Selkirk là “người đàn ông mặc quần áo da dê, trông hoang dã hơn cả dê hoang”. Selkirk trở lại London rồi trở nên nổi tiếng. Daniel Defoe đã nghe được câu chuyện đó và sáng tác ra cuốn tiểu thuyết nổi tiếng  xuất bản năm 1719.
Hòn đảo mà Robinson Crusoe dạt đến được mô tả là nơi đầy nắng gió và bờ biển cát vàng. Nó không phải một nơi tệ hại đối với một người buộc phải sống trên hoang đảo sau vụ đắm tàu.
Ngày nay, du khách có thể tự tìm đến hoang đảo này để trải nghiệm cuộc sống như Robinson Crusoe.
Đảo Robinson Crusoe nằm trên Thái Bình Dương, cách bờ biển Chile gần 700km là đảo lớn nhất trong quần đảo Juan Fernandez. (Ảnh: 1843magazine)
Nó chính là đảo Robinson Crusoe nằm trên Thái Bình Dương, cách bờ biển Chile gần 700km là đảo lớn nhất trong quần đảo Juan Fernandez - quần đảo nhỏ thuộc lãnh thổ Chile ngày nay. Ngoài Robinson Crusoe, quần đảo Juan Fernandez  còn 2 đảo núi lửa lớn nữa là Alejandro Selkirk và Santa Clara.
Đảo Robinson Crusoe. (Ảnh: enroute aircanada)
Trong truyện, Crusoe mô tả hòn đảo mình đang sống là nơi kinh khiếp, không phù hợp với loài người, và vô phương cứu giúp. “Đó là hòn đảo đen đủi mà tôi gọi là đảo tuyệt vọng”. Hòn đảo mới chỉ có một ngôi làng. Ở đó vẫn còn “điểm quan sát của Selkirk”, tức nơi mà người đàn ông Scotland cô đơn đã ngồi rất lâu để tìm kiếm tàu.
Ngày nay, trên đảo cũng chỉ có duy nhất một thị trấn, San Juan Bautista, có khoảng 900 cư dân đang sinh sống, dựa vào nghề đánh bắt tôm hùm và du lịch. Đó còn là nơi có cảnh sắc đẹp với nhiều vách đá kỳ vĩ và nhiều ngọn núi cao. Hòn đảo được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 1977. Thị trấn tồn tại hết sức đơn giản giữa thiên nhiên hoang sơ trên đảo với những con đường gạch và đường đất đan xen, có một vài cửa hàng nhỏ và nhà nghỉ để phục vụ du khách tới thăm đảo.
Một con đường đất nhỏ trong ngôi làng. (Ảnh: Lee Abbamonte)
Trong những tháng ngày mưu sinh trên đảo, Crusoe sống sót sau một trận động đất và sóng thần, giống như điều mà cư dân trên đảo đã trải qua vào tháng 2/2010. Hiện nay, cuộc sống ở nơi đây đang được gây dựng lại. Khách du lịch đến đây ngày một tăng. Lượng khách đến thăm hòn đảo dự báo sẽ đạt khoảng 2500 lượt trong năm 2016 này.
Thị trấn nhỏ được tái thiết sau trận sóng thần vào đầu năm 2010. (Ảnh: Lee Abbamonte)
Du khách có thể cưỡi ngựa dạo quanh thị trấn. (Ảnh: enroute aircanada)
Hòn đảo vắng Robinson Crusoe chính là địa điểm lý tưởng để du khách "đi trốn" khỏi thế giới hiện đại, tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên hoang sơ. Hòn đảo được Chile công nhận là vườn quốc gia nên khi đến đây bạn sẽ phải trả một khoản phí 5000 peso (khoảng 7.35 USD).
Vườn quốc gia quần đảo Juan Fernandez. (Ảnh: Lee Abbamonte)
Đến đây, du khách có thể lặn ngụp dưới làn nước trong xanh, khám phá hệ sinh thái đa dạng nằm dưới mặt biển, gặp gỡ những chú hải cẩu Nam Mỹ thân thiện và các loại sinh vật bản địa phong phú. Nơi đây còn là quê hương của loại chim ruồi mũ lửa cực kỳ quý hiếm.
Chim ruồi mũ lửa cực kỳ quý hiếm. (Ảnh: Alamy)
Du khách có thể bắt tôm hùm và thăm hải cẩu trên đảo. (Ảnh: enroute aircanada)
Ngoài ra, khách tham quan có thể tham gia các hoạt động như chèo thuyền và đánh bắt hải sản. 
Đến với Robinson Crusoe, bạn sẽ có cơ hội để kiểm tra sức khỏe, độ dẻo dai của cơ thể khi bước vào chuyến trekking khám phá những vùng đất hoang sơ trên đảo như đồi Mirador de Selkirk và Centinela, nơi bạn có thể tìm thấy trạm phát thanh đầu tiên trên đảo.
Biết đâu, trong chuyến hành trình tham quan hòn đảo hoang vắng này, bạn lại tìm ra kho báu hơn 800 tấn vàng mà con tàu cướp biển của viên thủy sư đô đốc Tây Ban Nha Juan Esteban Ubilla y Echeverria cướp được của người da đỏ Inca đem về châu Âu tới đây vào năm 1714.
Hệ sinh thái rừng đa dạng. (Ảnh: Lee Abbamonte)
(Ảnh: Lee Abbamonte)
Trước khi "mơ" về kho báu đầy vàng đó, có lẽ bạn nên tận hưởng đặc sản nơi đây trước đã. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức món ăn truyền thống Perol được làm từ tôm hùm hay các loại hản sản tươi sống khác như cua vàng, cá tráp đỏ breca...
Tôm hùm tươi - đặc sản tại đảo Robinson Crusoe. (Ảnh: Alamy)
Trên đảo có 220 chỗ ngủ cho khách, nằm rải rác xung quanh làng San Juan Bautista nên du khách có thể thoải mái lựa chọn chỗ nghỉ ngơi thoải mái nhất cho mình.
Hướng từ đảo nhìn ra biển. (Ảnh: enroute aircanada)
Thời điểm thích hợp nhất để đến thăm "hoang đảo của Robinson Crusoe" là từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Có hai cách để bạn di chuyển đến hòn đảo này. 
Nhanh nhất và đơn giản nhất là đáp máy bay từ sân bay Los Cerrillos and Tobalaba ở thủ đô Santiago của Chile. Bạn sẽ mất khoảng 2 giờ 30 phút bay đến phi trường Robinson Crusoe. Sau khi hạ cánh, du khách tiếp tục di chuyển bằng thuyền khoảng 1 giờ 30 phút nữa để tới được thị trấn San Juan Bautista. Lưu ý, chuyến bay sử dụng máy bay hạng nhẹ chỉ chở từ 8 - 10 hành khách và mỗi hành khách chỉ được mang theo 10kg hành lý.
Ngoài ra, bạn có thể chọn di chuyển hoàn toàn bằng tàu thủy. Chuyến tàu đến đảo Robinson Crusoe chỉ khởi hành 2 lần/tháng từ Santiago và sẽ mất từ 30 - 48 tiếng mới tới được đảo, tùy thuộc vào tình hình thời tiết biển. Mỗi chuyến tàu như vậy chỉ nhận chở được 6 hành khách.
Bờ biển Bahía Cumberland - nơi cư dân của San Juan Bautista đang định cư. (Ảnh: enroute aircanada)
HT

Không có nhận xét nào: