Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Kỳ vĩ vẻ đẹp thành phố New York

(VTV News)- Cùng ghé thăm New York và chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc hiện đại làm nên vẻ đẹp kỳ vĩ cho thành phố này.
 
Thánh đường St. Patrick nhìn từ trên cao. Đây là nhà một công trình kiến trúc lịch sử quốc gia ở Mỹ và là nhà thờ Công giáo lớn nhất ở New York. Vào dịp Giáng sinh và năm mới, nơi đây thu hút rất đông du khách đến cầu nguyện và chụp ảnh. Con số 3 triệu lượt người viếng thăm mỗi năm quả là đáng mơ ước đối với một thắng cảnh tôn giáo.
 
Chinatown – khu phố người Hoa vô cùng đông đúc ở phía Đông Nam khu Broadway. Đây là khu phố Tàu lớn nhất nước Mỹ với dân số khoảng 150.000 người, chủ yếu là con cháu của những người nhập cư đến lập nghiệp từ thế kỉ 18.
 
Công viên trung tâm - “lá phổi xanh” nổi tiếng của thành phố New York. Thắng cảnh này là một công trình nhân tạo chiếm đến 6% diện tích thành phố và là một địa điểm công cộng nổi tiếng, gần gũi với thiên nhiên.
 
Nắng hoàng hôn chiếu rọi một góc cầu Brooklyn và khu Hạ Manhattan (Lower Manhattan/Downtown Manhattan). Đây là khu tập trung nhiều tòa nhà chọc trời đẹp nhất so với các khu còn lại của New York. Chụp được cảnh đẹp này là điều khó khăn với du khách, bởi chỉ khi trên máy bay, trực thăng hay tàu đi trên sông Hudson mới thấy được góc đẹp nhất.
 
Khu trung tâm Manhattan (Midtown Manhattan) buổi đêm trông vô cùng lấp lánh, xứng đáng với danh hiệu “thành phố không ngủ”. Đây vốn là khu trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với phố Wall, tòa nhà Chrysler hay trung tâm Rockfeller.
 
Cầu Brooklyn cổ kính sáng rực vào ban đêm. Đây được xem là biểu tượng đỉnh cao về kiến trúc ở New York. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 120.000 lượt xe hơi, xe đạp và khách bộ hành qua lại trên cầu.
 
Góc giao lộ Columbus sáng rực vào buổi tối.
 
Tháp Hearst trông giống như một viên pha lê nhiều góc cạnh. Đây là trụ sở của tập đoàn báo chí Hearst nổi tiếng thế giới với những ấn phẩm như Cosmopolitan, Good Housekeeping,… Thiết kế ban đầu của tòa nhà có hình dáng đặc biệt như một biểu đồ lưới tam giác, sử dụng chất liệu tiết kiệm là thép tái chế.
 
Toàn cảnh những tòa nhà chọc trời của siêu đô thị “quả táo lớn”.
 
Sương sớm lan tỏa trên cầu Manhattan, một trong ba cây cầu nối liền quận Queens và quận Brooklyn. Cây cầu này “đâm thẳng” vào khu Chinatown, vì vậy người dân New York nếu muốn đi chợ dịp cuối tuần đều phải đi qua cây cầu này.
 
Một góc chụp cây cầu Brooklyn đối xứng trông vô cùng ấn tượng. Hình ảnh chiếc cầu treo nổi tiếng này xuất hiện khá nhiều trong một số tác phẩm văn học, ca nhạc và điện ảnh như phim tài liệu Brooklyn Bridge của đạo diễn Ken Burns từng được đề cử giải Oscar năm 1982 hay ban nhạc Johnny Maestro and The Brooklyn Bridge với ca khúc nổi tiếng The Worst That Could Happen...
CN (St)

Lang thang New York

PN - Mùa thu năm ngoái, Bob - anh bạn người Mỹ rủ rê tôi quay lại New York để nhặt lại những kỷ niệm đã lãng quên. Cả tôi và Bob đều yêu thích quận Manhattan bởi đó là vùng đất giàu tính lịch sử và văn hóa của New York.
 Bắt đầu từ đại lộ số 5, chúng tôi lang thang dọc ngang qua những con đường bàn cờ để hướng về vùng hạ của quận Manhattan.
Tôi băng qua đường, mua hai ly cà phê nhâm nhi buổi sáng. Anh tài xế taxi da đen vẫy tay chào tôi như thói quen của người New York vào buổi sáng, dù với người xa lạ. Nếu như ở London có xe buýt hai tầng màu đỏ đặc trưng thì ở New York đó là những chiếc taxi màu vàng.
Như là sự mặc nhiên, người ta gọi quận Manhattan là biểu tượng của sự tự do bởi tượng Nữ thần Tự Do được đặt tại đây. Đài tưởng niệm quốc gia 11/9 sau khi hoàn tất lại đưa ra thông điệp “hòa bình”. Đài tưởng niệm được xây dựng vào năm 2005, trên tọa độ Zero bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Michael Arad. Hai đài nước với diện tích mỗi đài 4.000m2 được đặt đúng vào vị trí hai tòa tháp đôi trước đây. Những làn nước cứ chảy không dứt trên những tảng đá cẩm thạch đen như những “giọt nước mắt” tiễn đưa 2.996 người xấu số đã nằm xuống trên toàn nước Mỹ trong ngày “đen tối”.
Cái lạnh cũng chưa “đủ độ” để những thảm lá trong công viên Central Park dệt nên bức tranh mùa thu. Lác đác chỉ vài chiếc lá ngô đồng trong China Town bay theo gió heo may. Chúng tôi dừng khá lâu tại nhà thờ Trinity đầy tính lịch sử, được xây dựng bằng những tảng đá chở từ London đến bởi người Anh vào năm 1864. Tôi muốn ngắm lại con hẻm cong cong uốn khúc nằm đối diện với nhà thờ mà người ta hay gọi là phố Wall.
Quảng trường thời đại (Time Square) nổi tiếng là minh chứng cho sự “điên rồ” mà người ta vốn quen gọi về một "New York điên rồ". Nó đơn giản chỉ là một ngã tư nối bốn đại lộ với nhau, dành cho những khách sạn và một vài công ty chuyên về địa ốc nhỏ sau cuộc Cách mạng Mỹ kết thúc năm 1783. Đến năm 1904, trụ sở tờ Thời báo New York (New York Times) dời đến đây và biến nơi này thành mảnh đất “đắc địa” mà việc chen chân đặt bảng quảng cáo là không hề dễ dàng với các doanh nghiệp. Họ tự treo các bảng quảng cáo nhấp nháy trong ánh đèn đầy màu sắc và chào bán quảng cáo. Họ đã thành công theo cách “điên rồ” của mình.
Quảng trường thời đại là hơi thở của người New York, đặc biệt vào đêm giao thừa. Sau màn bắn pháo hoa ngoạn mục từ vịnh Hudson, người ta lại đổ dồn đến Quảng trường thời đại nâng ly champagne chúc mừng và ngắm quả cầu pha lê đầy màu sắc trong ánh đèn led.
Ý tưởng “khùng điên” trong kinh doanh đã kéo theo lượng người nhập cư đến New York ngày càng đông. Những tầng lớp người khác nhau về văn hóa tạo cho New York những con phố mang sắc màu riêng biệt. Khám phá ẩm thực đường phố nơi đây cũng rất thú vị...
Như là sự mặc nhiên, người ta gọi quận Manhattan là biểu tượng của sự tự do bởi tượng Nữ thần Tự Do được đặt tại đây.

 NGUYỄN CHÍ LINH

Không có nhận xét nào: