Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Thăm xứ sở rồng Komodo


SGTT.VN - Không là hậu duệ của họ khủng long nổi tiếng. Cũng chẳng giống những chú rồng oai hùng bay lượn phun lửa phì phèo trong truyền thuyết của người châu Á. Thế nhưng, giống bò sát to đùng được gọi là rồng Komodo của Indonesia lại có sức cuốn hút kỳ lạ với các nhà khoa học và khách ưa mạo hiểm.
Komodo đang đào hang để “khai hoa nở nhuỵ”.
Đã hụt một lần, chuyến này tôi nhất định tìm đến Di sản thế giới Unesco – công viên quốc gia Komodo, miền Nusa Tenggara. Rinca với khoảng 1.300 cá thể Komodo sinh sống ở hai đảo chính của công viên quốc gia này. Ngoài ra, chỉ còn đâu đó 50 cá thể trên vài đảo miền tây Flores gần đó.
Tháng 8, cuối mùa giao phối, chuẩn bị vào mùa sinh sản tháng 9 của các cô rồng Komodo. Do vậy, đến Rinca kỳ này du khách dễ gặp nhiều cung bậc trong đời sống của các cô chú rồng. Sau khi làm thủ tục, nghe dặn dò cẩn thận như không được cho ăn bất cứ thứ gì, không chỉ cho Komodo mà cả khỉ, các thú khác…, không được tự đi trước kiểm lâm. Và được nhắc đi nhắc lại về các vụ các chú Komodo tấn công chết người, thương tật nặng nề đã xảy ra… từng nhóm nhỏ khách theo các anh kiểm lâm vào rừng. Không khó để thấy ngay một chú rồng Komodo già nua thương tật nằm chèo queo ven bìa. Sau trận chiến giành cô Komodo thất bại, bị đồng loại trai tráng cắn gãy chân, sứt thịt... Đi thêm một đoạn là đến lãnh thổ của chú rồng trẻ oai phong nhướng hai chân sau (dấu hiệu sắp phóng tấn công), anh kiểm lâm dắt khách lảng nhanh.
Lực lượng kiểm lâm lượm những phần xương mà rồng Komodo đã... thịt.
Rồi trong bụi rậm gần đó, nơi có đến mấy chiếc hố sâu hoắm kề nhau là một cô Komodo bụng ôm trứng thè lè nằm chờ ngày khai hoa nở nhuỵ. Giải thích khi khách hỏi về lượng trứng đẻ vào từng hố, kiểm lâm trẻ Eric cười ngất: “Không, nó chỉ đẻ vào một hố thôi, còn các hố kia là để nguỵ trang”. Đi thêm một đoạn, lại thấy một cô Komodo khác trẻ trung khoẻ khoắn đang chúi mũi cắm đầu đào hố bụi tung mù mịt. Trên cung đường rừng hơn hai giờ đồng hồ, chúng tôi còn gặp nhiều cô, chú Komodo đang lững thững dạo chơi, rồi cả một chú trâu rừng lấp ló, gà rừng bay chiu chít… Nhưng bất ngờ nhất là gặp cả một chú rồng con, vì thường rất khó thấy chúng. Chúng dễ bị ăn thịt bởi đồng loại to xác hơn, đám rồng con vừa nở đã phải chui tọt lên cây sinh sống, ẩn nấp trên đó hơn năm năm, đến khi trộng trộng khoảng hơn thước mới dám bò xuống đất. Mấy ngày trước, ven bờ suối này, lũ Komodo rình bắt được chú nai tội nghiệp xuống uống nước. Sau đại tiệc, giờ chỉ còn chiếc đầu trơ khấc. Chú rồng Komodo bé kia đợi cha chú phè phỡn bỏ đi, giờ mới mò xuống rỉa rói chút xương da. Chú vừa ăn vừa dáo dác nhìn quanh… làm du khách trên bờ khoái chí quan sát bấm máy tanh tách.
Cuối chuyến đi, kiểm lâm trẻ Eric chia sẻ: “Tôi và các đồng nghiệp rất hãnh diện làm việc ở đây, giới thiệu đến du khách những chú rồng Komodo đặc biệt, duy nhất trên hành tinh này chỉ có ở đất nước chúng tôi!” Tôi chúc mừng Eric, rồi ngậm ngùi thương xót những loài thú hoang tội nghiệp đang bị tận diệt ở quê nhà. Nhớ những chú voi một thời oai tráng Tây Nguyên giờ xác xơ còm cõi, đến đuôi cũng không còn chiếc lông làm thuốc. Xót xa chú tê giác cuối cùng trên đất Đông Dương giờ chỉ còn nắm xương trắng. Rồi vụ thảm sát hai con voi rừng đâu chỉ mới đây ở Tây Nguyên… Tôi tự hỏi: “Tại sao và chẳng biết vì sao?”
Biển đảo ở Rinca, Indonesia thật đẹp.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN
Có thể đến thăm đảo Komodo, Rinca từ Bali bằng du thuyền. Hoặc bay hay đi đường bộ/thuỷ mất vài ngày đến Labuanbajo để đi thuyền ra các đảo. Đi từ Labuanbajo giá cũng khá đắt vì phải thuê trọn gói, không có dịch vụ bán vé đi chung thuyền như ở các nơi khác. Tour Rinca một ngày khoảng 100 USD cho 1 – 2 khách. Tour Komodo phải ít nhất hai ngày một đêm, từ 250 USD trở lên cho hai người.

Không có nhận xét nào: