Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Timgad - "báu vật" kiến trúc La Mã "lưu lạc" ở... châu Phi

Bạn đã nghe đến Ý, đến Thổ Nhĩ Kỳ với biết bao công trình đế chế La Mã cổ đại vẫn sừng sững, uy nghi sau nhiều thế kỷ. Nhưng có một thành phố mãi tận đất nước châu Phi Algeria cũng đang lưu giữ "báu vật" kiến trúc Roma một thời mang tên Timgad. Đó là một nơi thật sự ấn tượng với vẻ đẹp nguyên vẹn đến tận ngày nay.

Timgad (Thamugas hay Tamugadi) là thuộc địa của đế chế La Mã nằm dưới chân dãy núi Aurès thuộc Algeria. Thành phố có tên đầy đủ là Colonia Marciana Ulpia Traiana Thamugadi.
Hoàng đế Trajan đã cho xây dựng Timgad năm 100 sau CN để tưởng nhớ cha ông, Marcus Ulpius Traianus, mẹ Marcia cùng chị gái Ulpia Marciana.
Toàn cảnh thành phố trong những năm nửa cuối thế kỷ 20 sau đi được khai quật
- Ảnh: faculty.etsu.edu
 
Ngày nay, Timgad tọa lạc gần thị trấn Batna, khoảng 35 km phía đông và cách bờ biển Địa Trung Hải khoảng 170 km về phía bắc. Khu di chỉ là một trong những ví dụ hiện còn về quy hoạch thành phố La Mã thời trung cổ với những con đường kẻ ô vuông thường thấy.
Những con đường theo ô vuông đặc trưng kiểu thành cổ La Mã
- Ảnh: Aflamis.blogspot.com
  

Trước khi được đặt nền móng, khu vực xung quanh Timgad chỉ là nơi trồng trọt nông nghiệp ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển.
Thành phố được xây dựng đầu tiên với mục đích tạo nên thành lũy ngăn ngừa sự xâm lấn từ người Berber (một bộ tộc Bắc Phi phía tây sông Nile) gần dãy núi Aurès. 
Dân số ở Timgad được gầy dựng dựa trên những người lính kỳ cựu Parthian của quân đội Roma. Họ được ban đất đai nhà cửa sau khi đã phục vụ cho hoàng đế trong nhiều năm như một món quà.

Một bảng ký tự được khắc trên cột dạng thức Corinth trong thành phố Timgad cổ
- Ảnh: fr.wikipedia
 
Nguyên bản đô thị Timgad có kiến trúc quy hoạch theo từng ô bàn cờ rất rõ ràng, được tạo nên bởi Decumanus Maximus - con đường theo trục nam bắc thẳng đến những trại lính và Cardo Maximus -  con đường theo trục đông tây với hàng cột Corinthian (loại cột có hoa văn trên đỉnh) vạch ra giới hạn giao nhau với Decumanus tại những khu vực công cộng.
Điều đó cho thấy người Roma đã có khả năng tư duy, tổ chức, xây dựng, quy hoạch kiến trúc rất sớm.
 Một góc giao nhau giữa hai con đường Decumanus và Cardo - Ảnh: upf.edu
Nằm tại nơi giao nhau của sáu con đường lớn, thành phố được bao bọc bởi những bức tường nhưng sau này không được củng cố như một pháo đài. Những con đường đều nối về khu trung tâm làm người ta dễ liên tưởng đến câu nói “Mọi ngả đường đều dẫn về thành Rome”.
Thiết kế cho khoảng 15.000 cư dân sinh sống, Timgad nhanh chóng phát triển, mở rộng ra xung quanh nhưng không được quy hoạch chặt chẽ như nguyên bản.
Con đường dài tít tắp ở Timgad từng rất bận rộn trong quá khứ - Ảnh: globeimages.net 
Thành phố được hưởng thanh bình khoảng vài trăm năm và trở thành trung tâm cho các hoạt động Thiên Chúa giáo (thế kỷ thứ 3) và trung tâm Donatist, một nhánh của Thiên Chúa giáo (thế kỷ thứ 4). 
Thế kỷ thứ 5, thành phố bị người Vandal (một bộ tộc có nguồn gốc ở Tây Đức xưa di cư xuống Châu Phi) cướp phá rồi suy tàn.
Năm 535 sau CN, vị tướng trong quân đội Byzanine là Solomon đã tìm thấy Timgad khi ông đem quân đi chinh phạt.
Trong thế kỷ tiếp theo, thành phố được khôi phục thành trung tâm Thiên Chúa giáo trước khi một lần nữa bị người Berber chiếm đánh rồi rơi vào quên lãng trong thế kỷ thứ 7.

Nơi rửa tội trước đây của những tín đồ Thiên Chúa giáo tại Timgad - Ảnh: georgetown.edu
Tuy không có bất cứ hoạt động xây dựng củng cố nào sau thế kỷ thứ 12, thị trấn vẫn được bảo vệ nhờ nằm dưới lớp cát khoảng 1m. Sự xâm lấn từ sa mạc Sahara đã giúp cho Timgad phần nào còn tồn tại nguyên vẹn.
Khi người Berber ra đi, thành phố như bị biến mất trong lịch sử và chỉ được khám phá trở lại vào năm 1881.
Một thức cột Corinth bằng đá được đặt nằm tại Timgad
- Ảnh: desvalisessouslesyeux.jpg
 
Ở phía cực tây Decumanus có một khải hoàn môn cao 12m gọi là khải hoàn môn Trajan được khôi phục năm 1900.
Khải hoàn môn xây bằng đá cát kết, có ba mái vòm được những thức cột Corinthian chống đỡ; mái vòm chính giữa rộng gần 4m.
Khải hoàn môn này cũng được biết đến với cái tên “Khải hoàn môn Timgad”.
 Khải hoàn môn Timgad trung tâm thành phố - Ảnh-theredlist.fr
Nhà hát có sức chứa 3.500 chỗ ngồi vẫn trong tình trạng khá tốt. Ngày nay, người ta thi thoảng dùng làm địa điểm lý tưởng cho những buổi hòa nhạc hoặc sự kiện đặc biệt.
Nhà hát tại Timgad tuy không lớn như những nhà hát ở Ý hay Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trong tình trạng nguyên vẹn - Ảnh: wikimedia 
Ngôi đền Capitoline thờ thần Jupiter gần giống kích thước đền Pantheon ở La Mã. Trung tâm thành phố có một nhà thờ hình vuông và nơi cầu nguyện niên đại khoảng thế kỉ thứ 7 sau CN. Phía đông nam là thành cổ Byzantine được xây dựng sau đó. 
Một góc ngôi đền Capitoline - Ảnh: farm5.staticflickr.
Timgad là ví dụ rất điển hình cho tầm nhìn về quy hoạch của người La Mã, minh chứng rõ ràng cho sự tiến bộ văn minh nhân loại. Nhờ đó thành phố cổ được Unesco công nhận di sản thế giới năm 1982 với những tiêu chí giá trị, truyền thống văn hóa và biểu tượng kỷ nguyên.
 Không gian thành phố Timgad nhìn về phía khải hoàn môn - Ảnh humanandnatural.com 
 Một nhà vệ sinh thời đế chế La Mã làm từ đá sa thạch có hệ thống nước chảy bên dưới để khử mùi - Ảnh: romansociety.org. 
 Khung cảnh tại Timgad gợi nhớ câu “Mọi ngả đường đều dẫn về thành Rome” - Ảnh globeimage.net
Nam Trần(Theo Africanheritage.com)

Không có nhận xét nào: