Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Ngạc nhiên vì người Khmer


TNTS) Không phải người Khmer ở Nam Bộ mà là người Khmer ở Vương quốc Campuchia. Lâu nay cứ nghĩ họ nghèo nàn, lạc hậu. Vậy mà chỉ vài ngày tour ngắn ngủi, nếu gặp được hướng dẫn viên giỏi giang, lịch lãm; ai cũng bất ngờ.
Ngay từ bữa ăn đầu tiên ở Kampong Cham - họ đã văn minh hơn mình. Tất cả quán ăn ở Campuchia đều có ly nước sôi cho khách trụng muỗng, đũa trước khi ăn. Mỗi người có 1 dĩa (để đựng cơm), 1 chén (để đựng canh, còn người Việt cứ dùng chén để ăn cơm cho lẹ) với muỗng, nĩa, đũa và ly riêng. Khi ăn, phải dùng muỗng chung múc canh ra chén, dùng muỗng nĩa chung gắp thức ăn cho mình. Còn người Việt, muỗng canh đưa vào miệng vẫn vô tư múc canh trong lẩu, đũa cũng vậy. Cứ mút ra mút vào trong chén riêng rồi đưa vào đĩa đồ ăn chung. Có người nói đùa đó là hội chứng “hôn tập thể”, “hòa nước miếng chung”…Chưa kể người Việt còn có thói quen gắp đồ ăn cho người mình quí mến. Khách nước ngoài rất sợ điều này (vì dùng đũa chung). Với lại không phải món nào mình thích thì khách cũng thích. Khi ăn họ cũng không ồn ào như người Việt.
Ở chợ Mới (Phsar Thmey) tại Phnom Penh có quán chè rất đông khách - chè rất ngon, nhiều món lạ mà lại vệ sinh dù không... rửa chén. Nghe nói ăn chè với chén không rửa ai cũng giật mình và sợ. Chủ quán là Việt kiều, ở đây hơn 20 năm cho biết: “Trước đây vẫn rửa mà không sạch. Hai năm nay tôi lấy nilon đậy đồ ăn (Plastic roof) lót vào chén. Ăn xong chỉ việc lột bỏ, chén vẫn sạch mà không phải rửa”. Cái việc giản đơn mà chưa ai nghĩ tới. Ước gì mấy gánh hàng rong, gánh chè ở Việt Nam biết áp dụng “công nghệ” này để thực khách yên tâm thưởng thức ẩm thực dân dã.
Ở Angkor - quần thể di tích bằng đá rộng 55km2 với hơn 100 đền thờ - được xem là kỳ quan số 1 thế giới về điêu khắc và kiến trúc. Giá vé tham quan mỗi ngày là 20 USD/người – 3 ngày 40 usd/người - 6 ngày là 60 usd. Từng du khách đều được chụp ảnh in lên vé vào cửa, có lẽ để tránh tình trạng xài chung vé trong 1 ngày. Mỗi ngày giỏi lắm chỉ tham quan được 4 - 6 đền. Tất cả người Khmer, kể cả ở nước ngoài đều được miễn vé vào cửa bởi: “Đây là di sản tổ tiên người Khmer để lại cho con cháu thừa hưởng”. Những ai không phải cháu con người Khmer xin mời mua vé vào tham quan.
Phong tục cưới hỏi của người Khmer cũng khác. Con gái đi cưới chồng, theo truyền thuyết sau cuộc thi đắp núi đêm của 2 bên nam - nữ (ở Trà Vinh thì có sự tích đào ao Bà Om), bên nào thắng cuộc được đi cưới bên kia. Nữ biết mình sức yếu khó thắng nên lập mưu, vắt cành tre cao rồi treo đèn hạt đậu lên. Bên nam nhìn từ xa cứ ngỡ sao Mai mọc nên lục tục kéo về. Nữ vẫn cố đào và kết quả Núi Nàng cao hơn Núi Chàng (di tích hiện nay ở Kampong Cham). Còn người Khmer ngày nay thì tâm sự: “Đàn ông là trụ cột trong nhà. Họ thường phải đi làm ăn xa nên con gái ở với mẹ mình thì hợp hơn. Khi con gái ốm đau, chửa đẻ thì mẹ mình cũng chăm mình tốt hơn mẹ người ta”. À ra thế! Cách nghĩ thực tế mà đầy tính nhân văn. Đàn ông ít chấp nhất, với lại đâu có ở nhà quanh năm suốt tháng nên cũng ít đụng chạm hơn.
Người Khmer ngày nay rất tự hào về Thủ tướng Hunsen của họ. Họ kể rằng “năm năm trước, nhà vệ sinh ở đền Angkor rất kém, du khách chê dữ lắm”. Chuyện đó đến tai Thủ tướng. Ông ra lệnh: “Trong vòng 1 tháng, tất cá các đền thờ ở Angkor phải có nhà vệ sinh đẹp như các nước!”. Mấy vị quản lý ở đó kêu ca - nào là không có điện, nào là thiếu vật tư và nhân lực, nào là xa xôi cách trở… Ông chỉ ngắn gọn: “Nội trong 1 tháng, hoặc là có nhà vệ sinh mới, hoặc có ban quản lý mới!”. Biết không thể lay chuyển được, mọi người đều khẩn trương. Mới hơn 3 tuần, tất cả đã “Báo cáo Thủ tướng, hệ thống nhà vệ sinh vừa hoàn tất. Mời Thủ tướng xuống kiểm tra và không cần ban quản lý mới”. Khi thủ đô Phnom Penh vừa manh nha việc đua xe máy, ông lập tức chỉ thị: “Tịch thu tất cả phương tiện tham gia. Nếu gây tai nạn và vi phạm luật giao thông thì phạt gấp đôi!”. Họp với lãnh đạo thủ đô, ông kiên quyết: “Quý vị nào ngồi đây có con tham gia đua xe thì tự giác từ chức, trước khi bị cách chức”. Thế đấy, nếu không biết “Tề gia” làm sao “Trị quốc”? “Thượng bất chính” thì “hạ tắc loạn”.
Người Khmer còn lắm chuyện ngạc nhiên lắm. Hẹn gặp lại bạn đọc lần sau.
Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào: