Phnom Penh là một trong những thành phố thu hút nhiều du khách quốc tế bởi các công trình độc đáo mang nhiều nét ảnh hưởng của kiến trúc Pháp và Khmer. Trong thập niên bảy mươi, Phnom Penh từng được ví như Paris của phương Đông.
Chùa Wat Ounalom
Wat Ounalom là một trong những chùa quan trọng nhất ở Phnom Penh, đồng thời là trụ sở Phật giáo ở Campuchia. Với quần thể kiến trúc độc đáo, đây là ngôi chùa linh thiêng thu hút khách hành hương từ mọi miền đất nước và là điểm tham quan thu hút khách du lịch khi đến Campuchia.
Mặc dù bị hư hại nhiều trong thời kì Khmer Đỏ nhưng nhiều bức tượng của chùa đã được phục hồi và xây dựng lại. Wat Ounalom chính là nơi giữ sợi lông mày của Đức Phật (tiếng Khmer gọi là Ounalom) vẫn còn tồn tại qua nhiều thăng trầm lịch sử, được cất giữ trong tòa nhà phía sau chùa chính.
Tượng đài Độc lập
Tượng đài Độc lập được khởi công xây dựng năm 1958 nhằm kỷ niệm 9 năm ngày Campuchia thoát khỏi tay thực dân Pháp. Tượng đài được thiết kế mô phỏng theo Angkor Wat và một số các di tích lịch sử khác của Campuchia, với hình dáng tựa như bông hoa sen đang vươn mình. Đây cũng là nơi tưởng niệm những người đã hi sinh trong cuộc chiến tranh Campuchia.
Vào những ngày lễ lớn, tượng đài Độc lập là nơi tiến hành các nghi lễ quan trọng của quốc gia. Vào những ngày thường, nơi đây thu hút đông du khách vì có không khí trong lành, thoáng đãng, là nơi diễn ra các buổi hòa nhạc, các lớp học võ thuật ngoài trời và các hoạt động giải trí đặc sắc khác.
Chợ Nga
Mặc dù Campuchia nổi tiếng bị thực dân Pháp chiếm đóng, tuy nhiên trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng có khá đông người Nga đến Phnom Penh. Chợ Nga có hàng hóa cực kỳ phong phú, đa dạng với đầy đủ các loại mặt hàng như đồ trang sức, vải và các phụ liệu may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, những bức tượng điêu khắc hình Đức Phật hay các vị thần trong tín ngưỡng dân gian Khmer,…
Bảo tàng Quốc gia Campuchia
Bảo tàng quốc gia Campuchia không chỉ trưng bày tài liệu về lịch sử văn hóa Campuchia mà đây cũng được xem là bảo tàng kiến trúc và lịch sử lớn nhất nước. Bảo tàng được xây dựng từ 1917-1920 bởi chính quyền thực dân Pháp, theo phong cách kiến trúc Khmer kết hợp với kiến trúc Pháp. Ngày nay, bảo tàng là nơi trưng bày những bộ sưu tập, đồ khảo cố học, tôn giáo và nghệ thuật của dân tộc Khmer cổ từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13.
Cánh đồng chết Choeung Ek
Nằm cách thủ đô Phnom Penh 14,5 km và chỉ mất 30 phút đi xe, cánh đồng chết Choeung Ek là điểm đến thu hút khách du lịch đông nhất tại Campuchia. Đây là nơi thể hiện rõ nhất tội ác diệt chủng của chế độ Pol Pot những năm 70.
Theo tài liệu thống kê, chỉ riêng ở Choeung Ek đã có trên 20.000 người bị Khmer Đỏ sát hại nhưng chỉ mới có khoảng 8.985 xác chết được tìm thấy. Số nạn nhân còn lại chỉ là vô số mảnh vỡ của đầu lâu, những mảnh xương vụn vỡ… Hiện nay, ở trung tâm cánh đồng chết, có một tháp tưởng niệm được xây dựng nhằm mục đích tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Tháp tưởng niệm này có chứa hơn 8.000 xương sọ của các nạn nhân.
Đền Wat Phnom
Truyền thuyết kể lại rằng sự ra đời của Wat Phnom gắn chặt với sự khởi đầu của Phnom Penh. Người dân địa phương kể lại rằng, vào năm 1373, sau trận lũ lớn, một phụ nữ giàu có tên Daun Penh tình cờ tìm thấy bốn bức tượng Phật trong khúc cây trôi dạt trên sông Mekong. Với lòng thành kính, bà Penh bỏ tiền thuê người đắp ngọn đồi nhân tạo và xây dựng ngôi chùa trên đó để thờ bốn bức tượng Phật. Đây là một trong những nơi rất linh thiêng đối với cả người dân địa phương và du khách khi đến du lịch Phnom Penh, họ thường đến đền để cầu tài, cầu lộc, cầu cho chuyện làm ăn, kinh doanh may mắn, suôn sẻ,…
Cung điện Hoàng gia Campuchia
Là một trong những địa điểm tham quan mà du khách không thể bỏ qua khi đến Phnom Penh, cung điện được khởi xây sau khi vua Norodom chuyển đô từ Oudong về Phnom Penh. Cung điện Hoàng gia Campuchia là tổ hợp các tòa nhà, nơi ở của của Quốc vương và hoàng tộc. Đây cũng là nơi thường diễn ra các nghi lễ thiết triều cũng như nghi thức ngoại giao. Giờ mở cửa tham quan là từ 8h – 11h và 14h – 17h.
Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng
Bảo tàng Tuol Sleng là bảo tàng thể hiện tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ 1975 đến 1979. Tuol Sleng nguyên từng là một trường học, nhưng Khmer Đỏ đã dùng dây thép gai để quây khu vực, biến các phòng học thành các phòng giam và biến nơi đây trở thành nhà tù kinh hoàng nhất của Campuchia. Trong thời gian 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ, nơi đây giam giữa khoảng 17.000 người nhưng chỉ có một số ít người sống sót được.
Khu Sisowath Quay
Nằm dọc bờ sông Tonle Sap, Sisowath Quay được biết đến như là khu phố Tây mới tại Phnom Penh (để phân biệt với khu phố Tây cũ Boeng Kak Lake). Là một trong những địa điểm vui chơi, giải trí thú vị ở Phnom Penh, Sisowath Quay luôn luôn náo nhiệt với các nhà hàng, quán café, quán bar sôi động. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để xem các cuộc đua thuyền trong lễ hội té nước mừng năm mới ở Campuchia.
Phsar Thmei (chợ trung tâm)
Chợ có lối kiến trúc độc đáo với phần mái cao hình vòm được xây dựng từ năm 1937 do kiến trúc sư người Pháp Louis Chauchon thiết kế. Tại đây, du khách có thể tìm thấy đầy đủ mọi thứ hàng hóa như: đồ trang sức, quần áo, vải vóc, giày dép, đồ lưu niệm,… Chợ mở cửa từ 7:00 AM – 05:00 PM.
Theo Traveltimes.vn
5 trải nghiệm không tốn một xu khi du lịch Phnom Penh
Lang thang ở Sisowath Quay, thăm các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, khám phá chợ Phsar Thom Thmei,… là một trong nhiều trải nghiệm không tốn một xu khi du lịch Phnom Penh.
1. Ghé thăm cây cầu Chrui Changvar
Cầu Chrui Changvar còn được gọi là cầu Hữu nghị Nhật – Campuchia bắc ngang qua sông Tonlé Sap, cầu nằm khá gần với Wat Phnom và du khách có thể đi bộ đến đó trong 15 phút. Năm 1975, cây cầu bị tàn phá gần như hoàn toàn bởi chiến tranh. Năm 1993, với sự trợ giúp của Nhật Bản, cầu Chrui Changvar được xây dựng lại khá đẹp và kiên cố, đây sẽ là nơi lý tưởng để du khách có một cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống dọc theo hai bên bờ sông Tonlé Sap. Đặc biệt, tọa lạc gần cầu Chrui Changvar là Trường Nghệ thuật Hoàng gia Campuchia – nơi có nhiệm vụ đào tạo vũ công, nhạc công nhạc cổ truyền, xiếc cho quốc gia này. Do vậy, du khách cũng có thể xin phép được vào xem để biết thêm về nền nghệ thuật cổ truyền của đất nước Campuchia.
2. Lang thang ở Sisowath Quay
Khu vui chơi buổi chiều, tối nổi tiếng ở Phnom Penh là khu bờ sông Sisowath Quay – nơi được biết đến với tên gọi là khu phố Tây mới của du lịch Phnom Penh, với rất nhiều quán bar, cà phê, nhà hàng,…
Đi dạo trên khu phố này, du khách sẽ chẳng bao giờ có “cơ hội” để buồn chán, bởi không khí náo nhiệt của quán xá, không khí mát lành từ phía bờ sông thổi vào, cũng như không gian nghệ thuật đường phố ấn tượng với vô số các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được bày bán dọc bên đường.
3. Thăm các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc
Cùng với Việt Nam và Lào, Campuchia cũng là thuộc địa của Pháp trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Để thuận tiện cho công cuộc khai thác thuộc địa, Pháp đã xây dựng rất nhiều những công trình kiến trúc mang dấu ấn của mình tại đây. Do vậy, dạo quanh một vòng thành phố, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy rất nhiều những tòa nhà mang phong cách kiến trúc Pháp như: Bưu điện thành phố, Trung tâm văn hóa Pháp…
4. Khám phá chợ Phsar Thom Thmei
Chợ Phsar Thom Thmei hay còn gọi là chợ Trung Tâm là một trong những khu chợ nổi tiếng, và được du khách ghé thăm nhiều nhất tại Phnom Penh. Khu chợ với kiến trúc ấn tượng này được xây dựng từ năm 1939 và bày bán rất nhiều mặt hàng phong phú như: Quần áo, đồ trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ…
Nếu bạn không phải là một tín đồ mua sắm, thì khu chợ này cũng rất thích hợp để bạn tìm hiểu thêm về kiến trúc cũng như nền văn hóa địa phương.
5. Chiêm ngưỡng tượng đài Độc lập Phnom Penh
Tượng đài Độc lập Phnom Penh được khởi công xây dựng năm 1958 và khánh thành ngày 9 tháng 11 năm 1962 nhằm đánh dấu 9 năm độc lập của người Campuchia khỏi áp bức của nước ngoài. Công trình là tác phẩm của kiến trúc sư người Campuchia Vann Molyvann và sử dụng hầu như tất cả các mô típ truyền thống của kiến trúc Khmer cổ truyền. Tượng đài nằm tại quảng trường lớn, ngay giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk, đây được xem là điểm tham quan thu hút khá đông du khách đến Phnom Penh.
Theo Traveltimes.vn
Nhậu khuya ở Phnom Penh
Đồng hồ chỉ 1 giờ sáng. Ngó xuống bàn thấy vỏ chai bia ngổn ngang. Ôi, văn hóa bia bọt Sài Gòn đã lan sang tận Phnom Penh rồi sao? Nhưng nghĩ lại cũng thú.
Qua đất Cam, ngồi quán vỉa hè với những món rất Việt, “chiến hữu” cũng đồng hương, được đắm mình trong không gian tiếng Việt thì còn gì thú bằng!
Hướng dẫn viên cho biết những con phố chính ở Phnom Penh chừng sau 5 giờ chiều là đóng cửa. Khoảng 9 giờ tối là thành phố đi ngủ. Người Campuchia không có thói quen mua sắm đêm nên các cửa hàng dù mở cửa cũng không có người mua.
Đi ngủ sớm thì uổng!
Mới 3 giờ chiều chúng tôi đã tranh thủ mướn xe tuk tuk chạy quanh thành phố Phnom Penh thăm thú đó đây, đồng thời tranh thủ mua vài món ăn, tối nay đành ngồi khách sạn nhâm nhi với bạn bè vậy. Đã bõ công vượt 240 km từ TP.HCM đến Phnom Penh mà đi ngủ sớm thì quá uổng!
Tài xế xe tuk tuk khoảng 40 tuổi, vui tính. “Anh tên gì?”. “Hên”. Không biết viết thế nào. Thôi, cứ gọi anh là Hên để lấy… hên. Anh Hên cho xe chạy qua những con phố chính của thành phố hơn 2 triệu dân này. Vừa lái anh vừa giới thiệu cảnh quan thành phố bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Chúng tôi hiểu. Thế là tốt rồi. Xe đi dọc bờ sông Tonle Sap qua khu phố Tây mới mà người địa phương gọi Sisowath Quay. Chúng tôi thấy có rất nhiều quán ăn, nhà trọ cho khách Tây, dạng như đường Phạm Ngũ Lão ở quận 1, TP.HCM. Anh Hên nói ở Phnom Penh có nhiều quán ăn Việt lắm, người Việt qua đây du lịch đông mà. Quán ăn Việt tập trung nhiều ở khu trung tâm thành phố, gần chợ Mới (Phsar Thmey, tiếng Anh Central Market) hoặc đường 113…
Còn muốn ngồi vỉa hè nhâm nhi ngắm cảnh thì ghé đại lộ Sihanouk. Ở đó, khách cởi giày ngồi trên những chiếc chiếu hoa nhâm nhi khô mực, hột vịt lộn… với bia Angkor, bia Pochentong (nước thốt nốt chua) trong chiều Phnom Penh đang xuống dần bên bờ Tonle Sap. Thế cũng thú! “Họ bán tới mấy giờ?”. Anh Hên nói họ bán đến khi thấy trời tối là nghỉ. “Có chỗ nào nhậu khuya không?”. “Có chớ, mà đông nhất là người Việt, ở khu trung tâm, gần khách sạn các anh ở đó”.
1 tiếng đồng hồ sau chiếc tuk tuk trả chúng tôi về khách sạn Paciffic, nằm trên trục đường chính Monivong, gần chợ Cây Tre (Okussey). Chúng tôi trả cuốc tuk tuk 20.000 riel (tương đương 100.000 VNĐ) và bo thêm 10.000 riel công làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ của anh Hên.
Mồi tha hồ
Đêm xuống, chúng tôi thả bộ theo con đường cặp bên hông khách sạn. Chỉ khoảng 5 phút đi bộ, trước mặt đã xuất hiện dãy hàng quán bán cơm, hủ tíu, mì, cả phở Việt Nam nữa. Ghé một quán, thấy đồ ăn bày trên quầy gỗ toàn là những món có thể… nhậu được. Nào là cánh gà, chân gà chiên nước mắm, cá chiên, cút rô ti và tất nhiên không thể thiếu các món côn trùng chiên như dế, cào cào, nhện… Cạnh đó là mấy thau nghêu, sò, ốc, hến còn sống, đợi khách kêu mới chế biến. Bàn ghế đặt dọc lề đường, lộ thiên hoặc che bạt. Thực khách khá đông.
Chúng tôi ngồi vào một bàn trống, kêu hai cút rô ti và hai chai bia Angkor. Giá chim cút 4.000 riel/con (tương đương 20.000 VNĐ), chả cá chiên 20.000 riel, khô bò 20.000 riel, bia chai Angkor 4.000 riel… Một cuộc nhậu “ngoại” với giá cả như thế cũng không quá mắc. Nắp bia chai có khuy, chỉ cần giật lên là uống, thật tiện. Khác Việt Nam, giá bia chai lại mắc hơn bia lon, có lẽ vì người ta tính luôn vỏ chai. Bia Angkor có mùi vị đậm đà, hợp gu nhiều khách Việt.
Dĩa chim cút rô ti thơm lừng dọn lên cùng rau răm, muối tiêu. Sao giống ở Việt Nam quá nè trời. Mà hầu hết các món ăn khác cũng hợp khẩu vị người Việt. Chúng tôi thấy có một ông khách kêu món… trứng kiến chiên. Món ăn lạ nhưng thú thật chúng tôi không dám đụng đến. Bàn bên cạnh có ba cô gái kêu món mì xào sò huyết, sợi mì màu vàng nghệ. Đây là món ăn dân tộc của người Campuchia, gọi là mì nom banh chok. Quán đối diện bên kia đường cũng khá đông thực khách. Họ bán bia tươi Đức nhậu với khô bò. Mùi khói nướng thơm lừng bay dọc con phố.
Gặp “chiến hữu”
Khoảng 8 giờ tối, các quán kín khách ngồi. Phần lớn là người Việt. Có hai người đàn ông đến, kéo ghế ngồi bàn bên cạnh. “Bia Angkor lạnh nghe, hai chai” – họ gọi. Họ kêu thêm dĩa cá chiên, trông như cá chẽm. Nghe cạnh mình có người nói tiếng Việt, chúng tôi bắt chuyện làm quen. Người trạc 40 tuổi tự giới thiệu tên Bình, nhà ở Bình Dương, qua Campuchia từ ba ngày nay. “Làm gì mà ở lâu vậy?”. Bình cười: “Thì tranh thủ ghé casino làm vài ván cho vui mà”. Hóa ra Bình qua đây chủ yếu vì trò đỏ đen. Hèn gì hồi chiều ngồi xe tuk tuk, tài xế Hên chỉ một công trình lớn đang xây nói đây là cơ sở thứ hai casino Nagaworld, nơi “thử vận may” lớn nhất ở Campuchia.
Người Việt qua Campuchia thử thời vận trong các casino không phải là ít. Hướng dẫn viên Phạm Hữu Cảnh cho biết mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người Việt du lịch Campuchia, nhiều nhất trong số khách du lịch nước ngoài. Chúng tôi không biết trong số khách Việt sang đây có bao nhiêu người là khách hàng thường xuyên của các casino nhưng có lẽ con số này không nhỏ. Bằng chứng là gần đây có hàng chục casino mọc lên ở cửa khẩu Mộc Bài. Ở các thành phố lớn khác như Siem Reap, Shihanouville cũng thấy casino. Thậm chí lên cao nguyên Bokor (tỉnh Kampot) cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển cũng có casino. Và vào casino thấy nhiều nhất là người Việt mình. Tại khách sạn 600 phòng Thansur Bokor ở cao nguyên Bokor, mỗi du khách Việt Nam còn được tặng một coupon in hai thứ tiếng Anh và Việt chỉ để vào casino trị giá 10 USD. Đổi coupon này thành các phỉnh là có thể sà vào bàn đỏ đen, nếu lỡ thua thì xin nhanh chân rút lui vì nếu không rất dễ cháy túi.
Thú vỉa hè
Nhậu vỉa hè có cái thú là tha hồ mua mồi vỉa hè lưu động. Đáp ứng nhu cầu dân nhậu, người địa phương chế ra quầy hàng lưu động gắn bên hông xe máy như kiểu xe side car của cảnh sát, việc di chuyển xem ra cũng gọn gàng. Quầy hàng lưu động chất nhiều thứ có thể làm mồi nhậu bình dân như đậu phộng nấu, bắp nấu, bắp xào, khô mực, khô bò, các loại khô cá, các loại trái cóc ổi xoài… Các loại mồi này chắc chắn chỉ nhằm phục vụ các thượng đế Việt thôi. “Cho hai lon đậu phộng nấu”. Anh thanh niên bán mồi lưu động nhanh nhẹn mang đậu đến, giá chỉ 4.000 riel. Đậu phộng nấu hạt nhỏ nhưng chắc và thơm.
Đáng chú ý, ở Phnom Penh không có người bán dạo đến tận bàn mời mua, chèo kéo. Chúng tôi ngồi suốt buổi chỉ có một cậu bé tới mời mua vé số. “Vé số Kiên Giang, Bến Tre đây” – cậu bé rao. Vé số Việt Nam cũng xuất khẩu sang xứ chùa tháp sao! “Dạ, bốn vé 10.000 riel, tương đương 50.000 đồng Việt ạ, mắc hơn 10.000 đồng Việt vì mang đi xa” – cậu bé nói. “Cháu quê ở đâu?”. “Dạ, Huế ạ”. “Qua đây lâu chưa?”. “Dạ, được ba năm. Theo ba mạ. Ba mạ cũng bán vé số luôn”.
Vậy đó, càng thức khuya càng khám phá nhiều điều chưa biết về cuộc sống.
Nhớ lắm!
Người bán quán ở đây tất nhiên là người Campuchia rồi. Họ vui vẻ, hòa nhã. Quán nọ với quán kia cạnh nhau, khách lỡ ngồi bàn quán này kêu món nhậu quán kia cũng không sao. Người Phnom Penh không ồn ào. Bởi vậy, quán nhậu nhưng không quá xô bồ. Hầu hết người bán nói được tiếng Việt. Chị chủ quán nơi chúng tôi ngồi ngoài 40 tuổi, có ba cậu có lẽ là con cháu phụ việc chạy bàn. Thấy chị trao đổi với khách bằng tiếng Việt, chúng tôi hỏi quê chị ở đâu. Chị nói quê chị ở Sóc Trăng, đã ba đời qua Campuchia lập nghiệp. Chị kể cách đây khoảng 10 năm, chị có theo cha mẹ về Việt Nam thăm quê. Bây giờ ông bà mất rồi, chị ít còn cơ hội về thăm quê. Các con chị cũng nói được tiếng Việt, tuy không rành bằng chị. Chúng tôi hỏi có ý định về Việt Nam làm ăn sinh sống không. Chị cười, nói bây giờ ở đâu quen đó rồi, đi nơi khác là nhớ lắm.
1 nhận xét:
Đăng nhận xét