Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Bình yên và sức sống mới ở Dili


SGTT.VN - Tôi xin visa Timor Leste những ngày đầu tháng 8 ở Bali. Lu bu với Bali xinh đẹp, ít đọc báo nên không biết thông tin về Timor Leste lúc đó. Đến lúc tán chuyện với các bạn về hành trình sắp đến, nhiều người lắc đầu “bạn không biết gì về tình hình bầu cử ở đó sao?”, tôi mới bắt đầu lo lắng.
Các bạn trẻ chăm chỉ với sách vở trong công viên ven biển ở thủ đô Dili, Timor Leste. Ảnh:
Tôi đến biên giới Motain (Indonesia) – Batugade (Timor Leste) trưa muộn. Ngày chủ nhật, không có xe buýt chiều về Dili, các bạn trẻ nhiệt tình rủ rê, kéo tôi lên chiếc xe tải. Căng người dưới nắng gió xích đạo, đứng trên những thùng phuy, những can nhựa ken cứng hai ba lớp, tràn đầy xăng*, trên chiếc xe không mui, không bạt phóng ào ào trên con đường nhiều tróc lở, lắm bụi mù...
Dili xanh và yên bình
Thủ đô nhỏ nhắn Dili của nước cộng hoà non trẻ Timor Leste (tên cũ East Timor – Đông Timor) nằm ngay eo biển Wetar vắng vẻ, bình yên chiều chủ nhật. Hỏi về những ngày bầu cử quốc hội cách đây hơn tháng, cả đợt bầu cử tổng thống mấy tháng trước, các bạn cười nói “cũng có chút lộn xộn nhỏ, vì người dân ở đây nồng nhiệt và thẳng tính, nhưng không có gì nghiêm trọng”. Anh Mark, người Úc, cảnh sát Liên hiệp quốc tôi gặp ở quán bar tối đó cũng nói vậy, “ừ, tôi mừng cho họ, tình hình vậy là ổn và chúng tôi đang chuẩn bị rút”. Cuối cùng, bình yên đã trở về trên nước cộng hoà nhỏ bé và xinh đẹp này.
Vẫn còn đây đó dấu vết của cuộc binh lửa hơn mười năm trước nhưng Dili bây giờ bình yên và xanh ngắt. Biển lấp lánh gần kề, trải ngang thành phố từ đông sang tây. Nơi cánh tây, nhiều lúc biển chỉ cách con đường đẹp Av de Portugal vài mét. Còn bờ đông, buổi sáng sóng lớn còn đánh ướt nhẹp con đường Rua Cristo Rei nằm trên cao. Biển xanh, cộng thêm mấy mảng sú vẹt lấp ló đó đây chôn chân trong biển mặn, càng thêm xanh. Đường phố thì xanh cây. Nhiều khách sẽ ngạc nhiên khi thấy không xa lắm toà nhà cháy đen loang lổ và những gốc cổ thụ cỡ vài người ôm vẫn sừng sững bên đường.
Phố xá bừng lên sức sống trẻ
Còn nhiều điều người Timor Leste cần làm cho đất nước vừa chính thức ra đời mười năm trước. Nhiều công trình đang xây, những con đường đang sửa sang, làm mới, các siêu thị mới tuy chưa nhiều hàng hoá nhưng đông đúc. Tình trạng kẹt xe, ùn tắc đã đây đó xuất hiện… Nhưng trên hết là sức sống mới của những cư dân trẻ của thành phố. Dân số Dili đã tăng khoảng 33% lên đến 234.331 dân trong vòng sáu năm, từ 2004 – 2010. Trong đó, số lượng các bạn trẻ đổ về thành phố học tập làm việc tăng đáng kể. Ở quốc gia chỉ hơn 1 triệu cư dân, Dili có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trong đó, trường đại học quốc gia UNTL (University National Timor Leste) có đến 9.000 sinh viên của bảy phân khoa, chưa kể nhiều trường công lập, dân lập khác… Có thể thấy các bạn trẻ khắp nơi. Vui đùa đông nghẹt trên đường phố hay chăm chỉ với sách vở trong những công viên công cộng có bàn ghế, điện đóm tiện nghi sử dụng miễn phí… Tranh thủ trau dồi ngoại ngữ và nồng nhiệt chào đón khách lạ, Joshua, đến từ Baucau, chia sẻ: “Em biết, khi các tổ chức nước ngoài rút đi, Timor Leste phải tự đứng trên đôi chân của mình nên tụi em phải cố gắng hết sức, để có thể làm được nhiều điều cho đất nước, cho gia đình”.
Sức sống trẻ của Timor Leste còn thể hiện qua nhiều hoạt động tầm cỡ quốc tế mà đất nước nhỏ bé này đã cố gắng và được cộng đồng thế giới chấp nhận. Gọi tên thủ đô Dili là “Thành phố hoà bình” (City of Peace), nguyên Tổng thống José Ramos-Horta, từng đoạt giải thưởng danh giá nhất hành tinh – Nobel Hoà bình năm 1996, đã cùng giới lãnh đạo đất nước cố gắng nhiều để giới thiệu Dili, giới thiệu Timor Leste với thế giới. Cuộc đua toàn cầu hàng năm mang tên Dili – “The City of Peace” Marathon được thế giới ủng hộ nằm trong chiến dịch này. Rồi cuộc đua quốc tế Tour de Timor, phiên bản của Tour de France lừng danh, nhưng khác biệt ở đồi dốc ngất ngưởng của Timor Leste, những con đường chưa hoàn chỉnh, với cái nắng, cái gió miền xích đạo… cũng thu hút các tay đua tên tuổi đổ về.
Tôi rời Timor Leste một tuần trước khi Tour de Timor 2012 bắt đầu, ngày 10.9. Chia tay Dili, tôi chúc cho cuộc đua thành công tốt đẹp, cho cuộc sống bình yên sẽ mãi ngự trị trên miền đất đã quá nhiều khốn khó này. Chân thành đến tận đáy lòng!
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HOÀNG BẢO
Bay Sài Gòn - Dili khoảng trên dưới 6 triệu đồng/một lượt, trung chuyển qua Jakarta, Bali hoặc Singapore. Giá sinh hoạt khá đắt đỏ do Liên hiệp quốc và NGO đổ về nhiều. Đơn vị tiền tệ là đôla Mỹ, chỉ tiền xu (nhỏ hơn 1 USD) là của Timor Leste. Khách sạn từ 20 USD trở lên/phòng. Ăn uống từ 6 USD trở lên/phần, thực phẩm tươi, sạch vì người dân ít hoặc không dùng phân bón, thuốc tăng trưởng. Giao thông công cộng khá thô sơ, ít ỏi. Thiên nhiên được giữ gìn tốt, nhiều làng xóm vẫn giữ nếp sống bản địa xưa.
* Giá xăng ở Indonesia chỉ 4.500 Rp/lít (# 10.000 đồng), trong khi ở Timor Leste là 1.2$/l (# 25.000 đồng) nên có một lượng tương đối xăng dầu được chuyển qua biên giới theo đường không chính thức.

Không có nhận xét nào: